Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NHỮNG CHUYẾN ĐI

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NHỮNG CHUYẾN ĐI

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Thiện nguyện là những chuyến đi mà ở đó bạn là người cho đi những yêu thương để nhận lại những bài học làm người vô giá, những giá trị cuộc sống sâu sắc mà không giáo trình nào, không trường học nào dạy bạn cả. Bạn sẽ nhận ra niềm lạc quan từ trong những công việc vất vả, hiểu rằng những điều bé nhỏ cũng có thể đem lại niềm vui. Qua những điều bạn thấy, từ những việc bạn làm, tất cả sẽ giúp bạn thay đổi từng ngày, trưởng thành hơn và sống có ý nghĩa hơn.

Các chuyến đi tình nguyện sẽ tạo cơ hội cho bạn gặp gỡ những người trẻ sống có hoài bão, giúp bạn nghe được những câu chuyện về những người dân, những đứa trẻ ở mỗi vùng đất bạn đi qua. Dù bạn chưa làm được việc gì to tát, chưa góp phần thay đổi xã hội nhưng những chuyến đi đó khiến bạn trưởng thành hơn. Giúp bạn biết sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân mình, biết thấu hiểu và yêu thương, không còn những toan tính vị kỷ. Xã hội này, cuộc đời này có những người trẻ như thế thì sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu.

Những chuyến đi thiện nguyện ấy cũng sẽ lưu lại trong ký ức của bạn vô vàn kỷ niệm, cho bạn thấy cuộc sống này thật sự đáng sống. Nếu tuổi trẻ là một thước phim, bỏ lỡ những chuyến đi thiện nguyện là bạn đã bỏ lỡ đoạn cao trào cuốn hút nhất của bộ phim. Bạn đang tuổi đôi mươi, hà cớ gì phải bỏ lỡ đoạn cao trào ấy chứ..

(Trích Sống cho tuổi đôi mươi duy nhất,  Denley Lupin, NXB Lao động xã hội, 2018, tr. 31)

Văn bản 2

Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm?

Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng thôi nào, chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả. […] Bạn chỉ có thể học hỏi được nhiểu khi và chỉ khi chính bạn phải trải nghiệm cuộc sống trong từng hoàn cảnh xảy đến mà thôi.

Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó.

Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm. Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… đi chính là kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nhất. Làm những việc mình chưa làm bao giờ, đó là trải nghiệm.

Chỉ qua trải nghiệm, người ta mới trân trọng những đau thương và nhắc về nó với lòng tự hào tha thiết. Chỉ qua những trải nghiệm, con người ta mới lớn dần lên, tâm trí rộng mở đón chào mọi điều xảy đến trong đời. Chỉ qua những trải nghiệm ta mới định nghĩa được bản thân một cách chính xác, sâu sắc và rõ nét. Chỉ qua những trải nghiệm, ta mới sống được nhiều hơn, ta sẽ hơn được nhiều người vì chính điều đó, ta trải nghiệm nhiều hơn, ta yêu cuộc sống hơn, hiểu về nó và rất nhiều khi sẽ khiến những người khác ghen tỵ.

(Theo https://ybox.vn/gia-vi/tuoi-tre-de-lam-gi-trai-nghiem-250555)

a. Theo tác giả văn bản 1, những chuyến đi thiện nguyện đem lại cơ hội gì cho tuổi trẻ?

b. Xác định và cho biết tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong đoạn văn cuối văn bản 2.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Em hiểu thế nào là trải nghiệm? Hãy cho một ví dụ về trải nghiệm của bản thân. Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng chỉ cần trải nghiệm ta sẽ trưởng thành?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều :

- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được ? Huống chỉ việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác ? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc ? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ "ốp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi : Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy ? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan li nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: "Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?"

Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân có đung đưa khe khẽ, nói:

- Và cô cũng thấy đây, lúc nào tôi cũng đó người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.

( Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg. 185)

Hãy phân tích nhân vật Anh thanh niên trong đoạn trich trên giúp em cảm nhận được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ vượt khó bằng niềm tin và đam mê. Sau đó trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống: "Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết và hoài bão. Hãy tận dụng tuổi trẻ để học hỏi, trau dồi bản thân và theo đuổi ước mơ của bạn." - Barack Obama.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra tuổi trẻ là quãng thời gian quý giá để ta học hỏi, trưởng thành và theo đuổi ước mơ và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a. Theo tác giả văn bản 1, những chuyến đi thiện nguyện đem lại cơ hội cho tuổi trẻ:

-  Gặp gỡ những người trẻ sống có hoài bão, giúp bạn nghe được những câu chuyện về những người dân, những đứa trẻ ở mỗi vùng đất bạn đi qua.

-  Khiến bạn trưởng thành hơn.

-  Giúp bạn biết sống tự lập, có trách nhiệm với bản thân mình, biết thấu hiểu và yêu thương, không còn những toan tính vị kỷ.

b. Biện pháp tu từ trong đoạn văn cuối văn bản 2:

Điệp ngữ: Chỉ qua những trải nghiệm

Liệt kê: Chỉ qua trải nghiệm, người ta mới trân trọng những đau thương và nhắc về nó với lòng tự hào tha thiết…. ta trải nghiệm nhiều hơn, ta yêu cuộc sống hơn, hiểu về nó và rất nhiều khi sẽ khiến những người khác ghen tỵ.

Tác dụng: Nhấn mạnh tầm quan trọng, làm nổi bật giá trị to lớn của trải nghiệm đối với cuộc sống con người,khơi gợi niềm ham muốn trải nghiệm, khám phá và học hỏi ở người đọ.;Tạo ấn tượng sâu sắc và truyền cảm hứng cho người đọc.

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản:

Điểm chung: Cả hai văn bản đều đề cao giá trị của những trải nghiệm, hành động (đi thiện nguyện, tham gia hoạt động xã hội) đối với sự trưởng thành và phát triển của con người.

Điểm riêng:

Văn bản 1: Tập trung vào những lợi ích của việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Văn bản 2: Nhấn mạnh tầm quan trọng của trải nghiệm cá nhân trong quá trình học hỏi, trưởng thành của mỗi người.

d.- Trải nghiệm: "trải" là trải qua thực tế, "nghiệm" là thu nhận, đúc kết thành kinh nghiệm. "Trải nghiệm" là qua hoạt động thực tế, con người tự có được tri thức, đúc kết kinh nghiệm sống,… cho mình.

- Ví dụ về trải nghiệm của bản thân: Tham gia một chương trình thiện nguyện giúp đỡ trẻ em mồ côi ở địa phương;

Câu 2.  Phải chăng chỉ cần trải nghiệm ta sẽ trưởng thành?

A. Mở bài

- Muốn cuộc đời không khó nhọc thì chúng ta phải chịu khó nhọc một thời. Trải nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người.

B. Thânbài

* Giải thích:

+ "Trải nghiệm" là quá trình tiếp thu, học hỏi qua hoạt động thực tế. Từ những gì xảy ra xung quanh, từ những điều ta nhìn thấy, ta nghe thấy, ta cảm nhận được, con người tự có được tri thức, đúc kết kinh nghiệm sống,… cho mình.

+ Qua những sự kiện, hoạt động mà chúng ta tham gia, ta có cơ hội học hỏi, rèn luyện bản thân và dần hoàn thiện nhân cách.

+ Chỉ khi có trải nghiệm ta mới có kinh nghiệm và bản lĩnh để làm điều mà ta mong muốn.

=>Trải nghiệm là một yếu tố quan trọng quyết định sự trưởng thành của con người. Nhưng để trưởng thành một cách toàn diện chỉ trải nghiệm thôi là chưa đủ mà cần có sự kết hợp giữa trải nghiệm, suy ngẫm và nhiều yếu tố khác.

* Biểu hiện:

+ Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân…

+  Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào,

+ Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới…

+  Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi…

* Phân tích:

- Trải nghiệm giúp chúng ta va đập với sự khắc nghiệt của cuộc sống, giúp chúng ta trưởng thành hơn.

+ Đối mặt với thử thách, khó khăn, ta rèn luyện ý chí, sự kiên trì và khả năng thích nghi với hoàn cảnh và vượt qua nghịch cảnh. Qua thực hành, ta rèn luyện kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn, giúp ích cho công việc và cuộc sống sau này.

+ Khi ta mắc sai lầm, vấp ngã, ta sẽ học được bài học kinh nghiệm, rút ra bài học quý giá và biết cách sửa chữa lỗi lầm của mình và trở nên mạnh mẽ hơn.

