Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:


 Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

                   (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Bài làm

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một kiệt tác tiêu biểu và nổi bật. Giá trị vững bền của tác phẩm được tạo nên không chỉ ở mặt nội dung cốt truyện hấp dẫn mà còn thể hiện qua những bút pháp nghệ thuật đặc sắc và nổi bật là nghệ thuật miêu tả tâm lí, nội tâm nhân vật. "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những trích đoạn thể hiện rõ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả Nguyễn Du. Trong đoạn trích này, chúng ta có thể thấy được tâm cảnh cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.Với ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Du lách sâu và tinh tế khắc họa dòng tâm trạng của nhân vật khi miêu tả nỗi nhớ của Thúy Kiều:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Đoạn thơ là một bức tranh tâm tình. Nét trữ tình đằm thắm nổi lên từ bức tranh là tình cảm nhớ thương tha thiết đối với cha mẹ và người yêu của một người con gái tài hoa phải sống đày đọa trong một xã hội bất công. Người đọc không chỉ cảm thương với nỗi buồn của nhân vật, càng lắng sâu vào từng ý từng lời của đoạn thơ lại thấy từ nỗi buồn vụt lên một tiếng kêu thương, một lời tố cáo.

Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vì sợ mất vốn lẫn lời nên đã hứa đợi Kiều bình phục sẽ gả nàng vào nơi tử tế rồi mụ đưa Kiều ra lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng. Thân gái một mình nơi đất khách quê người Kiều sống ở lầu Ngưng Bích với tâm trạng cô đơn buồn tủi. Trước mắt nàng chỉ là một không gian mênh mông với non xa trăng gần, với những cồn cát bụi bay mù mịt, còn thời gian thì tuần hoàn khép kín không gian và thời gian ấy như giam hãm con người, khiến nàng cảm thấy cô đơn buồn tủi đau đớn, tan nát cõi lòng. Tình trạng cô đơn gần như tuyệt đối này làm dấy lên trong lòng Thúy Kiều bao nỗi niềm buồn sầu, thương nhớ. Kiều hồi tưởng lại những ngày xưa bình yên hạnh phúc. Kiều nhớ về Kim Trọng – người nàng yêu thương, nhưng lại phải phụ bạc, nhớ về song thân ở nhà mong ngóng tin con.

Nàng nhớ đến Kim Trọng với lời hẹn ước năm xưa mà lòng đau như cắt:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nhớ về Kim Trọng trước, đó là một nét bút đặc sắc, độc đáo và phù hợp với tâm lí, thể hiện tấm lòng chung thủy của Kiều. Các từ ngữ “tưởng”, “trông”, “chờ” trong ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Kiều đã làm bật lên nỗi nhớ Kim Trọng khôn nguôi của nàng. Nhìn vầng trăng xa mờ, nàng “tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Dưới nguyệt là dưới trăng, chén đồng là chén rượu thề nguyền. Kiều nhớ lời thề đôi lứa, lời hẹn ước trăm năm. Chén rượu thề như còn đây mà nay mỗi người mỗi ngả. Nàng xót xa ân hận xót xa như kẻ phụ tình. Nàng chỉ dám “tưởng” chứ không phải là mong, là thương, là nhớ. Câu thơ như có nhịp thổn thức của trái tim yêu thương đang rỉ máu. Nhớ về Kim Trọng đau đớn hình dung. Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, “rày trông mai chờ” uổng công vô ích khiến nàng càng thêm xót xa, càng thấp thỏm lo âu. Càng nhớ chàng bao nhiêu thì Kiều càng thương cho số phận mình bấy nhiêu:

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Thương thân mình bơ vơ trên trời, góc bể, càng nuối tiếc cho mối tình đầu. Dù cho mỗi người một phương nhưng tình cản, tấm lòng son của nàng dành cho Kim Trọng là mãi mãi, không thể phai mờ. Càng nghĩ Kiều càng lo lắng, khiến nàng bật lên câu hỏi tu từ:trên bước đường trôi dạt nơi “bên trời góc bể”, bao giờ nàng mới có thể gột rửa sạch những hoen ố của tấm son để có thể đáp lại tình yêu của Kim Trọng dành cho nàng. “Tấm son” trong câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"có thể hiểu “tấm son” của Kiều đã bị hoen ố nàng không còn là một thiếu nữ phòng khuê, nhưng có thể hiểu "tấm son"là tấm lòng chung thủy son sắc của nàng dành cho Kim Trọng chẳng bao giờ nguôi ngoai. Trong nỗi nhớ ấy người đọc nhận ra một tâm trạng xót xa đau đớn. Kiểu tự ý thức được cảnh ngộ của mình, nên nỗi đau càng như xé gan ruột. Nàng tự hứa “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” như khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt thề non ước biển của kẻ chung tình. Kiều nuối tiếc mối tình đầu trong trắng của mình, nàng thấm thía tình cảnh cô đơn của mình, và cũng hơn ai hết, nàng hiểu rằng sẽ không bao giờ có thể gột rửa được tấm lòng son sắt, thủy chung của mình với chàng Kim. Đặt trong hoàn cảnh cô đơn Kiều đã tạm để tấm lòng mình lắng xuống và nhớ đến Kim Trọng. Đó là sự vị tha và tấm lòng chung thủy của một người. Và thực sự, bóng chàng Kim cũng sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc.

