Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Nhà thơ Lưu Quang Vũ rất sâu sắc khi viết: "Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?".

"Tròn từ trong tâm" là cái nhìn, thái độ, suy nghĩ, cách sống đúng đắn, tích cực, chủ động của con người, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều lạc quan, giữ mình trong sạch. Cuộc sống không hề bằng phẳng mà là tổng hòa của rất nhiều mối quan hệ tốt xấu, hay dở, đúng sai… Nhưng dẫu thế nào, con người vẫn luôn nhủ mình, hãy cứ sống tròn từ trong tâm. Sống tròn từ trong tâm giúp mỗi người biết thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực.

Trên hành trình dặm dài của cuộc đời, không ai ban phát cho chúng ta cơ hội, trừ bản thân biết cách giành và giữ lấy. Sẽ có thất bại, có vấp ngã, sai lầm nhưng người sống tròn từ trong tâm sẽ không lấy đó làm đau khổ, thất vọng hay trách móc bản thân, số phận. Trái lại, họ biết chấp nhận sự thật, đạp bằng mọi gian khó, vươn lên để tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Sống tròn từ trong tâm giúp những ai đã và đang đứng bên bờ nghịch cảnh sẽ không bao giờ gục ngã. Tôi có người bạn học chung thời đại học, cô ấy phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối vào những ngày đang diễn ra kỳ thi tốt nghiệp đại học. Những tưởng tất cả ước mơ, hoài bão tuổi thanh xuân sẽ bị chôn vùi trong đau khổ, tuyệt vọng nhưng với tinh thần lạc quan, tích cực, cô đã mạnh mẽ vượt qua và sống vui trong hiện tại.

Sống tròn từ trong tâm giúp mỗi người có được cuộc sống thanh thản, yêu đời; thay vì cứ phải ăn năn, hậm hực với người khác, với đời. Khi chúng ta có sự nhìn nhận, đánh giá và sống bằng chính tấm lòng trong sáng, không phán xét; biết kiên nhẫn đón nhận mọi điều tự nhiên đến với cuộc đời mình thì mọi thứ ta có được sẽ càng đáng trân quý hơn bao giờ hết.

(Trích Sống tròn từ trong tâm, Lê Thị Xuyên, https://nld.com.vn/, 14/05/2023 02:20)

Văn bản 2

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Dẫu phải khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu

Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa

Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa

Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào

Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!...

Ta lớn lên khao khát những chân trời

Những mảnh đất chân mình chưa bén được

Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực

Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh…

(Trích Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, NXB Văn nghệ giải phóng, 1974, tr.35-36)

a. Theo tác giả văn bản 1, người sống tròn từ trong tâm khi gặp  thất bại, có vấp ngã, sai lầm sẽ có thái độ, hành động gì?

b. Nêu tác dụng nghệ thuật của phép điệp trong các câu thơ sau: Ta lớn lên khao khát những chân trời/ Những mảnh đất chân mình chưa bén được/Những biển khơi chứa mặt trời đỏ rực/

Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh….

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Thông điệp ý nghĩa nhất với em qua 2 văn bản trên là gì? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500 chữ trình bày suy nghĩ về nhận định sau: "Dù giữa ồn ào những điều xấu xa, vẫn hy vọng vào lòng tốt và tin vào điều tốt". (Hà Nhân) 

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Hãy phân tích nhân vật ông Hai  trong đoạn trích sau:

Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bởi bởi trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ ?...

Thật là tuyệt đường sinh sống ! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã Năm, ở Bố Hạ, Cao Thượng .. đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi, Mà cho dầu vì chính sách Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu.

"Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây...", cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại đội lên trong tâm trí ông.

Hay là quay về làng

Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ…

Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Ông lão nghĩ ngay đến mấy thắng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại thâm nghiêm ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong ra, dong vào, đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng khố rách áo ôm như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cấm đầu xuống mà lùi đi. Anh nào ho be, hốc hách một tí thì chúng nó tim hết cách để hại, cất phân ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tông ra khỏi làng…

Ông Hai nghĩ rọn cả người. Cả cuộc đời đen tối, làm than cũ nói lên trong y nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à ?

Không thể được!  Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù

(Trích Làng, Kim Lân, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg.170)

Sau đó liên hệ một bài thơ/ đọan thơ khác để làm rõ tin vào những gì tốt đẹp, con người sẽ vượt lên hoàn cảnh, có nghị lực để thay đổi hay sống cuộc đời hạnh phúc.

Đề 2.

Tình huống:  Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều kỳ diệu, vì thế đừng sống đơn giản chỉ là tồn tại. Hãy sống để cảm nhận sự đẹp đẽ và kỳ diệu của cuộc đời để “khỏi thấy xót xa, tiếc nuối cho những ngày sống hoài, sống phí”.

.Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học đã giúp em nhận ra có thêm niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào sức mạnh kỳ diệu của cuộc sống  và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.


GỢI Ý:

Câu 1.

a. Theo tác giả văn bản 1, người sống tròn từ trong tâm khi gặp  thất bại, có vấp ngã, sai lầm sẽ có thái độ, hành động: không lấy đó làm đau khổ, thất vọng hay trách móc bản thân, số phận; biết chấp nhận sự thật, đạp bằng mọi gian khó, vươn lên để tỏa sáng theo cách của riêng mình.

b. Phép điệp: điệp từ “những” kết hợp cấu trúc liệt kê: những chân trời, những mảnh đất…., những biển khơi…., những ngàn sao…

-   Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu, âm hưởng cho đoạn thơ

+ Nhấn mạnh những khát khao lớn lao của con người muốn chinh phục những mảnh đất rộng lớn, những điều lớn lao trong cuộc sống.

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

Điểm chung: Cả hai văn bản đều đề cao lối sống tích cực, niềm tin vào những điều tốt đẹp, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điểm riêng:

Văn bản 1: đề cao lối sống tích cực, chủ động, hướng thiện, xuất phát từ nội tâm mỗi người.

Văn bản 2: thể hiện niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào tương lai tươi sáng của đất nước và khát vọng được khám phá những chân trời mới của tuổi trẻ.

d. Thông điệp ý nghĩa nhất với em qua 2 văn bản trên là: Con người cần rèn luyện lối sống tích cực, lạc quan, giữ cho tâm hồn thanh thản, an yên để có một cuộc sống tốt đẹp.

+ Cuộc sống không hoàn hảo, sẽ có những khó khăn, thử thách. Con người cần biết chấp nhận sự thật, đối mặt với khó khăn, vươn lên để tỏa sáng theo cách của riêng mình.

+ Biết kiên nhẫn đón nhận mọi điều tự nhiên đến với cuộc đời mình thì mọi thứ ta có được sẽ càng đáng trân quý hơn bao giờ hết.

Hay: Rèn luyện bản thân, sống có niềm tin, có khát vọng để vươn lên và cống hiến cho xã hội.

+ Cuộc sống dù có nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn luôn có những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý.Con người cần giữ niềm tin vào chiến thắng của cái thiện, vào sự công bằng của cuộc đời.

+ Mỗi người cần có khát vọng được khám phá những điều mới mẻ, được trải nghiệm những điều thú vị trong cuộc sống, luôn có khát vọng vươn lên, không ngừng học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân và cống hiến cho xã hội.

Câu 2. "Dù giữa ồn ào những điều xấu xa, vẫn hy vọng vào lòng tốt và tin vào điều tốt". (Hà Nhân) 

1. Mở bài

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, hạnh phúc xen lẫn khổ đau. Và con người luôn trong tư thế sẵn sàng trên hành trình khám phá cuộc sống. Như Paustovsky đã nhận định: “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy luôn tin rằng cuộc sống là điều kỳ diệu và đẹp đẽ”. Vì thế hãy luôn vững tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

2. Thân bài

* Giải thích

-   "Dù giữa ồn ào những điều xấu xa": trong cuộc sống luôn tồn tại của những điều tiêu cực, xấu xa.

-"Vẫn hy vọng vào lòng tốt và tin vào điều tốt": Khẳng định lòng tốt và điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta một cách bình dị và đơn giản nhất.

- Câu nói muốn khuyên chúng ta,trong cuộc đời dù gặp những sóng gió, khổ đau, những nghịch cảnh hay nghịch lý thì chúng ta đừng bi quan, hãy luôn tin rằng: cuộc sống còn có biết bao điều tốt đẹp, bao điều kỳ diệu đang chờ chúng ta khám phá.

=> Niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào lòng tốt của con người là sức mạnh giúp ta vượt qua khó khăn, thử thách.

* Biểu hiện

+ Người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn giữ niềm tin vào cuộc sống, lạc quan chiến đấu với bệnh tật.

+ Nhà hảo tâm dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi.

+ Mặc dù có nhiều tin tức tiêu cực nhưng vẫn có rất nhiều người làm việc thiện, giúp đỡ người khác..

* Phân tích

- Tin vào những điều tốt đẹp, vào lòng tốt của con người giúp chúng ta có niềm hy vọng và động lực để tiếp tục sống.

+ ta sẽ không dễ dàng bị nản lòng hay bỏ cuộc, sẽ vượt lên hoàn cảnh của bản thân, có nghị lực để thay đổi để theo đuổi mục tiêu, ước mơ, lý tưởng.

+ luôn có sự lạc quan, tích cực và vui vẻ để đối diện với những thách thức, để sống cuộc đời hạnh phúc mà ta mong muốn.

- Tin vào những điều tốt đẹp, vào lòng tốt của con người giúp chúng ta có sự an bình và hạnh phúc trong tâm hồn, sẽ dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chia sẻ với người khác.

+ ta sẽ biết cách nhìn nhận mặt tốt của mọi việc, học cách biết ơn những điều nhỏ nhặt mà cuộc sống ban tặng;

+ ta sẽ biết cách tha thứ, yêu thương và chia sẻ với người khác, biết sống trong hiện tại, tận hưởng từng khoảnh khắc và không lo lắng quá nhiều về quá khứ hay tương lai.

- Tin vào những điều tốt đẹp, vào lòng tốt của con người để mỗi chúng ta gieo vào cuộc đời những hạt mầm xanh tươi, tốt đẹp.

+ điều tốt, sự tử tế, sự hướng thiện vẫn tiềm ẩn mạnh mẽ trong mỗi con người.

+ ta sẽ không dễ dàng thờ ơ hay lãnh đạm với những vấn đề xã hội, có ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển giá trị của cuộc sống.

- Tin vào những điều tốt đẹp, vào lòng tốt nhưng không ngây thơ, không ảo tưởng, đặt ra những kỳ vọng quá cao, không nên ảo tưởng về một thế giới hoàn hảo

+ Cần nhận thức rõ ràng về thực tế cuộc sống, có đánh giá khách quan về những điều tốt đẹp

+ Cần biết nhận diện những người tốt và xấu, những hành động thiện và ác,tránh bị lợi dụng lòng tin, đề cao cảnh giác trước những kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng tốt.

* Phê phán

- Thật là đáng sợ ngày càng nhiều hơn những con người sống lạnh lùng, vô cảm, ích kỷ trước nỗi đau, trước hoạn nạn của đồng loại,.... Còn gì đau lòng hơn khi người tốt, việc tốt không được bảo vệ, việc xấu không được ngăn cản, người yếu thế bị ức hiếp cũng không được bênh vực… Thấy người bị nạn lại bỏ đi, đưa những ánh nhìn lạnh lùng, vô cảm, thậm chí có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Nhưng bạn ơi hãy tin ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng. Hãy luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất, hãy nỗ lực hết mình để xây dựng cuộc sống ngày càng tuyệt vời hơn.

* Bài học

- Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng, không ai có thể biết được ngày mai mình sẽ thế nào. Bởi thế, mỗi ngày, chúng ta cần nỗ lực hết mình để sống, học tập và làm việc, biết gieo những điều tốt đẹp, làm những việc tốt.

* Bài học bản thân:

+ Chúng ta phải luyện tập cách quan sát và suy nghĩ, biết tìm kiếm, phát hiện những điều tốt đẹp, chúng ta càng cảm nhận một cách rõ ràng rằng, mình đang được sống một cuộc đời thật hạnh phúc!

+ Trân trọng những con người biết cho đi, biết sẻ chia. Chủ động gieo trồng điều tốt đẹp trong cuộc sống.