- Tuổi trẻ muốn sống kịp với thời đại và sống một cách  trọn vẹn, buộc phải chuẩn bị thật tốt hành tranh của mình trên đường đời

 + Trải nghiệm những điều mới mẻ giúp ta khám phá bản thân học hỏi những điều mới về thế giới xung quanh và hiểu rõ hơn về cuộc sống, sẽ mở rộng kiến thức và tầm nhìn của mình. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, ta biết ơn những gì mình đang có và trân trọng cuộc sống hơn.

- Chỉ trải nghiệm thôi là chưa đủ để ta thực sự trưởng thành. Trưởng thành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường sống, giáo dục, và sự định hướng của bản thân.

+ Sau mỗi trải nghiệm, điều quan trọng là ta cần suy ngẫm, đánh giá và rút ra bài học cho bản thân. Nếu không, những trải nghiệm sẽ chỉ là những sự kiện vụt qua mà không để lại dấu ấn gì.

+ Nếu ta sống trong một môi trường tích cực và được giáo dục tốt, ta sẽ có nhiều cơ hội để trưởng thành hơn. Ngược lại, ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình trưởng thành.

* Phê phán: Thực tế có nhiều bạn trẻ

+  Chưa coi trọng hoạt động trải nghiệm chỉ chú ý vào việc học tập, thi cử mà chưa chủ động, tích cực trải nghiệm, rèn kỹ năng sống,

+ Lười biếng, sống ỷ lại, đắm chìm trong thế giới ảo, không chịu tìm tòi học hỏi, chán nản và chẳng bao giờ rút ra được kinh nghiệm khi vấp ngã để bước tiếp. Để rồi khi hối hận đã muộn màng.

+ có những bạn trẻ lại lao vào thử nghiệm những điều có hại, sa vào tệ nạn…

* Bài học:

+ Trải nghiệm là hành trình dài mà mỗi người đều phải trải qua. Hãy biến mỗi trải nghiệm thành cơ hội để học hỏi, trưởng thành và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

+ Bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức với những điều mới mẻ. Giữ cho mình sự tò mò, ham học hỏi để khám phá những điều mới mẻ và thú vị.

+ Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với những người xung quanh, đặc biệt là những người đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

+ Ghi lại những trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của bạn để có thể nhìn lại và học hỏi từ chính mình sau này.

C. Kết bài

- Trưởng thành không phải là một đích đến mà là một hành trình. Hãy tận hưởng hành trình này và biến mỗi trải nghiệm thành bài học quý giá để hoàn thiện bản thân.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Truyện của ông thường nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình.

- Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác năm 1970 chứa đựng những giá trị sâu sắc về sự cống hiến thầm lặng trước cuộc đời thông qua vẻ đẹp của các nhân vật trong tác phẩm.

- Nhân vật anh thanh niên nổi bật về phẩm chất và tâm hồn tốt đẹp của con người lao động bình thường mà cao cả, những con người đầy quan tâm, đầy trách nhiệm đối với đất nước.

- Anh có những suy ngẫm về cuộc sống, về công việc, về sự cô đơn và ý nghĩa cuộc đời thật sâu sắc trong đoạn tâm sự với ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ: “Anh hạ giọng, nửa tâm sự… Mỗi người viết một vẻ”

B. Thân bài

1. Khái quát

Nhân vật anh thanh niên là nhân vật chính trong truyện. Tuy nhiên, anh lại không xuất hiện một cách trực tiếp ngay ở mở đầu truyện mà lại xuất hiện qua lời giới thiệu của bác lái xe với ông họa sĩ và cô gái kĩ sư trẻ khi họ nghỉ ngơi bên dọc đường. Điều đó cho thấy cách dẫn truyện rất khéo léo của Nguyễn Thành Long, đồng thời nhân vật hiện lên cũng rất tự nhiên, chân thực, khách quan qua cái nhìn và đánh giá của nhân vật khác. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh thanh niên và ông họa sĩ, cô kĩ sư tuy rất ngắn ngủi nhưng người đọc cũng đủ cảm nhận thật sâu sắc hoàn cảnh sống, làm việc và những phẩm chất tốt đẹp, cũng như những cống hiến thầm lặng của anh thanh niên đối với quê hương, đất nước.

