Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Cảm nhận về tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong giây phút chia tay

 


Cảm nhận về tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong đoạn trích sau:

Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

- Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

- Ba…a…a… ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa...

[…]

Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:

- Ba đi rồi ba ba về với con.

- Không! – Con bé hét lên, hai tay siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, tập 1)

Bài làm

Chiến tranh có thể tàn phá những gì trên đường nó đi qua, duy nhất tình cảm gia đình không bom đạn nào có thể hủy diệt được. Điều này thể hiện rõ trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Truyện được viết tại chiến trường miền Đông Nam Bộ thời kháng chiến chống Mĩ (1966). Toàn bộ câu chuyện kể về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Xuyên suốt tác phẩm là tình phụ tử của ông Sáu và bé Thu với những chi tiết, hành động khiến người đọc thổn thức, xót xa. Câu chuyện với nhiều tình tiết hấp dẫn đã lấy đi những giọt nước mắt yêu thương của người đọc, nhiều nhất phải nói đến cảnh trước lúc ông Sáu mang ba lô trở lại chiến trường.

Câu chuyện kể về hoàn cảnh của anh Sáu và bé Thu đoàn tụ sau tám năm xa cách. Ngày từ chiến trường trở về, con bé không nhận anh là cha vì vết sẹo in dài trên má. Trong những ngày ông Sáu ở nhà, vì vết thẹo dữ tợn ở bên má phải mà bé Thu cho rằng ông Sáu là người xa lạ, là kẻ xấu, bé nhất định không nhận ba mặc cho ông Sáu dỗ dành, cưng chiều. Đến bữa cơm cuối cùng trước lúc ra đi, ông Sáu gắp cái trứng cá cho bé Thu nhưng nó đã hất ra làm cơm văng tung toé khắp mâm. Trong lúc giận giữ ông Sáu đánh bé Thu. Bé Thu im lặng gắp trứng cá bỏ vào bát rồi chèo xuồng sang nhà bà ngoại. Ở đây, bé Thu được bà ngoại giải thích, em nhận ra ba nhưng vì trời tối bé ngủ lại nhà bà sáng mai mới về. Thu đâu ngờ lúc mình nhận ra ba cũng là lúc ba phải ra đi, bé Thu đứng ở góc nhà, một phần là vì để người lớn chuẩn bị, một phần có lẽ do bé buồn, buồn vì ba phải đi, buồn vì những hành động ngốc nghếch của mình. Bé đứng đó vì muốn nhìn rõ ba hơn, muốn nhìn cả dáng người ba, người mà mẹ, mà bản thân luôn mong chờ suốt mấy năm qua. Bé Thu đứng đó cũng có thể do bé cô đơn, bé cảm thấy ba không quan tâm thương yêu mình nữa.

Trái ngược với cảm xúc hỗn loạn của bé Thu, ông Sáu nhìn con “với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu”. Chắc ông Sáu rất xót xa, con gái yêu đang đứng đó nhưng ông không thể ôm con, hôn con vì sợ “nó giẫy lên lại bỏ chạy”, ông “chỉ đứng nhìn nó”. Đọc đoạn trích, người đọc thương bé Thu sống thiếu tình ba, yêu ba đến cố chấp, bé chỉ yêu thương người ba “thực sự” – người chụp ảnh cùng má, cũng vì thế mà bé không chấp nhận ông Sáu. Người đọc cũng xót xa, cũng thương ông Sáu, ông yêu con, thương con mà đến lúc đi vẫn chỉ có thể đứng nhìn con từ xa và con gái không nhận mình là ba. Tất cả những nỗi đau thương xót xa trên chỉ vì chiến tranh, vì tham vọng của các nước đế quốc đã phát động chiến tranh phá vỡ bao gia đình hạnh phúc, khiến họ tan cửa, nát nhà, cha con, mẹ con lạc nhau, không nhận ra nhau …

Từ cái nhìn tinh tế, tác giả đã nhận ra những biến đổi nhỏ ở bé Thu “tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”, khi ông Sáu nói lời tạm biệt mọi người, trong lúc ông Sáu cứ nghĩ bé Thu vẫn chưa nhận ra ông Sáu là cha. Bé Thu vẫn đứng yên đó thôi nhưng tình cha con của bé Thu đã trỗi dậy, bé thu bỗng kêu thét lên: “Ba …a …a … ba”. Tác giả sử dụng từ “kêu thét” mà không phải là kêu gào, kêu lớn, đã phần nào diến tả tâm trang của bé Thu: lo sợ, buồn tủi. Bé kêu thét – sự đột ngột, sự dồn nén cảm xúc đã từ lâu giờ mới có cơ hội để thổ lộ. “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”, tiếng kêu đó xé cả bức tường mỏng manh ngăn dòng cảm xúc của người đọc, tất cả như vỡ oà, người đọc thổn thức cùng bé Thu, thổn thức với tình cảm của bé.