+ Hãy biết mở lòng ra với mọi người, bởi mỗi nụ cười, mỗi lời nói của mình có thể là hạt mầm tốt đẹp ta gieo trong lòng mọi người, để cuộc sống này thêm phần đẹp đẽ.

3. Kết bài

Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều kỳ diệu, vì thế đừng sống đơn giản chỉ là tồn tại. Hãy sống để cảm nhận những điều tốt đẹp và kỳ diệu của cuộc đời để “khỏi thấy xót xa, tiếc nuối cho nhùng ngày sống hoài, sống phí”.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Kim Lân là nhà văn rất am hiểu cuộc sống của người nông dân ở nông thôn miền Bắc. Tất cả các truyện của ông đều xoay quanh cảnh ngộ và sinh hoạt của người nông dân.

- Truyện ngắn được viết năm 1948, là một trong số những truyện ngắn xuất sắc của thời kì kháng chiến chống Pháp.

- Nhân vật ông Hai là tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân yêu nước trong thời kì kháng chiến. Tình yêu làng, yêu cách mạng tha thiết của ông Hai được thể hiện một cách chân thực, chất phác và giản đơn nhưng cũng đặc biệt thiêng liêng.

- Ta có thể cảm nhận được niềm tin vào Đảng, cách mạng, kháng chiến đã hướng ông hai lựa chọn tình yêu nước mạnh mẽ, thiêng liêng, rộng lớn, bao trùm lên tình cảm của làng quê trong đọan  trích miêu tả xung đột nội tâm về việc ở lại hay về làng: “Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường…nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”

B. Thân bài

1. Khái quát hoặc Tóm tắt

- Ông Hai là một nông dân ở làng Chợ Dầu. Ông rất yêu làng của mình với một tình cảm rất sâu sắc. Ông luôn hào hứng khi nói về tất cả những gì liên quan đến cái làng Chợ Dầu. Và một ngày, ông nghe tin làng theo giặc, ông đau đớn, tủi hổ không dám nhìn mặt ai, cũng không dám bước chân ra khỏi nhà mà chỉ tâm sự với đứa con nhỏ trong nhà về một niềm tin tuyệt đối vào cách mạng và Bác Hồ. Sau đó, tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Ông Hai mừng rỡ, hân hoan đi khắp nơi khoe về điều đó mặc dù nhà ông đã bị Tây đốt.

2. Phân tích

a. Hoàn cảnh đặc biệt của ông Hai và Tình huống

-  Xuất thân là một người nông dân quanh năm gắn bó với lũy tre làng, rất yêu làng. Ông Hai hăng hái lao động cùng anh em giữ làng nhưng vì kháng chiến, ông Hai miễn cưỡng đi cùng vợ và gia đình đi tản cư.  Quả thật, cuộc đời và số phận của ông Hai thật sự gắn bó với buồn vui của làng. Tự hào và yêu nơi “chôn rau cắt rốn” của mình trở thành một truyền thống và tâm lý chung của mọi người nông dân thời bấy giờ.

- Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống đối nghịch với tình cảm, niềm tự hào: Một con người vốn yêu làng và luôn hãnh diện về nó thì bỗng nghe tin làng lập tề theo giặc. Tình huống bất ngờ ấy đã bộc lộ một cách sâu sắc, mạnh mẽ tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của ông Hai.

+ Đoạn trích diễn tả tâm trạng đấu tranh nội tâm của ông Hai khi bị mụ chủ nhà đuổi gia đình ông đi khỏi làng. Qua đây càng thấy ông Hai là người có tình yêu làng yêu nước sâu đậm.

b. Tình yêu làng quê và tinh thần yêu nước đã dẫn đến cuộc xung đột nội tâm ở ông Hai.

- Cũng như bao người nông dân khác ông Hai cũng yêu làng và luôn tự hào về làng chợ Dầu. Nhất là khi phải xa làng đi tản cư thì tình yêu ấy lại càng tha thiết. Lúc nào ông cũng nhớ làng, luôn theo dõi tin tức về làng. Tình yêu làng như hơi thở máu thịt của ông.

- Nhưng rồi cái tin làng theo giặc nó làm cho ông đau khổ vì làng. Ông sống không bằng chết , lúc nào cũng dằn vặt lo lắng.Bao nhiêu niềm tự hào về làng như sụp đổ trong tâm hồn người nông dân rất mực yêu làng quê ấy.

- Nhất là từ lúc mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi ông thực sự rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng và bế tắc hoàn toàn. Hình ảnh "ông Hai ngồi lặng trên một góc giường", bao trùm bởi "bao nhiêu ý nghĩ đen tối,  ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão " cho thấy tâm trạng nặng nề, tuyệt vọng của ông.

+ Một loạt các câu hỏi tu từ, độc thoại nội tâm diễn ra trong tâm trí ông lão: bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ? Biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ? nổi bật nỗi lo lắng, hoang mang khi không biết phải làm sao. Ông ám ảnh về sự "tuyệt đường sinh sống" khi bị đuổi đi ở khắp nơi "ở Đài, ở Nhã Năm, ở Bố Hạ, Cao Thượng... đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi".Niềm tuyệt vọng bao trùm lấy ông khi không biết đi đâu, ở đâu khi mọi nơi đều xa lánh người làng Chợ Dầu.

- Chính trong lúc đau đớn tuyệt vọng ấy đã đẩy ông vào tình huống là phải lựa chọn: quê hương hay Tổ quốc? Quê hương – làng chợ Dầu của ông đáng yêu đáng tự hào lắm. Mặc dù bị cả làng ruồng bỏ, ông Hai vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương. Hình ảnh làng quê hiện lên trong tâm trí ông với những kỉ niệm gắn bó, thân thương.

+ Nhưng giờ đây nó làm cho ông phải tủi nhục chỉ nghĩ đến nó là lòng ông đắng ngắt. Trong lúc bế tắc này ông đã thoáng nghĩ đến làng là chốn dung thân cho gia đình ông.Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây…” cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông. Hay là quay về làng? Chỉ mới hôm trước về làng là khao khát là mong ước cháy bỏng của ông thế mà bây giờ ông thấy rợn cả người. “Nước mắt giàn ra” ông đau đớn tột cùng, bất lực trước hoàn cảnh.

- Nhưng hình như thấy mình vừa nghĩ một điều gì đó chưa đúng đắn, ông đã muốn khẳng định lại một cách chắc chắn rằng: Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến bỏ Cụ Hồ.

+ Ông Hai sợ hãi, lo lắng tột độ khi tưởng tượng cảnh phải trở về làng đã theo giặc phải chịu sự sự nhục nhã, tủi nhục của người nông dân trước sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào, tay sai giặc. Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. Ông lão nghĩ ngay đến mấy thắng kì lí chuyên môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại thâm nghiêm ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong ra, dong vào, đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng khố rách áo ôm như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cấm đầu xuống mà lùi đi. Anh nào ho be, hốc hách một tí thì chúng nó tim hết cách để hại, cất phân ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tốnng ra khỏi làng…”  Ký ức về những ngày tháng bị áp bức, đè nén bởi cường quyền càng khiến ông thêm yêu quý làng.  Tình yêu quê hương hòa quyện với tình yêu nước, căm thù giặc trong tâm trí ông Hai: “Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây.”. Ông Hai dứt khoát, quyết liệt: “Ông không thể về cái làng ấy được nữa";"Về bây giờ ra ông chịu mất hết à ?" . Tác giả miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng của ông khi nghĩ về viễn cảnh phải về làng, ông Hai cảm thấy rụng rời, tuyệt vọng vì  mất đi tất cả. Và làm nổi bật  tình yêu làng tha thiết, sâu nặng của ông Hai gắn liền với tình yêu nước, yêu cuộc sống tự do, hạnh phúc.

 => Suy nghĩ dứt khoát rạnh ròi cho dù có yêu làng đến mấy thì ông Hai cũng nhận thức rõ ràng điều gì quan trọng với ông lúc này là chuẩn mực cho tình yêu và niền tự hào về quê hương đối với ông hai lúc này là cuộc kháng chiến mà cả dân tộc đang hướng về. nhất là Bác Hồ - linh hồn của cuộc kháng chiến. Ông ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công cuộc kháng chiến, bất khuất, không lùi bước trước khó khăn.