2. Phân tích

* Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên

- Anh xuất hiện trong lời giới thiệu của ông lại xe: đó là một trong những người cô độc nhất thế gian, thèm người. Nhưng khi xuất hiện lại là một chàng trai hai mươi bảy tuổi, tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ.

- Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm sống với mây mù và hoa cỏ.

- Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc này đỏi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao.

- Công việc đầy gian khổ, thách thức, đáng sợ hơn cả là phải đối diện với nỗi cô đơn "thèm người". Cái này mới thật là đáng sợ. Buồn tẻ tới mức anh phải hạ cây chắn ô tô lại để được trông thấy và nghe thấy tiếng người nói vì “thèm người quá.”

- Nghệ thuật miêu tả gián tiếp, trực tiếp được sử dụng để khắc hoàn cảnh sống thật đặc biệt: cô đơn, vắng vẻ của anh thanh niên. Nhưng tất cả những khó khăn, gian khổ ấy anh đều vượt qua để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn bằng việc cống hiến cho đời.

b. Vẻ đẹp anh thanh niên trong đoạn trích: Qua những lời tâm sự của anh thanh niên, ta cảm nhận được một tâm hồn sâu sắc, giàu suy tư.

- Suy nghĩ đẹp về công việc: Yêu nghề, say mê công việc

+ Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao, thiếu thốn về vật chất, anh vẫn luôn yêu thích công việc của mình. Chắc anh đã phải suy tư sâu lắng, đắn đo, trăn trở nhiều lắm: “nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều.”. Sự thay đổi trong nhận thức của anh thanh niên chắc chỉ không diễn ra ngày một ngày hai: “ Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được ? Huống chỉ việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.”. Hình ảnh "những đêm bầu trời đen kịt" và "những ngôi sao xa xôi" tạo cảm giác về sự cô đơn, hiu quạnh mà anh thanh niên cảm thấy khi mới bước vào nghề. Nhưng bây giờ làm nghề anh không còn cảm thấy như vậy nữa.  "Công việc" được anh so sánh như "người bạn đồng hành" thể hiện sự gắn bó, gắn kết của anh thanh niên với công việc. Anh yêu công việc tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2.600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3.000m “như vậy mới gọi là lý tưởng”.

+ Anh cũng ý thức được, trách nhiệm giá trị công việc mà mình đang làm gắn kết anh với đồng nghiệp, cộng đồng, góp phần vào chiến thắng của đất nước “việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia” nên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng hy sinh bản thân vì công việc chung. Anh tìm ra niềm vui trong công việc. Anh coi công việc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình, là niềm vui, niềm tự hào của bản thân. và là động lực để anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Bước ra từ khó khăn, ý chí nảy mầm khiến anh càng thêm yêu thích công việc của mình. Nói sao hết những niềm vui mừng, hạnh phúc, sung sướng, tự hào về công việc của anh. Chính từ niềm vui trong công việc, anh càng cảm thấy yêu đời, yêu công việc của mình hơn bao giờ hết

=> Khó khăn cô đơn, công việc đơn điệu và buồn tẻ nhưng anh không hề chán nản, mà luôn lạc quan, yêu đời và sống hết mình với công việc.

- Qua những lời tâm sự của mình, anh lái đò đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.

+ Anh hiểu rằng cuộc sống không chỉ có màu hồng, mà còn có những gian khổ, thử thách Anh tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân, vai trò của mình trong xã hội và ý nghĩa của cuộc sống. Anh hiểu rằng là con người ai cũng phải làm việc vì sự sống của bản thân và sự sống của cộng đồng.

