Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Vũ Nương

     Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay đã trở thành đối tượng phản ánh của khá nhiều các tác phẩm nghệ thuật: âm nhạc, hội hoạ, thơ văn. Hình ảnh của họ xuất hiện dù bất kì ở hoàn cảnh nào dù hạnh phúc hay đau khổ, dù bất hạnh hay đớn đau - người phụ nữ trước sau như một vẫn là những người giàu lòng hi sinh, nhân hậu, cao thượng.Họ bước vào văn thơ như chính cuộc đời của họ. Có những câu chuyện kể, đã trở thành huyền thoại, thành truyện dân gian, thành truyện truyền kì kể đến muôn đời sau về tấm lòng chung trinh của họ. Nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là người như vậy.
      Nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ được tác giả miêu tả là người con gái có tư dung tốt đẹp, thuỳ mị nết na. Một người con gái có sắc đẹp và đức hạnh như vậy hứa hẹn một tương lai hạnh phúc, cuộc đời của nàng sẽ sung sướng an lành. Sắc đẹp và đức hạnh của nàng đã lọt vào mắt xanh của Trương Sinh người cùng làng mến vì dung hạnh của nàng mà xin mẹ một trăm lạng vàng để cưới nàng về làm vợ. Trong quan niệm của xã hội phong kiến một người được cưới hỏi mai mối đàng hoàng như nàng rõ ràng là danh giá lại được Trương Sinh mến yêu vì dung hạnh. Nhưng xét cho đến cùng Vũ Nương cũng bao người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến đều chịu chung bất hạnh là không được lựa chọn người bạn đời của mình. Hạnh phúc của họ vốn mong manh càng trở nên mong manh khi họ phải một mình chống lại trăm mối đe doạ từ nhiều phía và nguy hiểm nhất vẫn là những người chồng của họ. Trương Sinh chồng của Vũ Nương yêu mến vợ nhưng lại có tính đa nghi hay ghen lại phòng ngừa quá sức. Lẽ dĩ nhiên ta hiểu điều gì xảy ra với Vũ Nương trong đời sống tinh thần của nàng khi luôn phải sống trong sự phòng ngừa quá sức của chồng nặng nề như thế nào. Chắc chắn Vũ Nương cũng chẳng được tự do cười nói, suốt ngày lầm lũi, không giao tiếp với ai. Nhưng việc nàng làm được đáng để cho chúng ta khâm phục: chưa từng để xảy ra nỗi bất hoà: Ở Vũ Nương ta có thể thấy được phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam, đấy là đức tính nhẫn nhịn đến quên mình vì hạnh phúc gia đình, vì người thân mà không màng đến những đau khổ của riêng mình. Rõ ràng nàng phải là người trân trọng hạnh phúc của gia đình mới có thể có những hi sinh đến quên mình ấy.
Song hạnh phúc mong manh của nàng chẳng được bao lâu, cuộc đời của Vũ Nương chuyển sang một bước ngoặt khác, khi Trương Sinh bị bắt đi lính. Những tưởng sự việc này xảy ra sẽ là một cách để giải thoát cho Vũ Nương, nhưng hãy chứng kiến cảnh Vũ Nương tiễn chồng đi lính và những lời nói của nàng dành cho người chồng. “Nàng rót chén rượu tiễn chồng mà rằng: Thiếp chẳng mong được ấn phong hầu, áo bào trở về quê cũ…chỉ mong cho chàng hai chữ bình yên..”; “Nhìn trăng soi thành cũ lại sửa soạn áo rét gửi người ải xa. Nhìn liễu rủ bãi hoang lại thổn thức tâm tình thương người đất thú. Dẫu có thư tín nghìn hàng cũng không mong có cánh hồng bay bổng.” Ta thấy rằng: Rõ ràng việc Trương Sinh đi lính là một bất hạnh đối với Vũ Nương, nàng mất đi chỗ dựa tinh thần. Với nàng khát vọng cháy bỏng nhất và cũng là rất đỗi bình dị nhất đấy là sự bình yên cho chồng giữa hòn đạn mũi tên. Bởi vì sự bình yên cho chồng cũng có nghĩa là sự bình yên cho mái ấm gia đình. Nàng yêu chồng mình tha thiết, dám mạnh dạn bày tỏ tấm chân tình của mình với chồng. Những lời nói của nàng với chồng thể hiện nỗi nhớ nhung nghe sao da diết nồng nàn tình phu thê sâu nặng, không mảy may một chút giả tạo gượng ép nào. Những lời nói ấy thực sự ngân lên từ trái tim của người phụ nữ dành chọn tình yêu thương cho chồng, tràn đầy khát khao mong mỏi về hạnh phúc gia đình bình dị. Và để đặc tả nỗi nhớ và tấm chân tình này của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã dùng những hình ảnh của thiên nhiên hoạ lại một cách nồng nàn  bao niềm thương nỗi nhớ, bao thổn thức đau đáu của Vũ Nương khi cảm nhận trước được thời gian và không gian phải xa cách chồng như thế nào. Tất cả những cảnh vật hiện ra trước mắt nàng đều làm nàng nhớ đến người chồng của mình. Bao lá thư cũng không thể diễn tả hết được tình cảm của nàng dành cho chồng. Điều ấy, cho ta thấy Trương Sinh có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời của Vũ Nương, và trong trái tim của nàng.
         Tâm hồn trong sáng và tấm chân tình da diết cháy bỏng của Vũ Nương đã lay động trái tim của những người chứng kiến “ứa hai hàng lệ” cảm thương cho hoàn cảnh của nàng đồng thời trân trọng, cảm phục  tấm lòng, tình yêu thương dành cho chồng của nàng một cách tuyệt đối. Lẽ dĩ nhiên cả người đọc chúng ta nữa làm sao không thể không xúc động trước người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn lại luôn bị chồng phòng ngừa quá sức. Nhưng trước cảnh biệt li vợ chồng Vũ Nương lại đau khổ da diết nhớ thương. Cũng bởi một lẽ nữa, ta hiểu và đồng cảm với nàng: Tuy lấy Trương Sinh về đời sống tinh thần không được nhẹ nhàng nhưng sẽ còn bất hạnh hơn nếu như Trương Sinh tử trận nơi sa trường. Điều ấy, đồng nghĩa với việc cướp đi phũ phàng niềm vui nghi gia, nghi thất nàng luôn khát khao, cướp đi hạnh phúc mỏng manh mà bấy lâu nay một tay nàng gây dựng. Cuộc đời của Vũ Nương càng gắn chặt với mái ấm gia đình của nàng hơn khi nàng sinh con. Vũ Nương bây giờ không chỉ ghánh trọng trách của một người vợ, của người con dâu mà còn là một người mẹ. Nhưng nàng đã làm tròn vai của mình: Một người vợ đảm đang chung thuỷ. Một người mẹ đức hạnh. Một người con dâu thảo hiền. Với người mẹ chồng, Vũ Nương đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp nặng tình, nặng nghĩa, đã làm được cái điều xưa nay là việc khó của các nàng dâu: Tận tình chăm sóc, lựa lời khéo léo động viên mẹ lúc mẹ ốm đau. Vì thế đã dành được niềm tin yêu của người mẹ chồng. Đặc biệt lúc mẹ chồng trước khi nhắm mắt xuôi tay đã dành cho Vũ Nương những lời nói đầy niềm tin yêu trân trọng: “Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.Có thể nói những lời của người mẹ tựa như vàng ròng. Một thứ vàng tâm được đúc ra từ tấm lòng tràn đầy niềm tin yêu cảm phục người con dâu hiếu thảo, nết na đức hạnh đã dành  hết tâm sức cho gia đình. Bà cầu Phật ban phúc đức cho người con dâu của mình. Tin vào lẽ công bằng, tin ông trời thấu hiểu cho tấm lòng hiếu thảo của người con dâu. Điều này, còn cho ta một suy nghĩ đáng để lưu tâm: Dù người mẹ chồng có thế nào đi chăng nữa nhưng nếu người con dâu có đức hạnh thì vẫn có thể hoá giải được mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” trở nên  tốt đẹp. Một người như Vũ Nương dung hạnh hơn người lẽ đương nhiên là được hưởng hạnh phúc xứng đáng với những gì nàng mong muốn khát khao. Song số phận lại đùa cợt với nàng.
       Ngày Trương Sinh trở về những tưởng sẽ là những ngày hạnh phúc của Vũ Nương, bao lo lắng, bao nhớ thương, chờ đợi hi vọng của nàng sẽ được đền đáp. Nhưng không ngờ rằng cái ngày mà Trương Sinh trở về lại là bất hạnh đến với nàng. Ngay từ giây phút đầu tiên Trương Sinh trở về khi biết được mẹ mình đã mất Trương Sinh đau lòng liền bế con ra mộ mẹ, mà không đoái hoài đến Vũ Nương, không hỏi han Vũ Nương được một câu. Đứng ở vị trí khách quan ta thấy: thực ra Trương Sinh sau những năm tháng xa nhà vẫn là Trương Sinh của ngày trước. Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn Trương Sinh là kẻ xấu vì ít ra cũng là người có hiếu  nhưng thói ích kỉ gia trưởng vẫn còn nguyên vẹn trong con người Trương Sinh . Thời gian Trương Sinh vắng nhà cũng là thời gian Vũ Nương bao nhọc nhằn chăm vén cho gia đình, để đợi ngày Trương Sinh trở về xây tiếp niềm vui nghi gia nghi thất . Song hành động của Trương Sinh lại làm cho người đọc chúng ta linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành sắp xảy ra với Vũ Nương. Điều linh cảm của người đọc đã đúng. Điều mà Vũ Nương từ trước đến nay Vũ Nương đã cố giữ gìn không cho nó xảy ra đã đến với nàng nhưng chỉ có điều lần này nó kết thúc tất cả những hạnh phúc vốn rất mong manh của nàng. Từ câu nói ngây thơ của đứa trẻ: “Ô hay ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chi nín thin thít…trước đây có người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Trương Sinh vốn hay ghen lại thêm câu nói ngây thơ của đứa trẻ đã xoáy vào lòng Trương Sinh vốn đã có tính đa nghi và như dầu đổ vào lửa thổi bùng lên ngọn lửa ghen tuông vốn đã thành máu trong Trương Sinh. Thế là Trương Sinh không cần hỏi han cho rõ cơ sự bất chấp những lời giải thích kể cả sự bênh vực lên tiếng của hàng xóm, về nhà đổ cho vợ cái tội tày đình: tội thất tiết lên đầu vợ. Trong xã hội phong kiến xưa kia người phụ nữ mà mắc tội này – cái giá mà họ phải trả có thể là cái chết rất đau đớn vê thể xác lẫn tinh thần. Với Vũ Nương cũng chỉ vì thương nhớ chồng và thương con không nhận được tình cảm của người cha như bao đứa trẻ khác, nàng cho con hình dung người cha bằng chính cái bóng của mình trên vách mỗi khi trời tối. Nhưng nghiệt ngã thay, oan nghiệt thay cái bóng lại trở thành nỗi oan nghiệt không có cách nào gỡ nổi cho nàng. Trước nỗi oan tày đình người chồng đổ lên đầu mình, trước sau vẫn giữ trọn đạo làm vợ, vẫn dùng những lời nhẹ nhàng nói với chồng để cởi bỏ mối nghi ngờ. Nhưng Trương Sinh vẫn tàn nhẫn, lạnh lùng không những không cho nàng thanh minh mà còn mắng chửi đánh đuổi nàng ra khỏi nhà. Sự ghen tuông mù quáng cùng với sự vô học đã dẫn đến hành động hồ đồ, đổ nỗi oan lên đầu vợ, còn cạn tàu dáo máng, bạc tình, bạc nghĩa đánh đuổi Vũ Nương. Là người phụ nữ giàu lòng tự trọng, biết không thể gỡ nổi nỗi oan, cũng như mong ước giản dị về hạnh phúc gia đình đã bị tan vỡ nàng đã nói lời cuối cùng với chồng:“Nay bình rơi châm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân con én lìa đàn, nước thẳm buồm xa”.Lần này Nguyễn Dữ cũng dùng những hình ảnh của thiên nhiên để diễn tả tâm trạng nhưng lần này là diễn tả tâm trạng tan nát, từng câu từng chữ như từng giọt máu dứt ra từ trái tim bất hạnh của nàng. Trái tim của nàng như tan vỡ ra từng mảnh theo những đứt gãy, theo tiếng kêu ai oán thảm sầu cuốn vào mây gió, nước thẳm. Thế là hạnh phúc mà nàng chắt chiu từng giọt nay đã bị Trương Sinh hất xuống đất rồi, không cho nàng có cơ hội xây dựng hạnh phúc mà bấy lâu nay nàng một lòng một dạ vun vén. Nhưng ngay cả trong những lúc như thế này ta vẫn thấy trong cái quằn quại đau đớn Vũ Nương hiện lên là một người vợ ngoan hiền, tấm lòng đầy khát khao về mái ấm gia đình. Vũ Nương đã cố gắng hết mình ngay từ khi bước chân về nhà chồng để xây dựng hạnh phúc gia đình nhưng đến bây giờ tất cả đã hoá thành mây gió. Tuyệt vọng và đớn đau, Vũ Nương đã tìm đến cái chết để thoát khỏi nỗi oan. Đối với nàng, không còn con đường nào khác.Hành động đi đến cái chết của Vũ Nương là đúng hay sai? Nó chứng tỏ Vũ Nương là người như thế nào?Xét vào hoàn cảnh của nàng ta thấy: Vũ Nương ngay từ khi về nhà chồng nàng đã đặt hết tâm sức của mình cho gia đình, vượt qua bao sức ép về tinh thần luôn làm tròn vai của một người vợ, người mẹ, người con dâu hiếu thảo. Hơn ai hết nàng khát khao mái ấm gia đình có niềm vui nghi gia nghi thất và đặc biệt dành được sự trân trọng tin yêu của người mẹ chồng. Kể cả khi bị chồng đổ nỗi oan tày đình, dùng những lời lẽ thoá mạ nàng, Vũ Nương vẫn trước sau nhẹ nhàng giữ cái đạo làm vợ. Nhưng tất cả đã chấm hết với nàng. Chỗ dựa tinh thần duy nhất của nàng. Người đảm bảo có thể giữ được hạnh phúc cho nàng đã chối bỏ nàng một cách phũ phàng. Vũ Nương trở thành người không chốn nương thân. Xét vào hoàn cảnh xã hội khi ấy, với bao nhiêu lễ giáo phong kiến ngặt nghèo thắt chặt lấy thân phận người phụ nữ. Một người giàu lòng tự trọng như Vũ Nương, lại bị chồng ruồng rẫy, thử hỏi có thể sống trong xã hội ấy không? Vì vậy quyết định đi đến cái chết của Vũ Nương là đúng và hoàn toàn có thể thông cảm được. Đồng thời nó chứng tỏ cho bản lĩnh của nàng. Vũ Nương dám sống và cũng dám chết. Nàng đi đến cái chết một cách rất bình tĩnh, chủ động. Trước khi chết tắm gội chay sạch, kêu với trời đất, kêu với dòng sông giọng điệu rất tỉnh táo, rõ ràng. Nàng thề độc với dòng sông………….Rõ ràng Vũ Nương là người muốn sống hơn ai hết nhưng nàng phải chết. Quyết định đi đến cái chết của Vũ Nương là một quyết định dũng cảm. Cảm phục thay tấm lòng trinh bạch của Vũ Nương. Cảm phục thay ở người phụ nữ vốn rất mực hiền lành dịu dàng, nhẫn nhịn đến quên mình để chăm vén cho gia đình nhưng lại rất cứng cỏi và bản lĩnh khi chẳng còn cách nào khác, sẵn sàng đi đến cái chết để chứng tỏ cho tấm lòng của mình.
      Cái chết của Vũ Nương trong bi kịch của gia đình mình, là người tố cáo mạnh mẽ với những xấu xa trong xã hội phong kiến. Ở đó người phụ nữ không có khả năng bảo vệ mình, họ mỏng manh và cô độc trước những độc đoán, gia trưởng của những người chồng. Họ luôn phải sống trong ràng buộc ngặt nghèo, nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến. Họ có thể bị đổ oan, bị dồn đến cái chết bởi những lí do vô lí cho dù trước đó họ có tốt đến như thế nào đi chăng nữa.
        Cái chết của Vũ Nương mãi là hình ảnh ám ảnh và nhắc nhở chúng ta về quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ và yêu thương của những người phụ nữ.Có người nói cái bóng đã gây nên cái chết oan nghiệt cho Vũ Nương. Nhưng theo tôi không phải thế. Cái bóng được sinh ra từ lòng yêu thương ấy không hề có tội. Mà người có tội chính là Trương Sinh với thói ích kỉ, ghen tuông mù quáng, thói gia trưởng, nam quyền mà xã hội phong kiến trao cho những người đàn ông, Trương Sinh chỉ là một trong cả cái xã hội phong kiến ấy mà thôi. Trương Sinh không hẳn là kẻ xấu bởi sau cái chết tức tưởi của Vũ Nương, Trương Sinh đã thức tỉnh, động lòng thương tìm vớt thây nàng nhưng không thấy. Cuộc đời như một trò đùa với Trương Sinh cũng chính từ lời nói của đứa con, khi cái bóng của lòng yêu thương xuất hiện trong đêm đã thức tỉnh Trương Sinh, thấu hiểu nỗi oan của vợ nhưng tất cả đã muộn với Trương Sinh.
          Sau cái chết của Vũ Nương câu chuyện có thể kết thúc nhưng tác giả và cả chúng ta nữa mong sao có phép thần tiên cứu sống Vũ Nương. Song điều ấy chỉ có trong cổ tích mà thôi,có lẽ thấu hiểu được điều ấy của người đọc và chắc chắn cả từ nhưng điều thực hư về nàng nữa trong cuộc đời nên Nguyễn Dữ đã sáng tạo ra phần đời tiếp theo của nàng dưới thuỷ cung khi nàng được các nàng tiên nữ cảm thương mà rẽ nước cho nàng cho nàng xuống con nguyên lành thể xác, để rồi được giải oan. Nhưng ý nghĩa sâu xa trong phần sáng tạo thêm này của tác giả là gì ?
              Có lẽ ý nghĩa đầu tiên mà ta nghĩ đến, đấy chính là một lần nữa hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ vốn  tư dung tốt đẹp này: đấy là khi gặp Phan Lang người cùng làng qua lời đối thoại của nàng với Phan Lang khi nói Vũ Nương nói về nguyên nhân tại sao lại phải xuống thuỷ cung: “Tôi không may bị người vu oan” chứ không hề oán than, trách móc Trương Sinh. Điều ấy chứng tỏ Vũ Nương trước sau vẫn mãi là người vợ ngoan đạo, một lòng một dạ giữ danh dự cho chồng, nghĩ cho chồng. Một phần nàng cũng không muốn nhắc lại nỗi đau, nỗi oan nghiệt của nàng chưa được hoá giải. Nhưng đặc biệt khi Phan Lang nhắc đến Trương Sinh: “ Thế còn tiên nhân ngày đêm mong nhớ nàng thì sao” thì Vũ Nương ứa hai hàng lệ. Ta có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra tâm trạng của Vũ Nương:  Nhắc đến Trương Sinh là nhắc đến nỗi oan nghiệt của nàng, và khát vọng được giải oan lại cháy lên trong nàng,  cả nỗi nhớ chồng, con, gia đình lại cồn cào thổn thức. Cũng chính vì thế Vũ Nương đã đi đến một một quyết định táo bạo: Gửi lời nhắn cùng với đôi hoa tai vàng qua Phan Lang cho Trương Sinh để lập đàn giải oan cho nàg nếu Trương Sinh còn nhớ đến tình xưa. Chi tiết này lại cho ta thấy Vũ Nương hơn ai hết là người hiểu Trương Sinh, rõ ràng là có yêu thương thì mới hiểu chồng của mình đến vậy.
      Chi tiết Vũ Nương trở về kì ảo lộng lẫy trên mặt sông trên kiệu hoa theo sau năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rợp cả một khúc sông, cùng với lời nói của Vũ Nương từ giữa sông vọng vào cho ta những rung động khôn nguôi về Vũ Nương: Vũ Nương vẫn mãi là người vợ ngoan hiền, một mực kính chồng khi nói trong bao tiếc nuối như không thể nào khác được: thiếp đa tạ tình chàng nhưng thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa. Vẫn còn đấy trong câu nói của Vũ Nương bao diết đầy ân tình như chẳng bao giờ có chuyện Trương Sinh đối xử tệ bạc với mình. Tấm lòng hỉ xả như Phật Bà, nhưng vẫn nặng ân nghĩa cõi trần tục ấy của Vũ Nương quả là đáng trân trọng biết bao. Dẫu biết rằng câu chuyện có những nét hư thực, nhưng ta vẫn tin ở đời này có một Vũ Nương như thế với tên tuổi quê quán rõ ràng - Người con gái Nam Xương.
      Những chi tiết kì ảo trong cuộc đời thứ hai của Vũ Nương dưới thuỷ cung vừa nói lên khát vọng cháy bỏng của nhân dân ở lẽ công bằng ở điều nhân quả. Nhưng đồng thời cũng làm nổi bật tính bi kịch của câu chuyện: Vũ Nương tuy được sống nơi sung sướng, nơi không có khổ đau, bất công nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi vì thế giới tiên cảnh thì làm gì có thực. Vũ Nương có trở về rực rỡ đi nữa thì cũng chỉ là ẩn hiện tạ từ rồi biến mất. Vũ Nương chết thì không bao giờ sống lại được, hạnh phúc không bao giờ có thể tìm lại được cho Vũ Nương, cũng như nỗi oan gnhiệt của nàng mãi chìm vào sông nước Hoàng Giang. Đó chính là bi kịch. Điều đó cũng nói lên niềm thương cảm sâu sắc và nỗi đớn đau của nhân gian và cũng là của tác giả Nguyễn Dữ với số phận bi thảm, bất hạnh nhưng lại sáng ngời nhân phẩm và đức hạnh của người phụ nữ trong xã phong kiến. Chẳng thế mà suốt năm trăm năm qua nơi chính điện thờ bà vẫn nghi ngút toả khói hương.
      Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ với cách kể truyện dung dị cũng với những tình huống chi tiết có kịch tính, kể về thân phận bất hạnh oan nghiệt mà tâm hồn luôn ngời sáng tấm lòng hỷ xả như Phật Bà của Vũ Nương, có ý nghĩa tố cáo sâu sắc những xấu xa của xã hội phong kiến mà đại diện ở đây là Trương Sinh đã đẩy người phụ nữ đức hạnh dung hạnh vẹn toàn đến cái chết oan nghiệt mà chẳng hiểu vì sao. Xét trong xã hội ngày nay, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ vẫn còn có giá trị thời sự to lớn. Nó nhắc nhở chúng ta về quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo vệ của những người phụ nữ.