Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề KẾT NỐI TÍCH CỰC

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề KẾT NỐI TÍCH CỰC

Câu 1. Đọc  văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong cuộc sống chắc hẳn có những lúc bạn gặp khó khăn và muốn được chia sẻ cùng ai đó? Những lúc như thế bạn thường tìm đến ai? Những người có năng lực và giỏi phán đoán hơn bạn hay những người biết lắng nghe câu chuyện của bạn? Tôi thường chọn tìm đến những người bạn ở vế thứ hai hơn. Dĩ nhiên khi trò chuyện với người có năng lực và giỏi phán đoán, họ sẽ giúp tôi chỉ ra vấn đề của mình một cách khách quan nhất. Nhưng khi thực sự gặp chuyện khó khăn, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu 2% gì đó khi chỉ ngồi nghe những lời khuyên lý tính. Có thể vì khi gặp khó khăn, thay vì nghe những lời khuyên đúng đắn, tôi chỉ muốn có ai đó lắng nghe và hiểu cho tâm trạng của mình mà thôi.

 […] Chỉ cần có ai đó, như một tấm gương soi tỏ, thấu hiểu những gì đang khiến ta mệt mỏi là đủ để đem tới cho ta nguồn an ủi to lớn rồi. Không những thế, những đau khổ ta đang chịu đựng cũng bỗng trở nên ý nghĩa hơn. Nếu người đang lắng nghe ta nói rằng họ đã từng gặp chuyện mà ta tưởng chỉ riêng mình gặp phải, ta sẽ cảm thấy rằng đó là chuyện có thể xảy đến với bất kỳ ai và nhờ thế dễ dàng tiếp nhận hoàn cảnh hiện tại hơn. Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành.

Là một nhà sư đồng thời là một học giả, đã không ít lần tôi giảng Pháp môn và những chủ đề khác trước nhiều người. Nhiều lúc tôi gặp những thính giả vui vẻ cười đáp lại chuyện đùa nhạt nhẽo của mình hoặc có những phản ứng khiến tôi hứng thú trong suốt buổi giảng, ngược lại cũng đôi khi tôi gặp những thính giả cứng nhắc, khiến bầu không khí chùng xuống. Dù nói cùng một nội dung, nếu không có phản ứng từ người nghe, người nói sẽ cảm thấy mất sức hơn bình thường gấp hai ba lần. Nhờ có những người chăm chú lắng nghe ta nói như nghe tiếng nước bình đạm chảy mà câu chuyện của ta sẽ trở nên thông suốt và bầu không khí cũng vui vẻ hơn. Ngược lại nếu đối phương chỉ như một bức tường im lìm không phản ứng gì, lời ta nói sẽ trở nên vô nghĩa, và chính bản thân ta cũng bắt đầu thu mình lại. Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.

Đã từng có lúc tôi thắc mắc không hiểu tại sao người ta sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Kakao Story… bất kể ngày đêm như thế. Tôi đã không thể hiểu được lý do tại sao dù không ai bắt ép nhưng mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, những việc mình làm trong ngày với cả thế gian. Có lẽ vì chúng ta vẫn hằng mong sẽ có ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình. Phải như vậy ta mới cảm thấy hành động của mình có ý nghĩa và sự tồn tại của mình có giá trị. Cảm giác mệt mỏi vì phải sống từng ngày từng ngày không chút ý nghĩa, như phải đứng trên một sân khấu không khán giả không ai quan tâm, cũng sẽ được xóa nhòa.

Hãy nhìn xung quanh xem có người thân hay bạn bè nào của bạn đang gặp khó khăn hay không. Cho dù bạn không biết cách giải quyết những vấn đề của họ đi chăng nữa, họ cũng sẽ rất biết ơn nếu bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của họ đấy.

(Trích Yêu những điều không hoàn hảo, Hae Min, NXB Thế Giới, 2022, tr 110,113)

 

a. Theo tác giả, lắng nghe là biểu hiện của điều gì?

b. Ghi lại và gọi tên 01 phép liên kết trong đoạn cuối của văn bản.

c. Nêu ngắn gọn nội dung của văn bản trên.

d. Em có đồng tình với ý kiến: “Chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.” của tác giả không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Hãy tôn trọng cảm xúc của người khác. Cho dù nó không có nghĩa lý gì với bạn nhưng nó có thể là tất cả đối với người đó.

Từ việc hiểu nội dung lời khuyên trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ với nhan đề: Tôn trọng cảm xúc của người khác là…

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

(Trích Đồng chí, Chính Hữu, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg.128)

Hãy phân tích sự gắn bó thiết tha của tình tri kỉ, tình đồng chí trong đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được giá trị của sự kết nối  trong cuộc sống. Sau đó trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống:  Chúng ta đang sống trong thời đại đầy ắp những cách thức kết nối nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Thế nhưng, vô vàn kết nối 4.0 ấy có đủ để lấp đầy cho sự thiếu hụt về những tương tác ngoài đời thực hay lại khiến những khoảng cách trở nên thêm xa? Trong nhịp sống hiện đại bận rộn, các mối quan hệ "ảo" lại được thiết lập quá dễ dàng và vội vã, ta tìm đến những kết nối "ảo" ấy như một thói quen, dần bỏ rơi những tương tác trực tiếp, đánh mất kết nối giữa người với người, với cuộc sống xung quanh và cả với chính bản thân.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra sức mạnh của sự kết nối và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a. Theo tác giả, lắng nghe là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành; là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.

b. phép liên kết trong đoạn cuối của văn bản Hãy nhìn xung quanh xem có người thân hay bạn bè nào của bạn đang gặp khó khăn hay không. Cho dù bạn không biết cách giải quyết những vấn đề của họ đi chăng nữa, họ cũng sẽ rất biết ơn nếu bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của họ đấy.