+ Sống một mình trên đỉnh núi cao, ít có cơ hội giao tiếp với mọi người nên cảm thấy cô đơn, ” thèm người”: “Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác ?” “ Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ "ốp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi : Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy ? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan li nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: "Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?".  Nỗi nhớ ấy càng da diết khi anh nhìn thấy bác lái xe đi qua trạm. Tuy nhiên, anh không chán nản, buông xuôi mà luôn tìm cách vượt qua sự cô đơn bằng cách suy ngẫm, đọc sách và trò chuyện với người khác. Anh luôn trăn trở, suy ngẫm về công việc, về ý nghĩa của cuộc sống, thể hiện qua những câu hỏi tu từ: "Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy ? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng". Có thể nói những suy nghĩ nghiêm túc của anh thanh niên đã bộc lộ tâm hồn trong sáng, cách sống đẹp, một thái độ trách nhiệm với cuộc sống. Anh khát vọng được giao tiếp, chia sẻ nhưng, tình yêu nghề và ý thức trách nhiệm cao đã giúp anh vượt qua được nỗi cô đơn và hoàn thành tốt công việc của mình. Người con trai ấy đã hy sinh thầm lặng với tấm lòng nặng tình nước non. Anh mang tuổi trẻ cùng sự nhiệt huyết đến vùng cao của tổ quốc. Trong hoàn cảnh khó khăn, ý chí quật cường đã được thổi bùng bằng niềm tin và đam mê.

=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.

- Anh chủ động tạo niềm vui thiết thực trong cuộc sống và biết ơn và trân trọng những điều bình dị:

+ Sống ở miền núi cao hẻo lánh, anh không hề cảm thấy bản thân đang rời xa cuộc sống vì biết tìm niềm vui trong công việc, đó là “làm bạn” với những trang sách. Sách giúp anh xua tan sự vắng lặng, hiu quạnh quanh năm suốt tháng ở nơi đây. Nhờ nó mà anh biết được nhiều thứ, mở mang kiến thức, tìm thấy được những ý nghĩa cuộc sống, tự thấu và soi lại mình trong đáy sâu tâm hồn.

+ Anh biết ơn những con người đã đến thăm mình, mang đến cho anh sự ấm áp và niềm vui. Mặc dù sống một mình trên đỉnh núi cao, nhưng anh thanh niên vẫn luôn hướng về mọi người, mong muốn được trò chuyện, chia sẻ. Anh coi trọng những người lái xe, những người đã đến thăm mình, và luôn mong họ ghé thăm trạm khí tượng. Giọng điệu của anh thanh niên khi trò chuyện rất chân thành, cởi mở, thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng đối với người đối diện.

=>  Người con trai ấy mang nhiều đức tính tốt đẹp như tấm lòng hiếu khách, sống chân thành, biết quý trọng tình cảm của mọi người và luôn quan tâm đến người khác.

=> Anh thanh niên mang hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung đặc trưng của người lao động thời đại mới khi sở hữu nét đẹp tri thức, niềm hăng say với công việc và luôn lạc quan, sẵn sàng giúp ích cho đời.

3. Đánh giá

- Nhân vật được lí tưởng hóa từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc nhìn. Khắc họa nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợi. Không gọi nhân vật bằng tên cụ thể mà bằng đặc điểm giới tính, nghề nghiệp.

- Nhân vật được đặt trong tình huống đặc sắc: Là thanh niên trẻ trung, sôi nổi, yêu đời nhưng lại làm việc ở một nơi heo hút, hẻo lánh và cô đơn. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của anh.  Đó là con người của mọi thời đại, những con người làm việc quên mình mà không đòi hỏi đáp đền, không cần một ai biết đến, những con người bình thường trong cuộc sống này

3. Tác động

Hình ảnh Anh thanh niên mang tấm lòng thiện lương đáng quý, chọn lối sống âm thầm, bình dị nhưng làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến em. Em hiểu rằng tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết và hoài bão. Năng lượng tích cực của tuổi trẻ,  niềm tin và đam mê là nguồn động lực to lớn giúp em và các bạn trẻ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong hành trình chinh phục ước mơ của mình. Tuổi trẻ  không được ngại khó khăn, thử thách, luôn phải giữ vững niềm tin vào bản thân và theo đuổi đam mê, biến khó khăn thành cơ hội để học hỏi, trau dồi bản thân. Em hiểu thành công không đến dễ dàng, nhưng với niềm tin và đam mê, em sẽ chinh phục được mọi ước mơ. Và em cũng cần có ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với xã hội, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và góp phần xây dựng cộng đồng.

Em sẽ sử dụng tuổi trẻ một cách ý nghĩa và không bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách. Em sẽ không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức, kỹ năng và bản thân, học hỏi và tiếp thu những điều mới mẻ. Em cũng như các bạn trẻ cần xác định cho mình một mục tiêu, một lý tưởng sống để có động lực phấn đấu. Luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng để hoàn thành tốt công việc, yêu thích công việc của mình, làm việc với tinh thần hăng say, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, gian khổ và coi đó là niềm vui và sứ mệnh của bản thân.