- Dù đau xót tưởng chừng như bế tắc nhưng trong cõi sâu của tấm lòng người nông dân ấy vẫn hướng về cuộc kháng chiến vẫn tin ở điều tốt đẹp cho nên ông quyết định “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.

+ Ông Hai đã trải qua những vui buồn đau khổ những tự hào chua chát những tuyệt vọng và hi vọng. Đứng giữa sự lựa chọn khó khăn ông đã bày tỏ rõ tấm lòng mình. Rõ ràng tình yêu nước rộng lớn đã bao trùm lên tình cảm làng quê. àtình quê và lòng yêu nước của người nông dân ấy sâu nặng biết bao.

- Đặt nhân vật vào tình huống gay cấn này để thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân như ông Hai thật đáng quý. Trong trái tim ông tình yêu quê hương và tình yêu nước hài hòa nồng thắm.

=> Quyết định của ông Hai đã khẳng định tình yêu nước mạnh mẽ, thiêng liêng, rộng lớn, bao trùm lên tình cảm của làng quê. Điều gì đã khiến ông có sự lựa chọn dứt khoát đó? Phải chăng chính niềm tin vào Đảng, cách mạng, kháng chiến đã hướng ông có được sự lựa chọn đó.

3. Đánh giá

- Nhà văn Kim Lân đã xây dựng tình huống truyện vô cùng đặc biệt, mỗi tình huống đều khắc họa được diễn biến tâm lý của nhân vật một cách chân thực.

- Ông miêu tả cụ thể diễn biến tâm lý của nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm, những hành động giàu cảm xúc.

- Ngôn ngữ nhân vật vừa mang đặc trưng vùng miền, vừa mang đậm tính thuần phác, đôn hậu chung của người nông dân.

4. Liên hệ

Trong những năm tháng kháng chiến, phải sống xa gia đình, niềm tin vào Đảng, cách mạng, kháng chiến con người có nghị lực vượt lên hoàn cảnh, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại giành được thắng lợi vĩ đai, ta không thể không nhắc đến những người lính trong Bài thơ Đồng chí  của Chính Hữu. Bài thơ Đồng chí đánh giá là tác phẩm tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến giai đoạn 1946 – 1954. Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu. Tình đồng chí góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và phẩm chất của những người lính cách mạng. Trong bài thơ “Đồng Chí”, Chính Hữu đã khắc hoạ thành công cái chất hiền lành, tình nghĩa mộc mạc mà dung dị cũng như tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng cao cả của những người lính nông dân. Bài thơ miêu tả chân thực những gian khổ thời chiến tranh, ca ngợi tình cảm gắn bó, sẻ chia giữa những người lính, thể hiện khát vọng hòa bình.

Qua hai tác phẩm Làng của Kim Lân và Đồng chí" của Chính Hữu, Ta có thể thấy Ông Hai và người lính trong bài thơ "Đồng chí" đều là những đại diện tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam trong thời chiến. Qua 2 nhân vật  ta có thể khẳng định: Lòng yêu nước, yêu quê hương là phẩm chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam. Họ đều có tình yêu nước nồng nàn, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Họ vốn xuấtt thân là những người nông dân bình dị, chất phác, sống gắn bó với ruộng đồng,quê hương. Nhưng họ đều sẵn sàng hi sinh khi tổ quốc cấn. Do hoàn cảnh khác nhau nên tình yêu và tinh thần của họ được thể hiện qua những cách khác nhau. Ông Hai yêu quê hương tha thiết nên rất đau khổ khi nghe tin làng theo giặc, còn người lính “Đồng chí” yêu nước sâu sắc, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Và dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào cuộc kháng chiến, tin tưởng vào cách mạng, vào ngày mai chiến thắng. Vì thế Ông Hai dũng cảm đối diện với tin đồn làng theo giặc bằng lòng tin vào Bác Hồ, vào kháng chiến; phải đối mặt với sự lựa chọn đau dớn và đắng cay nhưng ông Hai vẫn giữ vững lập trường, không hề nao núng. Còn người lính dũng cảm, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, góp phần thể hiện bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Họ là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ họ em nhận thấy mỗi bạn trẻ chúng em cần phải có bản lĩnh, lập trường để giữ vững niềm tin vào lý tưởng, vào con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã chọn, đoàn kết, gắn bó để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

C. Kết bài

- Nhân vật ông Hai là một bức chân dung sống động, riêng biệt về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến: bình dị nhưng có lòng yêu làng, yêu nước chân thành, sâu nặng, cao quý.

