Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_5_Chủ đề: Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh

 


Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!

                                           Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!

                                           Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,

                                           Nhìn mây trời,

                                           Chứ không phải thế nhân!

 

                                           Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi,

                                           Hãy tự mình vượt qua nó, bạn ơi!

                                           Tự trên cao, hãy nhìn xuống suối,

                                           Xuống cỏ hoa.

                                           Chứ không phải con người!

(Vô đề - Pimen Panchenko)

a. Nêu tên và tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn sau:

                                           Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!

                                           Bạn tôi ơi, hãy làm chủ bản thân!

                                           Tự dưới thấp, hãy nhìn thông cao vợi,

                                           Nhìn mây trời,

                                           Chứ không phải thế nhân!

b. Theo tác giả, khi ở dưới thấp ta phải làm gì?

c. Vì sao tác giả cho rằng: “Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi,/ Hãy tự mình vượt qua nó, bạn ơi!”?

d. Từ bài thơ trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Câu 2. Thomas Jefferson – Tổng thống Mỹ, tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ từng khẳng định:“Với xu hướng, hãy bơi theo dòng; với nguyên tắc sống, hãy vững như bàn thạch”

Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh, hãy làm chủ bản thân!

Gợi ý:

Câu 1.

a. - Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là:

+ Điệp ngữ: “đừng”, “nhìn” kết hợp với điệp cấu trúc “đừng…”, “nhìn…”

+ Liệt kê: “Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh!;…hãy nhìn thông cao vợi/Nhìn mây trời…”

- Tác dụng:

+ Đưa ra và nhấn mạnh một phương châm, một lời khuyên cho tất cả mọi người về cách ứng xử khiêm tốn, tự chủ và khoan hòa.

+ Giúp tạo nên nhịp thơ vừa uyển chuyển như lời tâm sự, lại vừa lặp lại như một điểm nhấn mạnh.

b. Khi ở dưới thấp ta phải nhìn thông cao vợi, nhìn mây trời,chứ không phải thế nhân!

c. Ý thơ “Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi/Hãy tự mình vượt qua nó, bạn ơi!” có ý nghĩa như một châm ngôn:

+ Khi bạn đứng trên đỉnh vinh quang, tức là bạn có một vị thế cao trong xã hội, bạn khó có được những tri kỷ chân thành, nhưng lời khuyên chân thực.

+ Lúc đó, bạn phải tự mình vượt qua sự tự mãn bản thân, để đạt được sự khiêm nhường, lễ độ và cũng là tự làm chủ bản thân mình trước những cám dỗ của ánh hào quang.

d. – Bài học: Không nên nuôi lòng hơn thua, đố kị và cần khiêm tốn để tâm hồn an nhiên, thanh sạch. Đó là một bài học vô cùng quý giá không chỉ cho bản thân em mà con cho tất cả mọi người.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Đừng đố kị, cũng đừng hợm hĩnh, hãy làm chủ bản thân!

1. Mở bài

Một trong những điều khó khăn nhất không phải là thay đổi xã hội – mà là thay đổi bản thân. Nếu cứ mải mê chạy theo những mục đích và tham vọng của người khác mà làm nhòa đi mục đích, giá trị thực sự của bản thân thì bạn dang chạy theo một cuộc đua không có đích. Hãy dừng lại để mình được thấy chính mình – thấy những giá trị của bản thân, những ước mơ, tài năng mà bao lâu nay bạn đã bỏ quên.

2. Thân bài

* Giải thích

- Đố kị: cảm thấy khó chịu, ghen ghét một ai đó vì người ta hơn mình.

- Hợm hĩnh: lên mặt, kiêu căng vì cho rằng mình có cái hơn hẳn người khác (tiền của, địa vị…).

- Làm chủ bản thân: khả năng chi phối, điều khiển, quản lý chính bản thân mình.

=> Lời khuyên: không nên ghen ghét, khó chịu với những người hơn mình; cần biết tự chủ bằng bản lĩnh để tạo cho tâm hồn sự thanh thản, an nhiên.

* Biểu hiện

-  Người có ý thức tự chủ bản thân luôn biết kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống. Họ không bao giờ nao núng hay hoang mang trước những khó khăn. Lúc nào họ cũng giữ lấy chính kiến, không bị ngả nghiêng, lôi kéo trước những áp lực tiêu cực là biết tự ra quyết định cho bản thân.

- Học sinh: Tự tin trong học tập và các hoạt động tập thể. Luôn kiên định thực hiện và bảo vệ cái đúng, cái tốt. Không bị lôi kéo bởi đám đọng, không a dua theo bạn bè xấu làm điều không đúng (chia bè phái, mất đoàn kết, trốn học, bỏ học, tham gia vào các tệ nạn xã hội…).

* Phân tích

- Vì sao không nên đố kị, hợm hĩnh, và biết làm chủ bản thân?

+  Không nên đố kị với những người hơn mình vì sự đố kị khiến tâm hồn ta vẩn đục, nhân cách ta trở nên tầm thường và mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt. Kẻ đố kị sẽ luôn luôn sống trong trạng thái căng thẳng, đau khổ không bao giờ tìm được sự thanh thản, bình yên cho tâm hồn. Thay vì đố kị, cần xác định mục tiêu sống của mình và dồn tâm sức để thực hiện mục tiêu ấy. Thay vì đố kị, hãy học tập từ thành công của người khác để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, hướng đến  thành công.

+ Không nên hợm hĩnh, chìm đắm, tự thỏa mãn trong vinh quang vì vinh quang, thành công chỉ có ý nghĩa nhất thời, không phải là điều vĩnh viễn tồn tại. Nếu chìm đắm trong vinh quang, tự mãn với thành công là ta đã dừng lại cuộc hành trình đáng ra cần tiếp tục, đã tự giới hạn phạm vi thành công của chính mình. Cần nhìn rộng ra xung quanh để thấy không chỉ thành công của mình mà thấy cả những nỗ lực, cố gắng của người khác, để thấy đúng vị trí của bản thân mà không ngừng cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa.

+ Mỗi người là một cá thể độc lập, cần tự chủ để xác định đúng năng lực, vị trí của bản thân mình dựa trên những mục tiêu và giá trị sống đúng đắn. Đừng so sánh bản thân với người khác để ganh ghét, đố kị hay tự mãn kiêu căng. Cả hai thái độ sống này đều dẫn tới những sai lầm, giết chết khả năng của bản thân, khiến con người đánh mất tương lai của chính mình.

+  Nhưng chúng ta cần hiểu đúng về đố kị và hợm hĩnh: cần phân biệt thái độ đố kị với sự so sánh trên cơ sở ý thức thi đua để phấn đấu vươn lên; cần phân biệt thái độ tự mãn, tự kiêu, ngủ quên trên chiến thắng với niềm tự hào chính đáng.

* Phê phán

- Có những người quá tự tôn bản thân, chìm đắm trong ảo tưởng, sống đầy lòng đố kị và tỏ ra hợm hĩnh, kiêu căng, tự mãn thái quá. Họ không những không nhận được thiện cảm và sự chia sẻ của người khác mà bản thân cũng dần bị cô lập trong thế giới của riêng mình. Những người như thế thật đáng chê trách.

* Bài học/Liên hệ

-  Để mọi cảm xúc không trở nên thái quá, để cách ứng xử có sự chừng mực, hợp lý, rất cần bản lĩnh, sự hiểu biết để kiểm soát, điều chỉnh bản thân.

+ Hãy trau dồi tri thức và cần nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, cần tập trung cho những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất, phù hợp nhất với bản thân mình.

- Khiêm tốn, chân thành và vị tha mới là những điều đáng quý nhất nên có ở mỗi con người. Hãy làm chủ bản thân bạn, làm chủ cuộc sống của chính mình, tham vọng chứ đừng tham lam, ngưỡng mộ chứ đừng đố kị, thể hiện bản thân nhưng không kiêu căng, hợm hĩnh, như thế, bạn mới có thể tìm thấy được một cuộc sống hạnh phúc.

3. Kết bài

“Nếu bạn không lập trình chính mình, cuộc sống sẽ lập trình bạn”. Chính vì thế, ngay lúc này đây, hãy lặng lại một hồi, nhìn vào tấm gương cuộc đời để thấy được chính mình, thấy được con người thật của bạn và thổi lên bừng lên những khát vọng và ước mơ cao cả.