ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN
SINH 10_2023-2024_ Chủ đề TINH THẦN TÍCH CỰC
Câu 1.
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Đời sống là một hành
trình dài mà bất cứ ai sinh ra trên trái đất này cũng phải trải qua. Hành trình
ấy đi qua những đâu: những mảnh đất trù phú, những thiên đường danh vọng, giàu
sang hay những mảnh đất khô cằn, những sa mạc mênh mông? Điều này phụ thuộc vào
con đường chúng ta chọn lựa để đặt chân lên.
Con đường ấy sẽ được
thái độ của chúng ta dẫn dắt. Hướng tới ánh sáng hay bước vào bóng đêm, chúng
ta hoàn toàn có thể thấy trước được để tự quyết cho mình. Cuộc sống là không giới
hạn, đích đến cuối cùng của hành trình này lại là điểm khởi đầu cho một hành
trình khác. Do đó, dù đang ở bất cứ hoàn cảnh nào, hãy tin rằng, chúng ta hoàn
toàn có thể thay đổi được cuộc đời mình. Hãy loại trừ ngay những cái nhìn cũ
kỹ, hao mòn và tiêu cực về thế giới, thay vào đó, ngắm nhìn thế giới bằng sức sống
mãnh liệt đang trào dâng. Trong hành trình ấy, hãy mang niềm hy vọng theo cùng
- niềm hy vọng về những gì mà tinh thần tích cực sẽ mang lại cho bạn.
Hãy lấy nguồn cảm hứng
từ thái độ tích cực của tinh thần và hình dung rằng kể từ hôm nay:
Bạn sẽ nhận ra rằng bạn
được ban tặng một bộ óc sáng tạo tuyệt vời.
Bạn sẽ phát triển khả
năng làm chủ cảm xúc để luôn hướng năng lực sáng tạo vào những mục đích của
mình.
Bạn sẽ xóa bỏ mọi thái
độ tiêu cực ảnh hưởng từ những thất bại trong quá khứ.
Bạn sẽ vượt qua được nỗi
sợ hãi và làm chủ chúng.
Bạn chỉ còn nghĩ về những
điều tốt đẹp, nhờ vậy, bạn mở đường cho năng lực sáng tạo khai sinh.
Bạn sẽ không lưu giữ
những thất bại và đau thương đã qua, đồng thời cũng sẽ biết cách không để chúng
tái diễn trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai.
Bạn sẽ hướng cảm xúc
và ước muốn mãnh liệt nhất của mình vào những mục tiêu cần đạt được trong đời.
Bạn sẽ không bao giờ cố
tình sử dụng năng lực của tinh thần tích cực vào mục đích xấu xa, ích kỷ, vì bạn
biết rằng, nếu dùng sai, chúng có thể tàn phá chính bạn cùng tất cả những điều
bạn nâng niu, gìn giữ.
[…]Thái độ tích cực
mang đến cho chúng ta hiệu quả đáng ngạc nhiên, nhưng trạng thái đó không tự nhiên
mà có. Thái độ tích cực đòi hỏi bạn phải thực hiện nó một cách liên tục, trong
mọi hoàn cảnh và ở bất cứ đâu trong cuộc sống. Đây là điều rất quan trọng vì nó
là quá trình hình thành nên “thói quen”, nếu bạn quyết tâm thực hành mỗi ngày.
Bằng cách đó, bạn sẽ tạo nên trong tâm thức của mình hình ảnh về nó, mọi hoạt động
sẽ linh hoạt một cách tự nhiên giống như bật một công tắc hay thắt dây giày
thôi. Tinh thần tích cực phải đạt được trạng thái tự nhiên như hơi thở vậy. Tuy
nhiên, khi có bất kỳ tư tưởng nào xuất hiện trong đầu, hãy cẩn thận với nó vì
như một tấm bảng chỉ dẫn ở thành phố New York đã viết: “Hãy cẩn thận! Bạn không
thể thay đổi được hành trình trong mười dặm kế tiếp”.
Thành công đến từ sự
khác biệt…
(Trích Chìa khóa tư
duy tích cực, Michael J. Ritt, NXB Trẻ, 2008, trg. 5,7)
a.
Theo tác giả thái độ tích cực đòi hỏi ta phải thực hiện nó như thế nào?
b.
Tìm và gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn in đậm.
c.
Nêu ngắn gọn nội dung văn bản trên.
d.
Em có đồng tình với ý kiến: “Dù đang ở bất cứ hoàn cảnh nào, hãy tin rằng,
chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được cuộc đời mình” không? Vì sao? Trả lời
trong khoảng 4-6 dòng.