C. Kết bài

- Truyện ngắn khép lại với hình ảnh sáng ngời của những con người bình dị, đặc biệt là anh thanh niên mang vẻ đẹp của trí tuệ, giữ trong mình lý tưởng sống để vượt lên nghịch cảnh, âm thầm góp hương thơm cho đời.

- Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.

- Lặng lẽ Sa Pa là lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết đối với con người trong thời đại đó và cả hôm nay và đặc biệt là thế hệ trẻ hãy sống những tháng ngày đẹp nhất, làm những công việc bình thường nhất nhưng có ích cho đời. Hãy sống chân thành, đầy tình thương và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình xã hội để mình là một thanh âm trong trẻo rong bản đàn của sự sống đa thanh sắc, muôn màu muôn vẻ.

 

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Tuổi trẻ có sức sống mãnh liệt, không ngại khó khăn, thử thách. Nhờ sự nhiệt huyết, các bạn trẻ có thể vượt qua mọi rào cản, chướng ngại vật để đạt được mục tiêu.

"Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết và hoài bão. Hãy tận dụng tuổi trẻ để học hỏi, trau dồi bản thân và theo đuổi ước mơ của bạn." - Barack Obama

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

 Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó.

Tuổi thơ dữ dội, một cuốn sách bóc trần sự khốc liệt của chiến tranh nhưng trong đó lại mang hơi thở hồn nhiên của trẻ nhỏ. Tác phẩm được viết bởi nhà văn Phùng Quán, từng câu từng chữ đều thấm đẫm chất nhân văn. Những cậu chiến sĩ nhỏ bé, tuy chưa đến tuổi bẻ gãy sừng trâu, người gầy trơ xương cùng bộ quần áo rách rưới nhưng lại mang trong mình sự dũng cảm và nghị lực hiếm có, điều này khiến độc giả không khỏi cảm thán.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://revelogue.com/tieu-thuyet-tuoi-tho-du-doi/)

- Tuổi thơ dữ dội là cuốn sách đặc biệt được nhà văn Phùng Quán viết ròng rã trong gần hai mươi năm. Tác phẩm được khởi thảo bên Hồ Tây vào năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986, tuy nhiên phải hai năm sau mới ra mắt bạn đọc. Tuổi thơ dữ dội thuộc dòng văn học Cách mạng, lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Huế. Trong đó, những nhân vật điển hình gồm Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.

- Tuổi thơ dữ dội là câu chuyện về trung đoàn Trần Cao Vân do Đội trưởng Lê Thắng đứng đầu, đóng tại mặt trận Thừa Thiên – Huế, có tổng cộng 31 chiến sĩ. Tuy nhiên, tất cả đều ở độ tuổi thiếu niên, các em gia nhập đội quân vì nhiều lý do khác nhau, vốn chẳng ai giống ai. Trước khi vào Vệ Quốc Đoàn, Hòa “đen” làm nghề bán đậu phộng rang nóng giòn, em Bồng lại chuyên nghề “bánh mì mới ra lò” từ năm mười hai tuổi, Mừng tham gia vào Vệ quốc đoàn chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ. Câu chuyện về những người chiến sĩ “nhí” được nhà văn Phùng Quán đan xen, tạo nên một bức tranh rực rỡ và mang nhiều gam màu cảm xúc. Ở độ tuổi vốn “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng họ đã sống hết mình vì Cách mạng, đi kèm theo là ý chí chiến đấu kiên cường. Giọng văn chân chất, mang đậm màu sắc địa phương của nhà văn khiến bao thế hệ độc giả không khỏi bồi hồi. Lòng tự tôn dân tộc dâng trào khiến chúng ta như hòa chung vào không khí chiến đấu đầy tự hào ấy. Tác phẩm được chia làm nhiều phần, kể về những người lính khác nhau như Lượm “sứt”, Vệ “đầu to”, Hiền hay Mừng. Với thế hệ hiện nay, tuổi thơ là quãng thời gian đầy hồn nhiên nhưng với trung đoàn Trần Cao Vân, tuổi thơ là tháng ngày chiến đấu gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

- Chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn hiện hữu, không phải người trẻ nào cũng hiểu được một thời gian khó của dân tộc. Với tình yêu đất nước, nhà văn Phùng Quán đã tái hiện cuộc chiến tàn khốc để gửi gắm đến thế hệ độc giả hiện đại.

