Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận. Vợ chàng khóc mà rằng:
-
Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum hợp chưa thoả tình chăn gối,
chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm
phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết
hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng
một mực nghi oan cho thiếp.
Chàng
vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia do ai nói ra, thì lại giấu không kể lời
con nói; chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi. Họ
hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất
đắc dĩ nói:
-
Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã
bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc
tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn
có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.
Đoạn
rồi nàng tắm gội sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:
-
Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng
chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ
tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ
Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá
tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.
Nói xong nàng gieo mình
xuống sông mà chết.
(Chuyện người con gái Nam
Xương, Nguyễn Dữ)
Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội
xưa là đề tài của rất nhiều các tác phẩm văn học trung đại và đó cũng là nguồn
cảm hứng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dữ. Là nhà văn với trái tim giàu
lòng nhân hâu đã viết nên “Chuyện người con gái Nam Xương” để làm nổi bật lên vẻ
đẹp của Vũ Nương thông qua bi kịch cuộc đời của chính người phụ nữ này. Nguyễn
Dữ, thể hiện tấm lòng trân trọng của mình đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả
của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng
chịu. Ta có thể cảm nhận rõ điều này trong 3 lời thoại của Vũ Nương khi bị chồng
nghi oan, đánh đuổi và trước khi trầm mình xuống sông Hoàng Giang của nàng.
“Chuyện người con gái Nam Xương” dựa
trên chuyện kể “Vợ chàng Trương” với nhân vật chính là Vũ Nương. Cô là một người
phụ nữ đức hạnh, khao khát trong mình một cuộc sống yên bình, hạnh phúc nhưng lại
bị lâm vào thảm kịch cuộc đời là người chồng nghi ngờ, vu oan là không giữ đạo
làm vợ. Nàng đã tìm hết cách này đến cách khác để chứng minh, giãi bày nhưng tất
cả vô nghĩa. Không còn cách nào khác, Vũ Nương đã chọn con đường tự kết liễu đời
mình rửa oan cho chính mình.
Truyện ngắn với cách xây dựng cốt
truyện tập trung vào nhân vật Vũ Nương. Tạo tình huống đặc sắc, bất ngờ, miêu tả
nhân vật thông qua lời nói và hành động để bộc lộ tính cách. Sử dụng các câu
văn biền ngẫu mang tính ước lệ cùng với yếu tố hiện thực kết hợp với hoang đường
kì ảo. Sự hòa quyện giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi,
văn biền ngẫu và thơ ca; lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động
đã góp phần khắc họa nhân vật Vũ Nương người phụ nữ đẹp người đẹp nết nhưng có
số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Ta thấy ở Vũ Nương tập trung những phẩm chất cao quý truyền thống của
người phụ nữ Việt Nam. Nàng xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng
thực tế oan nghiệt đã đẩy nàng vào cảnh ngộ bất hạnh, éo le, oan khuất. Nàng vốn
dĩ là một người phụ nữ rất mực thuỷ chung, vậy mà bây giờ đây lại bị nghi oan
thất tiết. Chỉ vì lời nói vô tình ngây thơ của con trẻ mà Vũ Nương bị chồng ruồng
rẫy, hắt hủi, đánh đập đuổi đi, bị gán cho tội nhục nhã nhất đối với đức hạnh của
người phụ nữ.
Khi chồng đi lính về, những tưởng gia
đình đoàn tụ, chấm dứt cảnh chia cách thì bé Đản lại không nhận cha và nói những
lời ngây thơ của một đứa trẻ con kể lại với Trương Sinh rằng tối nào cha Đản
cũng đến, Vũ Nương đi đâu thì người đàn ông đó thì theo và cũng chưa từng bế Đản.
Vốn có tính hay ghen, nghe được những lời nói này Trương Sinh đã một mực khẳng
định Vũ Nương đã thất tiết. Bởi thế, khi về đến nhà, chàng đã: “la um lên cho hả
giận”.
Vũ Nương không hiểu chuyện gì, nàng hết
lời phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình khi nói đến thân phận mình, tình
nghĩa vợ chồng và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trăng: “Thiếp vốn con
kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum hợp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì
động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã
nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời
chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan
cho thiếp”. Nàng phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng đã nói đến thân
phận, tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thuỷ chung trong trắng, xin chồng
đừng nghi oan. Xa chồng, Vũ nương “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết” sắt son,
chung thủy! Trước sự nghi ngờ vô cớ của chồng, nàng không một câu trách móc, vẫn
luôn giữ đúng phụ đạo, nhỏ nhẹ giãi bày, một lòng mong muốn chồng thông hiểu,
muốn tìm rõ nguyên nhân. Từ khi về nhà chồng, nàng nhất mực tuân theo những lễ
giáo phong kiến “Xuất giá tòng phu”, nàng hết mực chăm lo cho chồng và gia đình
nhà chồng, là một người vợ hiền, dâu thảo, một người mẹ đảm đang, yêu con,
thương con. Dung, ngôn, hạnh của Vũ Nương đã chứng tỏ nàng thực là một người
đàn bà theo đúng chuẩn mực của Nho gia. Nhưng khốn nỗi Trương Sinh không nghe. Nàng
cầu xin chồng đừng nghi oan, hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang
có nguy cơ tan vỡ. Nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang
có và càng làm nổi bật lên niềm khát khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của
người phụ nữ giàu lòng tự trọng- Vũ Nương.
Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng mình “mắng
nhiếc và đánh đuổi”. Trương Sinh chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc
nàng, và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng, cũng chẳng
ăn thua gì cả. Nàng đau đớn thất vọng khi không hiểu sao mình bị nghi oan, bị đối
xử bất công: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia
nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu
tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm
buồn xa, đầu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”. Sự tuyệt vọng đến
cùng cực khi khao khát của cả đời nàng vun đắp đã tan vỡ. Tình yêu không còn. Cả
nỗi đau khổ chờ chồng đến hoá đá như trước đây cũng không còn có thể làm được nữa.
Sự chối bỏ của người chồng chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của người phụ nữ. Sự
chối bỏ ấy minh chứng cho tất cả, sự không tin tưởng, không yêu thương, tin tưởng
vợ. Và còn gì đau xót hơn nỗi bất hạnh ấy đối với một người phụ nữ dành cả cuộc
đời chăm lo cho chồng con cũng như cả gia đình nhà chồng. Lễ giáo phong kiến với
những hủ tục bất công đã khiến người phụ nữ không được coi trọng trong xã hội,
đến hạnh phúc cá nhân cũng không được tự do lựa chọn. Sự bất công trong xã hội
phong kiến còn được thể hiện ở sự độc đoán của người chồng, toàn quyền quyết định
mọi việc trong nhà, nghỉ oan cho vợ nhưng lại không nói thẳng cho vợ, cũng
không nghe vợ thanh minh mà cứ vậy đánh đập rồi đuổi vợ đi.
Chồng khăng khăng lên án vợ mà không
chịu nghe nàng minh oan lấy một lời. Thái độ khinh bỉ, lời nói nhục mạ và hành
động tàn bạo của Trương Sinh khiến nàng phải tìm đến cái chết. Uất ức, tủi nhục,
Vũ Nương đã chọn cáỉ chết để khẳng định phẩm giá trong sạch của mình. Trước khi
chết, nàng nguyện: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều
đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp
nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương,
xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới
xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người
phỉ nhố”. Sau cùng, Vũ Nương đã trẫm mình xuống sông tự tử, hành động quyết
liệt này thể hiện mong muốn gìn giữ nhân phẩm, đức hạnh và danh dự của người phụ
nữ. Lời thoại là một lời than, một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan
khuất và tiết hạnh trong sạch của nàng. Lời thoại đã thể hiện nỗi thất vọng đến
tột cùng, nỗi đau cùng cực của người phụ nữ phẩm giá nhưng bị nghi oan nên tự đẩy
đến chỗ tận cùng là cái chết. Những lời nói cuối cùng của nàng thâu tóm tất cả
những ngang trái của một đời phụ nữ: công lao nuôi con, chờ chồng thành vô ích;
hạnh phúc gia đình (thú vui nghi gia nghi thất) tan vỡ, tình cảm vợ chồng
không còn (bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn
trước gió), cả nỗi đau khổ chờ chồng đến thành hóa đá trước đây cũng không
còn có thể làm lại được nữa. Nàng có thể hi sinh tất cả, chịu nhường nhịn vì chồng
vì con chứ thà chết không mang nỗi nhục này. Nàng chết đi để lương tâm thanh thản
để bản thân trong sạch để không phải hổ thẹn với lòng với người. Những người phụ
nữ nhỏ bé, không thể làm chủ cuộc sống của mình mà phải chịu biết bao phong ba
bão táp, phó mặc cuộc đời của mình cho người khác. Chi tiết Vũ Nương gieo mình
xuống bến sông Hoàng Giang là hình ảnh có sức ám ảnh lớn, khiến cho người đời
mãi mãi xót xa ề tấn bi kịch đẫm đầy nước mắt của người phị nữ tốt đẹp nhưng chịu
nhiều oan ức, là tấn bi kịch cái đẹp bị chà đạp, bị rẻ rúng, bị vùi dập không
thương tiếc, là bản án đanh thép tố cáo bộ mặt tàn bạo, bất nhân của xã hội phong
kiến đương thời.
Để cho Vũ Nương tìm đến cái chết là
tìm đến giải pháp tiêu cực nhất. Nhưng dường như đó là cách thoát khỏi tình cảnh
duy nhất của nàng. Đó cũng là cách duy nhất của nhà văn có thể lựa chọn. Hành động
trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự.
Bởi đối với nàng, phẩm giá còn cao hơn cả sự sống.
Bi kịch của Vũ Nương đem đến bài học
thấm thía về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nó là lời cảnh tỉnh đối với người
phụ nữ khi gia đình xảy ra mâu thuẫn. Dù có chuyện gì xảy ra cũng phải bình
tĩnh, kiên nhẫn và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực. Đã có nhiều gợi
mở để tránh cái chết cho Vũ Nương. Thế nhưng, vì lòng tự trọng, nàng đã không hề
nhìn thấy.
Câu chuyện diễn biến khá đơn giản. Cốt
truyện không có gì mới so với những câu chuyện đương thời. Với nhà văn Nguyễn Dữ
không chỉ thành công ở thể truyền kì mà là người có trái tim nhân đạo ông bày tỏ
lòng cảm thương cho số phận Vũ Nương bằng cách dùng những lời văn hay nhất để
ngợi ca vẻ đẹp của nàng. Đó cũng chính là sự đóng góp thành công cho tác phẩm.
Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn,
tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch, giữa ngôn ngữ nhân vật
và ngôn ngữ tác giả, giữa văn xuôi, văn biền ngẫu và thơ ca. Lời văn cô đọng,
súc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động. Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể
truyền kỳ, là “thiên cổ kỳ bút”, là “áng văn hay của bậc đại gia”, tiêu biểu
cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của
sáng tác dân gian.
Đọc truyện, càng suy ngẫm, chúng ta
càng thương Vũ Nương, người phụ nữ đảm đang, chung thuỷ và càng giận cái xã hội
đã gián tiếp gây ra tai hoạ cho nàng. Cảm ơn tác giả đã cho chúng ta hiểu phẩn
nào về hoàn cảnh xã hội và con người của một thời trong quá khứ. Tấm lòng và nỗi
oan của người thiếu phụ đã làm rơi nước mắt người Việt Nam trong suốt mấy trăm
năm qua chính là thế, khơi động trong ta sự cảm thương, trân trọng và tôn quý
những con người phụ nữ tốt đẹp mà được nhận được hạnh phúc xứng đáng.