Câu 2.
Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống,
hãy viết bài văn khoảng 500 chữ trả
lời câu hỏi: Phải chăng thái độ tích cực chính là
bí quyết nhỏ để làm nên sự khác biệt lớn?
Câu 3.
Học sinh được chọn 1
trong 2 đề sau:
Đề 1.
Anh
với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng
trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh
vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy
bàn tay.
Đêm nay rừng hoang
sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ
giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(Trích Đồng chí, Chính
Hữu, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg.129)
Hãy phân tích đoạn thơ
trên giúp em cảm nhận được vẻ
đẹp tâm hồn người lính tỏa sáng niềm lạc
quan lãng mạn ngay cả trong hiểm nguy. Sau đó trình bày những
tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.
Đề 2.
.Nhiệm vụ: Hãy
chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra giá trị của
tinh thần tích cực lạc quan và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa
chọn của em.
GỢI Ý
Câu 1.
a.
Theo tác giả thái độ tích cực đòi hỏi ta phải thực hiện nó: nó một cách liên tục, trong mọi hoàn cảnh
và ở bất cứ đâu trong cuộc sống; quyết tâm thực
hành mỗi ngày để hình thành nên thói
quen tư duy tích cực.
b.
Thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn in đậm.:
Thành phần
phụ chú: niềm hy vọng về những gì mà tinh thần tích cực sẽ mang lại cho
bạn.
c.
Nội dung văn bản: đề cao tầm quan trọng của thái độ tích cực trong cuộc sống.
Tác giả khẳng định rằng thái độ tích cực giúp con người vượt qua khó khăn, thử
thách, đạt được thành công và thay đổi cuộc sống của họ..
d.
Em có đồng tình với ý kiến. Vì
Cuộc
sống luôn có những thăng trầm, thử thách. Tuy nhiên, mỗi người đều có quyền lựa
chọn thái độ của mình trước những khó khăn. Thái độ tích cực giúp ta nhìn nhận
mọi việc một cách lạc quan, tìm kiếm giải pháp và nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh.Bên
cạnh đó, niềm tin vào bản thân và sự quyết tâm thay đổi là yếu tố then chốt để
ta vượt qua thử thách và gặt hái thành công.
Tuy
nhiên, điều quan trọng là cần kết hợp thái độ tích cực với hành động thực tế. Cần
nỗ lực học tập, rèn luyện và hành động để biến ước mơ thành hiện thực.
Câu
2. Phải chăng thái độ tích cực chính
là bí quyết nhỏ để làm nên sự khác biệt lớn?
A.
Mở bài
Cùng đứng trước những
tình huống có vấn đề của cuộc sống, có người mạnh mẽ vượt qua để thành công
chinh phục thử thách nhưng cũng có người gục ngã và mãi không thể bước qua và bị
động trước hoàn cảnh. Sự khác biệt ấy không chỉ nằm ở năng lực, mà còn được quyết
định bởi thái độ sống.
B. Thân bài
* Giải thích
- “Thái độ tích cực”
là cách nhìn nhận và đánh giá mọi việc một cách lạc quan, tin tưởng và hướng đến
những điều tốt đẹp, ngay cả khi đối mặt với khó khăn và thử thách.
- “Bí quyết” là cách
thức con người hoàn thành những mục tiêu một cách đơn giản, hiệu quả nhất.
- Câu nói khẳng định thái
độ tích cực đóng vai trò vô cùng quan trọng và có thể tạo nên sự khác biệt lớn
trong cuộc sống của mỗi người. Nó tựa như bí quyết nhỏ giúp ta đạt được thành
công và hạnh phúc.
=> Để sống có ý
nghĩa, để khẳng định giá trị của bản thân thì con người phải biết cách đối diện
với những khó khăn, thách thức của cuộc sống bằng thái độ lạc quan, sự tự tin,
yêu đời.
* Biểu hiện
- Luôn tin
tưởng vào bản thân, chủ động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề, giúp đỡ người khác
và tin tưởng những điều tốt đẹp.
- Luôn giữ tinh thần
vui vẻ, lạc quan và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc và
mãn nguyện với cuộc sống.
- Sẵn sàng tiếp thu ý
kiến mới, học hỏi từ những sai lầm và thích nghi với thay đổi và không để những
cảm xúc tiêu cực chi phối bản thân.
- những tấm gương thái
độ tích cực: Nick Vujicic; Helen Keller; Nelson Mandela..,
* Phân tích
- Thái độ tích cực là
một lựa chọn, cách sống của bản thân, có thể giúp ta vượt qua mọi chướng ngại vật
và đạt được những điều tưởng chừng như không thể, để tạo nên cuộc sống tốt đẹp
hơn.
