Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Thế nào là tranh luận có văn hóa?


 

Tranh luận có lẽ không còn một khái niệm xa lạ với chúng ta, nhất là đối với người trẻ khi mà việc đưa ra ý kiến cá nhân và phản biện được ủng hộ ở nhiều nơi từ nhà trường đến xã hội. Tuy nhiên, tranh luận không phải là cãi nhau và ranh giới giữa hai khái niệm này sẽ rất mong manh nếu chúng ta không biết kiềm chế và cư xử đúng cách.

Tranh luận, theo cách đơn giản nhất là dùng những lý lẽ, quan điểm cá nhân để cùng nhau làm sáng tỏ sự thật, đúng sai về một vấn đề, một sự việc… Nó là một sinh hoạt bình thường trong cuộc sống. Những cuộc tranh luận lành mạnh tạo ra những góc nhìn, tiếng nói đa chiều, thúc đẩy sự tiến bộ. Văn hóa tranh luận cần và buộc phải có trong một xã hội có ý thức và muốn có sự phát triển văn minh.

Trong gia đình, việc tranh luận vô cùng quan trọng, con cái học hỏi các tri thức, tiếp nhận thông tin và học cách xử lý vấn đề qua tranh luận (trò chuyện) với cha mẹ, ông bà… để hình thành nên ý thức và nhân cách. Trong nhà trường, các cuộc tranh luận thường xuyên được tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh, giữa các học sinh với nhau để phát triển tư duy, nhận thức và tình cảm…

Một xã hội không có tranh luận là một xã hội không còn suy nghĩ. Các cá nhân khác nhau sẽ có những suy nghĩ, biểu đạt và tư duy khác nhau  và sẽ có tranh luận. Đừng ngại tranh luận, vì đó là cội nguồn của phát triển. Chẳng phải các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và xã hội mà chúng ta đạt được ngày nay là nhờ ở sự tranh luận và cạnh tranh không ngừng giữa các ý kiến? Bằng cách đặt sự nghi ngờ và tranh luận về tính đúng đắn hay tối ưu của các phát kiến trước mà những người đi sau luôn tìm cách cải thiện nên những điều tốt đẹp hơn.

Tranh luận không phải là cuộc đua tìm ra người đúng người sai, nó là quá trình để mỗi người bày tỏ và bảo vệ ý kiến cá nhân một cách thuyết phục và hợp lý; đồng thời cũng là cơ hội để học cách lắng nghe, chấp nhận và tiếp thu quan điểm của người khác. Tranh luận cần có văn hóa.

Một cuộc tranh luận đúng nghĩa là người tham gia tranh luận phải có tâm cầu thị. Đã không có tâm cầu thị, chắc chắn người ta sẽ tham gia tranh luận với những động cơ thiếu lương thiện khiến cuộc tranh luận sẽ chắc chắn chẳng đi tới đâu. Tranh luận là một hoạt động mang tính logic và lý trí nhiều hơn, vì vậy nếu bạn để cảm xúc chi phối những suy nghĩ của mình, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ bị “tức giận làm mờ mắt” và đưa cuộc tranh luận vào ngõ cụt.

Tranh luận cần có sự tôn trọng giữa những người tham gia vào cuộc tranh luận, dùng các tri thức, sự tư duy, kinh nghiệm, lý thuyết, sự tiên đoán, khái quát,… và tất cả các cơ sở có thể dùng được liên quan đến vấn đề để lập luận nhằm tìm ra những kết luận, nhận định cốt lõi của vấn đề. Đừng để bản tính hiếu thắng chiến thắng con người chính trực trong bạn và sử dụng những dữ liệu, thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, bóp méo, vu khống người đang tranh luận với mình.

Tranh luận cần tôn trọng đối phương. Nếu thực sự coi mục đích của tranh luận là để phân minh phải trái đúng sai, thì không có lý do gì để thiếu tôn trọng đối phương. Không tấn công vào cá nhân người đang tranh luận mà phải xét đến sự công bằng về vị thế đối với bất kể ai. Ngôn từ đúng mức, thể hiện quan điểm một cách ôn hòa trong giới hạn vấn đề đang được tranh luận. Tránh công kích, chì chiết, miệt thị nhau nhằm hạ thấp quan điểm của người đang tranh luận với mình, “Cả vú lấp miệng em”, biến cuộc tranh luận thành cuộc cãi vã, đụng độ cá nhân.

Thực tế, điều thường thấy trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là trên báo chí và trên các trang mạng xã hội rất ít tranh luận đúng nghĩa mà phần nhiều là các cuộc cãi vã vô bổ, những cuộc ẩu đả về ngôn từ và cuối cùng là quay ra xúc phạm, miệt thị nhau khi không thể chiến thắng được đối phương thậm chí thành những xung đột. Một vấn đề liên quan đến một cá nhân gây tranh luận, thay vì tìm lý lẽ riêng mà bàn luận một cách logic để làm sáng tỏ vấn đề, người ta lại quay sang suy luận cảm tính, chế diễu, mỉa mai, thậm chí bới móc quá khứ đời tư, những điều không liên quan đến chủ đề tranh luận, nhằm hạ thấp nhân cách, làm lu mờ quan điểm của đối tượng và của nhau. Tư duy cảm tính, ngụy biện, thói quen chỉ trích người khác, luôn mặc định là mình đúng… hay sự thiếu thiện chí, không đủ tôn trọng đối với người cùng tranh luận, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những ý kiến bất đồng với mình… Tất cả, đang làm nên thực trạng tranh luận đáng báo động hiện nay tại Việt Nam.

Bất cứ một văn hóa nào cũng cần phải học, tranh luận cũng vậy. Hãy bắt đầu bằng việc thể hiện các quan điểm tranh luận và phản biện nghiêm túc. Từ một người, vài người, và từ từ sẽ hình thành nên một văn hóa. Đừng né tránh các cuộc tranh luận, hãy lựa chọn và tham gia các cuộc tranh luận mà bạn cho là thực sự có ích. Hãy phát huy tối đa năng lực của bạn sao cho cuộc tranh luận sẽ không rơi vào một cuộc kịch chiến không có kết quả. Hãy nhớ dù bất kỳ là ở đâu, trong bất cứ môi trường nào diễn đàn nào,trong đời sống hay trên không gian mạng những ý kiến tranh luận đều cần đạt tới những chuẩn mực nhất định và phải xuất phát từ sự tôn trọng người đối thoại và cả những ý kiến trái với mình.

Tranh luận là một cách rất tốt để học hỏi, trau dồi kĩ năng viết, nói và tư duy phản biện của mình. Thế nên đừng ngại tranh luận, nhưng hãy công bằng, cởi mở, dân chủ.