Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề KÍ ỨC

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề KÍ ỨC

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Mỗi lần hái được rau khúc về, bà tôi lấy nước mưa trong bể rửa sạch rau khúc và để cho thật ráo nước mới cho vào cối giã. Bà tôi giã rau khúc cho đến khi nhuyễn và dẻo như người ta giã giò. Sau đó bà tôi mới trộn rau khúc đã giã với bột nếp và nhào cho nhuyễn. Mỗi khi bà tôi nhào bột bánh xong, tôi cũng cúi rạp xuống ghé sát mũi vào cối bột bánh bà hít thật sâu.Cho dù vẫn chỉ là bột sống nhưng hương vị bánh khúc đã dâng lên làm tôi ứa đầy nước miếng. Những lúc như thế, tôi lại giục bà đồ bánh khúc. Nhưng bà tôi không bao giờ đồ bánh ngay. Bà tôi cứ để cối bột đã nhào kĩ chừng hơn một tiếng mới bắt đầu nặn bánh. Ngày xưa, chả mấy khi có thịt làm nhân bánh như bây giờ. Bà tôi chỉ dùng một ít nước mỡ trộn với đậu xanh mà quê tôi gọi là đậu tằm được thổi chín và giã nhuyễn cùng với hành lá làm nhân. Thi thoảng mua được mấy lạng mỡ phần thì bà tôi mới thái một ít để làm nhân bánh. Những miếng mỡ thái hạt lựu béo ngậy đến mê người. Khi ăn một chiếc bánh khúc như thế, tôi cứ nhai mãi mà không muốn nuốt. Cái béo của mỡ lợn, cái bùi của đậu và vị ngọt ngào của bột nếp và hương rau khúc làm nên một món ăn dân dã ngon lạ thường. Khi đồ bánh, bà tôi phủ một lớp rau khúc kín mặt chõ bánh để giữ hơi và làm cho chõ bánh đậm thêm hương rau khúc.

(Trích Hương khúc - Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Nguyễn Quang Thiều, in trong

Mùi của kí ức, NXB Trẻ, 2017)

Văn bản 2

 Những cánh đồng trải dài xa tít

chị, em tôi bì bõm lùa vịt chiều

nắng cháy rụi

phía xa bờ rạ cũ

gọi mùa đi

chao chát nỗi buồn trôi

 

chân đất, đầu trần

hú gió đồng mải miết

chị và tôi

nghe tiếng thở của sao, trăng… đầm đẫm nước

khe khẽ cười

vịt đẻ dày - trong những đêm!

vẫn đầy gió

cánh đồng tăm tắp nuốt chửng tuổi thơ mùi nắng rạ

vẫn mái lều tàn tạt gió bạt những chiều đông

vẫn cái sào làm cọc neo ghe bến sông bồi lở

nhớ vảng phèn mỏng mảnh chênh chao ...

 

cha ngồi đầu ghe

vấn thuốc gò vê khỏi hoàng hôn

tuổi bốn mươi - nâu thẫm một mái nhà!

chị trôi tuột một thời xuân nữ

thầm thĩ cùng tiếng vịt buổi chạy đồng

tôi kìm hãm nỗi khát khao: Mẹ!

trong giấc mơ - kẹt bồ lúa tuổi thơ!

vãi rơi sau mùa gặt

chị và tôi và... những cánh đồng

nhập nhòa

tiếng dầm lại khua

chiếc ghe bầu chông chênh

gọi những mùa ... đi!

(Trích Kí ức cánh đồng, Trần Huy Minh Phương, NXB Trẻ, 2021, tr.87)

a. Trong khổ thơ đầu văn bản 2, cánh đồng trong ký ức của nhân vật tôi được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

b. Ghi lại và gọi tên 01 phép liên kết trong đoạn đậm của văn bản 1.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh người bà trong văn bản 1. Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng ký ức là ân huệ mà đời sống ban tặng trong cuộc đời mỗi con người?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trong mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

(Trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Truyện Kiều, Nguyễn Du, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg.93,94)