Chưa vơi nỗi nhớ người yêu, tâm can Kiều lại càng chồng chất nỗi nhớ thương cha mẹ, nên nhớ tới Kim Trọng nàng “tưởng" thì nhớ tới cha mẹ nàng "xót":

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Mặc dầu nàng đã liều đem tấc cỏ, quyết đền ba xuân, cứu được cha và em thoát khỏi vòng tù tội, nhưng nghĩ về cha mẹ, bao trùm trong nàng là một nỗi xót xa lo lắng. Kiều đau lòng khi nghĩ đến cảnh cha mẹ già tựa cửa trông ngóng tin con. Nàng lo lắng không biết khi thời tiết thay đổi ai là người chăm sóc cha mẹ. Nguyễn Du đã rất thành công khi sử dụng thành ngữ, điển cố (tựa cửa hôm mai, quạt nồng ấp lạnh, gốc tử) để thể hiện tình cảm nhớ nhung sâu nặng cũng như những băn khoăn, trăn trở của Kiều khi nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến bổn phận làm con của mình. Nhớ về cha mẹ Kiều còn tưởng tượng ra cảnh giờ đây quê nhà đã đổi thay. Rất nhiều từ ngữ lấy từ điển cố cùng với từ ngữ dân gian vừa nói được thời gian xa cách, vừa nói đến sự tàn phai khốc liệt của thiên nhiên đối với con người. Sự đổi thay khiến nàng lo lắng nhất là “Có khi gốc tử đã vừa người ôm"nghĩa là cha mẹ mỗi ngày thêm một già yếu nàng thì chẳng thể nào chăm sóc. Cụm từ "cách mấy nắng mưa" vừa nói được thời gian xa cách qua bao mùa mưa nắng vừa nói lên sự tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa đối với con người và cảnh vật. Nhớ về cha mẹ Kiều "nhớ ơn chín chữ cao sâu"và luôn ân hận day dứt vì đã phụ công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Nỗi nhớ của nàng được gửi gắm vào chiều dài thời gian, chiều sâu không gian bởi vậy mà càng thêm sâu xa. Tâm trạng nhớ thương vời vợi cùng với nỗi xót xa thể hiện sâu sắc tấm lòng hiếu thảo của nàng. Trong cảnh bình rơi trâm gãy Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng không nghĩ đến mình mà vẫn nhớ thương cha mẹ và người thân. Kiều thực sự là người tình thủy chung một người con hiếu thảo có tấm lòng vị tha đáng trân trọng.

Để Kiều nhớ Kim trọng trước, sau mới nghĩ về cha mẹ là một nét bút đặc sắc, độc đáo của Nguyễn Du phù hợp với quy luật tâm lý. Sau khi Kiều bán mình để có hiếu với cha mẹ, nàng có quyền sống với những tình cảm của riêng mình. Mặt khác,đối với tuổi trẻ, tình yêu trong tim có sức mạnh lớn lao, có thể lấn át cả lí trí. Nỗi nhớ Kim Trọng là nỗi nhớ mãnh liệt trong cả con tim và lí trí của Kiều. Đúng như nhận xét về Thúy Kiều của Nguyễn Lộc: "Thúy Kiều không còn là con người bình thường mà phải là một nhân cách một thước đo một nguyên lý cuộc sống để mọi giá trị thực hay giả của đời sống đối chiếu với nó hay soi mình vào đó sẽ bộc lộ tất cả những bản chất tuyệt vời cao đẹp hay bỉ ổi xấu xa không thể ngụy trang che dấu được". Đoạn thơ đã miêu tả được tấm chân tình, vẻ đẹp cao cả của nhân vật Thúy Kiều. Nói đến Kiều, người ta thường nói đến cái tài, cái sắc, nhưng chính cái tình của Kiều đối với gia đình, đối với người yêu, đối với tất thảy mọi người trong cuộc đời này mới là điều làm nên nhân cách cao đẹp của Kiều. Hơn hai trăm năm đã đi qua, tiếng thơ Nguyễn Du vẫn vang vọng từ quá khứ vào hiện tại và cả tương lai.

