Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề THIÊN NHIÊN LÊN TIẾNG

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề THIÊN NHIÊN LÊN TIẾNG

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Ở Việt Nam tuy rất ít vùng có tuyết rơi, chủ yếu chỉ trên Sa Pa mới có tuyết nhưng hiện tượng này không còn xa lạ gì với chúng ta. Tuyết là một dạng kết tủa của các tinh thể nước đá, hình thành dưới áp suất thấp của không khí Trái Đất. Vậy tại sao mùa đông có tuyết rơi?

Sự hình thành tuyết rơi

Không khí trên cao, nhiệt độ thấp, điều này khiến hơi nước ở những đám mây kết dính lại với nhau tạo thành những bông tuyết nhỏ. Dần dần, nhiều dẫn đến nặng, không khí không thể lưu thông và kéo mây tiếp, dẫn đến hiện tượng tuyết rơi.

Các bông tuyết được hình thành ở nơi lạnh nhất của đám mây. Tuyết cơ bản được hình thành từ những hạt nước nhỏ li ti kết tủa thành. Các tinh thể nước đá trên mây, kết hợp lại ở nhiệt độ thấp, đóng băng ngay khi nhiệt độ đủ thấp, tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng.

Nhiệt độ trên mây càng thấp, hạt băng kết tủa tại đấy sẽ càng đẹp, với các hình dạng như mũi kim, hình trụ, hình tấm,… và dù có hình dạng nào đi nữa thì bông tuyết cũng luôn có sáu chỉ giác đặc trưng tạo nên vẻ long lanh cho bông tuyết.

Khi nghiên cứu sự hình thành của bông tuyết, các nhà khoa học cho biết, sự kết hợp đơn giản giữa các phôi nước chưa thể tạo ra những bông tuyết đối xứng mà trong thời gian tuyết rơi, bay trong không trung, bản thân các bông tuyết luôn quay xung quanh trục của chính nó. Bởi vậy, nó luôn rất cân xứng và giữ được hình lục giác trong quá trình vận động khi rơi xuống đất.

Tại sao mùa đông có tuyết rơi?

Nhiều người nhầm tưởng rằng càng lạnh thì tuyết càng rơi. Điều này không đúng, tuyết chỉ rơi khi trong không khí còn một lượng hơi nước nhất định. Không khí càng lạnh, bầu trời càng giữ được ít hơi nước, nên nhiệt độ tuyết rơi phù hợp là – 10 độ C, nhiệt độ này ở trên các đám mây bắt đầu xuất hiện các tinh thể tuyết, kết hợp với nhau tạo thành tuyết rơi xuống đất.

Tuyết rơi vào mùa đông khá có lợi cho sản xuất và cuộc sống ở các nước có nhiệt độ thấp. Bởi lí do là sau khi tuyết rơi, không khí ẩm, có lợi cho sức khoẻ con người, có thể làm cho các loại sâu bệnh chết. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì tuyết rơi không hề tốt, bởi Việt Nam thuộc nước nhiệt đới, tuyết rơi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống con người về sức khoẻ, sản xuất,…

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân tại sao mùa đông có tuyết rơi cũng như hiểu được quá trình hình thành những bông tuyết xinh đẹp.

(Theo Trang Trịnh, doisongphapluat.com, Thứ Hai, 26/12/2016, 14:50)

 

a. Theo văn bản, tuyết được hình thành như thế nào?

b. Tìm 01 phép liên kết trong đoạn văn in đậm đầu văn bản.

c. Văn bản trên nêu lên nội dung gì? Em hãy đặt nhan đề cho văn bản.

d. Vận dụng những hiểu biết về tự nhiên và xã hội, em hãy lí giải vì sao ở Việt Nam hiện tượng tuyết rơi thường không tốt.Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Thảm họa tự nhiên ngày càng nhiều và khó lường, phải chăng Trái đất đang "nổi giận"?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

 

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

( Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg. 140)

Hãy phân tích đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được cách sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống: Khi những khu rừng đang biến mất, khi trái đất nóng lên từng ngày, khi con người phải đối diện với cơn giận dữ khủng khiếp từ thiên nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở quy mô toàn cầu;  Khi những nền văn minh rực rỡ huy hoàng vụt tắt, khi những khác biệt văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa vào các “hố đen” trung tâm, khi con người trở thành kẻ thù số một của tự nhiên, văn chương đã làm gì?