+ Thái độ tích cực
giúp ta nhìn nhận mọi việc một cách lạc quan, tin tưởng vào bản thân, không dễ
dàng bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách, biết cách biến thách thức thành cơ hội,
thêm động lực để nỗ lực hành động, vượt đạt được mục tiêu, gặt hái nhiều thành
tựu
+ Thái độ tích cực giúp ta luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan; biết trân
trọng những gì đang có, tận hưởng cuộc sốngvà luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp
trong cuộc sống. Điều này có thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp, tạo
thêm cơ hội cho bản thân trong công việc và cuộc sống.
+ Cuộc sống luôn vận động
và có nhiều biến đổi. Thái độ tích cực giúp, ta có thể dễ dàng thích nghi với
những thay đổi này, giữ cho tinh thần luôn ổn định và vững vàng trước mọi khó
khăn.
- Thái độ tích cực không đồng nghĩa với việc
luôn vui vẻ và không bao giờ gặp khó khăn, không đồng nghĩa với việc phớt lờ những
vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
+ Thay vì phớt lờ những
vấn đề tiêu cực, chúng ta cần học cách đối mặt với những khó khăn một cách cởi
mở, khách quan tìm kiếm giải pháp phù hợp và nỗ lực để vượt qua.
+ Việc duy trì thái độ
tích cực cũng đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì. Chúng ta không thể thay đổi hoàn
toàn suy nghĩ của bản thân trong một sớm một chiều.
* Phê phán Một
bộ phận giới trẻ không có thái độ sống tốt
- bị chi phối bởi nhiều
thứ, không thoát mình ra được khỏi những cám giỗ trong cuộc sống hàng ngày mải
chơi game, quên ăn quên học, sống buông thả hơn, sống không có trách nhiệm với
cuộc đời, với gia đình,với xã hội.
- thờ ơ, lạnh nhạt với
đời, có thái độ coi thường tất cả, chỉ quan tâm tới bản thân là nhất,
- chìm đắm trong những
cảm xúc tiêu cực khi gặp khó khăn, ngại thất bại, ngại thay đổi đủ dũng cảm để
bước khỏi vòng tròn đen tối đi tìm lại chính mình, tìm lại mục đích sống chân
chính.
* Bài học
- Thái độ tích cực
chính là một "vũ khí" vô cùng mạnh mẽ giúp chúng ta đạt được thành
công và hạnh phúc trong cuộc sống.
+ tập trung vào những
điều tốt đẹp, dần dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nuôi dưỡng thái độ lạc
quan.
+ tích cực phấn đấu
rèn luyện trong học tập cũng như trong cuộc sống để bồi dưỡng thêm lòng tự tin,
sự chủ động để có thái độ sống tích cực, lạc quan.
+ đón nhận mọi thách
thức bằng thái độ điềm tĩnh và thái độ tích cực, dành thời gian mỗi ngày để ghi
nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, dù là nhỏ nhất.
C. Kết bài
- Thái độ tích cực
không phải là một thứ bẩm sinh, mà là một kỹ năng có thể rèn luyện và phát triển.
Bạn có thể rèn luyện và thay đổi thái độ của bản thân để tạo nên cuộc sống tốt
đẹp hơn.
Câu 3.
Đề 1.
A. MỞ BÀI
+ Chính Hữu là "nhà thơ quân đội
thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm", trưởng thành trong cuộc kháng
chiến chống Pháp. Thơ ông không nhiều những có những bài đặc sắc, cảm xúc, ngôn
ngữ và hình ảnh chọc lọc, hàm súc.
+ Đồng chí (1948)
là là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính cách mệnh của
văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).
+ Bằng những câu thơ tự do, ngôn từ giản
dị, bài thơ thể hiện ấn tượng hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp và
tình đồng chí đồng đội thắm thiết, keo sơn giữa các anh.
- Vẻ đẹp tâm hồn người lính tỏa
sáng niềm lạc quan lãng mạn ngay cả
trong hiểm nguy được tác giả khắc họa thật đẹp trong các câu thơ sau:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
…
Đầu súng trăng treo.
B. THÂN BÀI
1 Khái quát
- Khi làm bài thơ Đồng chí, Chính Hữu
từng bộc bạch: "Tôi làm bài thơ Đồng Chí, đó là lời tâm sự viết ra để tặng
đồng đội". Bài thơ là kết quả của những kỉ trải nghiệm thực tế và cảm xúc
sâu sắc mạnh mẽ, thiết tha của nhà thơ với đồng chí, đồng đội của mình trong cuộc
kháng chiến đầy gian khổ. Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu cho thấy vẻ đẹp của
tình đồng đội mộc mạc, giản dị mà thâm thúy của những người lính cách mệnh
trong những tháng ngày kháng chiến gian lao. Bài thơ Đồng chí cũng giúp người đọc
thấy được tình đồng đội là thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp của những người
dân lính, giúp họ vượt qua khó khăn thiếu thốn để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
2. Phân tích
a. Người lính đồng
cam cộng khổ, sẻ chia gian lao thiếu thốn của đời lính trên chiến trường với
tình yêu thương gắn bó sẻ chia cao nhất
Anh với tôi biết từng cơn ớn
lạnh
…
Thương nhau tay nắm lấy
bàn tay.
- Bằng bút pháp miêu tả hết sức chân
thực, hình ảnh thơ chọn lọc, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về
người lính với sự đồng cảm sâu sắc.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
…
Chân không giày.
+ Thủ pháp sóng đôi: “anh” -
“tôi” tạo sự song hành, gắn bó giữa những người đồng đội, luôn kề vai sát
cánh, đồng cam cộng khổ bên nhau.
+ Liệt kê: những khó khăn: “cơn ớn lạnh”, “sốt
run người”, “áo rách vai”, “quần có vài mảnh vá”, “chân không giày” . Tả thực
những khó khăn, những thiếu thốn của những người lính nơi chiến trường: họ bị bệnh
sốt rét hoành hành, điều kiện vật chất thiếu thốn => giúp người đọc
thêm đồng cảm với những người lính chiến. Đầy
những gian nan, thiếu thốn nhưng các anh vẫn xé rừng mà đi, đạp núi mà tiến.
+ Tác giả đã dùng rất khéo chữ “từng”:
họ biết từng “cơn ớn lạnh” của nhau
=> Họ thấu hiểu mọi khó khăn của
nhau. Và hẳn là họ phải quan tâm nhau lắm, coi nhau như những người thân
trong gia đình thì họ mới có thể thấu rõ đến mức ấy.
+ Hình ảnh "miệng cười buốt
giá" gợi tả những người lính vẫn luôn lạc quan, họ cùng nhau “cười”,
cười để quên đi những khó khăn của thực tại, cười để họ có thêm sức mạnh vượt
qua gian khổ ấy, cười để xua đi cái lạnh giá của buổi đêm…
=> Cái hay của các câu thơ là nói về
cảnh ngộ của người này nhưng lại thấy được sâu sắc tấm lòng yêu thương của người
kia. Tình thương đó lặng lẽ mà thấm sâu vô hạn.
- Sự thiếu thốn
về vật chất không làm tình cảm của họ phai nhạt đi,
ngược lại làm cho họ quyết tâm hơn vì lí tưởng: “Thương nhau tay nắm lấy bàn
tay”
+ Hình ảnh “tay năm lấy bàn tay”:
Tình cảm đồng độ sâu sắc, cách biểu lộ tình thương yêu không ồn ào
mà thấm thía. Cái nắm tay ấy đã thay cho mọi lời nói, là lời động
viên chân thành, để những người lính cùng nhau vượt qua những khó khăn, thiếu
thốn.
+ Họ nắm tay nhau - cái nắm tay để
sẻ chia, truyền hơi ấm, để hi vọng, để quyết tâm. Cử chỉ cảm động
chan chứa tình cảm chân thành, biểu hiện trực tiếp nhất của tình đồng chí.
Đó còn là lời hứa lập công, của ý chí quyết tâm chiến đấu và
chiến thắng quân thù.
=> Có lẽ không ngôn
từ nào có thể diễn tả cho hết tình đồng chí thiêng liêng ấy. Chính những
tình cảm, tình đoàn kết găn bó đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn
họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.
b. Vẻ đẹp tâm hồn người lính tỏa sáng
trong bức tranh đẹp về tình đồng chí
Đứng
cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
- Nhiệm vụ gian khổ
của người lính:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
+ Hình ảnh tả thực “rừng
hoang sương muối”: Cái khắc nghiệt của thời tiết rừng Việt Bắc:
không chỉ âm u, hoang vắng mà còn bị đeo bám bởi cái giá rét nơi rừng sâu. Điều
đó càng cho thấy sự khó khăn gian khổ mà người lính phải trải qua.
+ Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau”:
thể hiện được sự đoàn kết, sát cánh bên nhau, họ truyền cho nhau
hơi ấm để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn nơi chiến trường.
