Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_9_ Chủ đề: Lắng nghe để cảm thông

 


Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1)Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.

(2)Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhờ vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc...

(3)Biết cảm thông có lẽ là thành tố quan trọng thứ hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở...

(4)Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lý con người và các mối quan hệ là kĩ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn.

(Theo mindtools.com, Trí tuệ cảm xúc – yếu tố quan trọng để thành công)

a. Chỉ ra 01 thành phần biệt lập có trong đoạn (3).

b. Theo tác giả, người có trí tuệ cảm xúc là người như thế nào?

c. Vì sao tác giả cho rằng: trí tuệ cảm xúc giúp bạn trở thành một người lãnh đạo thành công?

d. Em rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản?

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Lắng nghe để cảm thông.

Gợi ý:

Câu 1.

a. - Thành phần biệt lập tình thái: có lẽ

b. Theo tác giả, người có trí tuệ cảm xúc là người có các đặc điểm sau:

+ Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự, họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân.

+ Họ biết cảm thông, hiểu được suy nghĩ và ước muốn của người khác, nên họ thiết lập được những mỗi quan hệ tốt đẹp, sống chân thành và cởi mở.

c. Tác giả cho rằng trí tuệ cảm xúc giúp bạn trở thành một người lãnh đạo thành công, bởi vì:

+ Trí tuệ cảm xúc giúp bạn lãnh đạo được chính mình, làm chủ cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chính mình. Họ làm việc hiệu quả hơn.

+ Trí tuệ cảm xúc cũng giúp bạn nắm bắt được tâm lý của người khác, thiết lập được các mối quan hệ xã hội, nhờ đó mà có được kỹ năng quan trọng của người thành công.

=> Quản lý bản thân và thấu hiểu người khác là chìa khóa cho nhà lãnh đạo thành công.

d. Bài học/Thông điệp: vai trò của trí tuệ cảm xúc; ý thức rèn luyện trí tuệ cảm xúc; bí quyết của nhà lãnh đạo thành công;...

-  Năng lực nhận diện và làm chủ cảm xúc là một dạng trí tuệ đặc biệt, vì thực tế cho thấy nó là chìa khóa thành công của nhiều vĩ nhân. Bài học đầu tiên bắt đầu từ việc tự làm chủ cảm xúc cá nhân và điều tiết nó một cách hợp lý phục vụ hiệu quả cho công việc và cuộc sống của mình. Sau đó là quá trình rèn luyện năng lực cảm thông với người khác để nắm bắt được cảm xúc của họ. Điểm mấu chốt là, trí tuệ cảm xúc là tố chất, nhưng chỉ có thế thành công khi bạn chủ động rèn luyện một cách thường xuyên và chăm chỉ.

Câu 2. Viết bài văn khoảng 500 với nhan đề: Lắng nghe để cảm thông.

1. Mở bài

Lắng nghe và cảm thông là nguyên tắc quan trọng trong lĩnh vực quan hệ giao tiếp giữa người với người, là chìa khóa để có được cuộc giao tiếp hiệu quả.

2. Thân bài

* Giải thích

- Lắng nghe là quá trình chủ động, tập trung tiếp nhận những âm thanh vang động bên ngoài lẫn đời sống nội tâm của người khác.

- Cảm thông là đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh.

- Lắng nghe để cảm thông là lắng nghe với mục đích trước hết để thực sự hiểu được người khác, tạo sự đồng cảm, lòng tin của họ, giúp ta cùng giải quyết hoặc thấu hiểu vấn đề của họ, chứ không phải đơn thuần chỉ gật đầu cho có, hoặc vội vàng đưa ra lời khuyên chưa phù hợp với mong muốn của người đang chia sẻ.

* Biểu hiện

- Kiên nhẫn lắng nghe những gì người khác nói, ngay cả khi bạn không đồng ý với nó. Điều quan trọng là thể hiện sự chấp nhận và thông cảm những vấn đề của người nói, không nhất thiết phải cố tỏ ra đồng ý quan điểm khác hoặc cố chỉ ra những suy nghĩ không đúng của đối phương.

* Phân tích

- Vì sao cần biết lắng nghe để cảm thông?

+ Việc lắng nghe thể hiện sự quan tâm, mong muốn được đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu với những tâm tư, tình cảm của người khác. Lắng nghe sẽ làm cho người đối diện cảm thấy thoải mái khi trao đổi với bạn. Họ sẽ không thể nào nói hết những điều thật lòng với một người chưa thật sự sẵn sàng lắng nghe mình nói.

+ Lắng nghe là nền tảng quan trọng để con người có thể sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang, dang tay đón nhận người khác trong hoàn cảnh khó khăn. Chú tâm lắng nghe giúp phát hiện những khó khăn mà mình đang gặp phải hoặc các vướng mắc để nhanh chóng tìm được giải pháp, xây dựng một kế hoạch để giải quyết

+ Lắng nghe giúp chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều, càng dễ thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ. Lắng nghe bản thân nói để  thể nhận ra cái sai của mình để khắc phục, đó là cách để chúng ta hoàn thiện bản thân.

+ Lắng nghe khi giao tiếp bạn sẽ gây được thiện cảm với mọi người. Nghe một cách hời hợt, làm như vậy người được chia sẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Không chỉ vậy mà nó sẽ làm mất đi mối quan hệ tốt đẹp vốn có.

+ Không phải chỉ nghe một cách thụ động, hời hợt mà cần xuất phát từ sự chân thành, tôn trọng…Mỗi người cần phải hạ thấp “cái tôi” của mình xuống, phải chấp nhận những ý kiến trái chiều, đừng biến mình thành người ích kỉ, bị mọi người xa lánh.

* Phê phán

- Ngày nay lối sống vị kỷ của một bộ phận giới trẻ đang ngày một nghiêm trọng, họ tự bao biện cho lối sống ấy bằng cách đổi lỗi cho cuộc sống hối hả bộn bề lo toan. Nó xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ tình cảmv à  không dành một góc nhỏ cho lòng trắc ẩn và sự yêu thương.

Họ nghe qua loa, chiếu lệ: nghe để đối đáp, để khống chế, để toan tính. Họ không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ những người xung quanh mà chỉ cho bản thân mình là nhất, chỉ cho rằng lí lẽ của mình là đúng hoặc khăng khăng, chăm chú vào câu chuyện của mình. Lại có những người lắng nghe người khác nhưng lại không có lòng chân thành, thấu hiểu mà lại mang câu chuyện của họ ra làm đề tài để bàn tán,…

* Bài học/Liên hệ

- Lắng nghe là một kĩ năng quan trọng của cuộc sống. Chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của sự lắng nghe, luôn đặt mình vào vị trí người nói.

+ Hãy dùng sự chân thành để lắng nghe, đó là cách giúp chúng ta có thể xây dựng lòng tin từ người khác.

+ Đừng bao giờ cắt ngang lời nói của người khác khi họ chưa kết thúc câu chuyện, điều đó thể hiện sự thiếu tôn trọng của bạn. Một khi bạn tôn trọng ý kiến của người khác thì họ cũng sẽ như vậy và ngược lại.

+  Nếu cảm thấy không hài lòng với ý kiến của người khác, bạn hãy nhẹ nhàng phân tích có tình, có lý và tìm cách thuyết phục để họ công nhận.

3. Kết bài

Mỗi chúng ta bớt đi cái tôi của mình một chút, biết lắng nghe một chút, thấu hiểu một chút thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn.