Kỹ năng đưa ra
những câu hỏi đúng, hay đóng vai trò thiết yếu và tiên quyết cho quá trình
nghiên cứu và thu nạp kiến thức của con người. Thế nhưng, rất ít người trong số
chúng ta quan tâm về việc rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi. Chúng ta có học được
gì khi không hỏi?
Học hỏi là hoạt
động, còn người hiểu biết được gọi là người có học vấn, vấn ở đây chính là hỏi.
Hỏi là tên gọi khác của quá trình tư duy. Nói cách khác, về bản chất, để học được,
cách tốt nhất là tự mình phải hỏi được. Câu hỏi là công cụ mạnh mẽ và có lợi.
Biết đặt câu hỏi giúp tăng khả năng học tập và cải thiện mối quan hệ giữa các
cá nhân.
Tại sao khi ta
còn nhỏ thường tự đặt rất nhiều câu hỏi. Người lớn rất đau đầu vì chuyện này.
Và ta hiểu biết thêm rất nhiều từ đấy, bởi đó là việc học tự thân. Nhiều khi việc
đặt câu hỏi có thể đã giúp chúng ta giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Như thiên
tài Albert Eistein từng chia sẻ, không phải là vì ông quá thông minh mà nhờ
kiên trì đặt câu hỏi lâu hơn. Khi đã tìm ra câu hỏi thích hợp, ông có thể giải
quyết vấn đề với ít thời gian hơn.
Chịu khó suy
nghĩ, tìm tòi để đặt ra các câu hỏi đúng, ý nghĩa, kích thích tư duy, tăng cơ hội
giao tiếp và tiến bộ. Chúng ta học được từ những câu hỏi nhiều hơn từ những câu
trả lời. “Tại sao quả táo lại rơi xuống mà không bay lên?” Có lẽ Newton không
phải là người đầu tiên bị một vật gì đó rơi trúng đầu, nhưng ông là người đầu
tiên đặt câu hỏi về điều mà không ai để ý, và say mê tìm kiếm câu trả lời cho
câu hỏi mà những người khác bỏ qua.
Qua những câu hỏi
ta có thể rèn luyện nhiều kỹ năng khác. Khi đặt câu hỏi, chúng ta học được cách
kiểm chứng thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và thích nghi
với những khó khăn. Chúng ta có thể tìm ra con đường mới lạ và đột phá trong những
điều rất đỗi bình thường hằng ngày, những điều mà chúng ta thậm chí còn không để
ý đến.
Câu hỏi và câu
trả lời là hai vế của một hoạt động vấn đáp. Trong xã hội ngày nay, khi mà
Internet đã thu gom được hầu hết tri thức phổ thông của nhân loại, việc tìm ra
câu trả lời trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần bạn biết đặt từ khóa tìm
kiếm đúng, hay nói cách khác là câu hỏi đúng sẽ có rất nhiều câu trả lời cho bạn.
Tạo thói quen đặt câu hỏi chính là cơ sở để chúng ta có thể đặt được những câu
hỏi đúng.
Việc ngại hỏi sẽ
khiến chúng ta e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng đòi hỏi phải
đưa ra ý kiến, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để giao tiếp xã hội và tiến bộ.
Chắc bạn từng chứng kiến những buổi học, trao đổi mà thầy cô cứ phải lặp đi lặp
lại câu hỏi “ai có câu hỏi gì không ạ?” trong sự im lặng. Lý do chính có lẽ là
do chúng ta sợ bị đánh giá là yếu kém chăng? Đừng ngại hỏi, chớ giấu dốt e dè
và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng.
Tất nhiên trong
quá trình giao tiếp không tránh khỏi những câu hỏi ngớ ngẩn, những sai lầm khiến
cho cuộc đối thoại đi theo hướng khác. Đây là một điều các bạn thật sự cần nên
tránh. Phải suy nghĩ thận trọng để có câu hỏi đúng – câu hỏi giúp phát hiện bản
chất vấn đề...với tâm thế học hỏi. Đừng sợ, chỉ là một câu đề nghị thôi mà!
Chúng ta sẽ chẳng mất gì sau khi hỏi cả.
Trong cuộc sống
hiện nay, có người ngại hỏi, lại có những người không dám hỏi, hoặc không có gì
để hỏi. Đó đều là biểu hiện tiêu cực của sự lười tư duy, sống vô cảm, thu mình
trong vỏ ốc…
“Những câu hỏi
còn quan trọng hơn câu trả lời. Bởi nó là động lực khiến ta phải không ngừng học
tập, kiến tạo, thử nghiệm và tiến bộ” (Pete Welter). Hỏi, bạn chỉ dốt trong
giây lát, không hỏi, bạn dốt nát cả đời. Không thể tư duy thì không thể thay đổi
bất kì thứ gì. Cần rèn luyện tư duy phản biện, không ngừng đặt “mười vạn câu hỏi
vì sao”. Đặt câu hỏi cho người khác và cho chính mình là một cách rèn luyện tư
duy .
Đặt câu hỏi
trong giao tiếp là không khó, tuy nhiên đặt câu hỏi như thế nào cho hiệu quả là
một vấn đề khác. Phải chuẩn bị câu hỏi từ trước. Hỏi phải đii từ tổng quan đến
chi tiết. Hỏi phải có mục đích, ngắn gọn, rõ ràng phù hợp với đối tượng lời. Tôn
trọng người được hỏi, không ngắt lời khi người khác trả lời. Đặc biệt phải biết
lắng nghe nắm bắt, suy nghĩ thật kĩ trước khi hỏi.
Đặt câu hỏi là
kỹ năng sống rất cần thiết trong cuộc sống. Thông qua việc đặt câu hỏi thích hợp,
bạn có thể thúc đẩy quá trình giao tiếp diễn ra tốt đẹp và hiệu quả hơn. Đừng
lãng quên những câu hỏi, công cụ mạnh mẽ để học hỏi và không ngừng tò mò về thế
giới xung quanh mình.