Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_7_Chủ đề: Cho đi là còn mãi

 


Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tôi nhớ một nhà tâm lý học đã nói: Nếu bạn cảm thấy chán nản thì tốt nhất là giúp đỡ một ai đó. Tại sao? Vì giúp đỡ ai đó, bạn sẽ hướng tâm hồn ra bên ngoài và nhận được niềm vui. Có lần tôi đang ngồi trong một sân bay cho chuyến bay của mình. Vé của tôi là vé hạng nhất. Ở hàng này chỗ ngồi rộng hơn, thức ăn ngon hơn và các tiếp viên thì rất xinh. Và tôi lại được số ghế tốt nhất trong khoang máy bay, ghế số A1. Trước lúc máy bay cất cánh, tôi để ý đến một phụ nữ trẻ đeo theo nhiều túi xách tay và còn bế một em bé đang khóc nữa. Lương tâm tôi bảo: Này, làm gì đi chứ! tôi đấu tranh tư tưởng một lúc rồi cuối cùng đến bên cô ấy, đề nghị đổi chỗ ngồi. Tôi sẽ ngồi ghế hạng thường của cô ấy, còn cô sẽ ngồi chỗ ghế hạng nhất của tôi. Cô ấy rất ngạc nhiên, và trước lời thuyết phục của tôi, cô đồng ý.

      Khi máy bay bay được vài tiếng, tôi đi lên dãy ghế hạng nhất. Vén tấm màn, tôi thấy đằng kia, trong chiếc ghê rộng rãi, hai mẹ con họ đang ngủ ngon lành. Quay trở lại chỗ ngồi nhỏ bẻ của mình, Tôi thấy trong lòng vui như thể vừa trúng số độc đắc. Và chuyến bay đó đối với tôi thật thú vị. Lòng tôi tự nhủ, muốn có nhiều niềm vui thì phải siêng năng làm những nghĩa cử như vậy. Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn.

(Trích “Làm những việc tốt”, 7 thói quen của người thành đạt, dẫn theo http://gacsach.com)

a. Chỉ ra và gọi tên 01 thành phần biệt lập có trong đoạn in đậm.

b. Tác giả cảm thấy thế nào khi giúp đỡ được người phụ nữ trẻ và con cô ấy?

c. Em hiểu thế nào về quan điểm: Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn?

d. Có ý kiến cho rằng: Xã hội càng văn minh, lòng người càng vô cảm, những nghĩa cử tử tế cứ ngày một ít đi. Em có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao?

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Cho đi là còn mãi.

Gợi ý:

Câu 1.

a. – Thành phần biệt lập tình thái: chỉ

b. Khi giúp đỡ được người phụ nữ trẻ và con cô ấy tác giả cảm thấy: lòng vui như thể vừa trúng số độc đắc; chuyến bay đó thật thú vị

c. Quan điểm: “Việc cho đi không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn” có thể được hiểu là:

+ “Việc cho đi” là giúp đỡ người khác, bởi khi bạn cho đi là bạn đang khiến người khác có được một lợi ích lẽ ra thuộc về bạn.

+ Nhưng cho đi lại “khiến cuộc sống của bạn tốt hơn” bởi bạn bớt đi một lợi ích nhưng bạn có lại được những giá trị khác: niềm vui vì đã chia sẻ, niềm tin vào những điều tử tế, niềm hạnh phúc khi thấy người được giúp đỡ bớt khó khăn,...

+ Tuy nhiên, đừng “cho đi” chỉ vì cảm xúc, tâm trạng, niềm vui của mình. “Cho đi” quan trọng nhất phải từ lòng đồng cảm, muốn được chia sẻ.

d. - Xã hội ngày càng văn minh, lòng người ngày càng vô cảm. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày khi con người quá bận hoặc quá cảnh giác hoặc quá ích kỉ để mở lòng chia sẻ với người khác. Người ta vẫn vội vàng hay hờ hừng đi qua một đứa bé đứng sợ hãi ở góc đường mất phưong hướng khi lạc mẹ.