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra mối liên kết mật thiết giữa con người với thiên nhiên và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a.Theo văn bản, tuyết được hình thành: Các bông tuyết được hình thành ở nơi lạnh nhất của đám mây. Tuyết cơ bản được hình thành từ những hạt nước nhỏ li ti kết tủa thành. Các tinh thể nước đá trên mây, kết hợp lại ở nhiệt độ thấp, đóng băng ngay khi nhiệt độ đủ thấp, tạo thành các bông tuyết và rơi khi đủ nặng.

b. Phép liên kết trong đoạn văn in đậm đầu văn bản:

Phép lặp: tuyết

Phép liên tưởng: tuyết rơi, Sa Pa, tinh thể nước đá, dưới áp suất thấp, không khí, mùa đông

Phép nối: Vậy

c. Văn bản trên nêu lên nội dung về: Lý giải sự hình thành tuyết và Tại sao mùa đông lại có tuyết.

Nhan đề: Tại sao lại có tuyết?

d. ở Việt Nam hiện tượng tuyết rơi thường không tốt vì:

– Khí hậu ở Việt Nam là nhiệt đới gió mùa ẩm vì thế nếu xảy ra hiện tượng tuyết rơi thì thường những hạt tuyết được hình thành dưới dạng băng tuyết, gây ra tình trạng lạnh cóng cho con người và gia súc. Nếu con người và gia súc không kịp thích nghi, không được giữ nhiệt, sưởi ấm thì có thể dẫn đến tình trạng tử vong.

– Cây trồng ở Việt Nam chủ yếu là những cây nhiệt đới, khả năng chống chịu kém với nhiệt độ thấp. Tuyết rơi chứng tỏ nhiệt độ xuống khá thấp. Điều này có thể gây ra hiện tượng cây trồng chết hàng loạt.

=> Qua những phân tích trên có thể thấy, tuyết rơi gây hại tới sức khỏe của người và gia súc, làm chết cây trồng, ảnh hưởng đến kinh tế của người nông dân, vì vậy hiện tượng tuyết rơi ở Việt Nam phần lớn gây hại. (Chỉ những người giàu có hưởng lợi bởi họ được đi du lịch, trải nghiệm tuyết rơi)

Câu 2.  Thảm họa tự nhiên ngày càng nhiều và khó lường, phải chăng Trái đất đang "nổi giận"?

A. Mở bài

- Trong những năm gần đây, con người chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, động đất, cháy rừng... Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Trái đất đang "nổi giận"?

B. Thân bài

* Giải thích:

+ Trái đất "nổi giận" là là một cách mô tả ẩn dụ về những hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gia tăng trên khắp thế giới.

+ Những hiện tượng này được xem như là sự phản ứng của Trái đất trước những hành động tàn phá môi trường của con người.

=> Trái đất đang "nổi giận" là lời cảnh tỉnh cho con người về những hậu quả nghiêm trọng của việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi.

* Thực trạng:

- Các hiện tượng thời tiết bất thường, nhiệt độ tăng cao, băng tan, mực nước biển dâng, mưa lũ, bão lốc, giông tố, đang không ngừng gia tăng cả về số lượng và sức mạnh. Và hậu quả là dịch bệnh, mất mùa, mất nơi ăn chốn ở, thiếu đất canh tác, suy giảm đa dạng sinh học...

- Liên hợp quốc dự báo đến năm 2035, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 2 độ C, tiếp tục làm tan chảy các dòng sông băng, đẩy mực nước biển dâng cao. Hậu quả là nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, khu vực đông dân cư, các đồng bằng lớn, các đảo thấp trên Trái Đất sẽ lần lượt ngập chìm trong nước biển.

* Nguyên nhân: Hoạt động của con người đang tác động tiêu cực đến hệ thống sinh thái của Trái đất, dẫn đến biến đổi khí hậu với tốc độ chưa từng có.

- Con người khai thác rừng, khoáng sản, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách quá mức mà không có kế hoạch tái tạo, dẫn đến suy thoái môi trường.

