Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022 _ 23_Chủ đề: Mở khóa sáng tạo

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TỔNG HỢP 2021 – 2022 _ 23

Chủ đề: Mở khóa sáng tạo

Câu 1. Em hãy đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Sáng tạo là quá trình kết hợp những nhân tố cũ với nhau để tạo thành cái mới. Hiểu biết là nguyên liệu thô giúp bạn tạo ra sự kết nối đó. Càng biết nhiều thứ, biết sâu hay biết rộng, cơ hội tạo ra ý tưởng mới của bạn càng nhiều. Hiểu biết không đơn thuần chỉ là những kiến thức bạn được dạy ở trường. Nó phải là những trải nghiệm tổng thể trong cuộc sống của bạn.Hãy đọc và học những thứ không thuộc phạm vi công việc của bạn. Có như vậy, bạn mới mong tìm được nhiều nguồn ý tưởng. Nếu là kỹ sư, bạn nên đọc thêm những thứ khác như thơ ca, thiên văn học, hay kể cả tâm linh, những thứ hầu như chẳng liên quan gì đến công việc của bạn. Hãy đọc báo, sách, chủ đề bạn chưa từng đọc trước kia, xem những bộ phim bạn không thích,thử một sở thích mới, học những kỹ năng mới, nói chuyện với người lạ và phiêu lưu đến nhữngvùng đất lạ.

Chính hiểu biết thư pháp đã giúp “vua táo” Steve Jobs đưa ra những mẫu thiết kế tuyệt vời.Trong bài phát biểu tại trường Đại học Stanford năm 2005, ông kể lại: “Tôi đã được học về nhiều kiểu chữ khác nhau, được học cách làm sao để thay đổi không gian giữa những chữ cái và cách để tạo nên những kiểu chữ đẹp tuyệt vời. Thư pháp không những mang tính lịch sử mà còn rất đẹp và tinh tế khiến tôi cảm thấy vô cùng hấp dẫn.” Bette Nesmith, người phát minh ra bút xóa đã giải quyết vấn đề đánh máy, nhờ những hiểu biết về hội họa.

Có thể không có những bằng chứng khoa học cụ thể, nhưng nhiều người tin vào giác quan thứ sáu, chính là trực giác. Một số người đề cập đến trực giác như một quá trình tư duy của tiềm thức vẽ lên những trải nghiệm mà chúng ta không nhớ. Không ai biết chính xác nó hoạt động ra sao, nhưng nhiều người chứng minh rằng trực giác là nguồn cội của sáng tạo đích thực cư trú trong mỗi chúng ta.

(Theo Mở khóa sáng  tạo,Alpha book)

a.     Xác định và gọi tên 01 phép liên kết có trong đoạn văn đầu văn bản.

b.    Theo tác giả, cơ hội tạo ra ý tưởng mới bắt nguồn từ đâu?

c.     Nêu nội dung chính văn bản trên.

d.    Em có đồng tình với nhận định “nguồn cội của sáng tạo đích thực cư trú trong mỗi chúng ta” không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4 - 6 dòng.

Câu 2. Sáng tạo trong học tập là động lực để tiến bộ. Học sinh cần phải rèn luyện tinh thần sáng tạo trong học tập để học tập tốt, trở thành người hữu ích.

Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Sáng tạo trong học tập là một phẩm chất cần có ở mỗi học sinh ngày nay.

Câu 3. Những sự thay đổi hoặc diễn ra tự nhiên, hoặc do chính ta lựa chọn, nhưng tất cả đều có ích không sớm thì muộn với chính ta và cả cuộc sống nói chung..

Đó là sự sáng tạo của Nguyễn Du khi tả cảnh vật thiên nhiên với bao nhiêu màu sắc, hình thái để họa những bức cảnh phù hợp với tâm trạng, ăn nhịp với bước đường biến chuyển của cuộc đời của Thúy Kiều trong:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,

Vẻ non xa tấm trang gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

 (Kiều ở lầu Ngưng Bích- Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Đó là sự sáng tạo hình ảnh ánh trăng đa nghĩa, vừa cụ thể vừa khái quát mang ý nghĩa triết lí sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Duy trong:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

 

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

 (Ánh trăng, Nguyễn Duy)

Đó là sự sáng tạo chất kỳ ảo một khéo léo phản ánh sâu sắc hiện thực đương thời qua số phận bi kịch của Vũ Nương- người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

 

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1. Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba sự sáng tạo trên. Từ đó, liên hệ thực tế cuộc sống hay với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em chọn.

Đề 2. Trong Ý nghĩa văn chương Hoài Thanh viết rằng: “Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống…”.

Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, em hãy viết bài văn với nhan đề: Văn chương sáng tạo ra sự sống.