- Truyện ngắn Làng của Kim Lân có nội dung truyện gần gũi, đơn giản nhưng thể hiện được những ý nghĩa to lớn, sâu sắc.

- Dù cuộc kháng chiến chống Pháp qua lâu rồi nhưng mỗi khi đọc lại truyện ngắn Làng,  bao thế hệ bạn đọc vẫn còn tự hào xúc động về hình ảnh  con người Việt Nam giàu tình yêu làng quê yêu đất nước như ông Hai. Cho nên tác phẩm Làng vẫn còn nguyên giá trị trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều kỳ diệu, vì thế đừng sống đơn giản chỉ là tồn tại. Hãy sống để cảm nhận sự đẹp đẽ và kỳ diệu của cuộc đời để “khỏi thấy xót xa, tiếc nuối cho những ngày sống hoài, sống phí”.

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

 “Anne tóc đỏ” của nữ nhà văn nổi tiếng thế giới Lucy Maud Montgomery được xem là biểu tượng văn học thiếu nhi kể từ khi xuất bản hơn 100 năm trước. Bằng ngòi bút tinh tế, sự sắc sảo trong việc xây dựng nhân vật và giá trị giáo dục cao, Montgomery đã “đốn tim” hàng ngàn thế hệ độc giả trên toàn cầu và được nhận giải Nhân vật lịch sử của Canada.

Tác phẩm đã vượt qua mọi giới hạn về thời gian, không gian và ngôn ngữ để đến với trái tim của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là một trong những tác phẩm văn học được yêu thích nhất và tái bản nhiều lần. Câu chuyện về sự trưởng thành, tình bạn và khát vọng tự do vẫn đọng lại trong trái tim mỗi người đọc. Mỗi trang sách được mở ra, đưa chúng ta vào thế giới của Anne, nơi mà chúng ta có thể tìm thấy sự cảm thông, cùng trưởng thành với nhân vật này.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://dimibook.com/anne-toc-do-hoc-cach-yeu-ve-dep-rieng-cua-ban-than/)

-  Anne là một cô bé 11 tuổi nổi bật với mái tóc đỏ rực lửa và hình dáng gầy nhom. Tuy bị thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ nhưng Anne vẫn giữ cho mình được sự ngây thơ của một đứa trẻ. Cô bé được hai anh em Matthew và Marilla Cuthbert nhận nuôi để làm việc nhà, nhưng tiếc thay họ lại mong có một bé trai. Ban đầu khi Anne đến, hai anh em Cuthbert rất thất vọng, nhưng nhờ sự trong trẻo, thông minh và lòng tốt của mình Anne đã nhanh chóng chiếm được trái tim họ. Dù họ thường xuyên phải giật thót mình bởi những sai lầm ngớ ngẩn của cô bé, trái tim trong trẻo và luôn yêu thương, ngây thơ và mơ mộng của Anne đã sưởi ấm hai trái tim già nua cặp chị em nhà Cuthbert. Và Chái Nhà Xanh đã trở thành nơi vui vẻ, đầy ắp tiếng cười, chan chứa tình yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

- Qua tác phẩm của bà Montgomery, chúng ta có thể nhận thấy tràn ngập những thông điệp ý nghĩa mà cuốn sách Anne tóc đỏ muốn gửi gắm.

Chấp nhận những điều chưa hoàn hảo

Trong tác phẩm Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh, mái tóc đỏ của cô bé Anne là một trong những chi tiết nổi bật nhất, góp phần tạo nên cá tính và tính cách của nhân vật. Tuy nhiên, mái tóc này cũng là nguồn gốc của những định kiến tiêu cực mà Anne phải chịu đựng trong suốt thời thơ ấu.

