Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_14_Chủ đề: Lao động là đôi cánh của ước mơ

 


Câu 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tôi hiểu được giá trị của lao động qua chai sần của lòng bàn tay, của những giọt mồ hôi thấm áo mẹ cha. Sinh ra trong gia đình lao động chân tay, tôi hiểu sâu sắc hơn hết lời mẹ tôi vẫn dặn: Có làm thì mới có ăn.  Để tồn tại và phát triển, mỗi con người phải tự lao động và sáng tạo rất nhiều. Và để có tôi ngày hôm nay đang trên con đường chinh phục thành công là những tháng ngày khó nhọc của mẹ.

[…]Ấn tượng tuổi thơ của tôi là những gánh hàng nặng trĩu trên vai. Bóng dáng của mẹ có mặt từ những con phố này đến những con phố khác.Có lẽ, không có ngóc ngách nào không in dấu chân mẹ. Mẹ thay cha nuôi chúng tôi. Với tôi, mẹ không những là người mẹ vĩ đại nhất mà còn là một người bố - gánh vác trọng trách gia đình nuôi 4 đứa con ăn học.Những đồng tiền lẻ từ mớ rau, từ những ngày lao động nhọc nhằn mẹ đã chắt chiu, chúng tôi mới có ngày hôm nay. Nhớ những ngày ấy, dù nắng mưa, mẹ tôi vẫn đều đặn đi bán hàng.[…] Thời gian qua đi, con cái từng bước lớn khôn, mẹ tôi vẫn thế, vẫn giấu đi những nhọc nhằn, buồn phiền để chúng tôi hạnh phúc, vui vẻ.

Có đôi lần tôi nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông hình ảnh những người bán hàng rong phải rời bỏ gánh hàng lấn chiếm vỉa hè của họ.Tôi rưng rưng nhớ tới mẹ và tôi cũng biết đằng sau những người lao động ấy là những đứa con đang khát khao học vấn. Bỗng nhiên, tôi giật mình mà thấy rằng tốc độ thành công của chúng tôi phải nhanh hơn tốc độ già đi của mẹ. Cảm ơn mẹ đã vì con. Cảm ơn mẹ đã sinh con ra trên đời.

Đến đây, tôi mới hiểu ra thực sự ý nghĩa của lao động. Lao động không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn là ngọn lửa thắp sáng nguồn sống của mọi người. Lao động không chỉ vì nhu cầu của bản thân mà còn là biểu hiện của đức hy sinh, tình yêu thương.

(Theo https://vov.vn/xa-hoi/xuc-dong-bai-van-10-diem-viet-ve-nguoi-lao-dong-khong-co-ngay-nghi-le-619546.vov)

a. Chỉ ra và gọi tên 01 thành phần biệt lập có trong đoạn in đậm.

b. Theo tác giả, ý nghĩa thực sự của lao động là gì?

c. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

d. Em có đồng ý với nhận định: “Lao động không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn là ngọn lửa thắp sáng nguồn sống của mọi người” không? Vì sao?

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 chữ với nhan đề: Lao động là đôi cánh của ước mơ.

Gợi ý:

Câu 1.

a.       - Thành phần biệt lập tình thái: có lẽ

- Thành phần biệt lập phụ chú: gánh vác trọng trách gia đình nuôi 4 đứa con ăn học

b.  Ý nghĩa thực sự của lao động là: là ngọn lửa thắp sáng nguồn sống của mọi người; là biểu hiện của đức hy sinh, tình yêu thương.

c. Nội dung chính của đoạn trích: Từ những cảm xúc, kỷ niệm về tuổi thơ nghèo khó cùng người mẹ bán hàng rong, tác giả khẳng định về giá trị của lao động cũng như  ý nghĩa thực sự của lao động.

d. - Đồng tình.

+ Chỉ khi chúng ta làm việc, lao động mới tạo ra của cải vật chất của phục vụ đời sống và những nhu cầu của bản thân. Lao động khiến con người thấy cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị, người ta tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Có lao động chúng ta mới có điều kiện phát huy khả năng của bản thân, nâng cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa. Lao động cũng chính là hướng tới tương lai tốt đẹp phía trước; làm để hoàn thiện bản thân, tiếp thu những kiến thức mới để bắt nhịp với cuộc sống xã hội.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 chữ với nhan đề: Lao động là đôi cánh của ước mơ.

1. Mở bài

Mỗi con người ta khi sinh ra đều có những ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Để thực hiện ước mơ đó, trước tiên chúng ta cần phải lao động, suy nghĩ làm việc hết mình để góp phần nâng cánh những ước mơ trở thành hiện thực.

2. Thân bài

* Giải thích

- Lao động là những hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra những của cải vật chất và tinh thần cho bản thân và cho xã hội.

- Ước mơ đó là những khát khao, hi vọng mà chúng ta vươn tới.

- Để thực hiện ước mơ, biến những ước mơ trở thành hiện thực, chúng ta cần phải lao động, suy nghĩ, làm việc hết mình mục đích muốn hướng tới.

=> Lao động là đôi cánh những ước mơ bay cao, bay xa, đưa con người đến những thành công mới, khám phá những điều bất ngờ, thú vị, xây dựng những mong ước thiết tha về những điều tốt đẹp trong tương lai thành hiện thực.

* Biểu hiện

- Lao động có thể nặng, nhẹ, khó khăn, vất vả nhưng đó lại là bước quan trọng thử thách tính kiên nhân của con người dám theo đuổi ước mơ hay không.

+ Nhà khoa học vĩ đại Thomas Edison thực hiện hơn một nghìn thí nghiệm về dây tóc bóng đèn cuối cùng đã thành công thắp lên ánh sáng cho nhân loại trong đêm tối.

+ Bác Hồ đã trải nghiệm biết bao nhiêu nghề nghiệp, sống di cư khắp năm châu bốn bể…Để có thể tích lũy kiến thức, tinh hoa, học hỏi những điều tốt đẹp hiện đại của nước ngoài, phục vụ cho công cuộc giải phóng ách nô lệ cho dân tộc.

 + Trên các dặm đường, cánh đồng, nhà máy ta gặp biết bao nhiêu những con người vô danh như bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng rong đã ngày ngày mưu sinh bằng chính sức lao động và ước mơ giản dị của mình sao cho bớt cơ hàn.

* Phân tích

- Vì sao lao động là đôi cánh của ước mơ?

+ Lao động là một cách để chúng ta khẳng định mình, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ, tri thức. Mỗi chúng ta đều có những ước mơ lớn lao hay những gì thân thuộc đều là cả một quá tình phấn đấu, vươn lên. không ngừng suy nghĩ và làm việc, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng và phát hiện nó. Có lao động chúng ta mới có điều kiện phát huy khả năng của bản thân, nâng cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa.

+ Ước mơ luôn là điều đẹp đẽ và tuyệt vời nhất trong cuộc sống, và dĩ nhiên rằng những thứ tốt đẹp ta sẽ chẳng bao giờ có được một cách dễ dàng, mà đó là cả một quá trình phấn đấu, lao động miệt mài để hoàn thành. Những ước mơ đó được xây dựng từ trong lao động và cũng được chính lao động nâng cánh cho ước mơ bay cao, bay xa. Phải lao động, nỗ lực hết mình chúng ta mới có thể thực hiện được những ước mơ đó.

+ Lao động chính là tích lũy cho con người ta kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế mà khắc sâu nhất để rồi không quên cho những bước tiếp theo trên hành trình theo đuổi mục tiêu của cuộc đời mình. Từ những kinh nghiệm nhỏ nhặt tích lũy ngày một nhiều đã lắp thành một đôi cánh nâng ước mơ của con người bay cao bay xa, đạt đến đỉnh cao của thành công.

+

* Phê phán

- Hiện nay có rất nhiều người không chịu lao động, chi biết sống dựa dẫm vào sức lao động của người khác: suốt ngày chi biết chơi, không chịu làm việc. Còn có những người yếu đuối, không tự tin vào bản thân, không dám mơ ước, không dám trải nghiệm để tiến gần hơn với ước mơ của mình. Họ e ngại những tai nạn rủi ro có thể xảy đến. Họ cuộc sống bình thường như thế là đủ. Những con người đó thật tẻ nhạt và thiếu sức sống. Thật đáng trách cho những con người sống không ước mơ, lười nhác lao động, sống không lý tưởng và “sống hoài sống phí” một đời người.

* Bài học/Liên hệ

-  Ước mơ muốn hoàn thiện thì con người phải lao động, vì nếu không sẽ giống như “há miệng chờ sung”, sẽ mãi mãi không tiến lên phía trước được.

- Học sinh cần rèn luyện lao động tự giác và lao động sáng tạo:

+  Thực hiện tốt nhiệm vụ, nội quy, kế hoạch học tập, rèn luyện của người học sinh để trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt.

+ Tự giác học, làm bài, đọc thêm tài liệu, không đợi ai nhắc nhở, đốn đốc.

+  Nhiệt tình tham gia các công việc ở nhà, ở trường, ở cộng đồng theo sự phân công của tổ chức.

+ Có suy nghĩ, cải tiến phương pháp học tập, lao động với mong muốn làm tốt hơn công việc đã nhận.

+ Biết trao đổi kinh nghiệm với người khác, trước hết Ịà bạn bè để cùng tiến bộ.

+ Có thái độ nghiêm khắc, quyết tâm sửa chữa lối sống tự do cá nhân, thiếu trách nhiệm, cẩu thả, ngại khó, sống buông thả, lười suy nghĩ, uể oải trong học tập, lao động…

3. Kết bài

Chỉ khi chúng ta làm việc bằng khối óc, bằng chính sức lao động của mình thì khi đó chúng ta mới có được thành quả, có được niềm vui xứng đáng.