Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_1_ Chủ đề: chính kiến

 

ĐỀ LUYỆN TẬP ĐỌC HIỂU VÀ NLXH_1

Câu 1. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

      Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng. Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? Không hẳn. Tư duy số đông cho rằng Trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng Trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta quay quanh Mặt trời. Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B. Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng đế chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả Châu Âu. Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trườmg hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.

(John Maxwell, Tôi tư duy, tôi thành đạt, NXB Lao động Xã hội, 2012, tr. 130 – 131)

a. Xác định và gọi tên 01 thành phần biệt lập được sử dụng trong văn bản?

b. Theo tác giả, vì sao mọi người tìm kiếm sự an toàn trong tư duy số đông?

c. Vì sao tác giả cho rằng tư duy số đông mang lại cảm giác an toàn, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng?

d. Nêu tác dụng của phép lặp cấu trúc câu “Tư duy số đông…”

e. Em hiểu như thế nào là tư duy số đông?

g. Từ việc hiểu câu nói: “Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông”. Em ứng xử với tư duy số đông như thế nào?

h. Em rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản

Câu 2. Viết bài văn 500 chữ với nhan đề: Bạn đã có chính kiến?

Gợi ý:

Câu 1.

a. Thành phần biệt lập tình thái: chắc chắn

b. Theo tác giả, mọi người tìm kiếm sự an toàn trong tư duy số đông bởi: “Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng”.

c. Tác giả cho rằng tư duy số đông mang lại cảm giác an toàn, nhưng không phải lúc nào nó cũng đúng, bởi vì:

+ Khi mọi người chấp nhận một tư duy số đông, thì không hẳn đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm.

Tác giả dẫn ra một loạt dẫn chứng phản bác lại tư duy số đông: thuyết Địa tâm, quan điểm về vai trò của khử trùng trong y tế,...

+ Thứ hai, tác giả cho rằng có sự khác biệt lớn giữa chấp nhận và trí tuệ. Có nghĩa là tư duy số đông là biểu hiện của ngại tranh biện và tư duy.

d. Tác dụng của phép lặp cấu trúc “Tư duy số đông …” là:

- Nhấn mạnh vấn đề cần bàn luận.

- Tạo sự liên kết về hình thức giữa các câu trong đoạn.

- Tạo nên giọng điệu hùng biện hấp dẫn lôi cuốn, thể hiện nhiệt huyết của người viết.

e. Tư duy số đông là cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của đa số, của đại bộ phận tầng lớp trong xã hội về vấn đề, hiện tượng nào đó.

g. Tư duy số đông vừa có tác động đến suy nghĩ của con người vừa hạn chế tính độc lập sáng tạo của con người. Bởi người ta thường nghĩ rằng nếu số đông làm việc gì đó, việc đó chắc phải đúng. Tư duy số đông vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực.

- Cách ứng xử với tư duy số đông:

+ Cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và có chính kiến riêng .

+ Tránh a dua theo đám đông mà thiếu sáng suốt.

+ Tư duy số đông không phải lúc nào cũng đúng nhưng cũng cần lắng nghe để xác lập cho bản thân một cách nghĩ đúng và một cách làm đúng.

h. Bài học/Thông điệp: đừng đi theo tư duy số đông; cần có tư duy phản biện và tư duy cá nhân;...

Trăm người chưa chắc đúng, một người chưa hẳn sai. Đó là bài học tôi rút ra từ văn bản cũng như từ những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống. Bởi lẽ, tư duy số đông chỉ cho chúng ta cảm giác an toàn khi có những người cùng quan điểm, chứ không hẳn cho chúng ta chân lý và sự công bằng. Bạn cần tư duy và tinh thần phản biện mọi vấn đề, bạn phải có chính kiến. Chỉ khi đó, chúng ta mới khát khao tìm kiếm và thực hiện công cuộc tìm kiếm chân lý. Chỉ khi đó, bạn mới vượt qua được cảm giác an toàn chấp nhận để đến với trí tuệ và sự phát triển.

Câu 2.

1. Mở bài

Cuộc sống chứa đựng muôn vàn những thách thức, để tạo nên giá trị, bản sắc riêng của bản thân, bên cạnh việc phát huy tài năng, sự cố gắng con người cần phải có chính kiến, lập trường riêng.

2. Thân bài

* Giải thích

- Chính kiến là là những quan điểm, lập trường, ý kiến mang tính cá nhân

- Chính kiến là biểu hiện của năng lực cá nhân và khả năng tư duy

* Biểu hiện

- Người có chính kiến quyết đoán, tự tin và bản lĩnh trong tư duy cũng như trong cuộc sống. Họ có trí tuệ và tư duy phản biện.

- Người có chính kiến không bị dao động, chi phối và áp lực vì những yếu tố khách quan như lời rèm pha, tư duy số đông,...

* Phân tích

- Vì sao cần có chính kiến trong cuộc sống?

+ Chính kiến là yếu tố mang lại điểm khác biệt, sự sáng tạo và bản lĩnh, là một yếu tố cấu thành nên cá tính con người, từ đó chúng ta có thể tiếp thu những cái hay, cái tốt của người khác để hoàn thiện mình.

+ Chính kiến giúp ta luôn bình tĩnh trước sự thay đổi của hoàn cảnh, không bị lung lay trước những bình luận trái chiều của mọi người; giúp ta có thêm động lực, niềm tin, giữ vững được lập trường, quan điểm của mình để từ đó đi đúng theo những định hướng, kế hoạch mà bản thân đã đề ra

+ Có chính kiến giúp con người có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, kích thích họ tư duy để tìm hiếu chân lý, thay vì chỉ đi a dua theo tư duy tập thể.

+ Không có chính kiến riêng sẽ dễ dàng bị cuốn theo những lời nhận xét đánh giá, hay tự làm bản thân bị căng thẳng, bối bời. Chối bỏ bản thân nghĩa  là ta đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn.

- Chính kiến có giống bảo thủ, cố hữu?

+ Chính kiến không có nghĩa là bảo thủ, cố chấp, không biết lắng nghe.

+ Người có chính kiến cần biết tiếp thu và nhìn nhận lại quan điểm cá nhân để đánh giá toàn diện về tính đúng đắn, hợp lý trong quan điểm của mình.

* Phê phán

- Thực tế có nhiều người không có chính kiến, gió chiều nào xoay chiều đấy, luôn chỉ biết nghe theo quan điểm của người khác,… vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, hay soi xét cuộc sống của người khác và cố gắng trở thành bản sao của người nào đó. Lại có những người vì tham vọng của bản thân mà đánh mất chính mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.

* Bài học/Liên hệ

- Mỗi cá nhân hãy suy nghĩ thấu đáo, có chính kiến trong mọi vấn đề, đồng thời tiếp thu những ý kiến của người khác một cách thông minh, sử dụng trí tuệ để phân biệt rõ đúng sai mà điều chỉnh cho phù hợp, lắng nghe các ý kiến trái chiều để có cái nhìn toàn diện.

- Cần chuẩn bị và suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định hay quan điểm. Khi có sự chuẩn bị, tìm hiểu chu đáo thì bạn sẽ tự tin vào chính kiến của mình hơn.

3. Kết bài

Cuộc sống này là của chúng ta, do chúng ta định đoạt, hãy là chính mình, hãy phấn đấu để bản thân mình tốt lên mà không phải vì để giống bất cứ một ai khác.