Phép lặp: bạn;

Phép nối: Cho dù

Phép thế: người thân hay bạn bè - họ

Phép liên tưởng: khó khăn, giải quyết, những vấn đề, lắng nghe, câu chuyện

c. Nội dung của văn bản

Văn bản trên nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe. Tác giả chia sẻ rằng con người có nhu cầu được chia sẻ và lắng nghe, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn. Lắng nghe là cách để thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, thấu hiểu và tôn trọng người khác. Lắng nghe cũng giúp người nói cảm thấy được an ủi, chia sẻ và có thêm động lực để vượt qua khó khăn.

d. Em đồng tình.Vì  Lắng nghe là một hành động đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa.

Khi ta lắng nghe một ai đó, ta đang cho họ thấy rằng ta quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ và tạo ra không gian an toàn để họ chia sẻ mà không sợ bị phán xét, thể hiện sự tôn trọng ý kiến của họ, dù có thể không đồng ý.

Lắng nghe là một món quà yêu thương quý giá mà ta có thể dành tặng cho người khác. Là một hành động đơn giản nhưng có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả người nghe và người nói.

Câu 2. Tôn trọng cảm xúc của người khác là…

A. Mở bài:

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là nền tảng trong việc xây dựng những mối quan hệ bền chặt, lành mạnh và góp phần tạo nên một xã hội văn minh, hòa hợp.

B. Thân bài:

* Giải thích

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là hấu hiểu, đồng cảm,công nhận và chấp nhận những cảm xúc của người khác, dù ta có đồng ý hay không đồng ý với chúng.

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là lắng nghe, tránh làm tổn thương hoặc xúc phạm đến cảm xúc của người khác.

=> Tôn trọng cảm xúc của người khác là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng những mối quan hệ gắn kết, bền vững và hạnh phúc hơn.

* Biểu hiện

- chấp nhận sự đa dạng những cách trải nghiệm, suy nghĩ, hành động và biểu đạt cảm xúc riêng biệt, không đánh giá và so sánh một cách không công bằng

- giữ bí mật và tôn trọng sự riêng tư ,không chia sẻ thông tin cá nhân của người khác mà không có sự cho phép

- gửi một tin nhắn khích lệ, đưa ra một sự động viên, hay đơn giản là nói “Tôi quan tâm đến bạn hay cậu có ổn không,…”

* Phân tích

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là một cách để thể hiện sự quan tâm, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Khi ta tôn trọng cảm xúc của người khác sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, tự tin, được là chính mình cảm thấy thoải mái và mở lòng hơn khi chia sẻ với ta; giúp mối quan hệ trở nên chân thành, gắn kết, bền vững

+ Nếu không được tôn trọng cảm xúc, con người sẽ rơi vào trạng thái bị dồn ép, ức chế, dẫn đến những cư xử tiêu cực, gây tổn thương cho người khác. Hoặc sẽ luôn phải gồng mình để che giấu, ẩn đi những cảm xúc của bản thân, không được sống thật là mình.

- Tôn trọng cảm xúc giúp ta học hỏi và phát triển.

+ Khi ta cởi mở để lắng nghe những quan điểm khác biệt, giúp ta tránh đưa ra những quyết định sai lầm khi ta đang bị chi phối bởi cảm xúc.

+ Ta sẽ học hỏi được được cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau , thể hiện cảm xúc một cách phù hợp, cải thiện kỹ năng giao tiếp và phát triển bản thân tốt hơn.

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là một phần của quy tắc lịch sự trong giao tiếp. Mỗi người đều có cá tính, quan điểm sống độc lập, khác biệt, vì vậy cũng sẽ có những phản ứng tâm lý, trạng thái cảm xúc riêng, có những nhu cầu cảm xúc khác nhau.  

- Tuy nhiên, tôn trọng cảm xúc của người khác không đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với những cảm xúc tiêu cực, ích kỉ, không chỉ độc hại với cá nhân người đó mà còn gây ảnh hưởng đến cái chung.

+ Tôn trọng cảm xúc của người khác không có nghĩa quên đi cảm xúc của chính mình, mà cần cân bằng hài hòa trong các mối quan hệ.

* Phê phán: Hiện nay còn

- Khá nhiều bạn trẻ không biết lắng nghe,thích chỉ trích áp đặt quan điểm và suy nghĩ của mình lên người khác, sử dụng những từ ngữ nặng nề, thiếu tôn trọng để hạ thấp giá trị của người khác.

- Một số người lợi dụng lòng tin, sự yếu đuối của người khác để trục lợi cá nhân, gây tổn thương về tinh thần và vật chất cho họ.

+ Sử dụng mạng xã hội để tấn công, bôi nhọ, tung tin giả, bình luận ác ý, quấy rối trên mạng.

* Bài học

- Tôn trọng cảm xúc của người khác là một kỹ năng quan trọng mà mọi người cần luyện tập.

+ Luôn chú ý đến cảm xúc của bản thân và người khác, rèn luyện khả năng lắng nghe, thấu hiểu và giao tiếp hiệu quả.

+ Kiên trì và chân thành xây dựng được những mối quan hệ. Biết cách yêu thương và tôn trọng bản thân, mọi người xung quanh để tạo ra một môi trường tích cực và an toàn cho tất cả mọi người.

C. Kết bài:

- Tôn trọng cảm xúc người khác là một phẩm chất đạo đức cao đẹp cần được đề cao trong xã hội hiện nay.

Câu 3.

Đề 1.

A. MỞ BÀI

- Chính Hữu là "nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm", trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Thơ ông không nhiều những có những bài đặc sắc, cảm xúc, ngôn ngữ và hình ảnh chọc lọc, hàm súc.

-  Đồng chí (1948) là là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mệnh của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).

- Bằng những câu thơ tự do, ngôn từ giản dị, bài thơ thể hiện ấn tượng hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp và tình đồng chí đồng đội thắm thiết, keo sơn giữa các anh.

- Sự gắn bó thiết tha của tình tri kỉ, tình đồng chí giữ những người lính được tác giả thể hiện thật cảm động và sâu sắc trong những dòng thơ sau:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Đồng chí!

B. THÂN BÀI

1. Khái quát

Bài thơ được sáng tác vào đầu năm 1948 - sau chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. Khi đó ông là chính trị viên đại đội, từng theo đơn vị tham gia chiến dịch Việt Bắc và từng sống trong tình đồng chí, đồng đội keo sơn, gắn bó vượt qua những khó khăn gian khổ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Sau chiến dịch, ông bị ốm nặng, phải nằm lại điều trị. Đơn vị đã cử một đồng chí ở lại để chăm sóc cho Chính Hữu và người đồng đội ấy rất tận tâm giúp ông vượt qua những khó khăn, ngặt nghèo của bệnh tật. Cảm động trước tấm lòng của người bạn, ông đã viết bài thơ “Đồng chí” như một lời cảm ơn chân thành nhất gửi tới người đồng đội, người bạn nông dân của mình.

2. Phân tích

* Những chiến sĩ xuất thân từ những người nông dân lao động. Từ cuộc đời thật họ bước thẳng vào trang thơ và tỏa sáng một vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của tình đông chí, đồng đội:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày nên sỏi đá’’

Thủ pháp đối được sử dụng chặt chẽ ở hai câu thơ đầu, gợi lên sự đăng đối, tương đồng trong cảnh ngộ của người lính. Từ những miền quê khác nhau, họ đã đến với nhau trong một tình cảm thật mới mẻ.

Giọng thơ nhẹ nhàng, gần gũi như lời tâm tình, thủ thỉ của hai con người “anh” và “tôi”.

Mượn thành ngữ “nước mặn đồng chua” để nói về những vùng đồng chiêm, nước trũng, ngập mặn ven biển, khó làm ăn. Cái đói, cái nghèo như manh nha từ trong những làn nước.

Hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” để gợi về những vùng trung du, miền núi, đất đá bị ong hóa, bạc màu, khó canh tác. Cái đói, cái nghèo như ăn sâu từ trong lòng đất.

+ Hình ảnh sóng đôi, đối ứng “quê hương anh”“làng tôi” hiện lên với biết bao nỗi gian lao vất vả.  “Quê hương anh” - “làng tôi” tuy có khác nhau về địa giới, người miền xuôi, kẻ miền ngược thì cũng đều khó làm ăn canh tác, đều chung cái nghèo, cái khổ. Đó chính là cơ sở đồng cảm giai cấp của những người lính.

=> Anh bộ đội cụ Hồ là những người có nguồn gốc xuất thân từ nông dân. Chính sự tương đồng về cảnh ngộ, sự đồng cảm về giai cấp là sợi dây tình cảm đã nối họ lại với nhau, từ đây họ đã trở thành những người đồng chí, đồng đội với nhau.

* Những con người chưa từng quen biết, đến từ những phương trời xa lạ đã gặp nhau ở một điểm chung, cùng chung nhịp đập trái tim, cùng chung một lòng yêu nước và cùng chung lí tưởng cách mạng.

“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,”

- Tác giả sử dụng từ “đôi"để khẳng định tình thân giữa hai người, đồng thời làm lời thơ thêm giản dị gần với đời thường. (Đã là "đôi" tức là bao giờ cũng phải gắn bó chặt chẽ với nhau, keo sơn, thắm thiết)

+ “Tự phương trời” họ về đây đứng trong cùng đội ngũ, có một lí tưởng chung, cùng một mục đích cao cả: chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc.

+ Nói ''chẳng hẹn''nhưng thật sự họ đã có hẹn với nhau. Bởi anh với tôi đều có chung lòng yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu

+ Hình ảnh: “Anh – tôi” riêng biệt đã mờ nhoà, hình ảnh sóng đôi đã thể hiện sự gắn bó tương đồng của họ trong nhiệm vụ và lí tưởng chiến đấu.

=> Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì của dân tộc chính là nơi hội tụ trái tim những người con yêu nước, đã đưa các anh từ lạ thành quen.

- Họ cùng đi lính, chung lí tưởng chiến đấu vì Tổ quốc,“súng bên súng đầu sát bên đầu” sát cánh bên nhau trên chiến trường.

Hình ảnh thơ “súng bên súng, đầu sát bên đầu” mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc diễn tả sự gắn bó của những người lính trong quân ngũ:

“Súng bên súng” là cách nói giàu hình tượng để diễn tả về những người lính cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ chiến đấu. Họ ra đi để chiến đấu và giải phóng cho quê hương, dân tộc, đất nước; đồng thời giải phóng cho chính số phận của họ.

“Đầu sát bên đầu” là cách nói hoán dụ, tượng trưng cho ý chí, quyết tâm chiến đấu của những người lính trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

- Điệp từ “Súng, bên, đầu” khiến câu thơ trở nên chắc khỏe, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ của những người lính.

- Nếu như ở cơ sở thứ nhất “anh” - “tôi” đứng trên từng dòng thơ như một kiểu xưng danh khi gặp gỡ, vẫn còn xa lạ, thì ở cơ sở thứ hai “anh” với “tôi” trong cùng một dòng thơ, thật gần gũi. Từ những người xa lạ họ đã hoàn toàn trở nên gắn kết.

=>  Tình đồng chí - tình cảm ấy không phải chỉ là cùng cảnh ngộ mà còn là sự gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lẫn lý tưởng và mục đích cao cả: chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc.

* Bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà giàu sức gợi, tác giả đã miêu tả rõ nét những khó khăn, thiếu thốntình cảm của những người lính:

“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ’’

+ “Đêm rét chung chăn” có nghĩa là chung cái khắc nghiệt, gian khổ của cuộc đời người lính; là chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh nơi núi rừng. Đó là một hình ảnh đẹp, chân thực và đầy ắp những kỉ niệm.

+ Đắp chung chăn đã trở thành biểu tượng của tình đồng chí. Nó đã khiến những con người “xa lạ” sát gần lại bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm và trở thành “tri kỉ”. 

+ Cả bài thơ chỉ có duy nhất một chữ “chung” nhưng đã bao hàm được ý nghĩa sâu sắc và khái quát của toàn bài: chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung chí hướng, chung khát vọng giải phóng dân tộc.

- Tác giả đã rất khéo léo trong việc lựa chọn từ ngữ, khi sử dụng từ “đôi” ở câu thơ trên:

+ Chính Hữu không sử dụng từ “hai" mà lựa chọn từ “đôi". Vì “đôi” cũng có nghĩa là hai, nhưng đôi còn thể hiện sự gắn kết không thể tách rời.

+ Từ “đôi người xa lạ” họ đà trớ thành “đôi tri ki”, thành đôi bạn tâm tình thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình. Vất vả, gian nan đã gắn kết họ lại với nhau và trở thành những người bạn tâm giao gắn bó.

=>  Để đã đạt mối tình tri kỉ sâu nặng ấy hẳn nhiên họ phải cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung lí tưởng chiến đấu thì mới có thể có thể thấu cảm lẫn nhau được.

* Khép lại đoạn thơ, là một câu thơ có một vị trí rất đặc biệt, được cấu tạo bởi hai từ “Đồng chí!”.

- Nó vang lên như một phát hiện, một lời khẳng định, một lời định nghĩa về đồng chí.

- Thể hiện cảm xúc dồn nén, được thốt ra như một cao trào của cảm xúc, trở thành tiếng gọi thiết tha của tình đồng chí, đồng đội.

- Gợi sự thiêng liêng, sâu lắng của tình đồng chí.

- Dòng thơ đặc biệt ấy còn như một bản lề gắn kết. Nó nâng cao ý thơ đoạn trước và mở ra ý thơ đoạn sau. Và dấu chấm cảm đi kèm hai tiếng ấy bỗng như chất chứa bao trìu mến yêu thương.

=> Hai tiếng ấy vang lên làm bừng sáng cả bài thơ, là kết tinh của một tình cảm cách mạng cao đẹp: tình đồng chí. Câu thơ tuy ngắn gọn nhưng hàm súc, tuy giản dị nhưng thiêng liêng, nó dồn nén biết bao cảm xúc của những người lính.

=> Như vậy, trong tình đồng chí có tình cảm giai cấp (xuất thân từ nông dân), có tình bạn bè tri kỉ và có sự gắn bó giữa con người cùng chung lí tưởng, chung mục đích chiến đấu.Đồng chí là một tình cảm đẹp, thiêng liêng, rất đáng được trân trọng. Nó phải trải qua rất nhiều gian nan, thử thách mới trở nên đẹp đẽ như vậy

3. Đánh giá về đặc sắc nghệ thuật

- Ngôn ngữ thơ hàm súc, mộc mạc như tiếng nói của người lính trong tâm sự, tâm tình. Tục ngữ thành ngữ, ca dao được Chính Hữu vận dụng rất linh hoạt, tạo nên chất thơ dung dị, hồn nhiên, đậm đà. Cách xây dựng những câu thơ sóng đôi biểu hiện sự gắn bó, sẻ chia những gian nan, nhọc nhằn trong cuộc sống chiến đấu chống kẻ thù chung. Ngôn từ chọn lọc, chân thực, cô đọng và hàm súc kết hợp giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn đã diễn đạt một ý tưởng trọn vẹn đi dọc suốt bài thơ: Tình đồng đội đồng chí thắm thiết – điểm tựa tin cậy cho người lính những khi đối mặt với hiểm nguy – cái chết.

4. Tác động

Đoạn thơ đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc và có tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm và hành động của em, giúp em hiểu thêm về tình đồng chí cao đẹp của người lính cách mạng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí gắn bó, keo sơn giữa những người lính cách mạng, được vun đắp từ những gian khổ, thử thách trong cuộc chiến đấu. Đọc đoạn thơ, em học được bài học về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.  Khi ta biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau thì mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua. Sự kết nối và sẻ chia  và giúp đỡ lẫn nhau là nền tảng để xây dựng một cộng đồng đoàn kết, gắn bó và tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.

Càng thêm yêu quý quê hương, tự hào về truyền thống quân đội ta và biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông, mm nhận thức rõ ràng và phải biết trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đặc biệt là tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng chí, cần biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Em sẽ  trân trọng và vun đắp những mối quan hệ mà mình đang có để có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Em sẽ học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

C. KẾT BÀI

Chính Hữu đã mang đến cho thơ ca cách mạng một giai điệu mới mẻ, một bức tranh đẹp về người lính chống Pháp. Nhà thơ đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên nhưng đồng thời cũng đặt vào bức tranh ấy một viên ngọc sáng thuần khiết nhất, đó là tình đồng chí đồng đội keo sơn thắm thiết. Để rồi khi thời gian trôi qua, tác phẩm trở thành bài ca không quên trong lòng bạn đọc. Khép lại trang thơ, bức tượng đài người chiến sĩ với tình cảm đồng chí, đồng đội cứ dội lên trong tâm trí độc giả với lòng biết ơn sâu sắc sự hi sinh lớn lao vì hòa bình đất nước của các anh. Từ đó, ta mới thấy hết được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và phát triển quê hương, dân tộc mình.

 

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Chúng ta đang sống trong thời đại đầy ắp những cách thức kết nối nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Thế nhưng, vô vàn kết nối 4.0 ấy có đủ để lấp đầy cho sự thiếu hụt về những tương tác ngoài đời thực hay lại khiến những khoảng cách trở nên thêm xa? Trong nhịp sống hiện đại bận rộn, các mối quan hệ "ảo" lại được thiết lập quá dễ dàng và vội vã, ta tìm đến những kết nối "ảo" ấy như một thói quen, dần bỏ rơi những tương tác trực tiếp, đánh mất kết nối giữa người với người, với cuộc sống xung quanh và cả với chính bản thân.

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

Một tình bạn đẹp không chỉ thể hiện qua lời nói, nó là thứ tình cảm chân thành, thiêng liêng bộc lộ qua sự quan tâm, giúp đỡ cho nhau, luôn bên cạnh nhau lúc khó khăn. Bạn bè là mối quan hệ không thể thiếu trên đường đời, ở cái thuở phấn trắng ai cũng có rất nhiều bạn. Song, tìm được cho mình một người bạn thân và gắn bó lâu dài không phải dễ, nó đòi hỏi xuất phát từ sự tương đồng về tình cách, thời gian, sở thích, thói quen... Và hơn hết một tình bạn đẹp đòi hỏi sự đồng điệu về tâm hồn.

Chú Bé Rắc Rối, một cuốn sách đầy tính nhân văn. Một tác phẩm đến từ tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, tác giả vốn chẳng xa lạ gì đối với độc giả Việt Nam từ lớn đến nhỏ. Cuốn truyện tuy không dày nhưng những giá trị và ý nghĩa của câu chuyện mà mỗi người rút ra được thì chẳng mỏng tí nào.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-chu-be-rac-roi-doi-ban-cung-lui-64ae98ee1f7226176b20332e)

-  Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn, nhà thơ, bình luận viên Việt Nam. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi trẻ, các tác phẩm của ông được độc giả ưa chuộng và nhiều trong số đó được chuyển thể thành phim. Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: Năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A.

- Câu chuyện xoay quanh hai cậu bé là An và Nghi. An là một đứa học trò có thành tích học kém và lười học. Do phong trào đôi bạn cùng tiến nên Nghi bất đắc dĩ đã phải kèm cho An học. Từ đó mà hai người mới trở nên thân thiết và gắn bó hơn. Những buổi chiều học kèm thì Nghi lại bị An rủ đi đá bóng, đi công viên, đi coi chiếu bóng… Đứa học trò nào mà chả ham chơi, mê những trò nghịch ngợm, phá phách. Hơn nữa An lại rất bạo gan cùng với Nghi nên đã phát hiện ra nhiều bí mật khủng khiếp.Chú Bé Rắc Rối – Tình cảm học trò rắc rối nhưng lém lỉnh Cũng từ nỗi sợ ma của Nghi mà An đã quyết định rủ Nghi đi khám phá lò thịt cũ để tìm ra chân tướng. An có 2 người anh là Vĩnh và Dự. Anh Vĩnh là một thanh niên xung phong nên không được An coi trọng. Còn anh Dự thì lúc nào cũng bảnh bao hay cho tiền. Từ khi anh Vĩnh được lên tivi trong chương trình người tốt việc tốt nên An đã trân trọng anh hơn. Dường như qua việc này độc giả đã thấy một chút gì đó trân trọng cho những người tuy không giàu có về tiền bạc nhưng lại có dồi dào về tình cảm.

Người bạn vô tư

Nghi - Là một cậu bé tinh nghịch và có phần láu cá. Bản thân cậu chưa từng lo cho ai bao giờ. Cậu lo cho chính mình còn chưa xong nữa là. Đến tận mười ba tuổi nhưng cậu vẫn được hưởng cái quyền lợi được phụ huynh tắm rửa cho mỗi ngày vì cái tật tắm không kỹ lưỡng. Thêm vào đó, tính tình cậu thì bộp chộp, rửa ba cái ly cũng để bị bể. Cậu chỉ được mỗi cái là học hành không thua súc gì ai.

Trong nhà, ba và mẹ là những người thường xuyên không công nhận về cái năng lực “học sinh tiên tiến nhiều năm liền” của cậu. Chỉ riêng bà là người luôn bênh vực cháu. Phải chăng người già thường không thích thay đổi, ngay cả trong lời nói hằng ngày. Mỗi lần có chuyện, bà đều bênh vực đứa cháu đích tôn bằng cách bắt đầu bằng câu “Thôi rầy nó làm chi” và kết thúc bằng câu “Tao nói là nói vậy!” chỉ để chấp nhận thua trước những lời phản biện của ba má Nghi.

Trong lớp, hễ có đứa kém thì sẽ có một đứa học khá kèm cặp. Và người học kém mà Nghi “may mắn” bắt cặp là An – Một cậu bé con nhà khá giả, lúc nào cũng tiền bạc rủng rỉnh trong túi. Cứ đến giờ ra chơi là thấy An ngồi ở căng – tin, miệng móp mép hết món này đến món khác. Ở lớp thì cậu học dở đều các môn, năm ngoái phải thi lại, may mắn lắm mới không bị lưu ban.

Kể từ đó, Nghi và An chơi thân với nhau mặc dù chẳng đứa nào nhắc đến chuyện giúp đỡ nhau học tập. Trong khi các cặp khác lúc nào cũng túm tụm lại ở góc lớp hay gốc cây trong sân trường cùng nhau giải bài tập, thì hai đứa cứ kè kè nhau đi đá bóng, tâng cầu hoặc ngồi đấu láo trong căng – tin.