Tiếng “ba” này em đã ấp ủ lâu biết bao nhiêu, nuôi dưỡng nó lớn lên từng ngày, tiếng “ba” như “vỡ tung ra từ đáy lòng”. Tình cảm dồn nén biết bao năm nay vỡ tung qua tiếng gọi “ba”, qua hành động của bé: “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc”, em chạy thật nhanh vì sợ ba đi mất, người ba mà em đã chờ thật lâu chuẩn bị đi rồi, em leo lên người ba, vòng tay qua cổ ba, ôm thật chặt, rồi như sợ không giữ được ba, em còn giữ chặt bằng cả hai chân – Một suy nghĩ trẻ thơ đánh mạnh vào trái tim người đọc, em dùng tất cả sức mình để giữ chặt ba lại. Tác giả tinh tế chỉ ra điểm đặc biệt, điểm nổi bật của tình cảm mà bé Thu dành cho ba: “Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên”. Tóc tơ rất nhỏ, rất mảnh, mềm và thường rất khó thấy nhưng tác giả lại thấy nó như dựng đứng lên – sự run rẩy, sợ hãi của một đứa trẻ đến tột độ, đến ngay cả sợi tóc tơ dường như cũng có cảm xúc.

Được ba bế lên, bé Thu hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, bé còn hôn cả vết thẹo dài trên má của ông Sáu nữa. Không chỉ từ tiếng gọi “ba” thừa nhận ông Sáu, bé Thu còn hôn cả vết thẹo, bé muốn nói rằng bé không còn ghét bỏ vết thẹo này nữa, bé thương ba nên thương cả vết thẹo – kết quả sự tàn ác của chiến tranh. Nhưng vừa nhận ba thì cũng là lúc phải chia tay.Phải chăng lúc ấy Thu thật sự thấy xót xa, ân hận về lỗi lầm của mình, thật sự thấy xót thương người cha đau khổ? Nó mếu máo “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba…”. Tất cả lời nói thể hiện rõ tính cách của một cô bé bồng bột thơ ngây và chứng tỏ lòng yêu thương vô bờ của em đối với ba. Thật sâu sắc và cao đẹp biết bao. Có lẽ lúc này bé Thu đã trở thành một người lớn thực sự. Tất cả sự dỗi hờn của bé Thu lúc này đều chuyển thành lòng yêu thương sâu sắc ba nó. Trong cái ương ngạnh, bướng bỉnh, trong cái giận dỗi và cả sự hối hận của Thu, ta vẫn thấy bé thật thơ ngây, thật đáng yêu.

Từ nỗi thất vọng sau chuyến về thăm nhà, từ sự hối hận vì lỡ tay đánh con. Mặt đối mặt, tình rất gần nhưng anh vẫn thấy khoảng cách với con rất xa. Mang ba lô lên vai rồi anh cũng không dám lại gần con vì sợ nó bỏ chạy, hoàn cảnh thật trớ trêu và xót xa: “Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” và cất tiếng chào khe khẽ: “Thôi! Ba đi nghe con!”. Được con gọi “ba”, được con ôm hôn anh sung sướng vô cùng, sung sướng đến trào nước mắt. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người cha khi nhận được tình ruột thịt từ con. Và không muốn cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con…Thế là con bé đã gọi anh bằng ba. Ai có thể ngờ được một người lính đã dày dạn nơi chiến trường và quen với cái chết cận kề lại là người vô cùng mềm yếu trong tình cảm cha con. Sau bao năm tháng mong chờ, đau khổ, anh Sáu đã được đón nhận một niềm vui vô bờ. Bây giờ anh có thể ra đi với một yên tâm lớn rằng ở quê nhà có một đứa con gái thân yêu luôn chờ đợi anh, từng giây từng phút mong anh quay về. Nhưng giây phút được gần con quá ngắn ngủi, ngay lúc này anh phải trở về đơn vị nhận nhiệm vụ mới thế là anh lại phải gác tình riêng theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Hai cha con phải chia tay nhau trong nước mắt, trong sự bịn rịn lưu luyến.

 Đoạn trích bộc lộ được tình cảm cha con sâu sắc giữa bé Thu với ba với nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc: Từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Thể hiện được điều đó chứng tỏ tác giả am hiểu tâm lí trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ. Bằng ngôn ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ kết hợp tình huống bất ngờ hợp lí,đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tình cảm yêu thương sâu nặng của hai cha con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Nguyễn Quang Sáng ca ngợi tình cha con vĩnh hằng, lên án chiến tranh phi nghĩa đã phá huỷ, chia cắt biết bao gia đình, đó là bài học về hạnh phúc gia đình. Chúng ta cần trân trọng, gìn giữ và bảo vệ gia đình – hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi xây dựng tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Đọc thiên truyện, người đọc hẳn đã có lần rơi lệ vì cảm động. Và còn vì thấy trong đó thấp thoáng đâu đây bóng dáng bản thân, của người cha thân yêu của mình nữa. Tình phụ tử đó chính là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cõi đời này. Và bởi thế, đọc “Chiếc lược ngà” để ta trân trọng hơn những người thân yêu ruột thịt quanh mình, trân trọng hơn những tình cảm sâu sắc ta đang được nhận. Và hơn hết, đọc thiên truyện ngắn này, ta biết yêu thương, sẻ chia và sống xứng đáng với những đấng sinh thành của bản thân. Không chỉ gợi những tình cảm trong sáng, cao quý, “Chiếc lược ngà” còn mang đến cho người đọc những bài học nhân sinh đầy nhân ái. Và vì thế, đây thực sự là một thiên truyện hay trong hành trang của những người Việt trẻ!

Bùi Thị Mai Yến (Học sinh lớp 9A- THCS Nguyễn Biểu)