Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_15_Chủ đề: Tuổi mới lớn - lòng tự trọng

 


Câu 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình..

(Nguồn Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http:// tuoitre.vn)

a. Chỉ ra thành phần khởi ngữ có trong đoạn in đậm.

b. Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?

c. Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến?

d. Theo em mỗi cá nhân có thể cứu sự sống của trái đất thoát khỏi diệt vong không? Vì sao?

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 chữ với nhan đề: Tuổi mới lớn cần học cách nâng cao lòng tự trọng.

Gợi ý:

Câu 1.

a.       - Khởi ngữ: (Đối với) họ

b.  Điều quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người.

c. - Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận tầm gửi chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

+ “Tầm gửi” là sống dựa dẫm vào người khác, là những người không có bản lĩnh

+ “Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

d. – Bài học:

+ Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.

+ Tự tin, tự trọng làm nên giá trị của con người.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 chữ với nhan đề: Tuổi mới lớn cần học cách nâng cao lòng tự trọng.

1. Mở bài

Mỗi người đều có những giá trị riêng của bản thân, với lòng tự trọng ở mức độ khác nhau. Nếu bạn có lòng tự trọng, bạn sẽ biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác.

2. Thân bài

* Giải thích

- Tuổi mới lớn, từ 10 đến 19 tuổi là một giai đoạn hết sức đặc biệt, chuyển tiếp từ một em bé thành một người lớn, sự kiểm soát ở bên ngoài (gia đình, trường học) đã được thay thế bởi sự tự kiểm soát ở bên trong.

 - Lòng tự trọng có thể hiểu là sự coi trọng danh dự, phẩm giá, nhân cách của chính bản thân. Lòng tự trọng cũng có nghĩa là tin vào giá trị của bản thân mình

-  Lòng tự trọng là một chỉ số cơ bản cho sự phát triển của giới trẻ. Tuổi mới lớn có thể có lòng tự trọng cao, nơi họ cảm thấy có giá trị và thoải mái với bản thân, hoặc tự ti và cảm thấy vô giá trị và kém tự tin.

=> Lòng tự trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Đó là lý do tại sao nó rất quan trọng để chăm sóc nó.

* Biểu hiện

- Người có lòng tự trọng luôn biết giá trị của chính mình và luôn tìm cách bảo vệ lòng tự trọng của bản thân. Họ biết mình là ai, biết mình có điểm gì mạnh, điểm nào yếu, từ đó biết cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, luôn phân biệt được đúng sai, biết cách xử sự như thế nào để tốt nhất cho người khác

+ Họ không vì danh lợi mà bán rẻ lương tâm, lòng tự trọng là lý trí ngăn cản họ làm những điều xấu, những hành vi đi ngược với đạo đức. Cho dù có phải chịu thiệt thòi, họ vẫn lên tiếng bênh vực lẽ phải.

+ Họ là những người sống rất chuẩn mực, luôn xem trọng lễ nghĩa và có ý chí tiến thủ. Người có lòng tự trọng luôn biết cách nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm, đó cũng là cách để họ khẳng định bản thân.

* Phân tích

- Vì sao tuổi mới lớn cần học cách nâng cao lòng tự trọng?

+ Tuổi thanh xuân là thời kỳ thay đổi,là một giai đoạn rất khó khăn. Đây là giai đoạn tìm kiếm danh tính và ý nghĩa cá nhân bắt đầu, đang định hình khái niệm bản thân. Tuổi mới lớn khiến chúng ta cảm thấy bị phơi bày, bị đánh giá và bị kết án, đôi khi nhu cầu được chấp nhận tăng lên. Sự cần thiết phải được chấp nhận là nguồn gốc của căng thẳng, có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp.

+ Lòng tự trọng tích cực sẽ đóng vai trò như một tấm đệm chống lại những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra cho tuổi mới lớn. Lòng tự trọng liên quan đến việc các bạn tự tin như thế nào vào những kỹ năng của họ và năng lực họ cần để thành công trong cuộc sống và học tập.

- Vì sao cần có lòng tự trọng?

+ Lòng tự trọng là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động của từng người và là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của bản thân. Nó khiến ta yêu bản thân, quý trọng và tôn trọng chính mình, biết chấp nhận bản thân với những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Nếu ta cảm thấy thoải mái với chính mình, những người khác cũng sẽ như vậy.Điều này sẽ cải thiện các mối quan hệ cá nhân của ta và chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn.

+ Lòng tự trọng tích cực giúp ta là chính mình, chống chọi với nghịch cảnh và lòng tin bản thân có thể vượt qua tất cả kể cả khi bạn gặp thất bại. Nó như thể một mệnh lệnh từ bên trong giúp ta kiên trì hơn và động viên ta bất cứ khi nào ta cần để trở thành con người ta hướng tới.

+ Mọi thứ sẽ trái ngược nếu ta thiếu lòng tự trọng; sự hoài nghi, cảm giác bản thân bất lực với mọi thử thách trong cuộc sống. Nếu thiếu lòng tự trọng, ta có thể nghĩ rằng mình không thể thực hiện bất cứ ước mơ của bản thân và thậm chí không cho phép bản thân dám mơ ước. Trong thực tế, lòng tự trọng kém gắn với một loạt các cảm xúc tiêu cực, bao gồm lo lắng, nỗi buồn, sự thù địch, xấu hổ, cô đơn, bối rối và thiếu tự phát. Lòng tự trọng thấp khiến ta hạn chế bản thân về mọi mặt, và chúng ta ngừng làm mọi việc vì sợ không thể thực hiện được. Lòng tự trọng cao giúp ta thoát khỏi những giới hạn của chính mình.

+ Chỉ cần cảm thấy hài lòng về bản thân chứ không phải sự yêu quý bản thân. Quá tự tin vào bản thân dẫn đến tự phụ và thậm chí tự đại. Sự coi trọng bản thân cần phải có chừng mực.

* Phê phán

- Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức, ý thức được những giá trị của bản thân và tự trọng về nó. Lại có những người vì những lợi ích trước mắt của bản thân mà tự hạ thấp mình, đánh mất đi lòng tự trọng vốn có,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, phê phán.

* Bài học/Liên hệ

- Nếu bạn yêu thích bản thân mình và tin rằng bạn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bạn sẽ có lòng tự trọng cao. Nếu bạn không yêu thích bản thân mình hoặc chỉ trích bản thân quá nhiều, bạn sẽ có cảm giác lòng tự trọng thấp.

-  Hãy chắc chắn rằng bạn tạo dựng được thói quen có những suy nghĩ tích cực và học cách phát hiện, đánh bại các dấu hiệu “phá hoại tự động”. Hãy trở thành cổ động viên và người ủng hộ tốt nhất của chính mình

+ Không được quá khó khăn về chính mình. Chúng ta đều mắc sai lầm và điều đó là bình thường, miễn là chúng ta học hỏi được từ những sai lầm ấy. Chỉ có một mẫu người mà bạn phải trở thành đó là chính bạn: ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ và tập trung vào những điều tuyệt vời của bản thân.

+  Nếu bạn thấy mình rơi vào tình huống khó xử hoặc khó khăn, hãy hành động theo cách thức phù hợp với giá trị bản thân mà không làm tổn hại lòng tự trọng của bạn bằng cách gian lận, hoặc hành động theo cách không trung thực.

3. Kết bài

Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Để làm được điều đó, bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng trong học tập cũng như trong cuộc sống.