Tuy nhiên, Anne đã dần vượt qua định kiến về mái tóc của mình để rồi nhận ra rằng, vẻ đẹp nội tại quan trọng hơn vẻ đẹp ngoại hình, rằng màu tóc của cô cũng có vẻ rất đẹp riêng. Mái tóc đỏ của Anne cũng là niềm an ủi cho hàng triệu người trên thế giới bị kỳ thị vì ngoại hình. Không chỉ là mái tóc, mà còn là đôi mắt, giọng nói, dáng người,… đều có thể bị so sánh với khác với những quy chuẩn. Và những định kiến về ngoại hình có thể gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho người chịu đựng. Anne tóc đỏ đã gửi gắm thông điệp rằng: chúng ta không cần phải thay đổi bản thân để được người khác yêu quý, hãy yêu cả những điều chưa hoàn hảo của mình.

 Tinh thần lạc quan và tràn đầy hy vọng

Trong suốt tuổi thơ đến khi trưởng thành Anne đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cô bé bị những người xung quanh chê cười vì mái tóc đỏ, và cô bé cũng phải làm việc rất nhiều. Nhưng sau bao biến cố, nhưng cô luôn có góc nhìn lạc quan đặc biệt đối với cuộc sống. Cuộc đời tàn nhẫn với cô, nhưng cô lại dành cho cuộc đời ánh nhìn dịu dàng, lạc quan và luôn hiếu kỳ với mọi thứ xung quanh.

Giữ được sự tưởng tượng

Tưởng tượng là một khả năng đặc biệt của con người, giúp chúng ta khám phá những điều mới mẻ, sáng tạo những điều tuyệt vời và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ngày còn bé, ta thường hay tưởng tượng về mọi thứ. Tưởng tượng về những chuyến phiêu lưu, về những người bạn đặc biệt, về những thế giới kỳ diệu đang chờ mình khám phá. Nhưng khi ta trưởng thành, ta dần mất đi khả năng tưởng tượng. Ta bị áp lực bởi công việc, gia đình, xã hội. Ta không còn thời gian để mơ mộng, để thử nghiệm, để khám phá. Ta chỉ sống trong hiện thực, trong những ràng buộc và quy tắc.

Nhưng với Anne tóc đỏ, cô là người giàu trí tưởng tượng và có thể tưởng tượng bất kỳ thứ gì xung quanh. Nhờ trí tưởng tượng, mỗi nơi cô đặt chân đến đều là vùng đất đẹp đẽ và đáng yêu. Và cũng nhờ có nó, cô có sức mạnh để vượt qua được tất cả nỗi buồn. Nếu chúng ta đều giống như Anne, nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình, chúng ta có thể nhìn đời qua lăng kính biết tưởng tượng, có thể biến bản thân thành người mạnh mẽ, có thể thấy tia sáng lạc quan, tích cực dù cuộc sống tăm tối thế nào.

3. Tác động:

Anne tóc đỏ cũng có sự ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng khi cô bé trở thành một biểu tượng cho sự khác biệt và tự tin. Tác phẩm không chỉ là một tác phẩm kinh điển, mà còn là một tác phẩm giáo dục, giúp nuôi dưỡng cho thế hệ trẻ những giá trị như tình yêu thương, sự khoan dung, lòng can đảm và tinh thần lạc quan. Anne tóc đỏ với mái tóc đỏ nổi bật và tính cách trẻ con, mộng mơ đã khuyến khích nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, dám theo đuổi ước mơ và trân quý bản thân của mình.

Niềm tin vào cuộc sống và sức mạnh kỳ diệu của nó là những món quà quý giá mà mỗi người đều có thể nhận được. Niềm tin là nguồn động lực mạnh mẽ giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Khi ta tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, ta sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt với những chướng ngại vật và không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Niềm tin vào cuộc sống giúp ta nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực và lạc quan hơn. Nhờ vậy, ta sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Niềm tin vào cuộc sống giúp ta tin tưởng rằng tương lai sẽ tươi sáng hơn. Nhờ vậy, ta sẽ có thêm động lực để phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, ta sẽ trân trọng từng khoảnh khắc và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn. Cho dù ta đang ở trong hoàn cảnh nào, tin vào cuộc sống, tin vào sức mạnh kỳ diệu của cuộc sống ta cũng luôn có thể tìm thấy hy vọng và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.