Một nhà văn Nga đã từng
nói :"Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình
thương". Đã là con người sống không có tình thương thì chẳng khác gì thú vật,
cũng chẳng khác chi một cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô
nghĩa và sẽ chết dần chết mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Người đời cũng có câu
:"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"- bởi vậy cho và nhận đã trở
thành quy luật của cuộc sống, làm người phải có qua, có lại, tồn tại giữa tập
thể, cộng đồng chúng ta không thể chỉ biết có mình. Cuộc sống ngày nay đã đổi
thay so với lúc trước, nhưng cuộc sống vật chất có thể đổi thay nhưng tình người
thì không thể nào thay đổi được.
Vậy đồng cảm và chia sẻ là gì? Nếu muốn nói
cho rõ, cho rạch ròi thì rất khó bởi nó xuất phát từ trái tim của con người
nhưng ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu đồng cảm là biết rung cảm trước những
vui buồn của người khác, hiểu và cảm thông những với những gì đang diễn ra xung
quanh cuộc đời họ và luôn đặt mình trong hoàn cảnh của những người khác để nhìn
nhận vấn đề, từ đó thể hiện thái độ quan tâm của mình. Đồng cảm đi từ con tim đến
mách bảo chúng ta hành động, tạo nên sự chia sẻ, sẻ chia là cùng người khác san
sẻ niềm vui, nỗi buồn, sẵn sàng có mặt khi người khác cần mình, không tỏ thái độ
vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác cũng như không ganh ghét, đố kị, nhạo
báng vinh quang, niềm vui của họ.
Tự nhiên sinh ra con người bình đẳng
nhưng sự trôi dạt, xô đẩy của dòng đời, của hoàn cảnh còn đôi khi đã phân hóa,
tạo ra những con người với những cảnh đời khác nhau, có kẻ giàu người nghèo và
những con người chân chính luôn muốn lấp đầy, rút ngắn cái khoảng cách giàu-
nghèo ấy bằng tình thương, lòng nhiệt tình. Và trên thực tế, đã có nhiều nghĩa
cử cao đẹp đã được "thực hành" và đem lại nhiều kết quả không nhỏ. Đồng
cảm và sẻ chia đem đến niềm vui cho người khác hay ít nhất là giảm bớt một phần
nỗi buồn đau trong họ, đồng thời làm cho giá trị của bạn trong mắt mọi người sẽ
cao hơn hơn nữa nó càng xiết chặt thêm tình nghĩa đồng bào, làm cho người gần
người hơn.
Từ lâu, tinh thần đồng cảm và sẻ chia đã trở
thành một nhu cầu của con người Việt Nam nhân ái, nồng hậu và ngày nay nó vẫn
luôn thường trực trong nếp sống của người Việt. Lúc trước, dân ta còn trong cảnh
thiếu cơm, thiếu gạo thậm chí chết đói vậy mà họ vẫn còn san sẻ cho nhau từng
miếng cơm, hạt muối, "tối lửa tắt đèn có nhau", sống cùng sống chết
cùng chết; ngày nay nét đẹp ấy còn được bảo tồn và phát huy, nhiều ngôi nhà
tình nghĩa được mọc lên, nhiều trường học dành riêng cho những trẻ em khuyết tật
và có hoàn cảnh khó khăn học tập và phát triển. ". Vậy thì tại sao
chúng ta- những lớp con cháu đi sau, đã và đang sống trong thời kì mà "văn
minh" đang nở rộ, bao nhiêu thuyết lí đẹp đẽ ra đời- không cố mà phát huy
những nét đẹp ấy của cha ông.
Sống trong tập thể, cộng đồng con người cần
con người để nương tựa vào nhau mà sống và phát triển. Hãy luôn biết lắng nghe
và đồng cảm, chỉ như thế ta mới có được niềm vui và giúp ta sống một cuộc đời
có ý nghĩa hơn. Cũng như học phải đi đôi với hành động, không nên chỉ đồng
cảm trên "lí thuyết" suông mà phải "hành động" để thực hành
cái lí thuyết ấy. Ta có thể thể hiện tinh thần tương thân tương ái của mình một
cách dễ dàng, ví như mỗi buổi sáng ta có thể rút bớt một phần ba số tiền ăn
sáng của mình, dành dụm để có thể mua một ít sách vở tặng cho những bạn có hoàn
cảnh khó khăn để có thể giúp họ vượt qua được một chút vất vả. Đối với ta số tiền
ấy có thể không là bao nhưng đối với người nhận thì đó là một món quà vô cùng lớn,
thậm chí là vô giá.
Trao đi một chút nhưng ta nhận được cả vạn
tình thương yêu. Hãy nhớ làm mọi việc với tất cả tình thương của một con người,
làm theo sự mách bảo của con tim