“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Đó là vẻ đẹp của những người dân Việt Nam .Các nhà văn, nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình để ca ngợi vẻ đẹp của người Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong đời sống hòa bình.
Đó là vẻ đẹp của những người lính. Viết về họ,“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật ,mỗi ý, mỗi lời đều chứa chan tình cảm và sự khâm phục dành tặng cho những con người đã làm nên đất nước, những đứa con ưu tú của đất mẹ yêu thương. Ta thấy bóng dáng những người lính, dù đường trường vất vả gian lao, dù phải đối mặt với sự sống và cái chết, họ vẫn hiên ngang tiến về phía trước.
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
( Bài thơ về tiểu đội không kính - Phạm Tiến Duật)
Đó là vẻ đẹp của những người con miền núi trong một “Nói với con ”, một vẻ đẹp bất khuất và hào hoa. Y Phương kiêu hãnh, tự hào khi được sinh ra và lớn lên là “người đồng mình”, khi được tiếp nối truyền thống hào hùng bốn nghìn năm của dân tộc. Con người miền núi luôn kiên cường trước khó khăn nhưng sống rất nghĩa tình :
“Người đồng mình thương lắm con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.”
(Nói với con - Y Phương )
Dù giọng thơ khác nhau,sáng tác ở hai thời điểm khác nhau, đề tài khác nhau,các đối tượng khác nhau ,“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và ”Nói với con” của Y Phương đã bộc lộ được phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Đó là hình ảnh những con người kiêu hãnh, hiên ngang, kiên cường, bất khuất trước mọi nguy nan, chịu đựng mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống và biết yêu thương, che chở đùm bọc nhau. Qua đó, tác giả bộc lộ phẩm chất cao quý, truyền thống đáng tự hào của con người Việt Nam đó là truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.
Những người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật là anh hùng trên chiến trận của đạn bom kẻ thù. Họ chính là những anh hùng của thời đại, những dũng sĩ can trường .Họ ra đi, để lại sau lưng là gia đình, là xóm làng thân thương, ra đi với lý tưởng cao đẹp dựng xây đất nước hòa bình. Chúng ta sẽ mãi nhớ, mãi không quên về một thời đạn bom, về một thời lớp lớp người ra tiền tuyến. Hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn mới hào hùng làm sao :
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
( Bài thơ về tiểu đội không kính - Phạm Tiến Duật)
Bài thơ nổi bật lên một hình tượng những chiếc xe không kính.Hình ảnh những chiếc xe không kính chắn gió - hình ảnh có sức hấp dẫn đặc biệt vì nó chân thực, độc đáo, mới lạ. Xưa nay, hình ảnh xe cộ trong chiến tranh đi vào thơ ca thường được mỹ lệ hoá, tượng trưng ước lệ chứ không được miêu tả cụ thể, thực tế đến trần trụi như cách tả của Phạm Tiến Duật. Với bút pháp hiện thực như bút pháp miêu tả "anh bộ đội cụ Hồ thời chống Pháp" của Chính Hữu trong bài Đồng chí (1948), Phạm Tiến Duật đã ghi nhận, giải thích về "những chiếc xe không kính" thật đơn giản, tự nhiên :
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.
Hai câu thơ như một lời hỏi đáp rất hồn nhiên tự nhiên của người lính. Bom đạn ác liệt của chiến tranh đã tàn phá làm những chiếc xe ban đầu vốn tốt, mới trở thành hư hỏng : không còn kính chắn gió, không mui không đèn, thùng xe bị xước. Hình ảnh những chiếc xe không kính không hiếm trong chiến tranh chống Mỹ trên đường Trường Sơn lửa đạn nhưng phải là một chiến sĩ, một nghệ sĩ tâm hồn nhạy cảm, trực tiếp sẵn sàng chiến đấu cùng những người lính lái xe thì nhà thơ mới phát hiện được chất thơ của hình ảnh ấy để đưa vào thơ ca một cách sáng tạo,nghệ thuật. Bằng những câu thơ gần với văn xuôi hấp dẫn người đọc và các điệp ngữ “không có...không phải...không có, bom giật bom rung” đã làm cho âm hưởng bài thơ hùng tráng, gợi tả không khí ác liệt chiến trường. Không tô vẽ, không cường điệu mà tả thực, nhưng chính cái thực đã làm người suy nghĩ, hình dung mức độ ác liệt của chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ.Vần thơ đã làm hiện lên những chiếc xe vận tải quân sự mang trên mình đầy thương tích chiến tranh và làm nổi bật hình ảnh người chiến sỹ lái xe can trường, dày dạn trong khói lửa.Thiếu đi những điều kiện, phương tiện vật chất tối thiểu lại là một cơ hội để người lính lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ khó khăn.
Khi mà sự sống cái chết chỉ cách nhau có gang tấc, khi mà những đợt bắn phá của địch cứ liên tiếp, những quả bom nổ chậm đang rập rình đe doạ thì người ta có thể rất lo âu. Nhưng những người lính Trường Sơn vẫn ung dung nhìn bao quát đất trời.
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Một tư thế hoàn toàn tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Đạn bom quân thù không cản được cái thế nhìn thẳng hướng của người chiến sĩ lái xe. Trong cái nhìn mang vẻ phóng khoáng kia, rọi sáng một niềm lạc quan, thể hiện tâm thế của một thời “tiếng hát át tiếng bom”.Một cái nhìn bao la khoáng đạt giữa chiến trường. Điệp từ “nhìn” đã thể hiện tuyệt đẹp một tư thế chiến đấu rất đĩnh đạc hào hùng của người lính trẻ trong mưa bom bão đạn của giặc Mỹ. Con mắt nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng có một vẻ trang nghiêm, bất khuất như lời thề. Họ không thẹn với đất, với trời. Hay nhất là hai chữ nhìn thẳng – nhìn thẳng vào gian khổ, nhìn thẳng vào hi sinh, không run sợ, không né tránh. Bầu không khí căng thẳng với “bom giật, bom rung”, vậy mà họ vẫn nhìn thẳng, cái nhìn hướng về phía trước của một con người luôn coi thường hiểm nguy. Nhịp thơ 2/2/2 với những dấu phẩy ngắt khiến âm điệu câu thơ trở nên chậm rãi, như diễn tả thái độ thản nhiên đàng hoàng. Với tư thế ấy, họ đã biến những nguy hiểm trở ngại trên đường thành niềm vui thích. Chỉ có những người lính lái xe với kinh nghiệm chiến trường dày dạn, từng trải mới có được thái độ, tư thế như vậy.Không có kính chắn gió, bảo hiểm, đoàn xe vẫn lăn bánh bình thường. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút chạy trên đường.Thời đại đã cung cấp hiện thực sôi động quý giá để nhà thơ khắc hoạ những hình ảnh đẹp về những chiến sĩ lái xe Trường Sơn làm xúc động lòng người. Chính các anh đã làm nên một con đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên những trang sử chói lọi cho lịch sử Việt Nam thời chống Mỹ.
Và bằng giọng thơ tâm tình, Y phương đã bộc lộ được vẻ đẹp đáng quý của con người quê hương. Quê hương luôn chan chứa tình yêu thương, luôn sẵn sàng chia sẻ, lo lắng cho con, cho tất cả mọi người. Người đồng mình đáng yêu bởi sự giản dị và tài hoa
“Người đồng mình thương lắm con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.”
(Nói với con - Y Phương )
Trên quê hương thơ mộng nghĩa tình, người đồng mình hiện lên trong cuộc sống lao động cần cù mà tươi vui:
"Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát".
Giọng thơ vang lên đầy thiết tha và tự hào. “Người đồng mình” là người bản mình, người quê mình người vùng mình, là những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng một dân tộc.Y Phương có cách gọi rất độc đáo, rất gần gũi và thân thương về những con người quê hương. Đó là cách nói mộc mạc, mang tính địa phương của dân tộc Tày nhưng giàu sức biểu cảm.Tác giả vận dụng lối diễn đạt của người dân tộc miền núi để xây dựng hình ảnh thơ. Những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc đều được diễn tả trực tiếp bằng hình ảnh. Với hình thức câu cảm thán, người đọc cảm nhận lời tâm tình được cất lên tự đáy lòng thương mến của người cha về người đồng mình. Họ đáng yêu bởi họ là những con người yêu lao động. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, họ đã “đan”, “cài”, “ken”…và cuộc sống như nở hoa dưới đôi bàn tay cần cù, sáng tạo của họ… Những động từ đan, cài, ken vừa nói lên những công việc cụ thể của người lao động vừa gợi ra sự gắn bó quấn quýt. Hình ảnh “đan lờ”, “vách nhà” hai công việc lao đông gắn liền với đứa trẻ theo từng lứa tuổi, còn bé thì đan lờ bắt cá, lớn hơn thì dựng nhà, ken vách. Hình ảnh “nan hoa” nói lên bàn tay lao động tài hoa, khéo léo. Vách nhà của họ không chỉ được ken bằng những vật liệu thông thường mà còn ken bằng“câu hát” tràn ngập niềm vui, tinh thần lạc quan. Chỉ hai câu thơ giản dị mà gói trọn ở đó hình ảnh tươi đẹp của cuộc sống con người dân tộc quê ông. Những công việc lao động thường ngày trở nên thơ mộng hơn, phong tục, thói quen sinh hoạt làm đời sống tinh thần người dân thêm phong phú.
Từ mạch cảm xúc ấy, tác giả khắc họa hình ảnh “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng” mang đậm cảnh sắc thanh bình của quê hương miền núi. Rừng đâu chỉ cho nhiều gỗ quý, lâm sản mà còn cho hoa Hoa vừa mang vẻ đẹp thực vừa nói lên những gì đẹp đẽ, tinh hoa của dân tộc. Lao động đã đem đến cho con bao điều tốt đẹp, "người đồng mình" và quê hương ấp ủ, nuôi sống con trong tình thương yêu, trong tình đoàn kết buôn làng. Và con đường đâu chỉ để đi mà nó còn cho "những tấm lòng" nhân hậu, bao dung, nghĩa tình. Con đường đó là hình bóng thân thuộc của quê hương, còn in dấu những bước chân đi xuôi ngược, làm ăn sinh sống của buôn làng, nên nó mang một ý nghĩa thật to lớn trong quá trình khôn lớn của con. Con đường quê hương đã rộng mở để đón con vào đời, đi vào cuộc sống tâm hồn con.Tác giả đã sử dụng lối diễn đạt của người miền núi để tạo ra những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao mà vẫn giàu chất thơ bay bổng về vẻ đẹp trong cuộc sống của người dân tộc, đó là điểm tựa để cho con khôn lớn trưởng thành, có sức mạnh bay cao, bay xa. Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhà thơ giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng, hiền hòa. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật ,”Nói với con” của Y Phương đã tái hiện thành công hình ảnh người chiến sĩ và “người đồng mình” rất đỗi thân thương -những con người kiên cường, bất khuất chịu đựng mọi khó khăn gian khổ giành lại cuộc sống và xây dựng cuộc sống. Từng câu thơ, từng ý thơ đem đến cho người đọc sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ, kính phục đối với những con người đã làm lên hai tiếng VIỆT NAM. Qua Hai bài thơ, ta thấy sức mạnh truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chúng ta tự hào biết bao về một Trưòng Sơn năm xưa, tự hào sao về những con người làm nên những bản hùng ca bất diệt,đem đến cuộc sống thanh bình, thịnh vượng cho đất nước.