Đến nổi An bị lên bản trả bài miệng hai lần vào một tuần sau đó, còn kết quả thì chẳng tới đâu. Trong giờ kiểm tra toán, khi cô giáo bảo cậu nêu định nghĩ thế nào là góc, cậu đã trả lời rằng “góc là khoảng không gian giữa hai cạnh”. Trong khi đối với định nghĩa trong sách, với cô giáo và các bạn còn lại thì “góc là hình tạo bởi hai nửa đường thẳng giao nhau tại một điểm”.

Đối với quan điểm cá nhân, tôi thấy câu trả lời của An có phần dễ hiểu và dễ nhớ hơn so với câu định nghĩa trông có vẻ học thuật và hàn lâm kia. Xét về môn toán học nói riêng và trong thực tế nói chung mà nói thì việc giải thích càng dễ hiểu một vấn đề hay một sự vật gì đó sẽ giúp bài toán ta tinh gọn đi rất nhiều. Nếu bây giờ bị hỏi lại câu hỏi trên thì liệu bạn sẽ trả lời như An hay bạn vẫn còn nhớ đến cái định nghĩa bỏ xó trong sách giáo khoa Toán hôm nào?

Có lần An kể cho Nghi nghe về lý do tại sao cậu ta không chịu học hành tử tế. Hỏi ra thì mới biết là mẹ cậu bảo cậu rằng “học chi lắm cho mệt đầu”. Nhà An có hai người anh trai. Anh cả thì ngày xưa học dốt, bỏ học nửa chừng nhưng bây giờ không biết làm gì nhưng khấm khá và giàu sụ. Còn người anh ba thì học hành đến nơi đến chốn, đến khi rớt đại học thì đi thanh niên xung phong không một xu dính túi.

An đã có ý định nghỉ học từ lâu, chỉ cần thời cơ chín muồi là nó sẽ vọt đi ngay để bắt chước anh cả. Nhưng Nghi Thì lại muốn thằng An học tiếp. Cậu đã khuyên răng nó và hai đứa đã có những lời hứa qua lại về học tập nhưng bụng An chưa hẳn là quyết tâm lắm vì nó nghĩ kiếm tiền vẫn là trên hết, không bằng học nhiều để rồi chả có xu nào. Nghi về nhà và cũng suy nghĩ nhiều về chuyện đó nên đã đem đề tài về tiền bạc đem kể cho ba nghe. Ba cậu nghe xong đã tặng cậu một câu nói:

“...Cái vốn quý nhất của con người là sự hiểu biết chứ không phải tiền bạc. Có một câu ngạn ngữ nói rằng tiền bạc là phương tiện của người khôn và mục đích của người dại...”

Tiền bạc bao giờ cũng đến sau, cái chính vẫn là công việc.Và ta chỉ làm việc tốt chỉ khi nào ta học hành đến nơi đến chốn. Ngay cả người nông dân trên đồng ruộng cũng phải học bởi vì làm việc có kỹ thuật thì mới đạt năng suất cao.

Có hôm An thúc giục Nghi bắt đầu học với nó. Lý do là bởi vì anh ba của nó kiểm tra đột xuất tập vở thằng em mình thì vô tình thấy 2 con ngỗng. Tối đó anh đã bắt cậu học thuộc làu làu các bài vở cũ của hôm nay để hôm sau lên trả bài. Hôm sau thầy dạy văn gọi An lên như thật.

Ba má đặt tên An làm gì để năm học nào cũng phải đứng đầu danh sách lớp. Thầy cô chỉ toàn gọi những đứa xấu số đó thành ra An lại một lần nữa được thầy xướng tên trong giờ trả bài miệng. Nhưng lần này cậu đã chưng mình cho mọi người thấy rằng mình không lười biếng. Cậu trả lời tất cả các câu hỏi của thầy khiến cả lớp và Nghi tròn mắt thán phục. Cả lớp ai ai cũng tỏ ra thiện cảm với sự tiến bộ này và ánh mắt của mọi người dành cho Nghi cũng trở nên phần nào tốt hơn trước.

Hai đứa cũng sắp xếp lịch học cho buổi chiều sau buổi học ở lớp. An đề nghị khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ nhưng Nghi nhất quyết không chịu. Vì trong khoảng thời gian tâm linh đó cậu bé rất sợ đi ngang qua lò thịt – ngôi nhà hoang nằm giữa quãng đường từ nhà Nghi đến nhà An, tại đây người lớn hay dọa là có vong hồn của những người đã khuất, có nghe thấy ai gọi tên mình cũng đừng trả lời nếu không muốn bị mất hồn.

Đối với An thì chuyện ma cỏ thật sự không tồn tại trên đời. Thầy giáo văn trong lớp cũng đã chứng minh được điều đó, đó chẳng qua là ảo giác của những người bị ám ảnh. Cậu An vía nặng hơn nên đã chứng minh cho Nghi thấy rằng trong lò thịt không hề có ma như người người đã đồn. Trưa hôm ấy cậu đã một mình vào đó và đánh một giấc trước cái dáng vẻ run cầm cập của Nghi. Anh cả của An (Người anh bỏ học nửa chừng) khi biết chuyện mấy đứa này liền quát cho tụi nó một trận, vì anh ấy cũng nghĩ là trong lò thịt thực sự có ma.

Học chung hay chơi chung?

Buổi học đầu tiên và thứ hai của đôi bạn diễn ra dưới sự không nghiêm túc của An. Buổi đầu thì Nghi giở tập ra ôn cho nó nhưng mãi mà chẳng vô được chữ nào, nó đang mải mê nhìn hai con gà chọi nhau ngoài cửa sổ đến hết giờ. Bữa thứ hai thì chú bé An lại kiếm cớ sử dụng những câu đố của mình để lừa bịp “thầy giáo”. Nó đố những câu mẹo khiến Nghi không tài nào đoán ra nên tức tối chơi với nó đến hết giờ. Tuy vậy nhưng kết thúc của chúng lúc nào cũng ngọt ngào từ những dĩa trái cây trong tủ lạnh nhà An.