 Nhưng tôi tin ở khắp mọi nơi trên Trái Đất này vẫn có những “lương tâm”, có những “nghĩa cử” đáng trân trọng. Bởi “nhân chi sơ tính bản thiện”, sâu thẳm trong mỗi con người vẫn là bản tính thiện lương, chỉ là bị che khuất đi bởi những bon chen, bận bịu,... Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu như mỗi ngày, bạn dành một chút thời gian để quan tâm tới những điều quanh mình, bạn sẽ nhận ra những điều kì diệu. Và bạn cũng sẽ muốn, sẽ làm những điều kì diệu, dù là điều kì diệu nho nhỏ.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Cho đi là còn mãi.

1. Mở bài

Tình yêu thương, sự sẻ chia chính là một nốt trầm sâu lắng mang giá trị nhân sinh sâu sắc trong trường ca bất tận của cuộc đời. Sống là phải biết mở rộng lòng mình, trao đi những yêu thương đến với người khác.

2. Thân bài

* Giải thích

- “Cho” là san sẻ yêu thương, giúp đỡ người khác.

- “Còn mãi” là vẻ đẹp của tình người, là cái đẹp thiên lương còn lại.

- Tình yêu thương có sức mạnh vô biên, là điều chia sẻ quý giá không thể thiếu trong cuộc sống con người, bởi yêu thương cho đi là yêu thương giữ được mãi mãi.

- Cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Sự sẻ chia luôn mang lại nhiều điều kỳ diệu cho cuộc sống. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp này.  

* Biểu hiện

-  Người biết cho đi luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình;Sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen;Luôn muốn lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người.

- Những thùng mì tôm, những bao gạo mà chúng ta ủng hộ đồng bào bị thiên tai là một nghĩa cử cao đẹp. Một mẩu bánh mì mà những đứa trẻ nghèo chia sẻ cho nhau cũng khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn.

* Phân tích

- Vì sao cho đi là còn mãi?

+  Cuôc sống này còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, họ cần lắm một ánh lửa sẻ chia từ chúng ta. Cho đi làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, làm cho chính bản thân ta hoàn thiện hơn, cảm nhận cuộc đời này có ý nghĩa hơn.

+ Khi chúng ta có sự chia sẻ và quan tâm lẫn nhau thì cả người trao lẫn người nhận đều có được những tặng phẩm quý giá nhất của cuộc đời. Sự chia sẻ này góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn. Những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của bạn bè, gia đình và xã hội, còn niềm đau sẽ vơi đi và dần bị lãng quên theo lớp bụi thời gian. 

+ Cho đi sẽ góp phần làm con người xích lại gần nhau, tình yêu thương được lan tỏa. Sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là cả sự sống cho con người. Chỉ cần thật tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có, bởi vì cho đi là còn mãi!

* Phê phán

- Hiện nay dường như, những con người thời công nghệ phát triển cao càng lúc càng trở nên sống khép kín mình hơn, thờ ơ với mọi thứ, thiếu sự quan tâm và tình yêu thương đến với những người xung quanh mình. Họ chỉ nghĩ đến bản thân mình, mà quên mất còn rất nhiều người đang cần tình yêu thương. Có những người không thích cho đi mà chỉ thích nhận. Một cách sống ích kỷ, và tính toán vì lợi ích của mình. Và dĩ nhiên, dân gian có câu “ác lai ác báo” họ sống như thế nào, hành xử ra sao thì sau này họ sẽ nhận được như vậy.

* Bài học/Liên hệ

- “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác”. Chỉ cần bạn thật tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có.

+ Hãy nhớ rằng, khi bạn vui vẻ và hạnh phúc thì ít nhiều bạn cũng đã tạo ra được những tác động tích cực đến những người xung quanh.

- Là học sinh chúng ta cần học cách đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho đến một lời khuyên, một trải nghiệm, một lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu… Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho mọi người.

3. Kết bài

Theo thời gian, mọi thứ rồi sẽ qua đi, thứ còn lại là tình người, đó là những việc làm đẹp, những hành động đẹp, là lòng nhân ái và sự sẻ chia ấm áp tình người. Cho đi là còn mãi.