Trải dài khắp các trang sách là tiếng bom rơi đạn lạc, những đau thương chết chóc cứ thế hiện ra qua từng chương truyện. Tính mạng con người trở nên mong manh biết bao, tựa ngọn đèn chẳng biết bao giờ sẽ vụt tắt. Tuy nhiên, dù có chiến tranh thì mỗi người dân vẫn phải tiếp tục cuộc sống thường ngày. Họ chịu gánh nặng của nỗi lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống thì bấp bênh và khốn khó cứ thế đeo bám, không biết phải làm thế nào để thoát ra. “Tụi Tây” còn hết sức tàn bạo và láo xược, ức hiếp dân lành giữa thanh thiên bạch nhật, coi người dân như rơm như cỏ. Họ sống trên chính đất nước, trên chính quê hương của mình nhưng phải chịu tủi nhục biết bao. Không chỉ tiếng bom đạn, không chỉ nỗi sợ hãi trước bọn Đế quốc tàn bạo mà còn một điều khiến người ta phải bất bình căm giận, đó chính là sự đê tiện của bọn Việt gian bán nước. Kim điệu từng làm trinh sát cùng Lượm và Tư “dát”, sau làm gián điệp cho Tây và lên chiến khu ăn cắp bản đồ của đội trưởng. Bố mẹ Quỳnh “sơn ca”, phó Tổng trấn Trung Kỳ thì làm tay sai phản quốc. Còn biết bao những người chiến sĩ đã nằm xuống, đã hy sinh thân mình để đổi lấy độc lập, tự do cho đồng bào, cho dân tộc. Máu như chảy ra từ ngòi bút, những gì mà chiến tranh đem lại không thể diễn tả trong một vài dòng ngắn ngủi.

Không phải những câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi, không phải những mẩu chuyện tình yêu lãng mạn tuổi học trò, đây là cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Những đứa trẻ đã bỏ qua sự hồn nhiên của tuổi thơ để đứng lên cầm súng chiến đấu, góp phần bảo vệ Tổ Quốc. Sự hy sinh, lòng nhiệt huyết ấy khiến độc giả dù đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần cũng vẫn giữ nguyên sự xúc động và lòng ngưỡng mộ như ban đầu. Cậu bé Lượm kiên cường trước những đòn tra tấn thâm độc của kẻ thù. Nhẫn nhục xắn tay áo để dọn hố xí nhưng vẫn đủ tâm trí lên kế hoạch để vượt ngục cùng hai bạn tù. Ngoài bản lĩnh thì cậu còn rất thông minh, lanh lợi và khôn khéo để tự bảo vệ bản thân và đồng đội. Quỳnh “sơn ca”, một chiến sĩ nhỏ mang tâm hồn nhạy cảm và kiên định với Cách mạng. Tuy xuất thân từ gia đình giàu có, sống trong nhung lụa, giỏi chơi đàn nhưng vì mê những bản nhạc kháng chiến, em bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Đáng thương cho cậu bé ấy khi lại sinh ra trong một gia đình phản quốc. Cha cậu, phó tổng trấn Trung Kỳ là một tay đại Việt gian đã bao lần gây rắc rối cho Cách mạng. Đáng thương hơn, cậu đã uất ức đến vỡ tim mà chết khi biết được sự thật về chính gia đình của mình. Vịnh “sưa”, người chiến sĩ nhỏ tuổi đã tự biến mình thành ngọn đuốc sống để giúp bộ đội ta thiêu cháy kho xăng của giặc. Nhắc đến Vịnh, chúng ta lại nhớ đến những người anh hùng dân tộc đã hy sinh thân mình cho Cách mạng, quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Anh hùng Lê Văn Tám đã cảm tử châm lửa đốt kho đạn của giặc, cả kho đạn đã bị phá hủy và bản thân anh cũng vì đó mà hy sinh theo. Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Bồng “da rắn”, cậu bé luôn tỏ thái độ coi khinh Việt gian, có đôi mắt tinh tường và khả năng nhìn người, nhiều lần phát hiện chiến lợi phẩm mà quân ta bỏ sót sau mỗi trận đánh. Có lần, cậu lặn xuống tận đáy sông để mò bằng được khẩu súng tôm-xông giữa làn đạn kẻ thù. Cuối cùng là Mừng, chú bé tham gia vào đội thiếu niên trinh sát từ năm mười hai tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, giúp đồng đội lập được nhiều chiến công và quyết không làm mất danh dự của Vệ Quốc Đoàn, đến khi hy sinh vẫn day dứt vì bị nghi là Việt gian. Ngoài ra còn hình ảnh của Tư “dát” hay Vệ “đầu to”, tất cả đều được hiện lên đầy sống động, đầy cảm hứng khiến bất cứ ai cũng đều phải ngả mũ nể phục. (…)

Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm nói về tình yêu nước đơn thuần, trong sáng, hồn nhiên và ngây thơ nhất. Những đứa trẻ dù xuất thân khác nhau nhưng luôn hết mình để làm nhiệm vụ khi được đứng trong hàng ngũ “Vệ Quốc Đoàn” đáng tự hào ấy.

Tuổi thơ dữ dội xây dựng các nhân vật trở thành biểu tượng lý tưởng hóa về chiến tranh để tiếp cận bạn đọc trẻ, gây dựng nên tình yêu nước tha thiết, nồng nàn. Các thế hệ mầm non mai sau cũng có thể học hỏi cách sống đầy dũng cảm với tinh thần vượt khó. Điều đó còn giúp thế hệ ngày nay được thấy một phần lịch sử quan trọng của đất nước, được sống lại thời kỳ oai hùng để thêm trân trọng cuộc sống hạnh phúc hiện tại, biết ơn sự hy sinh mà cha ông ta đã trải qua. Các em nhỏ trải qua một giai đoạn tuổi thơ thực sự dữ dội với tiếng bom đạn rền vang trên bầu trời. Sự dữ dội ấy không bi quan mà trái lại rất bi tráng, nhiệt huyết, mang đậm màu sắc anh hùng ca dành cho những chiến sĩ nhỏ tuổi.

Là một người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng dâng trào cảm xúc khi cầm trên tay những trang sử thi vô cùng oanh liệt của dân tộc viết về thời kì chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Trung đội “nhí” ấy khiến độc giả phải ngả mũ kính phục trước tư cách và bản lĩnh đáng tự hào. Chìm đắm trong dòng chảy của dòng văn học cách mạng, độc giả cảm nhận rõ bầu không khí chiến đấu gian khổ mà đầy hăng hái. Được cười thích thú với câu chuyện hóm hỉnh của các cậu bé nhưng cũng sẽ khiến bạn ứa nước mắt nghẹn ngào với những gì họ đã trải qua.

Một cuốn sách chứa đầy tự hào về những cậu thiếu niên anh hùng, vóc dáng nhỏ bé nhưng mang tấm lòng trượng nghĩa lớn lao. Sức ám ảnh từ truyện khiến người đọc phải suy nghĩ để thấm thía được giá trị của hòa bình, của độc lập tự do.

3. Tác động:

Nếu một đứa trẻ 13 tuổi thời chiến tranh đã có thể cầm súng kiên cường chiến đấu, vậy thì vào thời bình bấy giờ, những bạn trẻ tại sao không tự lập, trưởng thành nhanh hơn trong suy nghĩ và hành động như thế hệ trước nhỉ? Đọc Tuổi thơ dữ dội em và các bạn trẻ có thể học hỏi được cách sống đầy dũng cảm với tinh thần vượt khó đó. Tác phẩm là nguồn động lực to lớn cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, rèn luyện và cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết và hoài bão. Tuổi trẻ là quãng thời gian để học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện bản thân và theo đuổi ước mơ. Hãy trân trọng và tận dụng tuổi trẻ để làm những điều ý nghĩa, để không phải nuối tiếc về sau. Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng luôn phải giữ được niềm tin  và theo đuổi đam mê của bạn. Hãy biến khó khăn thành cơ hội để học hỏi, trau dồi bản thân. Hãy nhớ rằng, thành công không đến dễ dàng, nhưng với niềm tin và đam mê, bạn sẽ chinh phục được mọi ước mơ.