Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

SỬ DỤNG NÚT “LIKE” ĐÚNG CÁCH


 

Nút Like được “sinh ra” để thể hiện sự tương tác giữa những người thân quen với nhau khi sử dụng Facebook, xuất phát điểm của nút like hoàn toàn được dùng với mục đích “quan tâm”. Nhưng phải chăng vì nút like, share là “miễn phí” nên chúng ta đang sử dụng nó quá phóng khoáng và dễ dãi cho bất cứ điều gì mà mình thấy mỗi ngày trên Facebook?

Tính năng "like" đã được Facebook giới thiệu vào năm 2009, và tính năng này đã dần trở nên phổ biến đến nỗi nó đã trở thành một danh từ đúng nghĩa: một cái "like". Cách đây 7 năm, Facebook đã đạt được mức khoảng 1 tỉ “like" một ngày. Chắc chắn con số đó hiện nay lớn hơn rất nhiều và không chỉ gói gọn trong mạng Facebook nữa mà ở tất cả các mạng xã hội.

Mỗi ngày bạn bấm like bao nhiêu lần, share bao nhiêu tin, tất cả đều thật sự có ý nghĩa chứ? Đã bao giờ bạn nghĩ đến điều đó khi đang dành một khối lượng lớn thời gian của mình để sử dụng Facebook. Có một sự thật rằng, chúng ta quá dễ dàng like/share bất cứ thông tin nào xuất hiện trên mạng xã hội mà không cần biết điều đó có thật sự chính xác hay không. Thậm chí, bạn có thể thả like khi lướt qua một bài đăng dù không biết nội dung của nó là gì. Lâu dần, từ sự quan tâm, nút like trở thành phản xạ, quán tính của một thói quen đầy vô cảm mà không phải ai cũng nhận ra.

Mạng xã hội là ảo nhưng mỗi like, share đều tạo ra cảm giác thỏa mãn cho cá nhân; đều mang lại niềm vui. Đánh vào sự tò mò hiếu kì, lòng tốt, niềm tin mù quáng,… của người dùng mạng, không ít đối tượng đua nhau chia sẻ, đăng tải những vấn đề “nóng” của xã hội thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Thậm chí, nhiều người còn tự tạo dựng những sự việc không có thật mang tình giật gân để “câu like” rẻ tiền. Lâu dần, những chiêu trò câu like với mục đích xấu lan nhanh như một con “virus” của mạng xã hội. Và chính nút like/share đầy dễ dãi và lãnh cảm của bạn, của tôi, của những người dùng mạng, đã vô tình tiếp tay cho những việc làm ngày càng bớt đi tính người?

Dùng mạng xã hội quá nhiều mà không biết chọn lọc, thiếu đề kháng dễ tạo thói quen, hành vi không tốt; thậm chí có thể dẫn đến… hoang tưởng. Những gì bạn đã viết ra có thể xóa, nhấn like có thể bỏ like, bấm share thì bỏ share, nhưng những gì đã in sâu vào tiềm thức của người khác, cả những vết thương lòng của họ không thể nào xóa đi hoặc xoa dịu chỉ bằng một nút xóa. Đừng để sự cả tin và vô tâm của chính mình thành miếng mồi ngon của những kẻ câu like bất nhân tính. Đừng ép người khác đi đến đường cùng chỉ vì một lần ấn bàn phím.

Khi like, share bạn có nghĩ đến cảm nhận, cảm xúc của người được like, share không? Có những bình luận, chia sẻ mang tính tích cực, khi được lan tỏa rộng trên mạng xã hội sẽ mang lại niềm vui hay nâng tầm giá trị của một người nào đó nhưng nếu mang tính tiêu cực sẽ hạ thấp giá trị của họ. Cho nên trước khi like, share… ta cần cân nhắc kỹ, chú ý cảm xúc của người khác tránh làm thương tổn họ.

Mạng xã hội tuy rộng, nhưng nó sẽ được thu gọn lại bằng chính sự tỉnh táo của mỗi người chơi mạng.Việc sử dụng những công cụ tương tác của mạng xã hội một cách có tâm và có tình, là bạn đang tự tạo cho chính mình một môi trường mạng lành mạnh. Hãy nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng, khách quan từ nhiều phía và ngừng like, share và bình luận trước những điều vô nghĩa, bởi mạng xã hội có nút xóa tương tác - nhưng não thì không.

Mạng xã hội không xấu, không có hại mà phải biết dùng mạng xã hội đúng cách, biết chọn lọc những trang bổ ích, coi đó là phương tiện kết nối với bạn bè để cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ quan tâm đến lãnh cảm – ranh giới mong manh của nút like và share trên mạng xã hội.