ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN
SINH 10_2023-2024_ Chủ đề GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Câu 1.
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Cái tôi” giống như ngôi sao Bắc cực đồng
hành cùng ta trong đêm, giống như kho báu được chôn giấu trong sân sau nhà, giống
như tiếng tù và hiệu triệu ta tiến về cánh cửa cuộc đời mới. Nếu bạn muốn có được
sự lạc quan chân chính bắt nguồn từ trái tim của mình thì trước tiên phải học một
bài học không thể thiếu: Tìm ra con người thật của bạn.
Bạn có hiểu bản thân mình không? Bạn
có nhận thức được bản thân mình không? Mọi người đều sẽ trả lời: Tất nhiên rồi.
Chúng ta thường xuyên thể hiện sự hiểu biết và đánh giá bản thân trong các tình
huống như: đi ứng tuyển, tham gia tập huấn, tổng kết công việc. Tin rằng rất
nhiều người khi nói đến ưu, khuyết điểm và mục tiêu kế hoạch của bản thân thì sẽ
nói một cách chắc chắn: “Tôi hiểu, tôi biết”.
Trong thực tế cuộc sống, hầu hết chúng
ta đều biết bản thân mình có những ưu điểm nào, nhưng đối với khuyết điểm của bản
thân thường là không biết hoặc không muốn biết. Chúng ta sẽ dùng những từ
khá nhẹ nhàng như: lười, nôn nóng, không cầu tiến để miêu tả khuyết điểm của bản
thân, nhưng tuyệt nhiên không nói bản thân hẹp hòi, ích kỉ, đố kị, ghê gớm,
thích nghe lời xu nịnh; những từ ngữ này chúng ta chỉ dùng để miêu tả người
khác. Nhưng khi bình tâm nhìn lại bản thân, bạn có dám khẳng định mình hoàn
toàn không có những khuyết điểm kể trên không?
Nhà văn Victor Hugo từng nói: “Để người
khác lật mặt nạ là thất bại, tự mình lật mặt nạ mới là thắng lợi”. Muốn thực sự
hiểu bản thân thì trước tiên phải có dũng khí để tháo bỏ lớp mặt nạ xuống, nhìn
thẳng vào cái tôi của mình.
Người đầu tiên chúng ta nhìn thấy
trong gương là bản thân, khi thử bút phần lớn chúng ta viết tên mình, khi xảy
ra mâu thuẫn hay tranh chấp điều chúng ta quan tâm nhất là lợi ích của mình,
khi giành được thành tích điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới là công sức của
mình…là ai khiến chúng ta lười nhác, hi vọng đạt được sự tiến bộ mà không chịu
hành động? Là ai khiến chúng ta bụng dạ hẹp hòi, đố kị với thành công của người
khác? Là ai khiến chúng ta tự trói buộc bản thân trong vòng tròn giới hạn? Chúng ta thường cảm thấy môi trường không tốt,
cấp trên không công bằng, đồng nghiệp không thân thiện, chúng ta hay than vãn
người khác nói chuyện không hợp, không hiểu ý mình. Thực tế kẻ thù lớn nhất của
chúng ta không phải là ai khác, mà chính là bản thân chúng ta! Đúng vậy, chính
sự nhu nhược, lười biếng, lòng đố kị của chúng ta đã ngăn cản chúng ta tiến về
phía trước, kìm hãm sự phát triển của bản thân!
(Theo Đá cuội hay
kim cương, Dale Carnegie, NXB
Thanh niên, 2018, trang 38,39)
a. Theo tác giả, kẻ thù lớn nhất của
chúng ta là ai? Điều gì ngăn
cản chúng ta tiến về phía trước, kìm hãm sự phát triển của bản thân?
b. Tìm 01 phép liên kết có trong đoạn
trích in đậm trong văn bản.
c. Nêu nội dung của văn bản.
d. Em hiểu thế nào về câu nói của
Victor Hugo trong văn bản: “Để người khác lật mặt nạ là thất bại, tự mình lật
mặt nạ mới là thắng lợi”? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.
Câu 2.
“Nỗi đau cũng là một món quà.”
( Ba người thầy vĩ đại, Robin Sharma, NXB Lao
động, 2019, tr. 231)
Em hãy viết một bài văn nghị luận khoảng
500 chữa bày tỏ quan điểm về ý kiến trên.
Câu 3.
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này....
( Trích Viếng lăng Bác,
Viễn Phương, SGK Ngữ Văn
9, Tập 2, NXBGDVN, 2023, Tr. 58,59)
Hãy phân tích đoạn thơ trên. Sau đó liên hệ với
một bài thơ/ đoạn trích để làm rõ khi đi qua nỗi đau ta biết yêu thương
thành hành động, biết trân trọng những điều có được.
Đề 2.
Tình huống:
Khi con người biết và nhận ra những khiếm khuyết, thiếu xót của bản thân và thẳng
thắn thừa nhận mà không quanh co, giấu diếm, che đậy thì lúc đó con người sẽ biết
sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện mình. Đó là lúc con người sẽ đón nhận thắng lợi,
niềm vui, thành công sẽ mỉm cười.
Nhiệm vụ: Hãy
chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp em nhận ra tháo bỏ lớp mặt nạ
xuống, nhìn thẳng vào cái tôi của mình và viết bài văn nghị luận lý giải
cho sự lựa chọn của em.
GỢI
Ý
Câu 1.
a. Theo tác giả, kẻ thù lớn nhất của
chúng ta là là bản thân chúng ta; sự nhu nhược, lười biếng, lòng đố kị của
chúng ta đã ngăn cản chúng ta tiến về phía trước, kìm hãm sự phát triển của
bản thân.
b. Phép liên kết có trong đoạn trích
in đậm trong văn bản.
Phép nối: Nhưng
Phép thế: hẹp hòi, ích kỉ, đố kị,
ghê gớm, thích nghe lời xu nịnh - khuyết điểm kể trên
Phép lặp: bản thân
c. Nội dung của văn bản: Văn
bản bàn luận về tầm quan trọng của việc tự hiểu bản thân và lấy lại quyền làm
chủ cuộc sống của mỗi người; để đạt được hạnh phúc và thành công trong cuộc sống,
mỗi người cần phải nhận thức rõ những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, từ
đó có ý thức sửa đổi và phát triển bản thân.
d. Câu nói của Victor Hugo trong văn bản:
“Để người khác lật mặt nạ là thất bại, tự mình lật mặt nạ mới là thắng lợi”
khẳng định tầm quan trọng của việc tự nhận thức bản thân, nhận
thức rõ những ưu điểm và khuyết điểm để có thể tự hoàn thiện bản thân và có
trách nhiệm với cuộc sống của mình.
"Để người khác lật mặt nạ" tượng
trưng cho việc bị người khác phơi bày khuyết điểm, điều này thường dẫn đến
sự xấu hổ và thất bại.
"Tự mình lật mặt nạ"
tượng trưng cho việc dũng cảm nhìn nhận thẳng thắn vào bản thân, nhận
thức rõ những khuyết điểm để có thể sửa đổi và phát triển.
Việc tự mình lật mặt nạ tuy có
thể khó khăn và thử thách, nhưng nó giúp con người trưởng thành và tiến
bộ hơn.
Câu 2.
“Nỗi đau cũng là một món quà.”
A. Mở bài:
- Nỗi đau thường được gắn liền với những
cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tổn thương, thất vọng,... khiến con người ta muốn
trốn tránh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, nỗi đau cũng ẩn chứa những giá
trị quý giá.
- Phải chăng nỗi đau cũng là món quà.
B. Thân bài
* Giải thích
- Nỗi đau: là cảm xúc đau đớn mãnh liệt
xuất phát từ việc mất đi những gì là thân yêu nhất, quý giá của chính mình hoặc
phải đối diện với những nghịch cảnh, những thử thách, thất bại trong cuộc sống.
- Món quà: là một thứ gì đó (vật chất
hoặc tinh thần) được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất
trao đổi. Thông thường, người nhận được quà sẽ đón nhận một cách hạnh phúc, vui
vẻ, chấp nhận.
=> Ý kiến nhấn mạnh: Nỗi đau chính
là một món quà mà cuộc sống “ban tặng” cho mọi người. Dù là với tâm thế nào thì
người nhận được món quà đó cũng phải chấp nhận và biến yêu thương thành hành động,
biết trân trọng những điều có được khi đi qua nỗi đau, biết vượt qua nghịch cảnh
để hướng đến những điều tích cực, sáng tươi.
* Biểu hiện:
- Bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử
- cảm thấy xấu hổ, tự trách móc bản
thân và khó tha thứ cho bản thân.
- trải qua mất mát, thất vọng hoặc
chán nản
* Phân tích:
- Tại sao nói nỗi đau là một món quà? Nỗi đau không phải là điều ai mong muốn nhưng
nó là điều tất yếu của cuộc sống. Dù muốn dù không thì ai cũng có lúc cũng phải
đón nhận “món quà” này. Điều quan trọng là ta có thể tìm ra ý nghĩa tích cực
từ những trải nghiệm đau buồn trong cuộc sống để bản thân ngày càng trưởng
thành và hoàn thiện hơn.
+ Nó làm cho người nhận thêm sâu sắc,
được trải nghiệm, hiểu rõ bản chất của cuộc sống. Sau khi vượt qua nỗi đau, niềm
vui mà ta có được sẽ trở nên thực tế và trọn vẹn hơn, bởi ta đã biết trân trọng
giá trị của hạnh phúc.
+ Nỗi đau cuộc người nhận phải nỗ lực,
thích ứng với hoàn cảnh, vượt qua thử thách và trở nên mạnh mẽ hơn. Vượt
qua nỗi đau giúp ta mạnh mẽ hơn, có thêm niềm tin và nghị lực để đối mặt với những
thử thách sau này.
+ Một cơ hội để thử thách sức chịu đựng,
ý chí, bản lĩnh… của mỗi người. Nỗi đau giúp ta học hỏi từ những sai lầm, rút
ra bài học hoàn thiện bản thân. Đi qua nỗi đau mỗi người sẽ trưởng thành hơn.
+ Mỗi người sẽ biết trân trọng những
niềm vui, hạnh phúc của chính mình. Nỗi đau giúp ta thấu hiểu và đồng cảm
với những người xung quanh, trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống một
cách sâu sắc hơn, biết ơn những gì mình đang có và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
- Tuy nhiên không phải nỗi đau nào
cũng khiến chúng ta lớn lên, có những nỗi đau khiến ta gục ngã. Nỗi đau
quá mức có thể dẫn đến những tổn thương tinh thần lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến
sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Không biết cách hoặc không thể đủ ý
chí để vượt qua nỗi đau ta sẽ gục ngã.
* Phê phán: những người không
biết chấp nhận và vượt qua nỗi đau
- sợ hãi đối mặt với những thử
thách và khó khăn mới, lo lắng về việc thất bại và né tránh những điều mới mẻ.
- cô lập tránh né các hoạt động xã hội
và thu mình lại trong thế giới riêng của mình.
- mất niềm tin vào cuộc sống và tương
lai và không có động lực để làm bất cứ điều gì
* Bài học
- Thay vì trốn tránh hay chối bỏ, ta cần
đối mặt với nỗi đau một cách tích cực. Hãy trân trọng
những bài học kinh nghiệm mà nỗi đau mang lại, biến nó thành động lực để bản
thân trưởng thành và hoàn thiện hơn.
- Khi phải đối diện với những thất bại, nghịch
cảnh, những nỗi đau trong cuộc sống:
+ cho phép bản thân cảm nhận những cảm
xúc tiêu cực như buồn bã, lo lắng và tức giận nhưng hãy tha thứ và học hỏi từ
những sai lầm đó và tiếp tục tiến về phía trước.
+ biết vượt mình, biết buông bỏ; xem
những nỗi đau là kinh nghiệm, là động lực để thêm tự tin, thêm bản lĩnh… sống lạc
quan.
+ Tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người
thân yêu: Chia sẻ nỗi đau của bạn với những người mà bạn tin tưởng.
C. Kết bài
Nỗi đau, giống như một viên kim cương
thô, cần được mài giũa và chế tác để trở nên lấp lánh và quý giá. Hãy biến nỗi
đau thành món quà để tự hoàn thiện bản thân và sống một cuộc đời ý nghĩa.
Câu 3.
Đề 1.
A. Mở bài
- Viễn Phương là một cây bút có mặt sớm nhất của
lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mĩ cứu nước. Thơ của ông
bình dị mà trữ tình, mộc mạc, chân chất nhưng nhẹ nhàng, sâu lắng.
- Bài thơ Viếng lăng
Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ đối với Người khi vào
lăng viếng Bác với giọng trang trọng, tha thiết thể hiện niềm yêu thương, biết
ơn Bác.
- Ta có thể cảm nhận được niềm tiếc
thương vô hạn trước sự ra đi của Bác và ước nguyện cống hiến chân thành của nhà
thơ trong những câu thơ sau:.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
…
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này....
B. Thân bài
1. Khái quát
- Bài thơ Viếng lăng
Bác là một trong những bài thơ cảm động và xuất sắc nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí
Minh.
- Bài thơ tả lại một
ngày ra thăm lăng Bác, từ tinh sương đến trưa, đến chiều. Nhưng thời gian trong
tưởng niệm là thời gian vĩnh viễn của vũ trụ, của tâm hồn. Cả bài thơ bôn khổ,
khổ nào cũng trào dâng một niềm thương nhớ bao la và xót thương vô hạn.
2. Phân tích
a. Niềm xúc động nghẹn
ngào khi vào lăng, nhìn thấy di hài Bác
“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
…
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
- Sử dụng biện
pháp nghệ thuật nói giảm, nói tránh “giấc ngủ bình yên” nhằm giảm đi
nỗi đau, vừa thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng giấc ngủ của
Bác.
- Hình ảnh “vầng trăng sáng dịu hiền”: chỉ ánh đèn
tỏa ra từ lăng, đó cũng là ẩn dụ chỉ tâm hồn cao đẹp, nhân cách thanh cao
của Người.
+ Trăng vừa biểu tượng cho vẻ đẹp nhân
cách thanh cao của Bác, vừa là người tri kỉ theo Bác từ những năm tháng còn sống
cho tới lúc Người đi vào cõi vĩnh hằng.
=> Người
đang ngủ,lặng lẽ và yên bình. Ngày ngày mặt trời vẫn đi qua, đêm đêm ánh trăng
vẫn chiếu rọi dịu hiền và thanh mát. Trong lòng mỗi người
dân Việt Nam,Bác mãi mãi bất diệt.
- Tâm trạng xúc
động của nhà thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu
xa: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”.
+ Hình ảnh Trời xanh “mãi mãi”: tấm
lòng, đạo đức của Người cao vợi, vẫn mãi xanh trong cao cả dù Người đã
ra đi
- Hình ảnh vầng trăng, trời xanh: Bác trường tồn, vĩnh
hằng cùng non sông đất nước.
=> Tác giả sử
dụng những hình ảnh kỹ vĩ: Vầng trăng, trời xanh nối tiếp nhau làm nỗi bật sự
cao cả, vĩ đại của Người.
- Dù tin như thế
nhưng mấy chục triệu người dân Việt Nam vẫn đau xót và nuối tiếc khôn nguôi trước
sự ra đi của Bác: “Mà sao nghe nhói ở trong tim”.
+ Ẩn dụ chuyển
đổi cảm giác “nghe nhói ở trong tim”,
nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt cứa trong tim mình.
Đó không chỉ là nỗi đau riêng tác giả mà của cả triệu trái tim con người Việt
Nam.
+ “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực
tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. Tác giả tự cảm thấy nỗi
đau mất mát ở tận đáy sâu tâm hồn mình, nỗi đau ấy uất nghẹn tột cùng không nói
thành lời.
+ Cặp quan hệ từ “vẫn,
mà” diễn tả sự mâu thuẫn. Cảm giác nghe nhói ở trong tim mâu
thuẫn với nhận biết trời xanh là mãi mãi. Giữa tình cảm và lí trí có sự mâu thuẫn.
Và con người đã không kìm nén được khoảnh khắc yếu lòng.
=> Bác sẽ sống
mãi cùng thời gian, vĩnh viễn như trời xanh, nhưng không thể không đau lòng trước
một sự thật: Người đã vĩnh viễn ra đi.
⇒ Với dân tộc Việt
Nam, Bác Hồ không bao giờ mất, Bác vẫn sống.
b. Khổ 4: Những tình cảm, cảm
xúc trước lúc ra về. Ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách biểu
hiện cảm xúc "rất Nam Bộ".
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
…
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
- “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”:
cảm xúc trực tiếp lưu luyến không muốn rời xa. Tạm biệt Người ở
lại với giấc ngủ ngàn thu mà bước chân của những người con miền Nam như nặng
trĩu
+ Từ chỉ thời gian “Mai”
đi liền với địa danh “miền Nam” gợi sự chia xa, gợi khoảng
cách, gợi cả tấm lòng, tình cảm của những người con miền Nam.
+ Lối nói “thương
trào nước mắt” đã cụ thể hóa nỗi nhớ thương da diết, gợi chiều
sâu của sự gắn bó với miền Bắc, với Bác Hồ của những người miền Nam,
lưu luyến không muốn rời xa.
- Nhà thơ bày tỏ ước muốn hóa thân để ở lại bên cạnh Bác:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
+ Nhịp
điệu dồn dập và điệp từ “muốn làm” khởi
đầu cho mỗi dòng thơ giúp nhà thơ tô đậm mức độ thiết tha, mãnh liệt của niềm
mong ước. niềm dâng hiến tha thiết,mãnh liệt, muốn làm một
điều gì đó vì Bác.
+ Phép liệt kê, ẩn dụ “con chim, đóa hoa, cây tre”: để dâng tiếng hót vui tươi cho
Người; để góp thêm hương sắc cho khu vườn thiên nhiên quanh lăng, và để
đứng canh giấc ngủ cho Người. Ước muốn cuối cùng trước khi rời lăng chính là lời
hứa mãi mãi kiên trung với đất nước, quyết giữ gìn đất nước, sống xứng đáng với
ý nguyện của Người.
- Hình ảnh ẩn dụ
cây tre được lặp lại tạo kết cấu đầu
cuối tương ứng như sự khẳng định về lòng trung kiên, son sắt, bộc lộ tâm
nguyện hướng về Bác Hồ, như một lời hứa về tinh thần bền bỉ gìn giữ nước non thống
nhất.
- Chủ thể “con” đến đây không xuất hiện thẻ hiện ước
nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc
ta đối với Bác.
=> Ta bên Người, Người tỏa
sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.
3. Đánh giá
Với thể thơ 8 chữ, giọng điệu thiết tha, sâu lắng,
sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ quen thuộc, ngôn ngữ thơ giản dị mà cô đọng.
Viễn Phương đã rất thành công khi đi từ cảm xúc cá nhân đối với lãnh tụ đến
tình yêu mến vô hạn của quân dân miền Nam kính yêu dành tặng cho Người. Đặc biệt,
nhà thơ đã hình tượng hóa sâu sắc hình ảnh Hồ Chí Minh bằng những biểu tượng có
sức khái quát cao độ, khẳng định mạnh mẽ sức sống vĩnh hằng của Người trong
lòng dân tộc. Ông đã nhẹ nhàng đóng góp vào nền thơ ca Việt Nam một khúc ca réo
rắt tình cảm yêu thương, ngợi ca sự nghiệp vĩ đại của Bác.
4. Liên hệ
Nhà thơ Viễn Phuong đã biến yêu
thương thành hành động thành khát vọng cống hiến. Ta cũng có thể gặp được khát
vọng cống hiến mãnh liệt của một con người săp giã từ cuộc sống trong bài thơ Mùa
xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc
đời. Tình cảm dạt dào và suy nghĩ sâu lắng trong tâm tư của ông đã gởi gắm vào
bài thơ. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang,
âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của
thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muôn được dâng hiến cho cuộc đời trước
lúc đi xa. Sống là phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến
cho cuộc đời. Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất
diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều
tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.
Dù ngày Viễn Phương ra viếng lăng Bác đã rất xa, Thanh Hải thì không
còn nhìn thấy mùa xuân quê hương mình nữa. Nhưng mỗi nhà thơ đều để lại những
dòng thơ chan chứa, ấm áp về tình người, tình cảm sâu nặng với quê hương, xứ sở.
Cả hai đều thể hiện ước nguyện chân
thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân
dân... Ước nguyện khiêm nhường, bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời
chung. Tư tưởng ấy thực sự là tư tưởng cao đẹp và mang đầy tính nhân văn của
con người. Con người sống trên đời đều cần một lý tưởng sống cho mình. Và lý tưởng
sống cao đẹp nhất đó là lý tưởng sống cống hiến, sống cho đi mà không cần báo
đáp, sống để tô điểm cho đời, sống để cống hiến và xây dựng cộng đồng ngày một
tốt đẹp hơn. Nếu mỗi người đều có thái độ sống đẹp và giàu triết lý như vậy thì
cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Dù ở độ tuổi nào thì con người sống
trên đời cũng cần cống hiến vào cuộc sống chung, góp mình vào công cuộc chuyển
mình và dựng xây đất nước. Hai tác giả
nhưng chung một suy nghĩ, chung một ước nguyện. Những điều đó thật đáng cho
chúng ta – những thế hệ sau này – trân trọng. Riêng bản thân tôi vẫn còn ngồi
trên ghế nhà trường nhưng sẽ luôn nuôi dưỡng trong lòng mình những đức tính tốt,
trui rèn đạo đức, kiến thức để mai sau có thể xây dựng đất nước ngày càng phồn
vinh, vững mạnh.
C.
Kết bài
- Viễn Phương
đã thay nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung dâng lên Bác
niềm cảm xúc chân thành, lòng tôn kính thiêng liêng.
- Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc,
gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao
cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Đề 2.
1. Nêu vấn đề:
- Khi con người biết và nhận ra những
khiếm khuyết, thiếu xót của bản thân và thẳng thắn thừa nhận mà không quanh co,
giấu diếm, che đậy thì lúc đó con người sẽ biết sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện
mình. Đó là lúc con người sẽ đón nhận thắng lợi, niềm vui, thành công sẽ mỉm cười.
- Dẫn vào nội dung lựa
chọn:
Một quyển sách hay dành
cho thiếu nhi thường là cuốn sách dành cho người đọc mọi lứa tuổi. Bởi cuốn
sách đó nói được bằng ngôn ngữ trẻ thơ vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống, cũng là
cuốn sách mà người đọc lớn tuổi qua đó mà trở về sống với ký ức tuổi thơ. Tập
truyện ngắn Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào của nhà văn Võ Thu Hương
(Nhà xuất bản Văn học, năm 2022), tác phẩm được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải
Văn học thiếu nhi năm 2022, là một quyển sách như thế.
2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo
https://znews.vn/song-mai-voi-ky-uc-tuoi-tho-post1401685.html
- Với độ dày hơn 160 trang, 22 truyện ngắn, tập
sách giúp người đọc rong chơi giữa một thế giới đầy mơ mộng với sự đan xen
trong trái tim và những tâm hồn thơ trẻ. "Điều kỳ diệu dưới những gốc anh
đào" là thế giới của những giấc mơ thơ trẻ được kể bằng một ngôn ngữ thuần
khiết, thứ ngôn ngữ có khả năng đánh thức mọi giác quan của người đọc. Cứ từng
chút một, theo từng trang sách, từng câu chuyện như được chắt ra từ chính cuộc
sống hàng ngày, từng chiếc mầm bé xinh được người lớn trao trẻ con, được những
người bạn nhỏ tặng nhau. Qua từng trang sách, trẻ được gặp rất nhiều người bạn
đáng mến như Bống, Bum, Uyên, Huy… được các bạn ấy âm thầm trao tặng những hạt
mầm của tình yêu thương và nghị lực. Và những hạt giống tâm hồn, bài học cuộc sống
được nhen lên chính từ những người bạn trong cuốn sách nhỏ này…
Ấn tượng đầu tiên của
người đọc, đây là thế giới của những giấc mơ thơ trẻ được kể bằng một ngôn ngữ
thuần khiết, thứ ngôn ngữ có khả năng đánh thức mọi giác quan của người đọc.
Truyện ngắn đầu tiên của
tập sách, truyện Quê mình đẹp nhất giúp bạn đọc một lần được sống
trong thế giới của giấc mơ qua chuyến phiêu lưu đầy thú vị của Thảo và Nguyên.
Trong thế giới của giấc mơ, của huyền thoại đó có “ông trời rủ màn đi ngủ”, những
vì sao lung linh, dòng sông ngân với muôn nghìn chú cá bằng vàng bằng bạc lấp
lánh, lũ quạ bắc thành cầu Ô Thước qua sông... Nhưng ở xứ sở thần tiên ấy, các
bạn nhỏ đã nhận ra cũng chẳng gì thú vị. Không ai nghe mình nói, không một
sự kết nối ấm áp nào… Hai bạn nhỏ ham chơi mới nhận ra chỉ trái đất có hương
thơm từ đồng lúa chín vàng. Có sóng vỗ êm êm như tiếng hát. Có núi
đồi thân thương và nhất là có mẹ.
Tập truyện ngắn cũng đậm
tính giáo dục khi truyền tải những nội dung đầy tính nhân văn đến mỗi tâm hồn
thơ trẻ và tất cả người đọc chúng ta. Trong đó, sâu đậm nhất là chủ đề tôn trọng
sự khác biệt, ngợi ca sức mạnh của tình yêu thương và ý chí vượt lên nghịch cảnh
của con người.
Truyện Bí mật của
cậu bạn to lớn kể về cậu bé Harry lớn quá khổ đã từ bỏ được thói quen
đánh bạn nhờ vào sự tin tưởng chân thành và tình yêu thương sâu sắc của cô
giáo. Sự đổi thay của Harry Big đã ngầm truyền thông điệp cho tất cả những bậc
cha mẹ và những nhà giáo dục rằng, chính sức mạnh của tình yêu thương và sự tin
tưởng đã giúp thay đổi thế giới này, chứ không phải đòn roi và kỷ luật. Trái
ngược với Harry Big, chuột Nhí trong Chuột Nhí đi tìm hạnh phúc, bé
Còi và Mum trong Mum và bé Còi lại là những số phận trẻ thơ
không may khi thân thể khiếm khuyết. Mặc dầu vậy, các nhân vật hư cấu đều vượt
lên bằng ý chí, nghị lực, sự kiên trì và tình yêu thương của bạn bè, người thân
để khẳng định giá trị của đời sống và tìm thấy hạnh phúc cho mình.
Tác phẩm cũng chứa đựng
những bài học giản dị và sâu sắc về thiên nhiên và cuộc sống. Những truyện ngắn
như Hương của bùn đã lan tỏa tình yêu và sự trân trọng vẻ đẹp
muôn màu của thiên nhiên đến mỗi tâm hồn thơ bé. Những dòng văn miêu tả sự tuần
hoàn và sức sống bất tận của thiên nhiên như “mình xuống đất, rồi sẽ lại thành
cái mầm, sẽ thành cái cây, mình sẽ trở thành vĩ đại như mẹ” sẽ giúp các em thấu
hiểu vòng tuần hoàn của sự sống không kém bất kỳ một bài học tự nhiên nào được
giảng giải.
Thông điệp về tình yêu
thương, lòng trắc ẩn, niềm thấu cảm trước khổ đau, nghịch cảnh ở đời xuất hiện
tràn ngập trong tác phẩm. Những truyện ngắn như Khi tò he biết
khóc hay Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào thật sự
là những bài học đạo đức có khả năng ngấm sâu vào lòng tất cả mỗi người đọc
không phân biệt tuổi tác để nuôi dưỡng tình yêu thương cho cuộc sống này.
Tác phẩm cũng đã thấu hiểu
và xót xa trước nỗi cô đơn của không ít em nhỏ trong xã hội hiện đại, giữa lòng
thành phố nhiều nhà máy, lắm bê tông mà thiếu vắng những bóng cây xanh và sự
chia sẻ, yêu thương con người.Cô giáo của Bum trong truyện Con muốn làm
một cái cây đã cảm động rơi nước mắt khi “bắt gặp sự cô đơn và tình cảm
sâu sắc” trong “ước muốn làm một cái cây” của cậu bé là lời cảnh tỉnh cho tất cả
người lớn chúng ta về tương lai của những đứa trẻ và tương lai của cả thế giới.
Điều kỳ diệu dưới những
gốc anh đào thật sự là cuốn sách hay dành cho thiếu nhi và cho tất cả
những ai “từng là thiếu nhi” trong cuộc đời này.
3. Tác động:
Con người ta ai cũng có những lớp mặt nạ để
che giấu đi con người thật của mình. Đó có thể là lớp mặt nạ của sự mạnh mẽ, của
sự vui vẻ, của sự tự tin,... Hay cũng có thể là lớp mặt nạ của sự yếu đuối, của
sự buồn bã, của sự tự ti,... Lớp mặt nạ này giúp ta hòa nhập với xã hội, giúp che
giấu đi những khuyết điểm và cảm xúc tiêu cực của bản thân. Tháo bỏ lớp mặt nạ
xuống, nhìn thẳng vào cái tôi của mình không phải là một việc dễ dàng. Nó đòi hỏi
sự dũng cảm và quyết tâm. Tuy nhiên, đây là một hành trình vô cùng xứng đáng để
thực hiện. Khi ta nhìn thẳng vào cái tôi của mình, ta sẽ mở ra cánh cửa đến với
một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn. Khi ta nhìn thẳng vào cái tôi của mình, ta sẽ
hiểu rõ hơn về bản thân, về những điểm mạnh, điểm yếu, về những mong muốn và
nhu cầu của bản thân. Hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận bản thân hơn, sẽ không
còn cố gắng để thay đổi bản thân để phù hợp với mong muốn của người khác.
Sống thật với bản
thân, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và viên mãn hơn, không còn phải lo lắng về việc
che giấu bản thân, và có thể tự do thể hiện con người thật của mình. Hãy nhớ rằng, tháo bỏ lớp
mặt nạ xuống, nhìn thẳng vào cái tôi của mình là một hành trình, không phải là
đích đến. Hãy kiên nhẫn và yêu thương bản thân trong suốt hành trình này.