Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU

 

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU

Câu 1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Khi người khác nói, chúng ta có cái kiểu nghe đạỉ loại theo bốn cách: kiểu phớt lờ họ, chẳng chú ý nghe gì cả; hoặc giả như có nghe, ầm ừ cho qua chuyện; hoặc nghe có chọn lọc, nghe từng phần nào đó của câu chuyện thôi; và nghe chăm chú, quan tâm và tập trung vào những gì họ đang nói. Nhưng mấy ai trong chúng ta có được trình độ nghe cao: nghe với lòng thấu cảm.

Khi chúng ta biết nghe với lòng thấu cảm, chúng ta không nghe theo cách “chủ động ” hoặc “ngờ vực” mà thực chất chẳng hơn gì cách nghe hờ hững, nghe có tính chất “xã giao”, có khi còn làm tổn thương đến “người được nghe” – kỉểu nghe để đối đáp, để khống chế, để toan tính.

Khi tôi nói tôi nghe với lòng thấu cảm, có nghĩa là tôi nghe với ý hướng để hiểu. Có nghĩa là tôi hiểu người khác trước, để hiểu được họ thực sự. [...] Đó là cách nghe đi vào lòng người. Cả hai nhìn thế giới theo cùng một cách nhìn và cùng hiểu nhau.

Thấu cảm khác với thương cảm. Thương cảm là một dạng của sự tán thành, một dạng của cách đánh giá và đôi khi là sự đáp ứng tình cảm có tính bao trùm, che chở. Con người lại thường ưa kiểu thương cảm này. Nó làm cho họ phụ thuộc. Còn việc lắng nghe với lòng thấu cảm không nhất thiết đòi sự tán thành; mà là việc bạn hiểu người đó đầy đủ, sâu xa với tất cả tình cảm và hiểu biết của bạn.

(Theo Stephen R. Covey, Bảy thói quen của người thành đạt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)

a. Theo tác giả việc nghe với sự thấu cảm cao hơn các kiểu nghe khác như thế nào?

b. Chỉ ra 2 phép liên kết được sử dụng trong đoạn in đậm?

c. Tại sao tác giả cho rằng: “Con người lại thường ưa kiểu thương cảm. Nó làm cho họ phụ thuộc.”

d. Em làm gì để rèn luyện năng lực nghe với lòng thấu cảm.(Trả lời khoảng 4-6 dòng)

 

Câu 2. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

...Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười... cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa... rồi chết.

 Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn đế tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn? Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.

(Trích Trên đường băng, Tony Buổi Sáng, Nxb Trẻ, 2015)

a. Theo tác giả những ông chủ vĩ đại đều có điểm chung là gì?

b. Tìm và ghi lại khởi ngữ được sử dụng trong đoạn in đậm?

c. Em hiểu như thế nào về từ “bóc lột” trong câu: “Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xỉn người khác “bóc hết, lột sạch" khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột”.

d. Em có đồng ý với nhận định: Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó không? Vì sao?(Trả lời khoảng 4-6 dòng)

 

Câu 3. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…. Những cuộc đấu tranh như thế diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình.

Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.

Bạn phải hiếu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.

Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyết tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình….

(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)

a. Theo tác giả cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất là gì?

b. Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn in đậm?

c. Em hiểu như thế nào về ý kiến: “Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình”.

d. Em làm gì để thành người làm chủ số phận của mình?(Trả lời khoảng 4-6 dòng)

 

Câu 4. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù lòa. Hắn không phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa ngang lưỡi hái vào mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết đồng hành cùng những “sát thủ” trên đường phố.

Thần chết trao lưỡi hái cho những trai tráng đi xe máy hung hàng đánh võng lạng lách vượt ẩu trên đường phố. Những kẻ hoặc không biết luật hoặc không thèm biết đến luật giao thông. Những kẻ đầu óc trống rỗng không còn gì để tự tin và tự hào ngoài việc “khủng bố” người đi đường bằng những cú vượt phải tạt qua sát sạt trên đầu xe người đi đường khác, gây ớn lạnh sống lưng và lấy nỗi khủng khiếp của kẻ khác làm khoái cảm...

Rõ ràng, ngoài những hạn chế khách quan thì ý thức còn hết sức non kém của một số người dân Việt Nam khi tham gia giao thông đang là nguyên nhân quan trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tiếc thay đó hầu hết lại là những trai tráng. Theo thống kê của UNICEF năm 2004, hầu hết các ca tử vong ở tuổi 15-19 đều là người đi xe máy! Đó là sự tổn thương quá lớn cho lực lượng lao động của đất nước. Đó là lực lượng lẽ ra phải bắt đầu gánh lấy trách nhiệm công dân và gia đình, làm ra của cải và phồn vinh cho gia đình và xã hội.

Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc và gặt hái được nhiều qua hội nhập, nếu chúng ta tự hào rằng người Việt Nam mến khách, thì mỗi người hãy tự điều chỉnh mình, trước hết là tự cứu mình và cứu người, đem sự an toàn ra đãi mình và đãi khách bằng sự cẩn trọng khi tham gia giao thông.

Chúng ta cần một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để “những lưỡi hái tử thần” không còn nghênh ngang trên đường phố!

(Theo Võ Thị Hảo, nguồn Vietnamnet.vn)

a. Theo tác giả đâu là nguyên nhân, nạn nhân chính của tai nạn giao thông ở Việt Nam?

b. Chỉ ra 2 phép liên kết được sử dụng trong đoạn in đậm?

c. Vì sao, tác giả cho rằng: Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một kẻ mù lòa?

d. Theo em cần làm gì để “tự cứu mình và cứu người” khi tham gia giao thông?(Trả lời khoảng 4-6 dòng)

 

Câu 5. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

NEWTON ĐÃ LÀM GÌ KHI NGHỈ HỌC VÌ ĐẠI DỊCH?

Trong một đại dịch, Isaac Newton cũng phải làm việc ở nhà, nhưng ông đã sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.

TRONG NGUY CÓ CƠ

Năm 1665, một đợt dịch hạch vô cùng nguy hiểm đã bùng nổ tại London, nước Anh, cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Với điều kiện khoa học bấy giờ, người ta không thể biết nguyên nhân của đại dịch này là gì. Phải 200 năm sau, chủng vi khuẩn hạch mới được xác định và mất thêm 200 năm nữa, con người mới tìm ra được vắc-xin chống lại căn bệnh này.

Thế nhưng, đối mặt với kẻ thù vô hình, người dân Anh đã tự biết thực hành một số quy tắc phòng dịch cơ bản. Người dân hạn chế ra đường để tránh lây bệnh, không tụ tập đông người, đồng thời tăng cường vệ sinh cá nhân.

THỜI GIAN VÀNG

Trường học của Newton cũng cho sinh viên nghỉ học. Các giáo sư và giảng viên cũng không lên lớp. Kinh tế và đời sống toàn London gần như đình trệ. Newton phải cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm. Nhưng, cách ông tận dụng khoảng thời gian này đã khiến người khác không khỏi nể phục. Đây lại là khoảng thời gian vàng với một người có khả năng tự học phi thường như Newton. Chính trong khoảng thời gian này, Newton đã có nhiều nghiên cứu về Quang học, Cơ học và có những thành tựu nổi tiếng. Năm đó, Newton mới chỉ 20 tuổi và đang là sinh viên tại Trinity College, Cambridge.

Năm 1697, Newton trở lại Cambridge với vốn kiến thức phong phú trong tay. Chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã vượt xa bạn bè đồng trang lứa và chỉ mất hai năm sau để trở thành giáo sư. Tất cả các thành tựu này ông đạt được là nhờ vào khoảng thời gian tự học khi giam mình trong phòng vì dịch bệnh.!

(Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenduchiep/posts/10156684048835448)

a. Nêu nội dung chính của văn bản.

b. Chỉ ra gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn in đậm?

c. Em hiểu thế nào về cụm từ “khoảng thời gian vàng” trong câu “Đây lại là khoảng thời gian vàng với một người có khả năng tự học phi thường như Newton”?

d. Theo em vì sao cần trang bị khả năng tự học?(Trả lời khoảng 4-6 dòng)