Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Nhận xét về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, SGK Ngữ Văn 9 – Tập 2 – Trang 77 có viết: “ Bức tranh xuân của thiên nhiên đất nước được tạo nên từ các chi tiết tiêu biểu, được vẽ bằng cả màu sắc lẫn âm thanh” Hãy phân tích một khổ thơ trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để làm sáng tỏ nhận định trên.



            Thanh Hải là nhà thơ xứ Huế. Vùng đất hữu tình có con sông Hương thơ mộng và núi Ngự trang nghiêm vun đắp cho hồn thơ Thanh Hải bay cao. Trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, Thanh Hải là một trong những cây bút có công trong việc xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. Những tác phẩm của ông được bao thế hệ bạn đọc nhắc mãi như “ Mồ anh hoa nở”, “Những đồng chí trung kiên”.
Nhưng nhắc đến thơ Thanh Hải, người ta thường nghĩ đến bài thơ“Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ được sáng tác khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, trước khi mất không lâu. Nhận xét về bài thơ này, SGK Ngữ Văn 9 – Tập 2 – Trang 77 có viết: “ Bức tranh xuân của thiên nhiên đất nước được tạo nên từ các chi tiết tiêu biểu, được vẽ bằng cả màu sắc lẫn âm thanh”. Chúng ta sẽ làm sáng tỏ rõ điều nhận định trên qua việc phân tích khổ thơ thứ nhất của bài thơ:
“ Mọc giữa dòng sông xanh
                                      Một bông hoa tím biếc
                                      Ơi con chim chiền chiện
                                      Hót chi mà vang trời
 Từng giọt long lanh rơi
                                     Tôi đưa tay tôi hứng”
Mở đầu bài thơ, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi tắn đầy sức sống:
                                    “ Mọc giữa dòng sông xanh
                                      Một bông hoa tím biếc”
Người xưa thường nói “ thi trung hữu hoạ”. Mỗi vần điệu trong bài thơ là một bức hoạ về cuộc sống. Hình ảnh dòng sông xanh được đảo lên đầu bài thơ để làm tông màu chủ đạo cho bức tranh tả cảnh. Từ “mọc” đặt ở đầu câu thơ vang lên như một điểm nhấn, một sự phát hiện đầy cảm xúc của nhà thơ. Chỉ hai câu thơ thôi, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân với hình ảnh một dòng sông xanh uốn lượn quanh co. Màu xanh của bức họa thiên nhiên là sự tổng hợp nhiều sắc xanh: xanh trong của nước, màu xanh lơ của bầu trời nhuộm sắc xuân và cả màu xanh non của cây cối hai bên bờ. Nhìn gam màu chủ đạo của bức tranh xuân, bất giác, chúng ta liên tưởng đến bức họa cảnh ngày xuân của Nguyễn Du trong tác phẩm “Truyện Kiều”:
                           “ Cỏ non xanh tận chân trời
                        Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Đọc câu thơ, dường như có sự tương đồng giữa các nhà thơ xưa và nay trong nghệ thuật miêu tả sắc xuân, trong đó gam màu xanh luôn đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh tả cảnh.
Nếu như trong hai câu thơ của “Truyện Kiều”, Nguyễn Du miêu tả trên nền xanh là “cành lê trắng điểm một vài bông hoa” thì trong thơ của Thanh Hải, tác giả chỉ “điểm” vào đó “một bông hoa tím biếc”. Chỉ một thôi, đủ để làm hình ảnh bông hoa trở nên nổi bật. Cách phối màu thật hài hòa với những nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động.
Tác giả không miêu tả cụ thể bông hoa, nhưng với màu “tím biếc” ấy đủ gợi lên hình ảnh thân thuộc của cánh lục bình hay hoa súng thường mọc ở giữa ao hồ sông nước của làng quê và ta từng gặp đâu đó trong những vần thơ khác:
                                    “ Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
                                      Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
                                      Hoa lục bình tím cả bờ sông…” ( Lê Anh Xụân)
Màu xanh của dòng sông vốn quen thuộc với dải đất miềng Trung thơ mộng. Nhưng màu tím biếc thì không lẫn vào đâu được với sắc màu đặc trưng của xứ Huế - quê hương của nhà thơ.
Chỉ có hai dòng thơ, Thanh Hải đã đưa vào đó hình ảnh, màu sắc và đường nét của cảnh vật. Giờ đây, nhà thơ lại điểm xuyết vào âm thanh tưng bừng rộn rã của con chim chiền chiện hót vang trời:
                                      Ơi con chim chiền chiện
                                      Hót chi mà vang trời”
            Âm thanh tiếng chim làm cho vẻ tĩnh tại của bức tranh xuân trở nên sống động đến lạ lùng. Tiếng chim chiền chiện hót lúc xuân về mở ra một khoảng không gian cao rộng khoáng đạt đầy ánh nắng. Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận cũng chọn hình ảnh và tiếng hót con chim chiền chiện làm chủ thể trong những vần thơ của mình:
                                  “Con chim chiền chiện
                                    Bay vút vút cao
                                    Lòng đầy yêu mến
                                    Khúc hát tự hào”
Và Tố Hữu, trong Bài ca xuân 1961, hình ảnh con chim chiền chiện cũng cất tiếng hót vang trời:
                             Ôi tiếng hót vui say con chim chiền chiện
Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
                             Xuân ơi xuân vui tới mông mênh
Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh”
Trước vẻ đẹp ấy, Thanh Hải ngất ngây sung sướng không ngăn được dòng cảm xúc dâng trào. Những từ cảm thán “ Ơi”, “ Hót chi” vang lên là tiếng lòng nao nức say sưa của nhà thơ khi lần đầu tiên phát hiện vẻ đẹp đơn sơ mà say đắm của cảnh vật quê hương.
                                    “ Từng giọt long lanh rơi
                                       Tôi đưa tay tôi hứng”
Cụm từ “ giọt long lanh” gợi lên những liên tưởng phong phú và đầy thi vị. Đó có thể là giọt sương mai lấp lánh qua kẽ lá trong buổi sớm mùa xuân tươi đẹp, có thể là giọt nắng rọi sáng bên thềm, có thể giọt mưa xuân trên xứ Huế mộng mơ…Theo mạch liên tưởng của bài thơ “ giọt long lanh” còn là giọt âm thanh đổ hồi của con chim chiền chiện. Sự chuyển đổi cảm giác từ âm thanh sang hình ảnh làm cho câu thơ thêm đậm chất trữ tình…
Trước vẻ đẹp ấy, nhà thơ không kìm chế được niềm vui, cảm giác say sưa đón nhận. “Tôi đưa tay tôi hứng”  là một hình ảnh mang tính tượng trưng, thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của đất trời.
            Như vậy, chỉ bằng ba nét phác hoạ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp tươi đầy sức sống. Phải chăng đó là vẻ đẹp mặn mà của đất nước vào xuân?
            Những bài thơ hay viết về mùa xuân từ xưa đến nay không ít. Nhưng miêu tả mùa xuân gắn liền với nhịp sống sôi động đang tiến lên, đặc biệt là sự phát hiện độc đáo qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ta chỉ có thể bắt gặp được ở nhà thơ Thanh Hải. Càng xúc động hơn khi người đọc biết rằng bài thơ ra đời trong lúc tác giả đang nằm trên giuờng bệnh trước khi mất chẳng bao lâu.

Nguồn : Thầy đồ Nguyễn Long Giang