Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022 _ 26_Chủ đề: Áp lực

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022 _ 26

Chủ đề: Áp lực

Câu 1. Em hãy đọc hai văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới

Văn bản 1

Áp lực mới tạo nên kim cương.

Lò xo phải bị nén thì mới có sức bật.

Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng.

Hãy yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây, bình tĩnh gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước lũ. Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước. Đường đời chẳng mấy khi bằng phẳng. Nhưng không ai sướng mãi và cũng chẳng ai khổ hoài...Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng. Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình. Đó là lối sống mạnh mẽ nhất.

Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh, vậy thì đừng né tránh áp lực. Đừng sợ hãi độ cao. Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực. Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, đơn giản chỉ cần tìm cách thay đổi. Thay đổi bằng cách nào tạm thời chưa cần rạch ròi, nhưng trước hết bắt buộc phải có một ý thức không ngại va chạm, sẵn sàng hi sinh để thay đổi.

 (Trích Mình phải sống như biển rộng sông dài, Xu, NXB Thế giới, 2022, tr.74 -75)

Văn bản 2

Áp lực học tập chính là nguyên nhân hàng đầu gây stress, trầm cảm và rất nhiều vấn đề tâm lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay. Các thống kê cũng cho thấy, có đến gần 80% trẻ không được ngủ đủ giấc, luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải dùng các loại thuốc hỗ trợ để giải tỏa tinh thần. Đáng buồn hơn là tỷ lệ học sinh tự tử có liên quan đến các vấn đề “điểm số”, “thành tích” vẫn đang không ngừng tăng lên cho dù truyền thông đã đưa ra rất nhiều cảnh báo.

Phụ huynh thường luôn cho rằng mình đúng, cho rằng “có áp lực thì mới có kim cương”. Tất nhiên mục đích của việc cha mẹ muốn học học hành tốt vẫn là muốn con có một tương lai, một cuộc sống tươi đẹp hơn. Có những người muốn con thực hiện được ước mơ về học hành, công việc đã dang dở trước đó của mình. Nhưng tất cả phụ huynh đều không thể thực sự hiểu con muốn điều gì, không chịu lắng nghe tiếng lòng của con.

Áp lực học tập có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm về cả mặt tinh thần và thể chất cho học sinh sinh viên. Thậm chí có thể liên quan đến cả tính mạng, đặc biệt ở những trẻ có tâm lý yếu. Mỗi trẻ có một năng lực học tập riêng, quan trọng là con học được những gì, con thực sự yêu thích điều gì. Gia đình không nên đặt quá nhiều áp lực cho con mà hãy định hướng con cách phát triển một cách tốt nhất.

(Nguồn:Nguyễn Thủy– tamlytrilieunhc.com)

a.     Xác định và gọi tên 01 phép liên kết có trong đoạn văn in đậm trong văn bản 2.

b.    Theo tác giả văn bản 1, thế nào là lối sống mạnh mẽ nhất?

c.     Xác định 01 điểm chung và một điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d.    Em có đồng ý với nhận định "Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm" không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 - 6 dòng.

Câu 2.

A picture containing graphical user interface

Description automatically generated Người trẻ phải đương đầu với nhiều áp lực. Không chỉ những áp lực từ phía cha mẹ, chính trẻ cũng nảy sinh ra áp lực đồng trang lứa. Chúng không chịu những áp lực mưu sinh, vật chất, tiền bạc nhưng vẫn có vô số những áp lực vô hình đè nặng trên đôi vai.

Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của mình: Làm thế nào để vượt qua áp lực trong học tập.

 

 

Câu 3. Áp lực dễ làm cho ta nản lòng, đôi khi rơi vào bế tắc và rồi muốn buông xuôi tất cả nhưng nó cũng làm cho ta luôn có ý thức phấn đấu, phát triển, là động lực giúp chúng ta khắc phục hạn chế của bản thân, mở ra cho ta một lối đi.

Đó là áp lực đói nghèo mà người cha mong muốn người con vượt qua để sống xứng đáng là người đồng mình trong:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

(Nói với con, Y Phương)

Đó là áp lực của hoàn thành công việc trong mưa bom bão đạn của người lính lái xe trong:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

 

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.!

 (Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật)

Đó là áp lực cô đơn “thèm người” mà Anh thanh niên đã vượt qua trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba áp lực trên. Từ đó, liên hệ thực tế cuộc sống hay với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em chọn.

Đề 2. Các tác phẩm văn học kinh điển nuôi dưỡng tâm hồn con người, nuôi dưỡng tình cảm và biến thế giới này trở nên màu sắc, hấp dẫn, đa dạng biết bao.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn học làm cho cuộc sống của con người thi vị hơn.