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm, phong cách cổ điển hài hòa với phong cách dân tộc tạo nên những vần thơ biểu cảm thể hiện một tâm trạng bi kịch, một cảnh ngộ đầy bi kịch của Kiều. Mỗi câu chữ của Nguyễn Du đều phản ánh một mức độ khác nhau trong sự nhớ thương đau đớn của Kiều. Qua đó, cho thấy Nguyễn Du đã thực sự hiểu nỗi lòng nhân vật trong cảnh đời bất hạnh để ca ngợi tấm lòng cao đẹp của nhân vật, để giúp ta hiểu thêm tâm hồn của những người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh.

Ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du thì Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ cùng là một tác phẩm giúp ta không chỉ hiểu và cảm thông cho số phận bất hạnh mà còn thấy được thái độ ngợi ca sâu sắc của các tác giả trung đại về vẻ đẹp người phụ nữ. Họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp, tài năng và đức hạnh. Các tác giả đã không ngần ngại mà dành bút lực của mình vào việc ngợi ca vẻ đẹp của những người con gái ấy. Nguyễn Du tập trung vào miêu tả, ngợi ca vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, chứa đầy thần sắc của Thúy Kiều. Còn Vũ Nương, tuy không được Nguyễn Dữ miêu tả nhiều nhưng cũng đủ để khiến ta hình dung về một người phụ nữ có nhan sắc. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến còn nhiều bất công đối với người phụ nữ, đây thực sự là một thái độ hết sức nhân văn. Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, điều mà các tác giả trung đại tập trung nhiều bút lực nhất vẫn là vẻ đẹp về mặt tâm hồn, tinh thần. Cuộc đời Thúy Kiều là một chuỗi những bất hạnh, kéo dài suốt mười lăm năm lưu lạc nhưng lúc nào nàng cũng hiện lên là người con gái có phẩm chất tốt đẹp. Vì lòng hiếu, nàng dứt bỏ tình riêng, bán mình chuộc cha; dấn thân vào chốn hang hùm miệng sói, tương lai mờ mịt mà vẫn một lòng nhớ thương lo lắng cho mẹ cha, cho em, cho người mình yêu. Ở Thúy Kiều có sự vị tha và tình yêu thương thật đáng trân trọng. Vẻ đẹp của Vũ Nương lại được Nguyễn Dữ khái quát ngắn gọn trong mấy từ “tư dung tốt đẹp” và chứng minh nó bằng hàng loạt những hành động của nàng: chăm lo, vun vén gia đình, nuôi con, chăm sóc mẹ chồng... Nàng hiện lên là một người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó, vị tha, hi sinh hết mực. Không chỉ vậy, họ còn là những người phụ nữ có lòng tự trọng, có ý thức giữ gìn nhân phẩm của mình một cách cao độ. Thúy Kiều khi biết mình bị lừa bán vào lầu xanh đã tìm cách quyên sinh đế giữ gìn phẩm hạnh. Trải qua biết bao vùi dập của số phận của xã hội, nàng vẫn không vì thế mà thay đổi bản chất lương thiện vốn có của mình. Vũ Nương trước nỗi oan khiên không thể hóa giải, đã nhảy xuống sông Hoàng Giang dùng cái chết để chiêu tuyết cho tấm lòng trinh bạch. Vũ Nương hay Thúy Kiều đều là những người phụ nữ đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Viết về những người phụ nữ, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Tất cả người phụ nữ do những hạn chế của xã hôi, đều vướng vào những hoàn cảnh bi kịch khác nhau nhưng vẫn luôn ngoài sáng ánh sáng của nhân phẩm. Đó là một điều đáng trân trọng.

Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã dành những trang văn ưu ái và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình để viết về Vũ Nương và Kiều. Vẻ đẹp cũng như số phận của Thúy Kiều, Vũ Nương cũng là vẻ đẹp số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Sự bó buộc của xã hội phong kiến, sự tàn ác của những thế lực đen tối đã khiến cho cuộc đời của họ đầy những chông gai, sóng gió. Nhưng dù khó khăn đến đâu, ở họ vẫn luôn ánh lên một vẻ đẹp của nhân cách, của tình yêu thương, của niềm lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. Đọc lại những áng thơ văn xưa, chúng ta cảm thông, xót thương biết bao cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, ta càng trân trọng hơn vẻ đẹp sáng ngời của họ trong xã hội khắc nghiệt ấy. Điều đó cũng nhắc nhở thế hệ trẻ chúng hiểu hơn giá trị của cuộc sống ngày nay với bao điều tốt đẹp. Ở đó người phụ nữ được trân trọng, yêu quý và được sống với hạnh phúc của mình đã tìm kiếm và vun đắp.