Hai cậu bé đã bắt đầu ngày cùng nhau hứa sẽ học tập khá lâu nhưng kết quả chẳng tới đâu. Nghi cứ mãi bị cuốn vào những việc làm sai trái đầy quyến rũ của An. Lúc nào An cũng giở giọng “từ từ mới học” làm Nghi khó mà phản đối cho được.

“Thực ra buổi tối tôi ôm tập tới nhà nó gọi là ‘chơi chung’ chính xác hơn là ‘học chung’”.

Khi thì đi công viên, khi thì vào rạp chiếu bóng, đổi hứng đi đi vào sở thú xem cọp... Hai đứa lúc nào cũng có chuyện hay để đi “nghía” thử. Trong đa số các trường hợp, Nghi đều là người bị lôi cuốn. Trong đầu cậu đinh ninh là mình chỉ đi lần này nữa thôi nhưng sự thực là những lần rủ rê của An thực sự quá hấp dẫn, muốn từ chối cũng là một chuyện khó.

An bày mưu tính kế chuyện học tập trong lớp với Nghi. Hai đứa nhiều lần qua mặt được ban cán sự lớp là thằng Nhuận và con Dạ Lan. Tới những tiết học lý thuyết như sinh, địa, sử,.. – những môn học mà không cần dùng quá nhiều tới não là thằng An học bài tuốt và lúc nào tới tiết cũng là người đầu tiên xung phong lên trả bài. Nó thuộc làu làu làm cả lớp trố mắt nhìn nó bằng vẻ thiện cảm. Sau vài lần như vậy, các thầy cô không màng “hỏi han sức khỏe” nó nữa. Nhưng đối với những môn không phải lý thuyết thì Nghi chỉ còn biết cách “hỗ trợ” An bằng cách cho nó...cóp – pi.

Nhưng không thể nào qua mặt được mọi người mãi mãi. Trong một giờ kiểm tra toán vô tình các bạn trong lớp và cô giáo đã biết đến chiêu trò của hai chú bé tinh nghịch vì số bài làm cao điểm trong lớp chỉ có vỏn vẹn 5 bạn nhưng thật lạ lại có An trong đó. Một đứa trước giờ không nhận điểm trứng ngỗng thì cũng là điểm con ngỗng mà tự dưng làm đúng được một bài toán hóc búa khiến biết bao nhiêu học sinh giỏi trong lớp phải vò đầu bứt tóc.

Cô giáo và các bạn đã nghi ngờ và quả thực An chẳng giải thích được cái công thức số mà nó đã ghi. Trong giờ sinh hoạt đầu tuần của lớp. Cô giáo chủ nhiệm đã có một quyết định rằng An và Nghi không thể nào tiếp tục là đôi bạn cùng tiến. Nhưng An đã tuyên bố với mọi người rằng mình sẽ thay đổi thói quen mình và sẽ học tập nghiêm túc cùng Nghi mà không rủ bạn đi chơi nữa.

Nghi cảm thấy việc cô giáo muốn tách mình và An là một việc vui nếu đó là những ngày đầu khi chúng bắt đầu học chung. Nhưng bây giờ thì Nghi và An đã có những ngày tháng vui chơi khó quên, chúng đã trở thành đôi bạn thân từ những cuộc du ngoạn và những trò tinh nghịch nên Nghi không còn muốn rời xa nó nữa. Hai đứa đã xin cô giáo và cô đã đồng ý cho chúng tiếp tục con đường học tập của mình.

Những buổi học sau đó, An vẫn có vẻ chưa quyết tâm lắm như cái bửa nó đã nói trước lớp khi chúng đang bị kiểm điểm. Nó vẫn chứng nào tật nấy. Cứ hễ học được 30 phút thì nó lại lôi cái cớ rằng “học nhiều sẽ chẳng vào đầu” nên hai đứa lại xách mông đi ra sân bóng. Đi ra sân cỏ thì gặp ngay thằng Phước cùng tổ trong lớp. Nó vẫn rủ hai đứa vào đá bóng bình thường nhưng khi vào lớp thì nó lại méc với ban cán sự về hành vi lười biếng của An và Nghi.

Sự thật về cái lò thịt bỏ hoang

Câu chuyện về cái lò thịt vẫn chưa dừng lại. Một hôm mẹ Nghi sai cậu đi mua hột vịt lộn, đạp xe chạy ngang lò thịt thì Nghi giật thót mình khi nhìn thấy một cái bóng đen xẹt qua lùm cây. Về nhà nó đã kể chuyện này cho nhỏ Ái - em gái nó. Lên trường thì nó lại kể cho thằng An nghe. Thằng An vía nặng, chưa gặp ma bao giờ nên nó hùng hổ bảo rằng hai đứa sẽ đi xem cho ra lẻ cớ sự gì đang diễn ra ở cái lò thịt cũ.

Mặc cho những lời răn đe của bà và những lời dọa dẫm của người anh cả của An, Nghi vẫn tò mò muốn đến cái chỗ rùng rợn đến sởn gai ốc đó với An để khám phá ra bí mật ít ai biết. Tối đó đúng 8 giờ hai đứa đã rủ nhau ra lò thịt cũ. Mỗi đứa cầm theo đèn pin và đồ nghề đầy đủ phòng những bất trắc xảy ra.

"An một tay cầm dao một tay cầm đèn pin, ngồi yên hông nhúc nhích, lù lù như một con báo đang rình mồi. Còn tôi thì như còn chồn đen, mắt láo liên dáo dác, tim đập thình thịnh trong lồng ngực như trống lân."