+ Nhiệm vụ của những người lính chiến:
đứng gác, phục kích sẵn sàng “chờ giặc tới”. Tư thế “chờ giặc tới” – một tư thế chủ
động, không hề có sự sợ hãi, lo lắng trong cảm xúc của những người lính, họ
luôn sẵn sàng chiến đấu, không ngại hi sinh gian khổ
=> sự kiên cường, anh dũng
của những người lính.
- Hình ảnh đặc biệt:
“Đầu súng trăng treo”
+ Vừa là tả thực (cảnh
tượng những người lính bồng súng đứng gác trong khi mảnh trăng đêm vừa ngang tầm
ngọn súng), vừa là hình ảnh lãng mạn (súng biểu tượng cho chiến
tranh, trăng là biểu tượng cho cuộc sống thanh bình) –> sự đan cài đã tạo
nên một hình ảnh thật đẹp, vừa thực vừa ảo, vừa gần vừa xa, vừa hiện thực vừa
lãng mạn.
+ Sự đan cài giữa hiện thực và lãng mạn
ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh khó khăn, vất vả; lại
vừa toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính: họ vừa là chiến sĩ lại
vừa là thi sĩ, họ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đem lại nền độc
lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu.
+ Từ “treo” đã tạo nên một mối
quan hệ bất ngờ độc đáo, nối liền mặt đất với bầu trời, gợi những liên tưởng
thú vị vừa hiện thực lại vừa lãng mạn. Họ chiến đấu,chịu biết bao nhiêu nỗi đau
về thể xác và tinh thần nhưng vượt lên trên đó là tình yêu thương, đùm bọc,
chia sẻ với nhau.
=> Một biểu tượng đẹp về cuộc
đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thấu hiểu hiện thực nhưng vẫn không
ngừng hi vọng vào tương lai tươi đẹp.
3. Đánh giá
- Cách xây dựng những câu thơ sóng đôi
biểu hiện sự gắn bó, sẻ chia những gian nan, nhọc nhằn trong cuộc sống chiến đấu
chống kẻ thù chung. Ngôn từ chọn lọc, chân thực, cô đọng và hàm súc đã diễn đạt
một ý tưởng trọn vẹn đi dọc suốt bài thơ: Tình đồng đội đồng chí thắm thiết –
điểm tựa tin cậy cho người lính những khi đối mặt với hiểm nguy – cái chết.
4. Tác động
Đoạn thơ vẽ nên bức tranh đầy gian khổ,
thiếu thốn với tình đồng đội ngắn bó,sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau giữa những người
lính nơi chiến trường. Họ là đại diện cho hình ảnh đẹp đẽ
của người Việt Nam trong thời chiến. Điều này khơi gợi lòng đồng cảm
sâu sắc trong em về những hy sinh, gian khổ mà người lính đã phải trải qua để bảo
vệ Tổ quốc và thấy tự hào về những người lính - những anh hùng thầm lặng đã hy
sinh tuổi trẻ, cuộc đời để bảo vệ đất nước. Đồng thời gợi nhắc em về lòng yêu
nước, sự trân trọng đối với những hy sinh của thế hệ cha ông. Niềm tin vào chiến
thắng và tinh thần lạc quan, yêu đời của họ truyền cảm hứng cho em về cách sống
tích cực, vượt qua khó khăn và luôn giữ niềm tin vào tương lai tươi sáng. Điều
này khích lệ tinh thần em, giúp em tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc
quyết tâm gìn giữ và dựng xây Tổ quốc độc lập tự do và hạnh phúc. Sự kiên cường
chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha ông nhắc nhở em về trách nhiệm của bản thân
trong việc học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Em cần phải
biết sống yêu thương, biết giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn và biết trân
trọng những gì mình đang có, nỗ lực học tập và rèn luyện để trở thành một công
dân có ích cho xã hội.
C. KẾT BÀI
- "Đồng chí" là bài thơ rất
độc đáo viết về anh bộ đội Cụ Hồ - người nông dân mặc áo lính, những anh hùng
áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh.
- Chính Hữu đã mang đến cho thơ ca
cách mạng một giai điệu mới mẻ, một bức tranh đẹp về người lính chống Pháp. Nhà
thơ đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên nhưng đồng thời
cũng đặt vào bức tranh ấy một viên ngọc sáng thuần khiết nhất, đó là tình đồng
chí đồng đội keo sơn thắm thiết. Để rồi khi thời gian trôi qua, tác phẩm trở
thành bài ca không quên trong lòng bạn đọc. Khép lại trang thơ, bức tượng đài
người chiến sĩ với tình cảm đồng chí, đồng đội cứ dội lên trong tâm trí độc giả
với lòng biết ơn sâu sắc sự hi sinh lớn lao vì hòa bình đất nước của các anh. Từ
đó, ta mới thấy hết được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ và phát triển
quê hương, dân tộc mình.
Đề 2.
1. Nêu vấn đề:
Giông
tố cuộc đời, những hoạn nạn, gian lao không ai muốn nhưng cũng khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, tùy vào cách đối diện mà khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn
hay chùn bước, buông bỏ… Tinh thần lạc quan khi đó là vô cùng quan trọng.
-
Dẫn vào nội dung lựa chọn:
Truyện
ngắn Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của nhà văn, được
in trong tập Giữa trong xanh (1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho
phong cách Nguyễn Thành Long. Câu chuyện ca ngợi những con người hi sinh thầm lặng
khắp mọi miền đất nước, những nơi luôn đó có những con người được lao động thầm
lặng, say mê hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho quê hương, đất nước. Hạnh
phúc chỉ nảy mầm khi mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm và hoạt động tự giác,
hăng say với tất cả khát khao vì lý tưởng cao đẹp.
2.
Giới thiệu tác phẩm
và nêu ý nghĩa: (Theo
https://revelogue.com/truyen-ngan-lang-le-sa-pa/)
- Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa
một người họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng.
Họ đã có cơ hội làm quen, trò chuyện với nhau trên đỉnh núi Yên Sơn. Sau khoảng
thời gian ngắn ngủi, họ đã chia tay nhau trong sự ngậm ngùi và có phần luyến tiếc,
riêng ông họa sĩ hay cô kỹ sư thì đều có những trăn trở, suy tư trong lòng.Trong
giai đoạn hình thành chủ nghĩa xã hội, vì nhận thức được vai trò quan trọng với
sự nghiệp chung nên mỗi người dân đều góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.Nhân
vật anh thanh niên cũng từ đó ra đời, trở thành biểu tượng đẹp cho những con
người tích cực, trách nhiệm và hết lòng cống hiến. Qua đó, nhà văn ca ngợi những
bông hoa lặng lẽ, miệt mài xây dựng tổ quốc thân yêu.
-
Chất trữ tình trong tác phẩm trước hết là ở bức tranh thiên nhiên lãng mạn, được
miêu tả để mở đầu câu chuyện. Một vùng đất “bắt đầu với những rặng đào” và “đàn
bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường”.Sa Pa
càng trở nên rực rỡ dưới ánh nắng ngập tràn, “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt
cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”, đến cây cối cũng mang nét hoang dã
và sinh động “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng”. Với điểm
nhìn từ trên cao hạ thấp dần xuống dưới, người họa sĩ già đã nắm bắt trọn vẹn
cái hồn của cảnh vật. Thiên nhiên ở Sa Pa bừng sáng khi ngày mới vừa lên, toàn
không gian cũng vì vậy mà trở nên ấm áp.Nắng vàng rót xuống triền thung lũng thứ
mật ngọt, trải dài trên cỏ cây như dát lên màu vàng óng ả. Hòa vào đó là sự bồng
bềnh, phiêu lãng của những đám mây chầm chậm trôi.Qua những dòng miêu tả súc
tích, hình ảnh miền đất núi dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn trở nên đặc biệt,
gam màu tươi tắn như chan hòa cả vùng trời Tây Bắc. Sa Pa tuy hùng vĩ nhưng
không hoang vu, lạnh lẽo mà thơ mộng, hữu tình.
Vẻ
đẹp ở Lặng lẽ Sa Pa không chỉ có ở thiên nhiên mà còn lan tỏa từ những con người
khác nhau trong câu chuyện. Điều này cũng từng được Puskin đề cập trước đây. Nguyễn
Thành Long đã cất tiếng lòng mình để linh hồn tác phẩm được sống dậy. Thiên
nhiên trong truyện ngắn xuất hiện không hề đơn điệu mà còn có bóng dáng của con
người. Lặng lẽ Sa Pa chứa đựng câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc, hội tụ những tấm
lòng mang tâm hồn trong sáng và trái tim ấm áp. Họ gặp nhau thật tình cờ nhưng
khi rời đi lại quyến luyến bởi cái tình đằm thắm bên trong mỗi người. Những con
người xa lạ chỉ mới tiếp xúc lần đầu trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà như có
sự giao cảm nhất định, người này trở thành chất xúc tác để người kia có thể bộc
lộ tất cả vẻ đẹp trong tâm hồn.
Lặng
lẽ Sa Pa thấm nhuần vẻ đẹp của những con người lao động mới, họ trở thành giai
điệu ngân vang trong bản trường ca về tình yêu quê hương đất nước, điển hình là
anh thanh niên trong tác phẩm. Là nhân vật chính trong truyện, anh dù không xuất
hiện từ đầu như người lái xe, ông họa sĩ già và cô kỹ sư trẻ nhưng vẫn để lại
nhiều ấn tượng sâu sắc, ngay cả khi bản thân chỉ có mặt trong khoảng thời gian
ngắn.Người thanh niên đã đưa các nhân vật trong cuộc hội thoại chạm đến đỉnh
cao tuyệt đẹp ở tâm hồn, khiến họ say sưa về lí tưởng cuộc đời. Anh sau đó khuất
lấp trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi rừng Sa Pa.
Người
thanh niên ấy có niềm say mê mãnh liệt mà hiếm ai có được. Anh công tác tại
vùng núi cao 2600 mét ở đỉnh Yên Sơn, một địa điểm tuy khắc nghiệt nhưng lại lý
tưởng để làm khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Mặc thời gian chảy trôi, anh quanh
năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quẩn quanh giữa núi rừng bạt
ngàn để dự báo thời tiết, phục vụ cho công cuộc sản xuất và chiến đấu của nhân
dân. Công việc này vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và trách nhiệm.
Tuy cuộc sống vất vả bộn bề nhưng bằng tất cả nghị lực, anh thanh niên đã vượt
qua những khó khăn để thích nghi và tìm được niềm vui ở nơi đây.Khi mọi người đều
ái ngại với mức độ khó khăn của công việc thì anh không nề hà, thậm chí cho rằng
làm việc ở nơi núi cao mới lý tưởng, thuận lợi cho việc đo lường nắng mưa.Người
thanh niên ấy có những suy nghĩ rất sâu sắc về công việc và cuộc sống của mình,
“khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”. Anh hiểu việc mình đang làm gắn bó
mật thiết với nhu cầu đời sống nhân dân.Đối mặt trước những mệt mỏi, nhiều người
chán nản muốn bỏ cuộc nhưng anh lại rất đặc biệt khi chia sẻ “cất nó đi cháu buồn
chết mất”. Bước ra từ khó khăn, ý chí nảy mầm khiến anh càng thêm yêu thích
công việc của mình.Thời tiết Sa Pa vô cùng khắc nghiệt, những đêm mưa tuyết hay
gió rét lạnh buốt như cắt vào da thịt nhưng anh vẫn trở dậy ra ngoài trời làm
việc, dù bản thân “đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt
đi”. Hoàn cảnh có lẽ không thể làm khó được nghị lực và sự nhiệt huyết của
chàng trai này. Ngày nào cũng vậy, anh báo cáo số liệu bằng bộ đàm đều đặn và
chính xác đủ bốn lần. Người con trai ấy đã hy sinh thầm lặng với tấm lòng nặng
tình nước non. Anh mang tuổi trẻ cùng sự nhiệt huyết đến vùng cao của tổ quốc.
Trong hoàn cảnh khó khăn, ý chí quật cường đã được thổi bùng bằng niềm tin và
đam mê. Trong những ngày tháng mệt mỏi nhất, anh đã “phát hiện một đám mây khô
mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm
Rồng” và “từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”. Hạnh phúc rất khó để định nghĩa
chính xác với mọi người, đây là quan niệm vô cùng rộng lớn, sâu xa mà khó diễn
tả được. Tuy nhiên, anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa lại hạnh phúc khi được
làm việc và cống hiến cho đất nước.
Sống
ở miền núi cao hẻo lánh, anh không hề cảm thấy bản thân đang rời xa cuộc sống
vì biết tìm niềm vui trong công việc, đó là “làm bạn” với những trang sách. Sách
giúp anh xua tan sự vắng lặng, hiu quạnh quanh năm suốt tháng ở nơi đây. Nhờ nó
mà anh biết được nhiều thứ, mở mang kiến thức, tìm thấy được những ý nghĩa cuộc
sống, tự thấu và soi lại mình trong đáy sâu tâm hồn.Tuy cô độc giữa vùng rừng
núi bao la nhưng cuộc sống ở trạm khí tượng rất ngăn nắp, gọn gàng với “một căn
nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”. Anh
đã trồng một vườn rau xanh tốt, nuôi đàn gà đẻ trứng, chăm bón cả vườn hoa rực
rỡ để tự tạo niềm vui cũng như chăm lo cho cuộc sống từ vật chất tới tinh thần.
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi bản thân hiểu rõ những gì cần cống hiến cho đất nước,
người thanh niên đã tự đặt câu hỏi “mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì
ai mà làm việc” và anh đã có câu trả lời bằng nghĩa cử đầy cao đẹp.
Thuở
mới đầu, anh thanh niên đã có hành động ngộ nghĩnh là lấy cây gỗ chắn ngang đường
ô tô chỉ để được gặp và giao tiếp với người khác. Anh sợ sự cô độc nên nảy sinh
ra việc “thèm người”. Đó là mong muốn chính đáng của một người khao khát sống
và hòa nhập với cộng đồng nhưng hoàn cảnh hiếm khi cho phép. Vì thế mỗi khi có
dịp, anh luôn niềm nở mời khách đến thăm nhà. Anh chàng hiếu khách đã biếu quà
cho vợ bác lái xe đang bị ốm, tặng hoa cho cô gái, mời người họa sĩ uống trà và
tặng những người đi đường xa làn trứng tươi, tiếp đãi một cách niềm nở, đầy
chân thành. Trong thâm tâm chàng trai ấy có sự khiêm tốn đáng mến, chỉ xem những
đóng góp của mình là điều nhỏ bé. Khi người họa sĩ muốn vẽ chân dung, anh thanh
niên đã từ chối và nhiệt tình giới thiệu những người xứng đáng hơn. Người con
trai ấy mang nhiều đức tính tốt đẹp như tấm lòng hiếu khách, sống chân thành,
biết quý trọng tình cảm của mọi người và luôn quan tâm đến người khác. Anh
thanh niên mang hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung đặc
trưng của người lao động thời đại mới khi sở hữu nét đẹp tri thức, niềm hăng
say với công việc và luôn lạc quan, sẵn sàng giúp ích cho đời.
Lặng
lẽ Sa Pa nhẹ nhàng, êm ái tựa một bài thơ bởi phong cảnh mộng mơ nơi thiên
nhiên hùng vĩ, ẩn chứa hình ảnh những con người sống, làm việc trong lặng lẽ mà
không hề cô độc. Vẻ đẹp của con người hòa trộn với thiên nhiên không kém phần gợi
cảm. Tất cả nhân vật đều mang nét cuốn hút riêng, dù lặng lẽ nhưng không hề tầm
thường vì tâm hồn của họ vẫn tỏa ra vẻ đẹp đầy lấp lánh.Một nhà họa sĩ khát
khao đi tìm cái đẹp, cô kĩ sư trẻ muốn cống hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng,
tìm chân lí mới để khuất lấp đi cuộc tình tẻ nhạt. Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa nhiệt
huyết với công việc để đem lại sản phẩm chất lượng cao.Cán bộ nghiên cứu hy
sinh hạnh phúc bản thân vì lao động khoa học, người đồng nghiệp trên đỉnh
Phan-xi-păng lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng hay anh thanh niên ngày đêm đo khí
tượng, góp sức trong công cuộc xây dựng đất nước. Còn nhiều vẻ đẹp khác khuất lấp
nơi đỉnh núi cao vời vợi, lặng thầm cống hiến trong sự say mê và khát vọng cao
đẹp. Tất cả những nhân vật trong Lặng lẽ Sa Pa là đại diện cho vẻ đẹp rạng ngời
trong tâm hồn và phong cách sống.
3.
Tác động:
Truyện
ngắn khép lại với hình ảnh sáng ngời của những con người bình dị, đặc biệt là
anh thanh niên mang vẻ đẹp của trí tuệ, giữ trong mình lý tưởng sống để vượt
lên nghịch cảnh, âm thầm góp hương thơm cho đời. Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam
với sự cống hiến, hy sinh cao cả nhiều lần xuất hiện và được ca ngợi trong các
tác phẩm văn học Việt Nam. Những nét vẽ chân thật về con người mới của thời đại
đã sống mãi với thời gian. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa qua đó giúp độc giả hiểu
hơn về những con người thầm lặng để từ đó hình thành lối sống ý nghĩa, làm hết
sức mình để tạo ra cái đẹp cho cuộc đời.
Tinh
thần tích cực lạc quan là một phẩm chất quan trọng giúp con người vượt qua khó
khăn, thử thách và đạt được thành công trong cuộc sống. Tinh thần lạc quan giúp
ta nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, nỗ lực tìm kiếm giải pháp, có thêm động
lực để đối mặt với những khó khăn, thử thách, từ đó tìm ra những cơ hội mới để
phát triển bản thân và đạt được mục tiêu. Tinh thần lạc quan giúp con người giảm
căng thẳng và lo âu,cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn trong cuộc sống, biết trân
trọng những gì mình đang có và luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống