Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề VẺ ĐẸP THIÊN NHIÊN

Câu 1. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Theo thống kê của tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường – SPREP, mỗi năm nhân loại sử dụng 5 triệu tỷ tấn túi nilon. Riêng ở Mỹ, khối lượng túi nilon được sản xuất và sử dụng là 100 tỷ tấn. Những chiếc túi tưởng như quen thuộc và vô hại, thường được làm từ polyethylene, cần phải có nhiên liệu hóa thạch để sản xuất. Để tạo ra 14 chiếc túi nilon, nhà sản xuất cần lượng nhiên liệu tương đương cần thiết để lái chiếc xe 1 dặm. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chỉ đơn giản là dùng túi nilon một lần rồi thải ra môi trường. Mỗi tấn túi nilon được tái chế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tương đương với 11 thùng dầu, nhưng chúng ta chỉ tái chế khoảng 1% số lượng túi nilon sử dụng mỗi năm. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia quản lý môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank), rác thải nhựa đại dương phần lớn xuất phát từ lục địa, nên để giảm thiểu rác thải nhựa, nhất thiết phải thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất. Ai cũng biết công dụng và mức độ tiện lợi của túi nilon, nhưng không phải ai cũng nhận thức được vòng đời của chúng sau khi bị con người bỏ vào thùng rác. Những chiếc túi ấy sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc bị thổi bay ra môi trường xung quanh, hòa vào những loại rác thải nhựa mà chúng ta vứt bỏ mỗi năm. Khoảng 10% tổng số rác thải nhựa này sẽ trôi ra biển. Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm trôi dạt trên vùng biển Đại Tây Dương, trong số hàng triệu tấn nhựa được sản xuất gây ô nhiễm đại dương trên toàn cầu mỗi năm. Ở rãnh Mariana – nơi sâu nhất dưới đáy đại dương (độ sâu khoảng 10.975m), túi nilon cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên, hiện nay chính xác có bao nhiêu túi nilon ở đại dương là câu hỏi rất khó để trả lời.

img

Rác thải được tìm thấy trong bụng một con chim hải âu ở Đảo Midway

Các nhà khoa học đã ghi nhận tác động tiêu cực của túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương. Kể cả tồn tại ở dạng túi ni lông hay hạt vi nhựa, rác thải nhựa đại dương đều tiềm ẩn mối đe dọa với hệ sinh thái biển, gồm các động thực vật hoang dã dưới lòng biển cùng sức khỏe con người. Động vật hoang dã, chẳng hạn như rùa biển, có thể chết hoặc bị thương nếu vướng vào rác thải nhựa, trong đó có các loại túi nilon. Rất nhiều loài động vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa, từ chim đến rùa, cá voi và các loại sinh vật biển khác. Chúng ăn phải rác thải nhựa vì lầm tưởng là con mồi, rồi chết đói do nhựa tích tụ trong hệ tiêu hóa của chúng. Ăn phải nhựa cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề vận động đối với nhiều động vật có vú trên biển và các sinh vật khác. Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.Tuy nhiên, tác hại của nhựa không chỉ dừng ở mức gây nguy hại đến sức khỏe đơn thuần. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ô nhiễm nhựa đại dương có thể gây ra biến đổi khí hậu. Năm 2019, Trung tâm Luật môi trường quốc tế (CIEL) ước tính quá trình sản xuất và đốt rác thải nhựa sẽ thải ra thêm 850 triệu tấn khí nhà kính vào bầu khí quyển – tương đương với khối lượng khí thải của 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 2,8 triệu tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm – tương đương của 615 nhà máy nhiệt điện than…

(Trích Rác thải nhựa đại dương: Mối đe dọa của toàn nhân loại,Hồng Nam, vtc.vn, 03/10/2022, 07:30)

a. Trong văn bản, các nhà khoa học đã chỉ ra túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương tiềm ẩn mối đe dọa với đối tượng nào?

b. Tìm 01 phép liên kết có trong đoạn trích in đậm trong văn bản.

c. Nêu suy nghĩ của em về hai chi tiết: “Năm 2019, các nhà khoa học phát hiện một chú cá voi bị chết và trôi dạt vào vùng biển Midanao (Philippines). Nguyên nhân được cho là bị mất nước và đói sau khi nuốt vào bụng hơn 40kg các loại túi nilon, gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp.”hình ảnh xác một chú chim bụng chứa đầy rác thải nhựa trên đảo Midway Atoll tại khu vực Thái Bình Dương.

d. Em có đồng tình với nhận định: “Ô nhiễm môi trường biển là vấn đề xa lạ với nhiều người, nhưng lại bắt nguồn từ những hành động gần gũi nhất.” không? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2.  Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 500 chữa bày tỏ quan điểm về câu hỏi sau: Phải chăng hạnh phúc là được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi, con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

[…]

Mùa xuân - ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

( Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK Ngữ Văn 9, Tập 2, NXBGDVN, 2023, Tr. 55,57)

Hãy phân tích đoạn thơ trên. Sau đó nêu những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em

Đề 2.

Tình huống: Thiên nhiên từ lâu đã được xem là nguồn cảm hứng bất tận cho con người, mang đến cho ta những giây phút bình yên, thư giãn và tràn đầy niềm vui.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp em nhận ra trân trọng và có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường sống cho chính bản thân và thế hệ tương lai và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

 

GỢI Ý

Câu 1.

a. Trong văn bản, các nhà khoa học đã chỉ ra túi ni lông và các loại ô nhiễm nhựa khác trong đại dương tiềm ẩn mối đe dọa với đối tượng: hệ sinh thái biển, gồm các động thực vật hoang dã dưới lòng biển; sức khỏe con người

b. Phép liên kết có trong đoạn trích in đậm trong văn bản.

Phép liên tưởng: loài động vật biển, con mồi, hệ tiêu hóa, nhiễm trùng, vận động

Phép thế: chim đến rùa, cá voi và các loại sinh vật biển khác - Chúng

Phép lặp: rác thải nhựa; nhựa

c. Suy nghĩ về hai chi tiết “Hình ảnh chú cá voi chết và xác chim hải âu bụng đầy rác thải nhựa”:

- Tác động tàn khốc của ô nhiễm nhựa đối với sinh vật biển gây ám ảnh, thương tâm

- Hành vi xả rác bừa bãi của con người chính là nguyên nhân gây ra thảm kịch này.

- Cần chung tay bảo vệ môi trường biển.

d. Đồng tình với nhận định: Ô nhiễm môi trường biển tưởng chừng xa lạ nhưng bắt nguồn từ những thói quen gần gũi như sử dụng túi nilon. Mỗi hành động nhỏ bé, vô ý thức của mỗi cá nhân góp phần tạo nên vấn đề lớn góp phần tạo nên vấn đề ô nhiễm môi trường biển to lớn. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Câu 2. Phải chăng hạnh phúc là được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên?

A. Mở bài:

- Nếu biết thưởng ngoạn, chúng ta sẽ thấy thiên nhiên là người họa sỹ tài ba có khả năng tạo ra những tuyệt tác với vẻ đẹp bất tận.”  John Ruskin

- Phải chăng hạnh phúc là được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên?

B. Thân bài

* Giải thích

- Hạnh phúc thường được hiểu là cảm giác vui vẻ, mãn nguyện, hài lòng với cuộc sống và bản thân.

- “ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên” là dành thời gian để chiêm ngưỡng, hòa mình vào thế giới tự nhiên xung quanh cảm nhận những điều tốt đẹp mà thiên nhiên mang lại.

=> Ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên có thể mang lại cho con người nhiều cảm xúc tích cực và góp phần tạo nên hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là một cảm xúc phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, và việc ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ là một trong số những yếu tố đó.

* Biểu hiện:

- Tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm nhìn cây cối xanh mát, tiếng chim hót líu lo, và cảm nhận sự yên bình của thiên nhiên.

- Chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt đẹp khi mặt trời mọc hoặc lặn; Thư giãn trên bờ cát trắng mịn, thả mình trong làn nước biển mát lạnh,

* Phân tích:

- Ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên là một cách tuyệt vời để thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện hạnh phúc.

+ Ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên giúp ta tập trung vào hiện tại và quên đi những lo lắng của cuộc sống hàng ngày. Hòa mình vào thiên nhiên, ta cảm thấy thư giãn, bình yên; cải thiện tâm trạng, giảm nguy cơ trầm cảm và lo âu; khơi dậy cảm xúc choáng ngợp, lòng biết ơn, và niềm vui sướng.

+ Ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên giúp ta giúp chúng ta cảm thấy kết nối với thế giới tự nhiên và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Khi ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, con người có thể nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo mới mẻ và độc đáo.

+ Dành thời gian trong thiên nhiên cùng bạn bè và gia đình có thể giúp tăng cường kết nối xã hội và tạo ra những kỷ niệm đẹp; giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

- Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hạnh phúc không chỉ đơn giản là được ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên. đây chỉ là một trong số nhiều yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc. Mỗi người cần tìm kiếm những cách riêng để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

* Phê phán: những người không biết trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên

- Bẻ cành, hái hoa, phá cây xanh một cách vô cớ; vẽ bậy, khắc chữ lên các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.

- Thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác bừa bãi ra môi trường xung quanh như đường phố, sông hồ, khu du lịch,...

- Sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, gây ô nhiễm môi trường

* Bài học

 - Ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên là một cách tuyệt vời để tận hưởng cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 - Hãy dành thời gian mỗi ngày để hòa mình vào thiên nhiên, quan sát và thưởng ngoạn những con đường, góc phố, hàng cây để cảm nhận những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại.

- Trồng cây hoặc hoa trong nhà hoặc sân vườn.

- Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiết kiệm năng lượng và nước. Giảm thiểu rác thải.

C. Kết bài

Hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất là dành thời gian để kết nối với thiên nhiên một cách có ý nghĩa. Khi bạn dành thời gian trong thiên nhiên, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái, thư giãn và kết nối với thế giới xung quanh.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Mùa xuân chính là mùa đẹp nhất trong năm, cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của những nhà văn nhà thơ của nước ta. Trong những bài thơ viết về mùa xuân bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải mang vẻ đẹp vô cùng gợi cảm, làm say đắm lòng người.

- Mùa xuân ở trong bài thơ của nhà thơ Thanh Hải có một sức sống vô cùng mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam chúng ta. Thông qua từng câu thơ tác giả đã khái quát lên vẻ đẹp của quê hương chúng ta và con đường lịch sử mà dân tộc chúng ta đã đi qua.

- Bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi nhưng vẫn giàu sức gợi âm hưởng da diết, thiết tha tác giả  thể hiện cảm động tình yêu quê hương sâu nặng, niềm tự hào về quê hương xứ Huế trong các câu thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Tôi đưa tay tôi hứng.

[…]

Mùa xuân - ta xin hát

..

Nhịp phách tiền đất Huế.

B. Thân bài

1. Khái quát

- Bài thơ tràn đầy sắc xuân, sức xuân, nét xuân và tình yêu cuộc sống, quê hương đất nước. Bài thơ được tác giả sáng tác vào tháng 11 năm 1980 trước khi nhà thơ mất không bao lâu. Có thể nói đây là tâm sự của ông trong những ngày cuối của cuộc đời. Cũng là thời gian nước ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhà thơ vẫn khao khát một mùa xuân tươi thắm với đời.

- Nhẹ nhàng mà sâu lắng, bài thơ vừa là tiếng lòng thi sĩ, vừa là thông điệp nhân sinh sâu sắc mà Thanh Hải dành tặng cho độc giả hôm nay và cả mai sau.

2. Phân tích

a. Bức tranh mùa xuân vô cùng tươi đẹp, giản dị nhưng lại có sức sống mạnh mẽ .Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp thật thơ mộng, thật quyến rũ lòng người trong tưởng tượng của tác giả:

Mọc giữa dòng sông xanh

Tôi đưa tay tôi hứng

-  Đảo ngữ động từ “mọc” gợi ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp duyên dáng, và sức sống mạnh mẽ của bông hoa, của mùa xuân. Bông hoa ở giữa trái tim của dòng sông, trung tâm của bức tranh như đang vươn lên, xòe nở, phô màu.

- Xứ Huế vào xuân với “dòng sông xanh”, với “bông hoa tím biếc”. Cảnh mùa xuân ấy gợi ra một không gian tươi mát, dịu dàng và đằm thắm, vừa mang nét riêng của xứ Huế vừa gợi nét chung của mọi miền quê.

+ Sắc xanh hiền hòa điểm xuyết màu tím biếc hài hòa, tự nhiên gợi một sắc xuân tươi tắn, rực rỡ mà vẫn rất mực dịu nhẹ, thanh mát,bình dị.

+  Sắc tím biếc mang nét đặc trưng của xứ Huế mộng mơ như đang vươn lên, đang trỗi dậy.

- Âm thanh rộn rã vui tươi của tiếng hót của chim chiền chiện mở ra một không gian mùa xuân cao vời và trong lành.

- Từ cảm thán “Ơi” và lời hỏi “Hót chi” diễn tả cảm xúc vui say đến ngỡ ngàng trước một mùa xuân tươi đẹp – một mùa xuân giàu chất thơ. Tác giả biểu lộ sự trân trọng, nâng niu những cái đẹp trong mùa xuân ấy.

=> Chỉ với vài nét vẽ, đan xen một chút chất nhạc, Thanh Hải đã phác họa được một bức tranh có cái hồn mùa xuân xứ Huế. Nó đủ đầy cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh.

- Khi đối diện với vẻ đẹp ấy, cho dù là ai cũng phải ngỡ ngàng, xao xuyến đến say sưa: 

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.”

+ Hình ảnh thơ ẩn dụ đẹp “Giọt long lanh rơi” đã hữu hình, hữu ảnh sức sống mùa xuân ngưng đọng thành hình, thành khối, thành có sắc màu lóng lánh. Âm thanh tiếng chim đồng nội trở thành giọt vui, giọt hạnh phúc ở đời đáng được nâng niu, trân trọng.

+ Đại từ “tôi” ngắt câu thơ năm chữ “Tôi đưa ta tôi hứng” thành nhịp 3/2 cùng cử chỉ “hứng” đã diễn tả chân thực tâm trạng say sưa, ngây ngất của con người trước cảnh đất trời vào xuân, sự nâng niu, trân trọng trước những gì đẹp đẽ, quý giá mà thiên nhiên, tạo hóa, cuộc đời trao ban.

=> Âm thanh của cuộc sống đang khơi dậy trong lòng tác giả. Tâm hồn nhà thơ đang chan hòa cùng cuộc sống, cùng mùa xuân tươi đẹp một cách bất ngờ.

b. Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế

Mùa xuân ta xin hát

Nhịp phách tiền đất Huế

- Hình ảnh xin hát diễn tả tình yêu thương, gắn bó với quê hương, khao khát về cuộc sống mùa xuân. Tiếng hát ở đây cũng là tiếng lòng của tác giả.

- Giai điệu được cất lên chính là điệu hát truyền thống của xứ Huế mộng mơ.

+ “Nam Ai, Nam Bình”là làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Huế, thể hiện tình yêu mến với di sản văn hóa phi vật thể.

+ Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục.

- “Mùa xuân ta xin hát”: không chỉ mở ra không gian nó còn mở ra niềm tự hào về lối sống nghĩa tình của cha ông

- Tình quê tình nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "Ngàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương!

=> Ông đã giải bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ.

=>Tình yêu đời, yêu cuộc sống trỗi dậy thật mãnh liệt, trở thành khúc hát tâm tình trong những dòng thơ cuối. Khúc hát đó thật cảm động, cao quý và đáng trân trọng biết bao.

3. Đánh giá

- Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc với giọng điệu tâm tình, thủ thỉ. Hình ảnh thơ trong sáng, khoáng đạt. Biểu tượng thơ sâu sắc, đa nghĩa… Tác giả không chỉ biết hiện một bức tranh thiên nhiên hút hồn người mà còn như một dịp cất lên tiếng lòng thiết tha của một người con yêu nước. Cũng như khát vọng đẹp đẽ muôn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa.

4. Tác động

Đoạn thơ mang đến cho em những tác động sâu sắc về mặt cảm xúc, suy nghĩ. Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, đầy sức sống của xứ Huế đã khơi gợi trong lòng em tình yêu thiên nhiên tha thiết, say đắm, niềm tự hào  trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của quê hương. Bài thơ đã nhắc nhở thế hệ trẻ chúng em về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giữ gìn, bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên để muôn đời sau vẫn được chiêm ngưỡng. Thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, mang đến cho con người nguồn cảm hứng, niềm vui và sự thư thái. Con người cần có ý thức bảo vệ và gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả khiến em suy ngẫm về cuộc sống, về giá trị của quê hương đất nước đối với mỗi con người. Quê hương là nơi con người được che chở, vỗ về bởi tình yêu thương của gia đình, làng xóm và được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục bước đi trên con đường đời. Mỗi người cần có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

C. Kết bài

- Thanh Hải đã góp phần tạo nên một sắc xuân nhẹ nhàng, quyến rũ trong thơ ca. Bài thơ đã khép lại nhưng đồng thời đã mở ra trong lòng tôi nhiều suy tư. Gấp lại trang thơ lòng tôi lại xao xuyến vấn vương trước những tình cảm chân thành nồng hậu trong một cuộc sống đầy tin yêu.

- Đất nước ngày một phát triển, mùa xuân đất nước ngày càng đẹp nhưng những vần thơ: “Mùa xuân nho nhỏ” vẫn đi mãi với thời gian bởi đó không chỉ là cảm xúc của Thanh Hải mà còn là những bài học nhân sinh sâu sắc.

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

-  Thiên nhiên từ lâu đã được xem là nguồn cảm hứng bất tận cho con người, mang đến cho ta những giây phút bình yên, thư giãn và tràn đầy niềm vui.

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

Tiểu thuyết “Đất rừng Phương Nam” được ra đời năm 1957 là một trong những cuốn sách đầu tiên của NXB Kim Đồng trong những ngày đầu thành lập. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi lừng lẫy của nhà văn Đoàn Giỏi và là một trong những tác phẩm vàng ròng của nền văn học thiếu nhi Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Mặc dù đã ra đời 62 năm nhưng cho đến nay “Đất rừng Phương Nam” vẫn còn nguyên giá trị trở thành kí ức tuổi thơ khó quên của nhiều thế hệ độc giả.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://thcs-dongmai.edu.vn/tri-thuc-hoc-duong/bai-gioi-thieu-sach-thang-02-2024-tac-pham-dat-rung-phuong-nam-1058.html)

-  Cậu bé Nguyễn An sống cùng với cha mẹ tại thành phố những ngày sau ngày độc lập 2/9/1945. Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, đổ quân vào Nam Bộ. Pháp mở những trận đánh khiến cho những người dân sống tại thành thị phải di tản. An và ba mẹ cũng phải bỏ nhà bỏ cửa để chạy giặc. Cậu nhớ đến một anh bạn đi tàu đã tặng cậu chiếc la bàn mà không kịp mang theo. Theo cha mẹ chạy hết từ vùng này tới vùng khác của miền Tây Nam Bộ. An kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa và có cuộc sống tuổi thơ vùng nông thôn đầy êm đềm. Nhưng cứ vừa ổn định được mấy bữa thì giặc đánh tới nơi và lại phải chạy. Trong một lần mải chơi, giặc đánh đến và An đã lạc mất gia đình. Cậu trở thành đứa trẻ lang thang. Ở nơi chợ búa này cậu gặp những người đầu tiên cứu mạng mình. Dì Tư béo bảo cậu về làm giúp cho quán ăn của dì. Thế là từ đó, cậu có nơi nương tựa, không còn phải chịu cảnh đói khổ qua ngày. Tại quán ăn dì Tư béo, An có cơ hội tiếp xúc với nhiều người: anh Sáu tuyên truyền, những anh bộ đội, những kẻ Việt gian bán nước như vợ chồng Tư Mắm, những người nông dân chân chất như lão Ba Ngù... Vợ chồng Tư Mắm làm nghề bán mắm dọc các con kênh rạch. Vợ Tư mắm là người đàn bà rất xinh đẹp, bà ta muốn mua chuộc An làm tay sai. Một buổi tối, An vô tình đọc được những dòng chữ tiếng Pháp viết trong cuốn sổ của vợ chồng Tư Mắm. An biết rằng bọn họ là Việt gian. Khi họ hỏi, thì An đối đáp rất thông minh rằng mình thấy nó đẹp mà chả hiểu gì. Nhưng dì Tư sau đó lại bảo rằng An biết tiếng Pháp. Vì thế, An chạy trốn, hai vợ chồng Tư Mắm đốt cháy quán dì Tư  rồi bỏ đi.

Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang - Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau.  Bối cảnh trong "Đất rừng phương Nam" là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài... Có thể nói truyện đã mang đến cho người đọc nhiều thú vị.

Có thể nói “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi là những khám phá tinh tế, đặc sắc, được sàng lọc một cách cẩn thận về cái đẹp của thiên nhiên, con người, đất nước. “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ miêu tả cụ thể, đặc sắc vẻ đẹp hoang sơ của những vùng đất mới, khắc họa rõ nét sự chất phác, hiền lành, đôn hậu nhưng cũng không kém phần anh dũng của những người con chân lấm tay bùn của Miền Nam mà nó còn đưa ta đi tới mọi phương trời, góc bể của đất nước mình, từ Bắc chí Nam rồi tới vùng cực nam Tổ Quốc, ra tiếp liền tới biển Đông lúc nào không biết qua những ngày lưu lạc của cậu bé An.

 “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi không chỉ vẽ nên quang cảnh của đất rừng hùng tráng và kể chuyện những con người xốc vác sinh sống với những con Luốc, con vượn bạc má tinh khôn cho thỏa tò mò của bạn đọc. Những con người bình thường như vợ chồng ông Hai, chú Võ Tòng, không phải tự nhiên muốn ngang tàng đi dựng lều ở khuất nẻo trong rừng rồi thả thuyền đi câu rắn, tìm mật ong. Không, người ta vốn quen làm ăn và quây quần làng xóm đông vui. Nhưng bọn chúa đất và Tây chủ chúng chẳng để cho mọi người được ở đâu yên. Không biết làm thế nào nhưng không bao giờ biết sợ, những ông Hai, những chú Võ Tòng vốn có trí óc quật cường và bàn tay làm nên tất cả. Thế là họ trở thành những người rừng xanh. Nhưng thời bấy giờ lánh mình vào chốn rừng trời cuối đất ấy cũng không được. Cuộc sống ở đâu cũng quyết liệt gấp bao nhiêu lần phải lao mình vào kiếm cái sống giữa trời đất hoang vu. Bởi vậy, cả đến các em bé cũng biết mình cần phải đứng lên đánh giặc! Ý nghĩa to lớn ấy đã được tỏ rõ trong “Đất rừng Phương Nam”

Kết thúc truyện, là lúc mà tất cả người dân đứng lên đấu tranh, sẵn sàng cho cái tư tưởng chiến đấu của họ, lý trí bất khuất cùng lòng dũng cảm, đứng hẳn lên, trên tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, bắt đầu cuộc chiến với quân địch, quân Pháp xâm lăng. Chỉ biết một điều, cái kết thúc dang dở thế này, kháng chiến của nhân dân ta nhất định thắng lợi. Bởi con người Việt Nam không bao giờ khiếp sợ trước quân thù, họ luôn đấu tranh để giành lại độc lập tự do vì trong họ luôn luôn tồn tại một tinh thần kiên cường, bất khuất.

Cái đặc sắc riêng của “Đất rừng Phương Nam” ấy là nhà văn Đoàn Giỏi đưa bạn đọc đến vùng đất rừng phương nam thật xa, thế mà mỗi trang truyện lại làm chúng mình thấy thiết tha và sôi nổi yêu đất nước khắp mọi nơi, yêu con người khắp đất nước, bất cứ ở đâu.

3. Tác động:

Đọc Đất rừng phương nam ta  sẽ cảm nhận được  vùng đất rừng phương nam thật xa, thế mà mỗi trang truyện lại làm chúng ta thấy như đang được thấy tận mắt những khung cảnh thiên nhiên, thấy yêu mến những con người nam bộ, thấy thêm yêu quê hương và đất nước mình.   

  Môi trường sống đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Nó cung cấp cho chúng ta không khí để thở, nước để uống, thức ăn để nuôi sống và vô số tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, do những hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức và xả thải bừa bãi của con người, môi trường sống đang ngày càng bị suy thoái và ô nhiễm. Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người như ung thư, tim mạch, hô hấp,... Việc bảo vệ môi trường sống là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai. Môi trường sống trong lành, sạch đẹp sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chúng ta sẽ có sức khỏe tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn và có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn. Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Khi mỗi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chung tay hành động, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường sống trong lành, sạch đẹp cho bản thân, cho cộng đồng và cho thế hệ tương lai. Thế hệ trẻ  chúng ta cần học tập về tầm quan trọng của môi trường sống, rèn luyện cho mình thói quen sinh hoạt thân thiện với môi trường.