Tới nơi hai cậu đã phát hiện ra tại đây có một cái hầm bí mật. Nhưng chưa kịp khám phá những thứ bên trong thì Nghi đã bị ai đánh sau đầu làm cho bất tỉnh. Tỉnh dậy Nghi nhận ra mình đang bị trói chặt, cậu tình cờ nghe về cuộc đối thoại giữa An và tên côn đồ kia, Nghi nhận ra ngay đó là anh cả của An. Thì ra lý do mà anh ấy có nhiều tiền là nhờ vào “công việc” ăn cắp. Không những làm việc một mình, anh ta làm việc theo một băng nhóm. Toàn bộ số hàng mà chúng lấy cắp sẽ được cất vào hầm này chờ ngày tiêu thụ.

An đã chống trả quyết liệt với những hành vi sai trái của anh trai mình và cả hai đứa đều bị trói chặt trong căn hầm tối tăm đó. Đến khi có người phát hiện ra hai đứa thì cả hai đều nói dối là không biết ai đã làm ra những chuyện tày trời này. Về phần An thì không muốn anh trai mình bị bắt, còn về phần Nghi thì nó không muốn khai ra anh trai của An thì muốn giữ mối quan hệ tốt với nó, sợ nó buồn rầu mà nghỉ học thì không nên.

Nhưng rồi cái kim trong bọc có ngày cũng lòi ra. Anh cả An ngay sau đó bị bắt. An đi học với nỗi sợ bị bạn bè chọc ghẹo vì mang tiếng là “em kẻ trộm” nên nos quyết định nghỉ học sau đó. Vài hôm sau, cậu bé trở lại cũng nhờ vào những việc làm tốt của anh ba. Anh ấy không giống với người con trai đầu của mẹ An, anh đã làm những việc tốt và được tuyên dương trên truyền hình khi đang là một thanh niên xung phong.

Lại một lần nữa, An đề nghị Nghi cho cậu được học tập nghiêm túc một lần nữa. Sau bao lần nhận được lời hứa suông của An thì lần này Nghi vẫn quyết định tin tưởng nó một lần nữa. Trong mắt An, lần này cậu ấy thực sự bộc lộ được quyết tâm thay đổi theo chiều hướng tích cực của anh ba hơn so với người anh hai thất học trộm cắp kia.

Lời kết

Ngoài ý nghĩa chính là đề cao tình bạn trong sáng giữa An và Nghi, truyện còn muốn nhắn nhủ đôi điều cho những ai vẫn còn đang ở lứa tuổi học trò : “Cái vốn quí nhất của con người là sự hiểu biết, chứ không phải tiền bạc. Có 1 câu ngạn ngữ nói rằng: Tiền bạc là phương tiện của người khôn và mục đích của người dại”.

Chính cái sự vô tư của An đã phần nào góp phần trong sự thành công của câu chuyện. Cậu bé dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào về bình tĩnh và tự tin, không sợ hãi hay lo lắng. Điều đó rất ít có một cô cậu học sinh cấp Hai nào có được. Nhưng cũng vì sự vô tư quá đà đó dẫn đến những kết quả không tốt trong thành tích học tập của cậu. Không những vậy đã bao lần sự vô tư đó đã làm liên lụy đến Nghi mặc dù Nghi là một học sinh học tốt.

Cuốn sách này mang đến cho người đọc cảm nhận được sự nhân văn bên trong nó. Đọc tác phẩm như tuổi thơ của chính mình trong truyện khiến nhiều người cảm thấy nôn nao. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh vốn dĩ đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam từ lớn đến nhỏ.

Các tình tiết được đan xen, nối tiếp nhau đã tạo nên sự hấp dẫn. Mang đến cao trào có khi lại phát hiện được sự thật về anh Dự – anh cả của An. Cuối cùng là một cái kết trọn vẹn khi người anh thứ 2 đã tình nguyện đi thanh tiên xung phong và được nêu gương “người tốt việc tốt”. Bên cạnh ý nghĩa chính là đề cao tình bạn trong sáng, gắn bó giữa An và Nghi, câu chuyện còn muốn nhắn nhủ đến những ai còn trong lứa tuổi đi học. Đừng giữ suy nghĩ rằng khối người không đi học vẫn thành tài, mặc dù con đường đến với sự đầy đủ ấm no theo con đường học vấn truyền thống dài ngoằn và gian khổ cũng đừng vì thế mà làm những việc sai trái để có được cái lợi trước mắt. Hãy kiên nhẫn, chăm chỉ, chờ đợi, chắc chắn những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta.

3. Tác động:

Sự kết nối là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Chúng ta khao khát được kết nối với những người khác, được yêu thương, được quan tâm và được hỗ trợ. Chẳng ai có thể sống như một cá thể đơn độc mà luôn cần bước đi trong hành trình rút ngắn những khoảng cách và kiếm tìm kết nối. Kết nối là điểm tựa quan trọng đối với mỗi người, để chúng ta hiểu rằng sẽ luôn có một sợi dây gắn kết mình với cuộc sống, và chẳng ai phải cô đơn lạc lõng ở trên đời…

Cảm giác được gắn kết sẽ tăng tính thân mật của con người với các mối quan hệ xung quanh, giảm sự chia rẽ, từ đó mang lại lợi ích sức khỏe tinh thần cho cá nhân và toàn xã hội. Sự kết nối ẩn chứa sức mạnh to lớn, tạo nên động lực để mỗi người sống hạnh phúc, bồi đắp nên những mối liên kết bền chắc. Đây là điểm tựa quan trọng giúp chúng ta hiểu rằng sẽ luôn có một sợi dây gắn kết mình với cuộc sống, và chẳng ai phải cô đơn lạc lõng ở trên đời. . Chúng ta cũng có thể học hỏi từ nhau và hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Để kết nối với người khác, ta cũng cần phải cởi mở và sẵn sàng kết nối với họ. Hãy dành thời gian cho những người quan trọng đối với ta, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình và lắng nghe người khác.