Hãy phân tích kí ức đẹp thành nỗi tê tái của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích làm người đọc thương cảm xót xa đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được ý nghĩa kí ức trong cuộc đời mỗi con người. Sau đó trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống:  Nếu cuộc đời là một chuyến hải trình, thì những ký ức chính là những cơn sóng biển. Nếu không có những cơn sóng, đại dương sẽ trở nên cô đơn và tẻ nhạt. Tương tự, cuộc sống cũng không thể thiếu những ký ức.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra văn chương giúp con người tìm thấy tâm tình của chính mình và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a. Trong khổ thơ đầu văn bản 2, Cánh đồng trong ký ức của nhân vật tôi được thể hiện qua những từ ngữ + hình ảnh: cánh đồng trải dài xa tít, nắng cháy rụi, bờ rạ cũ,

b. Phép liên kết trong đoạn in đậm của văn bản 1:

Phép liên tưởng: nhai, ăn. chiếc bánh khúc, cái béo,  mỡ lợn, cái bùi, vị ngọt ngào, rau khúc

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản:

Điểm chung: Cả hai văn bản đều miêu tả gợi nhớ về quê hương, gắn liền với tuổi thơ của tác giả.

Điểm riêng:

Văn bản 1: Tập trung miêu tả quy trình làm bánh khúc và hương vị thơm ngon của bánh, thể hiện tình cảm yêu thương, kính trọng đối với người bà.

Văn bản 2: Khắc họa hình ảnh cánh đồng quê hương trong tâm trí tác giả, gợi nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên, gắn bó với đồng quê và gia đình.

d.    Người bà hiện ra qua ký ức của cháu với vẻ đẹp của sự giản dị, tảo tần, chịu khó, nâng niu, gìn giữ những nét đẹp ẩm thực cổ truyền của dân tộc. phương;

Câu 2.  Phải chăng ký ức là ân huệ mà đời sống ban tặng trong cuộc đời mỗi con người?

A. Mở bài

- Kí ức là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Chúng là món quà quý giá mà đời sống ban tặng cho mỗi con người.

B. Thânbài

* Giải thích:

+ Ký ức là những trải nghiệm, những hình ảnh, những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ được lưu trữ trong tâm trí mỗi người, và có thể được truy cập bất cứ lúc nào. Ký ức có thể là những khoảnh khắc vui buồn, những trải nghiệm thành công hay thất bại, những bài học quý giá hay những kỷ niệm đẹp đẽ.

+ Kí ức là một phần không thể thiếu, nếu biết cách đối diện với nó một cách tích cực  thì nó là ân huệ giúp ta định hình con người mình, hoàn thiện bản.

=> Ta cần trân trọng những ký ức đẹp đẽ và học cách đối mặt với những ký ức buồn đau để ký ức sẽ là ân uệ giúp ta trưởng thành và sống một cuộc đời ý nghĩa. Ngược lại, nếu ta chìm đắm trong những ký ức tiêu cực và không biết cách vượt qua, thì ký ức sẽ trở thành gánh nặng kìm hãm ta.

* Biểu hiện:

+ Khi nhớ về ngày đầu tiên đi học, ta có thể hình dung ra cảnh lớp học, nhớ lại tiếng cô giáo giảng bài, mùi hương sách vở mới,...

+ Khi nhớ về một người bạn cũ, ta có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hoặc buồn bã với kỷ niệm mà ta có với bạn.

+ Khi bạn nghe một bài hát cũ, ta có thể bất chợt nhớ lại một ký ức nào đó trong quá khứ mà ta đã quên từ lâu.

* Phân tích:

- Ký ức mang đến cho chúng ta nhiều giá trị to lớn, giúp ta định hình con người mình, hoàn thiện bản thân và trân trọng cuộc sống.

+ Ký ức là những mảnh ghép tạo nên con người của chúng ta ngày hôm nay. Qua những trải nghiệm trong quá khứ, con ngườtai học hỏi được nhiều điều, hình thành nên những giá trị, niềm tin và quan điểm sống của riêng mình.

+ Ký ức giúp con người nhớ về những gì đã xảy ra trong quá khứ, từ đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và đưa ra những quyết định sáng suốt cho hiện tại. Từ đó, ta có thể điều chỉnh hành vi, suy nghĩ và cách sống của mình để trở nên tốt đẹp hơn.

+ Ký ức giúp ta trân trọng những gì ta đang có và thôi thúc ta sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Những ký ức đẹp đẽ hạnh phúc trong quá khứ có thể mang lại cho ta niềm vui và động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, giúp ta sẽ cảm thấy biết ơn và trân trọng cuộc sống hiện tại.

+  Ký ức chung về những trải nghiệm vui buồn, hạnh phúc, khó khăn sẽ là sợi dây gắn kết con người lại với nhau. Qua những ký ức chung, con người có thể thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương nhau hơn.

- Ký ức cũng có thể mang đến cho ta những thử thách, gánh nặng:

+ Có những ký ức đau buồn, những trải nghiệm kinh hoàng có thể ám ảnh ta suốt cuộc đời. Nhớ về những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, ta có thể bị tổn thương, lo lắng, sợ hãi và thậm chí là trầm cảm.và khó có thể vượt qua.

+ Những ký ức sai lệch có thể khiến ta hiểu lầm về người khác và dẫn đến những mâu thuẫn, bất hòa. Bám víu vào những ký ức đẹp đẽ của quá khứ, ta có thể bỏ lỡ những cơ hội trong hiện tại và tương lai.

* Phê phán: Thực tế có nhiều bạn trẻ

+  Dành quá nhiều thời gian và tâm trí cho quá khứ, để những ký ức buồn bã, đau thương chi phối dẫn đến stress, lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, bỏ lỡ những cơ hội quan trọng trong cuộc sống

+  luôn bám víu vào quá khứ, không thay đổi, học hỏi những điều mới và phát triển bản thân; luôn nhắc lại những chuyện cũ một cách thiên kiến dẫn đến những suy nghĩ và hành động sai lầm, khiến người khác cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống.

* Bài học:

+ Ta cần học cách trân trọng những ký ức của bản thân, để nó trở thành nguồn động lực giúp ta sống tốt đẹp hơn.

+ Học cách đối mặt với những ký ức đau buồn, giải quyết những vấn đề tâm lý do hoài niệm quá khứ gây ra, hiểu rõ hơn về bản thân và những giá trị cốt lõi của mình để từ đó hoàn thiện bản thân hơn.

+ Tập trung sống trọn vẹn với hiện tại và tận dụng tối đa những cơ hội mà hiện tại mang lại để xây dựng những kí ức tốt đẹp

C. Kết bài

- Đời người ngắn lắm, quỹ thời gian tưởng chừng như vô hạn nhưng thật ra lại rất hữu hạn, hãy trân trọng những kí ức tươi đẹp mà bạn đã có, quên đi những kí ức buồn đau, sống và hướng đến những điều tốt đẹp nhất để có một cuộc đời trọn vẹn, an yên.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Tác phẩm “Truyện Kiều” là một tuyệt phẩm của tác giả Nguyễn Du. Ông đã đóng góp cho nền thi ca Việt Nam cổ đại một tác phẩm tuyệt vời có sức sáng tạo, vang xa tới nhiều thế hệ sau.

- Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một đoạn trích hay nó đã lột tả được tâm trạng của Thúy Kiều vô cùng tinh tế và sâu sắc qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.

- Người đọc không thể không thương cảm xót xa cho thân phận Thúy Kiều trong những câu thơ đầy kí ức đẹp nhưng cũng tràn đầy nỗi tê tái của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

B. Thân bài

1. Khái quát

- Sau khi gia đình lâm biến và bị Mã Giám Sinh dùng mưu hèn kế bẩn, gạ gẫm lừa tình rồi bị bán vào thanh lâu, Thúy Kiều đã định tự kết liễu đời mình, nhưng kế hoạch của nàng không thành công.

- Đây là tâm trạng của Kiều những ngày đầu ở lầu Ngưng Bích, một tâm trạng sống không bằng chết, cô đơn chán nản cuộc đời và mất lòng tin ở con người.

- Đoạn thơ là một bức tranh tâm tình. Nét trữ tình đằm thắm nổi lên từ bức tranh là tình cảm nhớ thương tha thiết đối với cha mẹ và người yêu của một người con gái tài hoa phải sống đày đọa trong một xã hội bất công. Người đọc không chỉ cảm thương với nỗi buồn của nhân vật, càng lắng sâu vào từng ý từng lời của đoạn thơ lại thấy từ nỗi buồn vụt lên một tiếng kêu thương, một lời tố cáo.

 - Nhưng quên đi cảnh ngộ của bản thân, nàng đã hướng yêu thương vào những người thân yêu nhất. Nàng thật sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng vị tha, cao cả.

2. Phân tích

* Nỗi nhớ người yêu

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

- Nói về nỗi nhớ người yêu của Thúy Kiều, Nguyền Du không dùng từ “nhớ” mà dùng từ “tưởng”. Chữ “tưởng” là hồi tưởng, nhớ lại trong cái mặc cảm của một kẻ phụ tình

+ Kiều nhớ lại đêm thề nguyền dưới trăng: “chén đồng” tức cũng đang dằn vặt vì không thể cùng người thương thực hiện được lời thề ước ngày xưa.

+  Kiều nhớ về Kim Trọng trong đau đớn cho cảnh ngộ ngang trái của mình vì ở nơi xa Kim Trọng không biết Kiều đã bán mình chuộc cha mà vẫn đang mong chờ tin tức.

+ Hai động từ “trông, chờ” được tách ra đi kèm với các danh từ chỉ thời là “rày, mai”: Thúy Kiều lo chàng Kim cũng nhớ Kiều tha thiết.

- Thành ngữ biến thể “bên trời góc bể”: gợi ra không gian quê người xa xôi, cách trở.

+ Ẩn dụ “tấm son” kết hợp với câu hỏi tu từ “gột rửa bao giờ cho phai” tạo ra hai cách hiểu: thứ nhất tấm lòng Kiều không bao giờ quên được chàng Kim và thứ hai là tấm thân của Kiều đã bị làm nhục bao giờ mới gột rửa được.

 + Kiều muốn bày tỏ cùng Kim Trọng về việc Trọng có biết nàng đau khổ đến nhường nào cũng như khẳng định sự thủy chung son sắt với người yêu.

=> Đây vừa là bi kịch tình yêu khi Thúy Kiều và Kim Trọng không thể nên duyên, vừa là nỗi đau về nhân phẩm của một cô gái tài sắc. Tấm lòng vị tha, thủy chung son sắt trước sau như một của Thúy Kiều thật đáng trân trọng.

* Nỗi nhớ cha mẹ

Xót người tựa cửa hôm mai

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

- Động từ “xót” lại kết hợp với câu hỏi tu từ: thể hiện sự đau đớn của nàng khi nhớ về cha mẹ.

+ Kiều xót khi cha mẹ già yếu mà ngày ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con.

+ Nhớ về cha mẹ, Kiều tưởng tượng ra cảnh giờ đây quê nhà đã đổi thay, cha mẹ không ai chăm sóc, đỡ đần lúc về già.

+ Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”: làm nổi bật sự lo lắng của Kiều, rồi đây ai sẽ quạt cho cha mẹ ngủ khi oi nóng, ai sẽ ủ chăn ấm cho cha mẹ khi trời giá lạnh

- Thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh” và điển tích “Sân Lai”: nói lên tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Kiều day dứt khôn nguôi vì không thể tự hầu hạ, chăm sóc, nâng giấc cho cha mẹ. Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ khi thời tiết đổi thay.

+ Cụm từ “cách mấy nắng mưa”: vừa nói về thời gian xa cách qua bao mùa mưa nắng vừa nói lên sự tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa đối với con người và cảnh vật.

+ Nhớ về cha mẹ, Kiều luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục.

+ Nàng tưởng tượng nơi quê nhà đã đổi thay, “góc tử đã vừa người ôm”, thời gian trôi đi mẹ ngày càng già yếu mà mình thì không thể phụng dường.

=> Kiều đã quên mất cảnh ngộ của bản thân, chỉ một lòng nghĩ và hướng về Kim Trọng, về cha mẹ. Ta nhận ra trong lời tự thán ấy dư vị chua xót – sự chua xót của bi kịch khi phải sống trong kiếp bơ vơ, nơi “bên trời góc bể’’ mà nỗi lòng nhớ nhung cứ vẫn vương vít khôn nguôi.

* Nguyễn Du đã miêu tả khách quan tâm trạng của Thúy Kiều vượt qua những định kiến của tư tưởng phong kiến: đặt chữ tình trước chữ hiếu. Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến cha mẹ.

=> Việc sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm, những từ ngữ hình ảnh tinh tế đã khắc họa thành công và thật xúc động lỗi nhớ người yêu, nhớ cha mẹ của Thúy Kiều.

3. Đánh giá:

-Ngòi bút của Nguyễn Du hết sức tinh tế khi tả cảnh cũng như khi ngụ tình. Mỗi cảnh thiên nhiên trong đoạn đã diễn tả một sắc thái tình cảm khác nhau của Kiều – đó là bức tranh tâm cảnh nhuốm màu u buồn, đau đớn

- Mỗi nét tưởng tượng trong ngòi bút của tác giả lại phản ánh một mức độ khác nhau trong tâm trạng của nàng Kiều. Đoạn trích đã giúp ta hiểu hơn về tâm hồn của người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh cũng như còn giúp người đọc cảm nhận được giá trị nhân văn sâu sắc.

3. Tác động:

Những câu thơ lay động lòng người, khiến em thật sự cảm thông, chia sẻ với nỗi buồn, sự cô đơn và khắc khoải của Thúy Kiều. Tình yêu của Kiều dành cho Kim trọng và cha mẹ là một tình yêu cao đẹp, đáng trân trọng, là biểu tượng cho những giá trị tốt đẹp của con người. Em hiểu rằng những kỉ niệm tốt đẹp về người thân yêu đã thắp ngọn lửa hy vọng sưởi ấm tâm hồn Kiều, giúp cô vượt qua những thử thách, cám dỗ trong cuộc sống. Kỉ niệm thật sự có một sức mạnh to lớn, giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách và hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Đọc đoạn thơ em rút ra cho mình một bài học vô cùng quý giá la phải biết trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, trân trọng tình yêu, hạnh phúc và tự do mà minh đang được hưởng. Chỉ khi đã đánh mất những điều quý giá đó, ta mới càng cảm nhận được sự quan trọng của chúng. Đặc biệt là em phải biết cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những người phụ nữ phải chịu nhiều tủi nhục, bất công trong xã hội.

C. Kết bài

-  Với Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã đạt đến trình độ biện chứng tâm hồn. Nhà thơ thấu hiểu con người đến tận thẳm sâu tiềm thức, làm lộ rõ sự vận động bên trong tâm hồn đớn đau, khổ nhục của Thúy Kiều rong những ngày đầu lưu lạc phải chịu nhiều khổ nhục, đắng cay. Lời thơ xiết mạnh vào từng giác quan người đọc, khiến người đọc càng thêm cảm thương cho số kiếp bèo dạt mây trôi của thiếu nữ tài sắc vẹn toàn mà bất hạnh, từ đó làm toát lên tấm lòng cảm thương vô hạn của tác giả đối với kiếp người nhỏ bé trong xã hội phong kiến vốn tồn tại nhiều bất công.

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Nếu cuộc đời là một chuyến hải trình, thì những ký ức chính là những cơn sóng biển. Nếu không có những cơn sóng, đại dương sẽ trở nên cô đơn và tẻ nhạt. Tương tự, cuộc sống cũng không thể thiếu những ký ức.

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

 Ai mà không có tuổi thơ! Ai mà không có những kỉ niệm về một thời thơ dại! Tuổi thơ nhắc lại như trong truyện cổ tích hay như câu chuyện về những cô bé cậu bé ngày xưa. Đó là những tháng ngày đuổi bướm hái hoa, những trưa hè trốn ngủ đi chơi, những buổi chiều tắm sông mát rượi. Tuổi thơ của bạn có thể là những cánh diều vi vu tiếng sáo bay cao cao vút tận mây xanh. Hay đó có thể là những trò nghịch ngợm cùng lũ trẻ hàng xóm: ném lon, trốn tìm, bắn bi, là trò chơi đuổi bắt... Đã bao giờ bạn vạch ra một hành trình tìm về với tuổi thơ.Và đã khi nào bạn có ý định cầm trên tay chiếc vé của chuyến tàu đặc biệt, chuyến tàu tuổi thơ.         Hôm nay,  tôi xin dành tặng bạn đọc tấm vé trở về tuổi thơ từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua tập truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo http://tieuhocdongngaca.pgdbactuliem.edu.vn/)

- Truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là sáng tác mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn mời người đọc lên chuyến tàu quay ngược trở lại thăm tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ. Những trò chơi dễ thương thời bé, tính cách thật thà, thẳng thắn một cách thông minh và dại dột, những ước mơ tự do trong lòng… khiến cuốn sách có thể làm các bậc phụ huynh lo lắng rồi thở phào. Không chỉ thích hợp với người đọc trẻ, cuốn sách còn có thể hấp dẫn và thực sự có ích cho người lớn trong quan hệ với con mình.

Xuất bản năm 2008 cũng nằm trong mạch suy nghĩ đó. Tác phẩm được báo Người Lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008 và đoạt giải thưởng văn học ASEAN năm 2010. Với "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.

- Trên một chuyến tàu đặc biệt được làm bằng kỷ niệm, một người đàn ông quay trở lại thăm thời thơ ấu của mình, những trò tinh nghịch, những suy nghĩ rất trẻ thơ được kể lại với giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng và hài hước. “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt. Năm đó tôi tám tuổi… Đó là cái ngày không hiểu sao tôi lại có ý nghĩ rằng cuộc sống không có gì để mà chờ đợi nữa… Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm… Nói tóm lại, cuộc sống thật là cũ kỹ. Cuộc sống của tôi còn cũ kỹ hơn nữa. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, tôi đã biết tỏng ngày mai những sự kiện gì sẽ diễn ra trong cuộc đời tôi”. Đó là đoạn trích trong chương đầu tiên của tác phẩm có tiêu đề "Tóm lại là đã hết một ngày". Một ngày của cu Mùi- nhân vật chính là cố thức dậy vào buổi sáng, đánh răng, rửa mặt và đi học. Là bữa ăn và giấc ngủ bị ép buộc vào buổi trưa. Là việc vệ sinh thân thể và ngồi vào bàn học bài đến khi ngủ gục trên bàn vào buổi tối. Không chỉ với cu Mùi, mà với Hải cò, con Tý sún, con Tủn mà có lẽ với nhiều đứa trẻ khác vào năm chúng tám tuổi ngày nào cũng trôi qua như thế.

Những gì bọn trẻ nghĩ, bọn trẻ làm trong "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" ít nhiều đã khắc họa trọn vẹn một thế giới ngây thơ, trong sáng và cũng không kém phần u sầu, nổi loạn. Chúng cho rằng: Học bài là lêu lổng; chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn mới là con ngoan. Với chúng 2 lần 4 là mấy cũng được nhưng không phải là 8…

Xuyên suốt tác phẩm "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” - nhà văn tặng mỗi người đọc một tấm vé để lên chuyến tàu đặc biệt, để mỗi người “…Có thể trở về thăm tuổi thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách kỳ diệu”

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là một tác phẩm hay và được nhiều bạn đọc yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.. Với giọng văn hài hước và hồn nhiên nhưng lại lắng đọng, tác phẩm này của Nguyễn Nhật Ánh đã chạm được đến từng góc trong tâm hồn người đọc. Đây thực sự là một câu chuyện cổ tích mà tác giả viết để dành riêng cho người lớn. Con người vốn rất mâu thuẫn, khi còn nhỏ thì muốn lớn thật nhanh, nhưng khi lớn lên lại mong mình bé lại, mong được làm trẻ con để vô lo vô nghĩ.

Đến với ”Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, chúng ta như sống lại một thời tuổi thơ vụng dại với tất cả những hồn nhiên, những thơ ngây, một thời nổi loạn trong thế giới trẻ con. Tất cả mọi vật, mọi việc qua ánh nhìn của trẻ con đều hồn nhiên và mới lạ. Từng lời văn, từng câu chữ trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa người đọc đi ngược dòng chảy của thời gian, trở về cái thời xưa ấy và chìm đắm trong nó. Trong cái thế giới trẻ thơ, non nớt của cu Mùi, Hải cò, Tí sún và con Tủn, không có nỗi lo về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Cũng không có sự lo lắng vất vả của cuộc sống bận rộn, bộn bề. Cái thế giới của bọn trẻ con ấy chỉ có sự hồn nhiên trẻ thơ, chỉ có sự ngây ngô non dại của tuổi trẻ. Nhưng cũng có những bài học nho nhỏ nhưng rất ý nghĩa rút ra từ những cuộc nổi dậy mong thoát khỏi “sự trói buộc”. Ai cũng đã từng một lần trải qua cảm giác đó. Đó là thế giới riêng của trẻ thơ mà người lớn không thể nào hiểu nổi. Và giờ phút này, khi phải bươn trải hàng ngày trong dòng chảy của cuộc sống, con người ta lại ước ao được một lần quay lại cái thế giới khó hiểu nhưng vui tươi ấy.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” sẽ mang cả tuổi thơ của người đọc ùa về. Đặc biệt là với thế hệ 7x, 8x và 9x với những tuổi thơ đầy nắng và gió. Cuốn sách đã vẽ lại cuộc sống, tình yêu thương, suy nghĩ của những đứa trẻ. Và sau này, lúc chúng ta đã lớn, ta nghĩ lại mọi sai lầm, mọi việc ngốc nghếch ngày trước mà đã ta trải qua, ta đều không cảm thấy hối hận. Vì đó là tuổi thơ, đó là một phần của cuộc sống mà ta đã từng đi qua. Cuốn sách này rất có giá trị với tất cả mọi người, những người có tuổi thơ dữ dội đáng để trở về.

Nguyễn Nhật Ánh với giọng văn trong vắt và dí dỏm đã mang đến cho chúng ta một thế giới tuổi thơ hồn nhiên đầy ắp tiếng cười. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” mở ra một thiên đường lồng lộng tiếng cười của trẻ thơ, cả cách nhìn hài hước, châm biếm về những đổi thay và sự khác biệt giữa thế giới của người lớn và trẻ nhỏ. Truyện có những tình huống gây cười nhưng ản sau đó là một triết lí sống. Đây là một quyển sách không chỉ ý nghĩa cho trẻ con mà còn cả cho người lớn. Đọc đến trang cuối của sách, bản thân mình chợt muốn được quay trở lại tuổi thơ vui tươi đầy ắp tiếng cười

Cuốn sách chính là tấm vé trở về tuổi thơ của bạn, và dĩ nhiên trên con tàu ấy, sẽ không có một ai là người soát vé…!

3. Tác động:

Mỗi người sẽ có những kỉ niệm riêng, và những giá trị mà họ nhận được từ những kỉ niệm ấy cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, kỉ niệm tuổi thơ là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, và nó sẽ luôn có giá trị đặc biệt đối với mỗi chúng ta.

Tuổi thơ thường gắn liền với những điều bình dị, đơn giản như những trò chơi dân gian, những món ăn quê nhà, hay những buổi chiều rong ruổi bên bạn bè. Khi trưởng thành, ta thường bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống với nhiều lo toan, bộn bề. Nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ giúp ta trân trọng những điều bình dị ấy, và biết ơn những gì mà ta đang có. Nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách trong cuộc sống, ta thường tìm về những kỉ niệm tuổi thơ để lấy lại niềm tin và động lực. Những kỉ niệm đẹp đẽ về một tuổi thơ hồn nhiên, vô lo vô nghĩ sẽ giúp ta cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn, và có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn. Nhờ những kỉ niệm tuổi thơ, ta có thể khơi gợi sự sáng tạo, tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ trong công việc và cuộc sống.

Kỉ niệm tuổi thơ thường là những trải nghiệm chung mà ta chia sẻ với gia đình và bạn bè. Nhớ về những kỉ niệm ấy giúp ta gắn kết với những người thân yêu, trân trọng những tình cảm thiêng liêng mà ta đang có. Những kỉ niệm tuổi thơ là những mảnh ghép quan trọng giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân, về những giá trị mà ta trân trọng, về những điều mà ta sợ hãi, và về những điều đã tạo nên con người ta ngày hôm nay. Kỉ niệm tuổi thơ là một kho báu vô giá mà mỗi người sở hữu. Hãy trân trọng những kỉ niệm ấy, và để nó luôn là nguồn động lực giúp bạn vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.