Bất
kì bậc phụ huynh nào cũng có thể đặt hy vọng, niềm tin vào con cái. Những kỳ vọng
của cha mẹ sẽ mang đến sự khích lệ, động viên, hay trở thành áp lực cho con
cái? Sự mong mỏi hợp lý của cha mẹ là động lực cho các em cố gắng phấn đấu và
hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, khi kỳ vọng quá cao xa, cha mẹ lại vô tình tạo
áp lực khiến trẻ rơi trầm cảm, bế tắc.
Trong
xã hội hiện đại, con cái đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ và gia
đình. Hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng giành những điều tốt đẹp nhất có thể
cho con. Cha mẹ mong con cái luôn được khỏe mạnh, hạnh phúc, tự lập, có khả
năng tránh được những điều xấu … Yêu con, chiều con, dành mọi tâm sức cho con,
nhiều bậc phụ huynh đã kỳ vọng thái quá vào con. Nó lại biến thành áp lực phần
lớn là do những điều kỳ vọng này không phù hợp hoặc thậm chí mâu thuẫn với những
khả năng, nguyện vọng, sở thích của con.
Hiện
nay, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với nhịp độ học căng thẳng, chạy đua với thời
gian mỗi ngày, từ học ở trường, học thêm, học ở nhà. Bản thân các bạn luôn phải
“căng mình” để có thể đáp ứng với nhịp độ ấy. Nhiều học sinh mắc bệnh trầm cảm,
tâm thần, thậm chí tự tử khi không đạt kết quả học tập như bố mẹ kỳ vọng, đặc
biệt ở các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp trung học phổ thông hay thi đại học,
cao đẳng...
Những
sự kì vọng này thể hiện tình cảm, sự quan tâm và mong mỏi của cha mẹ đối với
con cái. Mặc dù vậy, sự kì vọng của cha mẹ vô hình chung cũng tạo áp lực cho
con cái. Họ vẫn không ngừng áp đặt cho con những mục tiêu lớn lao, không phù hợp
và khiến cho con mình khổ sở vì điều đó. Cha mẹ truyền ước mơ, hoài bão và đam
mê của bản thân cho con, đưa ra những kì vọng không phù hợp với mong muốn, nguyện
vọng, với tính cách của con cái. Cha mẹ chịu áp lực từ xã hội nên kỳ vọng vào
con. Dường như đứa con là một thứ “trang sức” của cha mẹ để họ mở mày mở mặt
khi “khoe” với bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Khi không ước tính chính xác được
năng lực thưc tế của con, do đó họ thường mong muốn trẻ làm những điều mà chúng
chưa thể làm được, sau đó phán xét và trừng phạt chúng theo kì vọng đó. Do cha
mẹ lo lắng về tương lai, sợ con vấp ngã, thất bại hay không vượt qua cuộc sống
cạnh tranh khốc liệt, thường thúc ép con trong việc học hành, nhiều bậc phụ
huynh khắt khe, áp đặt con cái trong mọi hoạt động.
Vả
lại ở độ tuổi này, các bạn trẻ đang muốn chứng tỏ bản thân đã lớn, thích được độc
lập, muốn thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ và dễ có thái độ chống đối nếu bị
áp đặt, kiểm soát.Các bạn bắt đầu bị phân tâm với nhiều vấn đề xung quanh như:
thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình…
Ảnh
hưởng đầu tiên đối với các bạn học sinh là áp lực về tinh thần. Các bạn luôn cảm
thấy ngột ngạt trong những kì vọng quá lớn lao, cảm thấy chơi vơi, bế tắc trong
chính vòng tay của bố mẹ. Các bạn hoang mang, lo lắng và không chắc chắn về
tương lai của bản thân. Trước những mong mỏi không phù hợp, các bạn dần xuất hiện
những cảm xúc tiêu cưc như tự ti, giảm lòng tự trọng. Các bạn dần trở nên nhút
nhát trước đám đông, không dám thể hiện bản thân. Các bạn mất dần sự sáng tạo, từ bỏ theo đuổi mục tiêu và làm những
điều mình thích thì sẽ khó thành công, có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.
Các
bạn có thể xuất hiện những hành vi chống đối, đi ngược lại những mong muốn của
cha mẹ khi thấy những kì vọng không thích hợp. Đặt lên vai các bạn gánh nặng,
lâu ngày sẽ trở thành“bức tường thành” đầy khoảng cách và mâu thuẫn giữa cha mẹ
và con cái. Sự mâu thuẫn khi phải thuyết phục, đấu tranh với cha mẹ để được
theo đuổi đam mê của chính mình có thể dẫn đến bất đồng trong mối quan hệ trong
gia đình và ngoài xã hội. Có khi các bạn khiên cưỡng thực hiện những kì vọng của bố mẹ,
kết quả cũng không như ý muốn. Một số trường hợp, các bạn có thể mắc một số rối
loạn tâm thần nếu không được động viên, can thiệp kịp thời như trầm cảm, lo âu,
rối loạn bướng bỉnh chống đối… Đôi khi những cử chỉ, sắc thái hay hành động vô
tình của cha mẹ cũng dễ làm các bạn bị tổn thương dẫn đến những quyết định
không đáng có.
Sự
kì vọng sẽ có tác dụng khi cha mẹ hiểu được năng lực, tính cách và nguyện vọng
của con cái để cùng con đưa ra những mục tiêu phù hợp. Các bậc phụ huynh không
nên nghĩ rằng, càng kỳ vọng vào con sẽ khiến cho chúng phải cố gắng hơn, phải nỗ
lực hơn. Đừng biến con thành thứ “trang sức” luôn sáng bóng, khiến những người
xung quanh phải trầm trồ khen ngợi, so sánh, thúc ép con phải học thật giỏi, nổi
bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Bởi vì sức người có hạn và khả năng của mỗi
người mỗi khác. Cha mẹ cũng đừng bao giờ sỉ vả hay đối xử phân biệt với con
cái. Làm như vậy sẽ tổn thương lòng tự trọng và cái tôi của các con. Nó không
có tác dụng khiến con cố gắng hơn, mà nó chỉ làm cho các bạn nhụt chí, tự ti, mặc
cảm hơn mà thôi. Có nhà triết học đã nói “ngọn lửa trái tim làm bùng cháy ngọn
lửa trí tuệ”. Hãy để các bạn trẻ được theo đuổi và thực hiện đam mê của chính
mình. Các bậc phụ huynh sẽ là người đồng hành lý tưởng động viên, cổ vũ và định
hướng con em mình. Muốn con thành công, các bậc phụ huynh nên đề cao sự nỗ lực
của con, chứ không phải xoáy sâu vào thành tích
Các
bạn trẻ cần học cách đối mặt với những kì vọng của cha mẹ. Các bạn luôn muốn
làm cha mẹ mình vui và hạnh phúc nhưng cũng cần đưa ra những ý kiến cá nhân,
làm những gì mình thực sự muốn với cha mẹ. Trao đổi, nói chuyện chứng minh bằng
hành động học tập, làm việc thực tế với tinh thần trách nhiệm, hăng say để cha
mẹ sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của bạn, tin tưởng bạn và cho phép con được
là chính mình, hỗ trợ bạn trong những lúc khó khăn nhất.
Áp lực tốt
nhất mà phụ huyng dành cho con là bản thân các bạn tự đặt áp lực cho chính mình
để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích. Cha mẹ kỳ vọng
vào con là điều hoàn toàn chính đáng nhưng cần đúng mực và tạo điều kiện tốt nhất
cho con được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất.