Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

k3 vlb- mxnn

Việt Nam- mảnh đất hiền hòa cong cong hình chữ S đã và đang nuôi dưỡng biết bao tâm hồn của bao thế hệ nam thanh nữ tú, đã làm nên vẻ đẹp giữa đất nước và con người, nền văn hóa và bản sắc dân tộc. Vẻ đẹp ấy đã in dấu ấn đậm đà trong văn học, trong thơ ca, nhạc họa … và mãi bất tử với thời gian. Đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải chúng ta không chỉ bắt gặp tình cảm con người dành cho quê hương đất nước hay trao tặng cho con người mà hiện hữu trong đó là vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam. Người Việt Nam luôn dành trọn một tình yêu cao cả , tự hào nhất đối với quê hương đất nước mình như Thanh Hải :
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
( Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Và con người Việt Nam dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ quên được cội nguồn,  luôn ghi nhớ công ơn những người có công với tổ quốc :
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
                      ( Viếng lăng Bác – Viễn Phương )
Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mượn ngôn từ của thơ ca  để nói lên nỗi niềm thầm kín chứa đựng trong họ cũng như bao người dân Việt Nam khác. Đó là tình yêu dân tộc, là niềm vui, là niềm lạc quan trong cuộc sống còn bao khổ cực, là những gì gần gũi bình dị nhất.Nhưng trong cái bình dị đó lại chứa một tâm hồn rất đỗi thanh cao trong sáng .
Vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của lòng người quyện vào nhau trong câu thơ mượt mà,gian dị của Thanh Hải khơi lên và chảy đằm thắm trong lòng ta một sức sống vừa dịu dàng, vừa rạo rực, mãnh liệt. Từ cảm xúc mùa xuân của thiên nhiên đất trời Thanh Hải suy tư về quê hương đất nước trước khung cảnh mùa xuân. Nhà thơ tự hào, tin tưởng con người và cuộc sống của quê hương, đất nước khi vào xuân.
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Âm điệu  các câu thơ trầm lắng suy tư như bâng khuâng, ngẫm nghĩ:
“ Đất nước bốn ngàn năm
   Vất vả và gian lao”
Nhà thơ đang đứng trên trục thời gian để nhìn lại quá khứ bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Suốt chặng hành trình ấy, lịch sử đã có không ít những trang vàng và những điểm son chói lọi, cũng không phải không có những giai đoạn tăm tối đến tột cùng.  Các câu thơ của Thanh Hải cuồn cuộn trong tâm trí ta về dòng lịch sử bốn ngàn năm “vất vả và gian lao “của dân tộc. Bừng sáng trong tâm hồn ta bốn ngàn năm của cha ông với những chiến công dựng nước và giữ nước, với trời bể ân tình thuỷ chung như nhất, yêu thương đùm bọc nhau của những con người quen đứng đầu sóng gió, chống lại mọi thế lực thù địch để giành lấy quyền sống, quyền được làm người.Mỗi mảnh đất quê hương chúng ta đều mang hơi thở cuộc sống của những ngày cha ông gian khổ khẩn hoang vỡ đất. Con người Việt Nam đổ mồ hôi, xương máu gắn chặt tâm hồn mình với mảnh đất thiêng liêng ấy. Thiên nhiên đất nước giàu đẹp nhưng cũng lắm thử thách, hăm doạ rập rình theo mỗi bước đi lên của con người Việt Nam. Qua bao phong ba của lịch sử, dân tộc ta đã thể hiện một sức sống mãnh liệt: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa". Không tự hào sao được khi đất nước đi lên từ “vất và”, “gian lao”. Từ ngữ giản dị nhưng cũng đã tái hiện cuộc hành trình lịch sử của dân tộc ta khi chiến tranh cũng như thiên tai “sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, đói nghèo không buông. Đúng là:
“Việt Nam ơi Việt Nam
Tiếng súng tiếng gươm không bao giờ dứt
Bởi Tổ quốc ta không bao giờ chịu nhục
Dân tộc ta không chịu cúi đầu”
Từ điểm nhìn của hiện tại, nhà thơ xoay hướng đến tương lai:
                        “ Đất nước như vì sao
                        Cứ đi lên phía trước”
Nhịp thơ hào hứng vui say trở lại khi tác giả nhìn thấy tương lai huy hoàng của Tổ quốc. Sử dụng nghệ thuật so sánh, tác giả đã cụ thể hóa đất nước như một vì sao tỏa sáng trên bầu trời, cứ tiến mãi về phía trước. Nhà thơ như khẳng định  lòng tin  vào đất nước . Một đất nước có sức mạnh  trỗi dậy xé màn đêm đen tối  mà lao về phía trước. So sánh đất nước với vì sao sáng, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào đối với đất nước và dân tộc. Cách so sánh đầy ấn tượng. Một vì sao lấp lánh không chói lọi nhưng bền vững, trường tồn. Sao là nguồn sáng bất diệt, là vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Ngôi sao sáng đã trở thành vẻ đẹp lộng lẫy trên lá cờ Việt Nam, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp ngời sáng của con người và đất nước Việt Nam. Đất nước vẫn không ngừng phát triển, vẫn “cứ đi lên phía trước” để sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới. . Từ “cứ” khẳng định mãnh mẽ quy luật tất yếu “cứ đi lên phía trước” của dân tộc ta. Đó là niềm tin của tác giả vào sức sống của dân tộc, vào sự phát triển khổng ngừng của đất nước.Đoạn thơ thể hiện ý chí vươn lên không ngừng của con người và dân tộc Việt Nam.
Thời gian không ngừng trôi và lòng người Việt Nam không bao giờ nguôi tình cảm nhớ thương, yêu quí, kính trọng đối với Bác.Với những hình ảnh vừa quen thuộc, vừa giàu sức khái quát, vừa lung linh gợi cảm, bằng cảm xúc chân thực và ngôn ngữ thơ gợi cảm, Viễn Phương đã nói hộ chúng ta lòng thương nhớ, nỗi niềm đau đớn dồn nén đối với Bác. Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân ta. Cùng dòng người nối tiếp nhau vào lăng viếng Bác, nhà thơ sững sờ, nghẹn ngào, đau đớn:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
                      ( Viếng lăng Bác – Viễn Phương )
Niềm xúc cảm của nhà thơ chợt dâng trào và òa vỡ thành tiếng thổn thức khi nhìn thấy Bác :
                        Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
                        Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Bác nằm đó như đang trong giấc ngủ bình yên sau bảy mươi chín mùa xuân không hề nghỉ. Cụm từ giấc ngủ bình yên là phép nói giảm nói tránh trong thơ. Tác giả không chỉ dừng lại ở việc giảm nhẹ sự đau buồn mất mát khi nói về cái chết mà còn miêu tả rất thực hình ảnh Bác trong lăng. Sự ra đi của Bác thanh thản và nhẹ nhàng như bước vào giấc ngủ an lành, tự tại. Giấc ngủ ấy chỉ có được ở những người có tâm hồn cao đẹp, biết sống vì hạnh phúc của mọi người. Khi ra đi, họ sẽ không vướng mang, ràng buộc, ung dung tự tại “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay ”. Bác Hồ chính là người như thế, cả cuộc đời Bác chỉ lo cho dân cho nước, cho hạnh phúc của muôn nhà :
                        Bác để tình thương cho chúng con
                        Một đời thanh bạch chẳng vàng son
                        Mong manh áo vải hồn muôn trượng
                        Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
                                                                        (Tố Hữu, Bác ơi !)
Từ ánh điện mờ ở trong lăng, nhà thơ liên tưởng đến một hình ảnh rất đẹp: vầng trăng sáng dịu hiền. Hình ảnh đó đã đưa người đọc vào một thế giới huyền diệu, trong sáng và thanh khiết; càng gợi ta nghĩ đến tình yêu thiên nhiên, yêu trăng nồng nàn của Bác. Vầng trăng kia đã bao lần sáng lên trong thơ Người. Cả khi trong ngục: “Người ngắm trăng soi qua cửa sổ, trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Cả những khi bận rộn việc nước việc quân, Bác vẫn thấy “trung thu trăng sáng như gương”, “rằm xuân lồng lộng trăng soi”, “trăng ngân đầy thuyền”, “trăng vào cửa sổ đòi thơ”, “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa…” Giờ đây, Bác nằm đó, trong giấc ngủ bình yên, giữa vầng trăng sáng dịu hiền.Đẹp làm sao, lúc sinh thời Bác cùng trăng bầu bạn, đồng hành qua bao chặng đường Cách mạng. Giờ đây, đến khi Bác ra đi ánh trăng vàng cũng tiếp tục đồng hành đưa tiễn Người vào cõi hư vô.
Đến đây, bỗng nhà thơ cảm thấy trào dâng một niềm đau vô hạn :
                        Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
                        Mà sao nghe nhói ở trong tim
Hình ảnh ẩn dụ trời xanh để chỉ Bác. Trời xanh bao la kia kéo dài đến vô tận, cũng như Bác luôn sống mãi trong lòng bao thế hệ người dân Việt Nam. Hai câu thơ xây dựng theo hình thức đối lập, giữa cái biết và cảm giác nhói trong tim. Hai sự việc đối lập trong cùng một thể thống nhất: tình cảm kính yêu đối với Bác.Biết là lí trí và nhói là cảm xúc. Lí trí vẫn luôn nhắc nhở nhà thơ rằng Bác vẫn sống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng con tim ta vẫn nhói đau vì một sự thật đau lòng – Bác đã không còn. Nỗi đau quá lớn, vì vậy mà mọi lập luận đều trở nên vô nghĩa.Nỗi đau là có thật, xuất phát từ sâu thẳm trái tim của đứa con miền Nam ra thăm Bác ngày đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Đây là lần đầu tiên Viễn Phương được gặp Bác. Trong suốt những năm đất nước bị chia cắt, nhân dân miền Nam quyết tâm chiến đấu, ai cũng mong có lúc:
"Miền Nam chiến thắng mơ ngày hội
Đón Bác vào thăm thấy Bác cười"
  Nhưng, niềm mong ước ấy không bao giờ thành hiện thực. Bác đã ra đi khi chưa thực hiện được niềm mong ước cuối cùng là vào Nam gặp mặt đồng bào, những người con vẫn ngày đêm mong nhớ được gặp mặt Bác.
"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong cha"
  Vì vậy, sự ra đi của Bác là một mất mát to lớn không gì bù đắp được đối với một người con Nam Bộ như Viễn Phương. Ngày hội non sông không chứng kiến nụ cười của Bác rạng rỡ,.
Vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam chỉ được Viễn Phương, Thanh Hải  thể hiện ở một ít góc độ nhưng đủ để chúng ta cảm nhận rõ vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng của con người Việt Nam. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho các tác phẩm sống mãi với thời gian.Chúng ta không khỏi tự hào, xúc động về những năm tháng đất nước mình đã đi qua, về vẻ đẹp muôn đời của con người đất Việt. Và ta mãi cất lên những bài ca không bao giờ quên - bài ca viết về quê hương, viết về con người bởi tự hào biết mấy hai tiếng: Việt Nam.