- Rác thải sinh hoạt, công nghiệp, và nông nghiệp được xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, và bầu khí quyển.

- Con người sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, và khí đốt, thải ra khí nhà kính gây hiệu ứng nhà kính và làm cho nhiệt độ Trái đất tăng cao.

* Hậu quả: của việc Trái đất "nổi giận" là vô cùng to lớn

- Môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề, hệ sinh thái dần bị phá hủy. Nhiệt độ Trái đất tăng cao, dẫn đến tan chảy chỏm băng, mực nước biển dâng cao. Bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng,... xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

- Ô nhiễm không khí, nước, và đất đai ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ như thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, thiếu lương thực. Nền kinh tế và xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến di cư, xung đột do tranh chấp tài nguyên thiên nhiên.

- Gây suy thoái hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học. Nhiều loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng do mất môi trường sống và ô nhiễm môi trường.

* Giải pháp:

- Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tiết kiệm điện năng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo....

- Bảo vệ môi trường: Hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, trồng cây xanh, chống phá rừng, xử lý rác thải khoa học, hạn chế sử dụng nước lãng phí, tái sử dụng nước thải...

- Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ Trái đất, khuyến khích lối sống xanh, bền vững.

- Bài học:

- Mỗi cá nhân cần chung tay hành động để bảo vệ môi trường, góp phần "xoa dịu" cơn giận của Trái đất và gìn giữ hành tinh xanh cho thế hệ mai sau:

+ Phân loại rác thải, tái chế rác thải, và xử lý rác thải đúng cách;

+ Hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, và các sản phẩm hóa học độc hại;

+ Sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, và trồng cây xanh.

C. Kết bài

- Đừng biến Trái Đất thành một môi trường sống khắc nghiệt. Đến một ngày nào đó, liệu con người có phải rời Trái Đất để tìm nơi sinh sống mới trong vũ trụ hay không? Tin buồn là cho đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra một hành tinh nào có sự sống, ngoài Trái Đất.

Câu 3.

Đề 1.

A. MỞ BÀI

- Vẻ đẹp của thiên nhiên và tình yêu lao động luôn là đề tài hấp dẫn được kết tinh trong những tác phẩm văn học. Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là bài ca lãng mạn mà đầy hùng tráng ngợi ca con người lao động.

-  Bài thơ là một bài ca lao động hứng khởi và hào hùng, bài ca của cuộc sống và của những con người lao động cần cù đang ngày đêm cống hiến và làm giàu cho Tổ quốc.

- Tác giả  đã dùng nhiều hình ảnh tráng lệ để thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người lao động trong các câu thơ sau:

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

B. THÂN BÀI

1. Khái quát:

- Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá viết về vùng biển Quảng Ninh vào năm 1958 – thời kì miền Bắc giành được độc lập, tập trung xây dựng kinh tế.

- Bài thơ trở thành khúc tráng ca khi nhịp điệu cộng với sự xuất hiện nhiều từ “hát” giống như khúc ca hào hùng về lao động.

- Cảm hứng trữ tình được diễn tả theo mạch thời gian: hoàng hôn - đêm trăng - bình minh. Cảnh bình minh như một biểu tượng mang ý nghĩa: một thời đại huy hoàng đang mở ra phía trước, cuộc sống cần lao của nhân dân ta đang nở hoa.

2. Phân tích:

* Khổ 5: Tinh thần lao động hăng say và lòng biết ơn biển.

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

- Đại từ “ta” một lần nữa lại vang lên đầy tự hào kiêu hãnh.

- “Ta hát bài ca gọi cá vào”: Người dân chài đã biến công việc nặng nhọc thành bài ca vui tươi. Tiếng hát của ngư dân trở thành giai điệu lao động đầy lạc quan, yêu đời. Bút pháp lãng mạn khi miêu tả giúp cho công việc đánh cá đêm trở nên thơ mộng.

-  Nghệ thuật nhân hóa "gõ thuyền" như phụ họa trong giai điệu câu hát, thiên nhiên cùng với con người gõ nhịp tình yêu cuộc sống - nhiệt tình lao động xây dựng cuộc sống.

- Nghệ thuật nhân hóa kết hợp so sánh “biển cho ta cá như lòng mẹ…” thể hiện nguồn tài nguyên vô tận của thiên nhiên Việt Nam - biển Đông Việt Nam.

+ Giọng thơ tự nhiên, tha thiết, chân thành có âm hưởng ca dao. Biển - người mẹ vĩ đại, đã nuôi lớn những ngư dân bằng chất mặn mà của muối, của cá tôm... Biển rất ân tình.

+ Hình ảnh so sánh “như lòng mẹ” quen thuộc, có sức truyền cảm mãnh liệt, thể hiện tình yêu biển, yêu đời chan chứa của những con người gắn bó với biển từ bao đời, bao thế hệ.

=> Câu thơ là khúc tâm tình thiết tha với biển thân yêu, là lời cảm ơn biển, biển vừa bao la mà lại trĩu nặng yêu thương.

* Khổ 6: Cảnh thu hoạch cá với tiếng hát niềm vui thắng lợi.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

 

- Nhịp thơ 2-2-3 phù hợp với nhịp lao động khẩn trương. Nhịp thơ nhanh gọn, tác giả đã khắc họa rõ những thao tác nhịp nhàng, thành thạo.

- Giờ đây đêm đã tàn “sao mờ”, ánh sao đêm báo hiệu cho trời sắp sáng. Không gian và thời gian ấy như thôi thúc người lao động làm việc nhanh gấp cho “kịp trời sáng”.

- Cảnh kéo lưới được miêu tả đầy ấn tượng. Những cánh tay rắn chắc kéo lưới "xoăn tay". "Kéo xoăn tay" là một hình ảnh đặc tả động tác kéo lưới rất căng, khỏe và đẹp,thái độ làm việc cật lực của những người ngư dân.

- "Chùm cá nặng" là một hình ảnh ẩn dụ gợi tả niềm vui tươi, sảng khoái được mùa cá. Khoang thuyền đầy ắp cá.

- Những “vẩy bạc đuôi vàng” của cá tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, góp ánh sáng cho buổi rạng đông đồng thời cũng biểu hiện tâm hồn rạng rỡ hân hoan của con người của biển. Sắc cá dưới ánh trăng và sắc cá dưới ánh rạng đông đều được miêu tả thật tuyệt đẹp.

- “Nắng hồng” không những khắc họa được vẻ đẹp tươi sáng của bầu trời mà còn thể hiện được lòng yêu đời, yêu thiên nhiên. Màu hồng của một ngày mới, một cuộc đời mới đang chào đón mọi người.

- Nhịp điệu câu thơ cuối của khổ thơ trên chậm rãi, gợi cảm giác thanh thản, vui tươi, phản ánh tâm trạng thoải mái của ngư dân trước kết quả tốt đẹp của chuyến ra khơi.

Rạng đông đến không chỉ từ mặt trời mà còn từ thành quả lao động của con người. Đồng thời cũng biểu hiện niềm vui sướng vô bờ của con người của biển.

3. Đánh giá

- Thành công của bài thơ: hình ảnh thơ đẹp, xây dựng bằng sự liên tưởng phong phú, âm hưởng mạnh mẽ, bút pháp lãng mạn xen hiện thực

-Tác giả sử dụng màu sắc kết hợp với cách vận dụng các thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá …đã làm nên bức tranh thiên nhiên và lao động thật tráng lệ.

- Bài thơ là khúc hát ngợi ca con người lao động trên biển đồng thời là niềm say mê tự hào của con người làm chủ quê hương.

4. Tác động

Đoạn thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên biển cả và hình ảnh người lao động khỏe khoắn, hăng say khơi gợi trong lòng em niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước và tình yêu quê hương, yêu con người tha thiết, đặc biệt là tình yêu đối với biển cả quê hương. Đọc đoạn thơ em  học được bài học giáo dục quý giá về cách sống hồn nhiên, sống gắn bó với thiên nhiên. Sống hài hòa với thiên nhiên là để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả hiện tại và tương lai. Sống hài hòa với thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người. Con người và thiên nhiên là một thể thống nhất, khi chúng ta gìn giữ thiên nhiên, cũng chính là gìn giữ cuộc sống của chính mình. Mỗi hành động nhỏ bé của mỗi cá nhân đều góp phần tạo nên sự thay đổi to lớn, hướng đến một tương lai bền vững cho Trái Đất và cho thế hệ mai sau.

Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước: Mỗi người cần có ý thức gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Em cần rèn luyện lối sống giản dị, tiết kiệm, đề cao tinh thần trân trọng tài nguyên thiên nhiên. Sống biết ơn những gì thiên nhiên ban tặng và luôn ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống chung.

C. KẾT BÀI

- Nói rằng lao động là niềm-vui sáng tạo. Nói rằng biển quê ta giàu đẹp. Nói rằng khi người lao động làm chủ cuộc đời thì mới có ấm no hạnh phúc. Cả ba điều ấy, Huy Cận đã nói được rất hay trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”.

- Bài thơ đã truyền cho người đọc một niềm tin và sức sống mới, giúp ta thêm yêu những người lao động, những người cần cù, dũng cảm và tự hào hơn về quê hương mình.

 

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Khi những khu rừng đang biến mất, khi trái đất nóng lên từng ngày, khi con người phải đối diện với cơn giận dữ khủng khiếp từ thiên nhiên, khi dịch bệnh bùng phát ở quy mô toàn cầu;  Khi những nền văn minh rực rỡ huy hoàng vụt tắt, khi những khác biệt văn hóa có nguy cơ bị đồng hóa vào các “hố đen” trung tâm, khi con người trở thành kẻ thù số một của tự nhiên, văn chương đã làm gì?

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

 Viết về bất cứ dòng sông nào trên trái đất, người ta cũng cần có, cần thể hiện được một tình yêu tha thiết, lắng sâu và một sự am tường không hề sách vở về những vấn đề địa lí, lịch sử và văn hoá gắn liền với chúng. Bởi các dòng sông luôn là cái nôi của những vùng, những nền văn hoá đa dạng, lắm sắc màu và là đối tượng mà các cư dân sống trong vòng tay của chúng phải vô hạn biết ơn. Viết về con sông Hương cũng cần và lại càng cần như vậy. Đây là một thách thức nhưng là thách thức đã được chuyển hoá thành niềm giục giã đầy tự nhiên, đầy xao xuyến trong tâm hồn những ai yêu sông Hương, yêu Huế. May thay, chúng ta đã có được những nhà thơ, nhà văn tài năng vượt qua được các thách thức nói trên để tặng cho sông Hương những tác phẩm bất hủ. Trong những nhà thơ, nhà văn đó có Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đã viết nên một thiên tuyệt bút có nhan đề là Ai đã đặt tên cho dòng sông?

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://vanchuongphuongnam.vn/ve-dep-thien-nhien-van-hoa-va-lich-su-trong-but-ky-ai-da-dat-ten-cho-dong-song.html)

-  Ai đã đặt tên cho dòng sông? - được xuất bản năm 2010, là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc của một tác giả người Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm thể hiện những nét đặc sắc, độc đáo của dòng sông Hương. Qua đó, chúng ta có thể nhận ra được tài năng, phong cách viết tài hoa của tác giả. Phần thứ nhất là phần nói về cảnh quan thiên nhiên của sông Hương. Phần thứ hai và phần thứ ba nói về sự gắn bó của sông Hương với lịch sử văn hoá.

Với sức tưởng tượng phong phú kết hợp giữa tư duy hình tượng và tư duy logic, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cung cấp cho chúng ta nhiều tri thức về sự hình thành sông Hương từ thượng nguồn ra tới biển: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình… ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục… Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thềm đất Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình vòng cung thật tròn về phía Đông Bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Phải có sự dày công tra cứu tỉ mỉ những thông tin khoa học địa lí, địa chất, về sự hình thành của sông Hương, cùng với những cảm xúc thăng hoa, ông mới có được những trang văn miêu tả, tường thuật vừa mang tính khoa học vừa mang tính văn chương sâu lắng và đằm thắm đến thế.

Sông Hương ở đầu nguồn với sức sống mãnh liệt, hoang dại nhưng cũng dịu dàng và mạnh mẽ: “Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Ông đã thổi vào dòng sông một ngọn gió tâm hồn dào dạt nhạy cảm, liên tưởng tự do để càng mạnh mẽ hơn, đắm say hơn ở địa phận thượng nguồn. Khi về đến đồng bằng, sông Hương được thay đổi về tính cách: “Sông như chế ngự được bản năng của người con gái, mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Sông Hương còn mang vẻ đẹp trầm mặc khi chảy dưới chân những rừng thông u tịch với những lăng mộ âm u của các vua chúa triều Nguyễn. Đó là vẻ đẹp mang màu sắc triết lí, cổ thi khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biếc vùng ngoại ô Kim Long, có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói” khi nó rời xa thành phố để đi qua những bờ tre, lũy trúc và những hàng cau thôn Vĩ Dạ.

Đoạn miêu tả sông Hương chảy qua thành phố là đoạn gây được ấn tượng mãnh liệt nhất với người đọc. Đó là hình ảnh chiếc cầu bắc qua sông: “Chiếc cầu trắng in ngấn trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Cảnh vật dường như thắm đẫm hồn thơ, hồn người “Đường cong ấy làm cho dòng sông như mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói của tình yêu… Tôi nhớ sông Hương, quý điệu chảy lững lờ của nó khi ngang qua thành phố”. Dường như sông Hương cũng “dùng dằng” không muốn xa thành phố: “Rồi như sực nhớ lại một điều gì đó chưa kịp nói. Nó đột ngột đổi dòng rẽ ngặt sang hướng Đông Tây để gặp lại thành phố ở góc Bao Vinh… khúc quanh này thật bất ngờ… Đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”. Và sông Hương trở lại “để nói một lời thề trước khi về biển cả”. Tác giả liên tưởng tới lời thề của đôi tình nhân chung thủy: “Lời thề ấy vang vọng khắp khu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, ấy là tấm lòng người dân Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết về dòng sông với tấm lòng ưu ái, với tình yêu sâu sắc, thuỷ chung… Trong mối quan hệ với con người, dòng sông ấy là dòng sông – đời người. Với xứ sở đã sinh thành và cưu mang nó. Sông Hương đã tri ân bằng dòng nước mát lành và phù sa màu mỡ để hoa trái của những khu vườn An Hiên ngọt lành, cho những ngôi làng ven sông trở thành ngôi làng thơm tho của xứ Huế.

Sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp của thiên nhiên, của lịch sử mà dòng sông ấy còn mang vẻ đẹp văn hóa, văn chương theo chiều dài lịch sử trong cảm hứng của nhiều thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ. Từ trong thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Tản Đà, Đoàn Phú Tứ, Tố Hữu… dòng sông hiện lên với những hình dáng và màu sắc khác nhau trong mọi cung bậc của cảm xúc. Với Cao bá Quát thì Hương Giang “như kiếm dựng trời xanh” (Trường giang như kiếm lập thanh thiên). Nhà thơ Tản Đà trong bài Chơi xuân đã viết về sông Hương “Dòng sông trắng – lá cây xanh”. Với đại thi hào Nguyễn Du những năm tháng “đã lênh đênh trên quãng sông này với một phiến trăng sầu và từ tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Với bà Huyện Thanh Quan dòng sông là “bóng chiều bảng lãng”. Với Tố Hữu thì “dòng sông gắn liền với sức mạnh tâm hồn”, gắn với hình ảnh “Cô gái thẩn thờ vê áo mỏng/ Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai/ Ven bờ sông phẳng con đò mộng/ Lả lướt đi về trong gió mai” .

Một đặc sắc nữa trong cảm quan nghệ thuật của tác giả là đã gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế qua liên tưởng đa chiều: “Sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya… Quả đúng vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được hình thành trên mặt nước của dòng sông này”. Ông đã tưởng tượng: “Trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Phải có độ nhạy cảm về thẩm âm, hiểu biết về âm nhạc cung đình Huế, tác giả mới có được những liên tưởng độc đáo như vậy. Hình tượng dòng sông được diễn đạt bằng những hình ảnh so sánh tài tình, mới lạ “Sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái di-gan phóng khoáng và man dạ, dòng sông mềm như tấm lụa, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya…”

Sông Hương còn đẹp bởi một huyền thoại chứa đựng chiều sâu của tâm linh khi dân làng Thành Chung lý giải về cách gọi tên: “Vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương con người ở hai bên bờ sông đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống sông để làn nước thơm tho mãi”. Ông xem “Sông Hương như nỗi hoài vọng về một cái đẹp nào đó chưa đạt tới ở đời” (Sử thi buồn), nó là “Dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc, vẻ đẹp của dòng sông đổi sắc không ngừng dưới ánh nắng và trong mùi hương trốn tìm của hoa trái trong vườn” (Hoa trái quanh tôi). Và qua cách nhìn, cách cảm của một thi nhân, một nhạc sĩ, một họa sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc nhận thức về chiều sâu văn hoá và vẻ đẹp tâm hồn của con người xứ sở nơi dòng sông đi qua.

Từ góc nhìn văn hóa và những triết lý về dòng sông trong mối quan hệ với lịch sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa người đọc lật tìm những tư liệu, những sự kiện có liên hệ với dòng sông. Tên của sông Hương được ghi trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi là “Linh Giang” (dòng sông mang yếu tố tâm linh của vùng đất địa linh nhân kiệt). Những giai thoại, huyền thoại về dòng sông đã góp phần trả lời câu hỏi: Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Dòng sông ấy là điểm tựa để quân dân Đại Việt bảo vệ biên cương. Ở thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân, gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung: “Sông Hương đã sống những thế kỷ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó”. Dòng sông như “người dũng sĩ trấn giữ biên thuỳ đã nhiều lần chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc Đại Việt rồi vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ… Trong những ngày Cách mạng tháng Tám với những chiến công rung chuyển, những ngày nổi dậy tổng tiến công thần tốc tết Mậu Thân 1968, và qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy thử thách và vinh quang của dân tộc, sông Hương đã “Cùng sống những giây phút hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để cuối cùng trở về sống cuộc sống bình thường, làm người con gái dịu dàng của đất nước”. Với lịch sử sông Hương đã là một chứng nhân, điều đó đã khiến thành phố Huế mang một sức hấp dẫn lớn về vẻ đẹp văn hoá mang tầm quốc gia và quốc tế.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa người đọc xuôi theo dòng sông thơm mát để trở về lịch sử còn khuất nẻo, để khám phá vị trí âu đời của thành Châu Hoá đứng uy nghiêm soi bóng trên sông Hương. Nó chính là một ải Chi Lăng ở phía Nam Tổ quốc đã bao lần làm quân thù khiếp sợ. Lịch sử đã gọi nó là “Vạn lý trường thành của phương Nam”.

Với vốn ngôn ngữ phong phú, luôn biến ảo, giàu hình ảnh và cảm xúc cùng với việc sử dụng nhiều biện pháp tu từ đắt địa, như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, tượng trưng… Hoàng Phủ Ngọc tường đã nâng bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? thành một bài “thơ văn xuôi” giàu tính họa, tính nhạc và nhiều giá trị khảo cứu khác.

3. Tác động:

Từ thuở sơ khai, con người đã gắn liền với thiên nhiên, nương náu trong vòng tay che chở và hưởng trọn nguồn tài nguyên dồi dào của Mẹ Trái Đất. Con người và thiên nhiên là một thể thống nhất. Việc sống hài hòa với thiên nhiên là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho chính bản thân, cho thế hệ mai sau và cho hành tinh Trái Đất. Mỗi hành động nhỏ bé của mỗi cá nhân đều góp phần tạo nên sự thay đổi to lớn, hướng đến một tương lai bền vững cho Trái Đất và cho thế hệ mai sau.

Con người cần phải biết cảm ơn tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên. Cần hiểu rõ và tuân thủ các quy luật tự nhiên, không can thiệp hay phá vỡ trật tự sinh thái; biết ơn những gì thiên nhiên ban tặng, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và tiết kiệm;luôn giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, không xả rác bừa bãi hay phá hoại các di tích tự nhiên. Tham gia các chiến dịch dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức bảo vệ môi trường: Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế rác thải nhựa; Hạn chế sử dụng nước lãng phí, thu gom và tái sử dụng nước mưa, không xả rác thải hoặc hóa chất độc hại xuống nguồn nước; Tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng.