Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

Các giá trị văn hóa truyền thống của bất cứ dân tộc nào cũng đều bắt nguồn từ nền tảng xã hội và lịch sử của dân tộc đó. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước trong điều kiện thiên tai, địch họa vô cùng khắc nghiệt, hiểm nguy, mà tiêu biểu là lòng yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, lòng khoan dung, lòng vị tha, kính già, yêu trẻ, quý trọng gia đình, tinh thần lao động kiên trì, cần cù; đó còn là ý thức tôn sư trọng đạo, tính ham học hỏi, không chùn bước trước những khó khăn; sự linh hoạt, thích nghi và dễ hòa nhập với những đổi thay…[…] Chính những giá trị văn hóa cốt lõi được kết tinh qua lớp lớp thế hệ ấy đã làm nên sức mạnh lớn lao để dân tộc ta vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong lịch sử hàng nghìn năm qua để đạt được những thắng lợi vẻ vang.

Trân trọng quá khứ, biết kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa từ quá khứ là điều kiện quan trọng để các thế hệ sau bước tiếp. Tuy nhiên, quá khứ không phải là “quan tòa” để phán định hiện tại và quyết định tương lai. Do đó, con cháu không được ỷ lại vào quá khứ để dừng lại, bởi dừng lại tức là tụt hậu, là có lỗi với các thế hệ đi trước. Trong khi cả thế giới đang chuyển biến ngày càng mạnh mẽ đến khó lường; khoa học và công nghệ đang tạo nên những bước ngoặt mang tính cách mạng mà ít ai ngờ tới, thì trọng trách phát triển đất nước nhằm đuổi kịp và vượt lên hàng các nước tiên tiến đặt lên vai thế hệ trẻ là rất vẻ vang nhưng vô cùng nặng nề, khó khăn. Thế hệ trẻ có thể đảm nhận và hoàn thành được sứ mệnh đó hay không thì trước hết chính họ phải tự ý thức được việc cần thiết phải kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp nhận những giá trị tinh hoa của nhân loại, của thời đại. Thế hệ trẻ cũng cần ý thức và xác định họ có khả năng tạo ra những giá trị văn hóa mới nào, hay cần loại bỏ những giá trị gì không còn phù hợp và đang cản trở họ. 

(Trích Định hướng giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Nguyễn Trọng Chuẩn,tapchicongsan.org.vn, 08:41, ngày 08-04-2024 )

Văn bản 2

CẢM ƠN ĐẤT NƯỚC

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh

 Chưa thấy hết sự hi sinh của bao người ngã xuống

Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau.

 

Tôi lớn lên từ rẫy mía, bờ ao

Thả cánh diều bay

Lội đồng hái bông súng trắng

Mẹ nuôi tôi dãi dầu mưa nắng

Lặn lội thân cò quãng vắng đồng xa.

 

Tôi lớn lên từ những khúc dân ca

Khoan nhặt tiếng đờn kìm

Ngân nga sáo trúc

Đêm Trung thu say sưa nghe bà kể

Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa.

 

Thời gian qua

Xin cám ơn đất nước

Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát

Còn vọng vang với những câu Kiều

Trong từng ngần ấy những thương yêu

Tiếng mẹ ru hời

Điệu hò thánh thót

Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người.

 

Đất nước của tôi ơi!

Vẫn sáng ngời như vầng trăng vành vạnh.

 (Trích Bến quê ,Huỳnh Thanh Hồng NXB Văn nghệ TPHCM, 2005)

a. Theo tác giả văn bản 1, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ta là gì?

b. Xác định và ghi lại thành phần biệt lập trong 2 dòng thơ cuối văn bản 2.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Theo em, vì sao tác giả văn bản 2 nói “Tôi lớn lên từ những khúc dân ca”? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng  giới trẻ Việt đang ngày càng thờ ơ với văn hóa truyền thống?

Câu 3.

Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

[…]

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

( Trích Nói với con, Y Phương, SGK Ngữ Văn 9, Tập 2, NXBGDVN, 2023, Trg. 72)

Hãy phân tích đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được giá trị của văn hóa truyền thống. Trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

Đề 2.

Tình huống:  Thời đại 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới, vô tình cuốn giới trẻ vào cơn lũ số hóa khiến họ quên mất những giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc của chính mình. Đắm chìm trong thế giới công nghệ đã dẫn đến hệ lụy nhiều bạn trẻ không quan tâm đến văn hóa truyền thống, những luồng văn hóa ngoại lai theo hội nhập mà tràn vào không có chọn lọc đã làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa truyền thống.

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp các bạn nhận ra trách nhiệm của người trẻ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.


GỢI Ý

Câu 1.

a. Theo tác giả văn bản 1, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ta là: lòng yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, lòng khoan dung, lòng vị tha, kính già, yêu trẻ, quý trọng gia đình, tinh thần lao động kiên trì, cần cù; đó còn là ý thức tôn sư trọng đạo, tính ham học hỏi, không chùn bước trước những khó khăn; sự linh hoạt, thích nghi và dễ hòa nhập với những đổi thay…

b. Thành phần biệt lập trong 2 dòng thơ cuối văn bản 2:

  Thành phần gọi đáp: ơi

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản:

Điểm chung: Cả hai văn bản đều thể hiện lòng yêu nước, tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc. Điểm riêng:

Văn bản 1: Nhấn mạnh giá trị của văn hóa truyền thống và vai trò của thế hệ trẻ trong việc kế thừa và phát huy những giá trị đó..

Văn bản 2: Bộc lộ tình cảm yêu mến, trân trọng quê hương, đất nước thông qua những hình ảnh cụ thể và bình dị.

d.    Tác giả nói “Tôi lớn lên từ những khúc dân ca”. Bởi tác giả được sinh ra và lớn lên tại vùng quê với những hình ảnh thân thuộc “rẫy mía, bờ ao”; “Những cánh diều”; “thân cò”. Cũng như bao đứa trẻ khác, tác giả cũng được nằm trong nôi, nghe mẹ ru ầu ơ những khúc dân ca. Tác giả lớn lên từ những câu hát đó, những câu hát dân ca nuôi dưỡng tình yêu gia đình, yêu đất nước trong tiềm thức của nhà thơ.

Câu 2. Phải chăng  giới trẻ Việt đang ngày càng thờ ơ với văn hóa truyền thống?

A. Mở bài

- Văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc.Nhưng trong xã hội hiện đại, với sự bùng nổ của công nghệ và văn hóa ngoại lai, một số bạn trẻ có thể ít quan tâm đến những giá trị truyền thống.

- Phải chăng giới trẻ Việt đang ngày càng thờ ơ với văn hóa truyền thống?

B. Thân bài

* Giải thích:

+ Văn hóa truyền thống là những giá trị tinh thần, vật chất được lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện bản sắc riêng của một dân tộc. Nó bao gồm các yếu tố như: tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghệ thuật, kiến trúc, trang phục, ẩm thực,...

- Thờ ơ với văn hóa truyền thống thiếu sự quan tâm, trân trọng và ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc

=> giới trẻ Việt đang ngày càng thờ ơ với văn hóa truyền thống là một vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết

* Thực trạng:

- Nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian cho internet, mạng xã hội và các hình thức giải trí hiện đại, không biết hoặc ít quan tâm đến lịch sử, phong tục tập quán, di sản văn hóa của dân tộc, ít hoặc không tham gia vào các lễ hội, sự kiện văn hóa, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống,...

- Một số bạn trẻ ưa chuộng văn hóa ngoại mà không hiểu rõ, thậm chí còn học theo những điều tiêu cực, và xem nhẹ văn hóa truyền thống của dân tộc. Lạm dụng tiếng lóng, ngoại ngữ, viết tắt,... trong giao tiếp, thiếu hụt vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.

- Không quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh,... Xả rác bừa bãi tại các di tích lịch sử, văn hóa, có hành vi thiếu tôn trọng với các giá trị văn hóa.

* Nguyên nhân:

- Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội khiến giới trẻ tiếp xúc nhiều với văn hóa ngoại. Một số bạn trẻ tiếp thu một cách mù quáng, thiếu chọn lọc, dẫn đến việc xa rời văn hóa truyền thống.

- Một số bạn trẻ chưa thực sự hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của văn hóa truyền thống, dẫn đến sự thờ ơ và thiếu trân trọng cho rằng văn hóa truyền thống khô khan, thiếu sức sống, không phù hợp với đời sống hiện đại.

- Các bạn  ít có cơ hội tham gia các lễ hội, nghi thức truyền thống, hoặc không được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật dân gian như: tuồng, chèo, ca trù,... do nhiều yếu tố như: bận học tập, giải trí online, ít có không gian văn hóa cộng đồng,...

- Việc kết nối giới trẻ với văn hóa truyền thống chưa phù hợp, sáng tạo, cònh áp đặt hay gán ghép, chưa khơi gợi niềm đam mê, sự hứng thú cho giới trẻ tìm hiểu và khám phá văn hóa truyền thống một cách tự nhiên.

* Hậu quả:

- Có một bộ phận giới trẻ dành nhiều thời gian cho văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ dẫn đến sự ảnh hưởng nhất định đến phong cách sống, cách ăn mặc, sở thích cá nhân,.... đang dần xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, làm những giá trị văn hóa quý báu sẽ dần bị mai một, phai nhạt theo thời gian.

+ Điều này dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa, khiến cho thế hệ trẻ không còn biết mình là ai, từ đâu đến và có trách nhiệm gì với dân tộc.

- Thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống dẫn đến những sai lệch về giá trị đạo đức, lối sống trong giới trẻ, dễ bị sa vào những tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu văn hóa độc hại, thiếu ý thức trách nhiệm cộng đồng, gia đình,...

- Thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống khiến giới trẻ có những hành vi ứng xử trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật, gây xáo trộn, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,... dẫn đến sự chia rẽ trong cộng đồng.

- Thờ ơ với văn hóa truyền thống, giới trẻ sẽ không quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa, dẫn đến nguy cơ di sản bị xuống cấp, hư hại, thậm chí bị phá hủy.

* Giải pháp:

- Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, học hỏi và tìm hiểu về văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động như: tham gia các câu lạc bộ văn hóa, học các loại hình nghệ thuật truyền thống, chia sẻ kiến thức về văn hóa trên mạng xã hội,...

- Cha mẹ cần giáo dục con em về giá trị và ý nghĩa của văn hóa truyền thống ngay từ nhỏ, tạo môi trường để các em tiếp xúc và trải nghiệm văn hóa truyền thống.

- Nhà trường và xã hội tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống đến giới trẻ một cách hấp dẫn, sáng tạo, tránh áp đặt hay gán ghép. Cần khơi gợi niềm đam mê, sự hứng thú cho giới trẻ tìm hiểu và khám phá văn hóa truyền thống một cách tự nhiên.

- Nhà nước ban hành các chính sách, chương trình giáo dục về văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa.

- Bài học:

- Bản thân cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

+ Tìm hiểu và khám phá văn hóa truyền thống theo cách riêng của mình, giữ gìn được những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày.

+Luôn tự hào về bản sắc dân tộc và tham gia các lễ hội truyền thống, thưởng thức âm nhạc và nghệ thuật truyền thống

C. Kết bài

- Bản sắc văn hoá là cái riêng biệt của mỗi dân tộc. Giữ gìn cái riêng ấy là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có một phần quan trọng của thế hệ trẻ.

Câu 3.

Đề 1.

A. Mở bài

- Y Phương là người dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao.

- Bài thơ “Nói với con” là lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này của nhà thơ. Mong con khôn lớn nên người, luôn yêu quê hương, tự hào về dân tộc mình. 

- Người đọc có thể cảm nhận được  niềm tự hào của người cha và mong muốn con biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của quê hương, nguồn cội trong các câu thơ sau:

- Người đồng mình yêu lắm con ơi

Con đường cho những tấm lòng

[…]

Người đồng mình thô sơ da thịt

Còn quê hương thì làm phong tục

B. Thân bài

1. Khái quát

Thơ Y Phương là một bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng, nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Chúng ta bắt gặp trong bài thơ “nói với con” của tác giả Y Phương một cách diễn đạt mộc mạc, chân chất của người miền núi những lời tâm tình thiết tha, những lời dặn dò ân cần, chia sẻ  của người cha đối với con lòng tự hào về con người và quê hương yêu dấu của mình.

2. Phân tích

a. Niềm tự hào của người cha về vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình của quê hương. Quê hương chính là mạch nguồn không thể thiếu nuôi dưỡng con khôn lớn và trưởng thành:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Con đường cho những tấm lòng

- “Người đồng mình yêu lắm con ơi”- câu cảm thán bộc lộ cảm xúc, niềm xúc động mãnh liệt của người cha.

+ Cách giới thiệu hình ảnh ấy lại đi liền với hô ngữ “con ơi” khiến lời của cha với con thật trìu mến, thân thương.

- Người đồng mình sống rất đẹp. Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui được gợi lên qua nhiều hình ảnh đẹp đẽ:

+ Đan lờ cài nan hoa: gợi công việc lao động cần cù, tỉ mỉ với đôi bàn tay tài hoa. Họ làm một cách nghệ thuật từ cá dụng cụ lao động để bắt cá thường ngày.

+ Vách nhà ken câu hát: gợi tâm hồn trong sáng, lạc quan yêu đời, cuộc sống hòa với niềm vui. Trong căn nhà của họ, lúc nào cũng vang lên  tiếng hát.

+ Các động từ “đan, ken,cài” vừa diễn tả những động tác cụ thể, khéo léo vừa nói lên cuộc sống gắn bó với niềm vui với quê hương, xứ sở.

- Quê hương không chỉ thơ mộng mà luôn tràn đầy tình nghĩa. Quê hương của “người đồng mình” với hình ảnh rừng, một hình ảnh gắn liền với cảnh quan miền núi.

+ “Rừng cho hoa”: rừng không chỉ cho gỗ, cho lâm sản mà còn cho hoa. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống. Chính những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người ở đó.

+ “Con đường cho những tấm lòng”: đâu chỉ dẫn lối mà còn cho những tấm lòng cao cả tấm lòng cao cả, thủy chung.

+ Cách nhân hoá “rừng”“con đường” qua điệp từ “cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”.  Đất và người nuôi ta khôn lớn, cho con sức mạnh, tình yêu và sự sống; hình thành cho con nền văn hóa, tư tưởng và khát vọng chinh phục.

=> Quê hương mình là một vùng quê giàu truyền thống văn hoá mà cũng thật nghĩa tình.

=> Tác giả muốn qua những câu thơ này để gợi nhớ cho con phải biết yêu thương xóm làng, yêu thương những con người gắn bó với mình, những người tuy không cùng chúng dòng máu nhưng lại thân thiết hơn cả ruột thịt.

b. Người cha mong muốn trân trọng, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của quê hương, nguồn cội và dựng xây cuộc sống tốt đẹp của người vùng cao:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Còn quê hương thì làm phong tục

- Người đồng mình giàu lòng tự trọng:

+ Hình ảnh ẩn dụ “thô sơ da thịt” đối lập “chẳng…nhỏ bé” càng làm toát thêm vẻ đẹp mạnh mẽ không chỉ ở bên ngoài mà còn tiềm ẩn bên sâu trong tinh thần của con người miền núi.

+ Hình ảnh “thô sơ da thịt” đã tả thực vóc dáng, hình hài nhỏ bé của “người đồng mình”.

+ Cụm từ “chẳng mấy ai nhỏ bé” gợi ý chí, nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của “người đồng mình”

=> Họ từ bao đời luôn có ý thức tự lập, tự cường, tự tôn bản sắc riêng biệt của mình, chẳng bao giờ nhỏ bé.

- Người đồng mình khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp:

+ Hình ảnh “tự đúc đá kê cao quê hương” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: Tả thực quá trình dụng nhà, dựng bản của người vùng cao, được kê trên những tảng đá lớn để tránh mối mọt. Ẩn dụ cho tinh thần tự lực cánh sinh, họ đã dựng xây và nâng tầm quê hương.Trong quá trình dựng làng, dựng bản, dựng xây quê hương ấy, chính họ đã làm nên phong tục, bản sắc riêng cho cộng đồng.

+ Cụm từ “tự đục đá kê cao quê hương” thể hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần tự lực tự cường của người đồng mình. Việc “đục đá” là khó, là đòi hỏi nghị lực, nhưng người quê hương ta đã làm,vẫn làm để làm rạng rỡ quê hương.

+  Các từ “đục đá, kê cao” một cách gần gũi và bình dị, đậm chất sử dụng ngôn ngữ của người dân tộc Tày.  Cách nghĩ cách làm nâng niu và trân quý bao giá trị văn hóa ngàn đời.

_ “Còn quê hương thì làm phong tục” là lời nhắc kiên trì xây dựng quê hương và gìn giữ phong tục riêng. Và đó cũng là giá trị mà mỗi con người phải trân trọng và gìn giữ đến suốt cuộc đời.

Người cha dạy con sống rộng mở, bao la, biết kiên trì và trân trọng những nét đẹp truyền thống của quê hương, nguồn cội.

3. Đánh giá:

Bằng cách diễn đạt mộc mạc, thô sơ, bằng những hình ảnh cụ thể mà giàu sức khái quát bài thơ đã thể hiện một cách độc đáo mà cũng thật thấm thía về tình cảm thiết tha sâu sắc nhất của con người : tình cảm gia đình và tình yêu quê hương xứ sở. Qua từng ý thơ ông còn gửi gắm con những bài học sâu sắc về ý chí nghị lực trong cuộc sống, về sự tiếp thu truyền thống, làm giàu thêm vốn văn hóa quê hương. Những tình cảm ấy không chỉ dành cho riêng đứa con gái bé nhỏ mà đó còn là mong mỏi của biết bao ông bố, bà mẹ ở khắp mọi nơi.

4. Tác động

Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân tộc thiểu số tạo nên sự đồng cảm và gắn bó cho người đọc, khơi gợi trong lòng người đọc tình yêu quê hương, yêu con người tha thiết, đặc biệt là tình yêu đối với những người dân tộc thiểu số ở miền núi. Đọc đoạn thơ em  học được bài học giáo dục quý giá về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Văn hóa truyền thống là yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh vô cùng mạnh mẽ, giúp dân tộc ta đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hóa truyền thống là những chuẩn mực đạo đức, giá trị sống tốt đẹp, giúp mỗi người trẻ Việt Nam chúng em định hướng hành vi và lối sống của mình.

Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước: Mỗi người cần có ý thức gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Em hiểu rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và mỗi cá nhân người Việt cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống..  Em cần rèn luyện sống theo những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, qua lời nói, hành động và ứng xử trong đời sống hàng ngày. Tham gia tích cực vào  các hoạt động văn hóa để học hỏi và gìn giữ truyền thống.

C. Kết bài

Bài thơ Nói với con đã góp phần tạo nên một tiếng nói riêng độc đáo về tình cảm gia đình, tình cảm quê hương trong làng thơ Việt Nam. Bài thơ giúp chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của một áng thơ về tình cha con cao quý, và càng thấm thía lời nhắn nhủ chứa đựng sự yêu thương, niềm tin tưởng mà người cha dành cho con: phải sống sao cho xứng đáng với cha mẹ, với người đồng mình, không quên xứ sở, nguồn gốc, sống biết “uống nước nhớ nguồn” bởi đó là nguồn sức mạnh của ta.

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

Thời đại 4.0 mở ra một kỷ nguyên mới, vô tình cuốn giới trẻ vào cơn lũ số hóa khiến họ quên mất những giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc của chính mình. Đắm chìm trong thế giới công nghệ đã dẫn đến hệ lụy nhiều bạn trẻ không quan tâm đến văn hóa truyền thống, những luồng văn hóa ngoại lai theo hội nhập mà tràn vào không có chọn lọc đã làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa truyền thống.

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

 Vâng, chắc hẳn cái tên Nguyễn Vinh Phúc không còn xa lạ với đông đảo những người dân thủ đô, đặc biệt là những người yêu và gắn bó sâu sắc với mảnh đất Hà thành. Ông là ai ? Ông chính là tác giả của những công trình nghiên cứu nổi tiếng về Thăng Long – Hà Nội như Văn hiến Thăng Long, Hà Nội qua những năm tháng, Đường phố Hà Nội hay Lịch sử Thăng Long – Hà Nội....

Con người được nhân dân thủ đô yêu mến và gọi bằng cái tên thân thương  “nhà Hà Nội học” ấy, vào tháng 6 năm 2009 vừa qua, đã cùng với nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt cuốn sách “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, như là một món quà mừng sinh nhật nghìn năm tuổi của vùng đất kinh kỳ dấu yêu. Vừa phát hành, cuốn sách đã được thành phố đặt hàng để làm quà tặng cho các đại biểu tham dự cuộc họp giữa thành phố và Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam. Chỉ một sự kiện nhỏ nhưng thế cũng đã đủ để nói lên giá trị của cuốn sách có một không hai này.

Với ông, được khám phá và tìm hiểu về dải đất Kinh kỳ chính là một niềm hạnh phúc. Bao năm gắn bó với nơi đây cũng là bấy nhiêu năm ông gom nhặt, chắt chiu nghiên cứu để tìm hiểu về Hà Nội. Chẳng vậy mà, khi nhắc đến tên Nguyễn Vinh Phúc, người ta vẫn ví ông là cuốn từ điển sống về thủ đô ngàn năm văn hiến. Cuốn sách "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" có thể nói, chính là minh chứng cho sự ví von này.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://c2nguyentrai.badinh.edu.vn/chi-tiet/gioi-thieu-sach-1000-nam-thang-long-ha-noi-pmtd22sw10992)

- “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” dày chính xác là 1066 trang, khổ 16x24 cm, bìa cứng, 2 lớp, trang trí giản dị. Nổi bật chính giữa bìa sách là hình ảnh của một bức phù điêu chạm khắc hình con rồng thời Lý tìm được ở Hoàng thành Thăng Long. Nét chạm khắc tinh xảo với những đường cong uốn lượn mềm mại đã thổi vào cuốn sách một không khí cổ kính, mà chưa cần mở sách ra, mỗi người dân thủ đô đều cảm thấy như rưng rưng một niềm tự hào. Ta đang cầm trên tay 1000 năm quê hương, ta đang cầm trên tay 1000 năm đất nước, ta đang cầm trên tay biết bao năm tháng hào hoa và oanh liệt của mảnh đất Tràng An.

Hơn 1.000 trang sách với trên 900 chuyên mục đề cập tới phần lớn các vấn đề của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Sách đã cung cấp cho bạn đọc những tư liệu chính xác về những gì đã diễn ra trên mảnh đất "kinh sư" từ khi định đô cho tới ngày hôm nay.

- Mở “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” ra, ta bắt gặp mỗi trang sách là một hình ảnh, được những nhiếp ảnh gia thủ đô chọn lựa đưa vào. Người đọc chỉ cần ngồi một chỗ mà có thể thấy được sương lãng đãng trên mặt Kiếm hồ vào buổi bình minh hay hoàng hôn đỏ rực cánh sâm cầm bên bờ Hồ Tây; Nét cổ kính linh thiêng của Thăng Long tứ trấn hay quang cảnh tấp nập, nhộn nhịp ở ô Quan Chưởng, Cầu Dền, Đống Mác...; Vừa được quan sát dấu tích tòa thành cổ nhất Việt Nam dựng lên từ thời An Dương Vương, lại vừa được quan sát vẻ năng động, hiện đại của khu đô thị mới Mỹ Đình.... Xưa và nay, cũ và mới cùng về đây hội tụ.

Bằng phương thức hỏi - đáp, nội dung cuốn sách được sắp xếp theo từng phần: Địa lý - Địa danh/ Lịch sử - Sự kiện/ Văn hóa - Giáo dục - Y tế/ Văn học - Nghệ thuật/ Danh nhân/ Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội/ Kinh tế - Du lịch - Thể thao… Thầy cô và các em có thể dễ dàng tra cứu những chuyên mục mà mình quan tâm. Một Hà Nội với cả chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian lịch sử, văn hóa, con người; chắt lọc những đặc trưng, những tinh túy, những hình ảnh cổ kính nhất, thơ mộng nhất, hào hoa nhất … đang lật mở ra trước mắt chúng ta. Đó là cách mà Nguyễn Vinh Phúc chuyển tải thông tin đến bạn đọc.

Từ trang 7 đến trang 370, Nguyễn Vinh Phúc thành thạo như viết một cuốn Dư địa chí, cung cấp cho ta những thông tin chính xác về vị trí địa lý, địa hình, sông ngòi... của Hà Nội. Mới chỉ những trang đầu thôi, cuốn sách sẽ làm bạn đọc phải ngạc nhiên về sự tỉ mỉ và chính xác đến tuyệt đối. Những con số nêu tọa độ, những con số ghi diện tích đã chứng tỏ một văn phong khoa học, cách trình bày chuyên nghiệp của người làm công tác nghiên cứu. Lật giở từng trang sách, ta như được một hướng dẫn viên du lịch vô hình đưa đến tham quan tất cả những địa danh, thắng cảnh ở mảnh đất văn vật ngàn năm. Hà Nội có bao nhiêu hồ ? Bao nhiêu núi ? Bao nhiêu rừng ? Quận (huyện) nào lớn nhất? Quận (huyện) nào nhỏ nhất ? Bao nhiêu vườn hoa, bao nhiêu công viên ? Bao nhiêu tượng đài ? Bao nhiêu chùa ? Bao nhiêu đền ? Bao nhiêu cầu ? Bao nhiêu phố ? Bao nhiêu làng nghề ?.... Tất cả sẽ được cung cấp chỉ trong một cuốn sách.

Dù cuốn sách dày hơn 1.000 trang với một khối lượng tư liệu "quá dày dặn" nhưng chắc chắn người đọc không hề cảm thấy nhàm chán. Mỗi một mục là một câu chuyện và bạn đọc có thể nhẩn nha như đi thăm thú từng di tích, cảnh đẹp của Hà Nội, có thể trở về lịch sử qua những câu chuyện năm xưa… Từ trang 371 đến trang 570, cuốn sách lại cùng ta dạo quanh những trang sử vẻ vang, oanh liệt, những năm tháng hào hoa của xứ sở rồng bay lên. Ta như thấy lại ngày hôm ấy, cả Thăng Long xơ xác, tiêu điều “vườn không, nhà trống”, đón kẻ thù vào bị vùi xác, chôn thây. Lật sang trang, ta lại bắt gặp “chàng trai trẻ Nguyễn Trãi ngày nào rời Thăng Long tiễn cha với lời thề rửa hận non sông cho tròn đại hiếu”. Thế rồi, phảng phất trong cuốn sách, ta dường như gặp cảnh người con rể Quang Trung, với cành đào đất Bắc mang về tặng cho người vợ Ngọc Hân:

“Hẳn nhớ Thăng Long, hẳn nhớ đào

  Mai vàng xứ Huế có vui đâu

  Đào phi theo ngựa về cung nhé

  Nở cạnh đài gương sắc chiến bào.”

Chế Lan Viên

Tại đây, Nguyễn Vinh Phúc kể sử không chỉ với giọng điệu của người nghiên cứu sử mà còn bằng niềm tự hào và yêu kính của người con thủ đô.

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi của Hà Nội cũ, theo tác giả "từ ngày 1- 8, Hà Nội mở rộng, có thêm trọn vẹn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình" cho nên trong cuốn sách cũng đã bổ sung nhiều mục về những vùng đất mới này".

Sự xuất hiện của cuốn sách "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" ở thời điểm năm cận kề của đại lễ là một món quà hết sức có ý nghĩa của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc dành tặng cho Thủ đô. Với tác giả, sự có mặt của cuốn sách cũng là lời tri ân của ông với người bạn già - nhà văn Tô Hoài. Trong lời nói đầu của tác phẩm, Nguyễn Vinh Phúc đã nói về "duyên cớ" mà ông làm cuốn sách này: "Năm 1998, nhà văn Tô Hoài đã giới thiệu tôi với Nhà xuất bản Trẻ để biên soạn bộ "Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", là bộ sách cung cấp những kiến thức cơ bản, tiện tra cứu về dải đất ngàn năm văn vật".

Để rồi, mười một năm sau, ngay trên trang bìa của cuốn sách này, nhà văn Tô Hoài đã viết: “1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho ta thấy mỗi sự tích trong bóng dáng xưa và nay hiển hiện song đôi. Đất phát tích đã định đô ngàn năm, trong bóng sông hồ những dinh tự, lâu đâì, thành quách đời đời đã in những đoàn quân trảy đi mở cõi, giữ cõi, những hội hè, đình đám rực rỡ trên đồng bãi có những con người cha truyền con nối chuyên cần.”

Vậy là gần chục năm sau, trên cơ sở bộ sách "Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" đã xuất bản, Nguyễn Vinh Phúc bổ sung thêm lên gấp đôi để in thành một tập sách mới: 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cuốn sách không chỉ là một món quà mà tác giả muốn dành tặng cho thủ đô nhân dịp sinh nhật tròn một thiên niên kỉ mà nó còn là một cẩm nang cho tất cả những ai yêu mến và muốn khám phá về mảnh đất này. Với cuốn sách này, chúng ta có thể theo bước chân nhà văn để cùng khám phá từng nẻo đường góc phố thủ đô. Đó có thể là không khí sôi động của một thành phố đang phát triển nhưng cũng có thể là vẻ trầm lắng rêu phong của một thành phố đã nghìn năm tuổi. Đó có thể là nét độc đáo của một thành phố có bề dày văn hóa nhưng cũng có thể là sự hiện đại của những tòa nhà chọc trời… Tất cả hành trình du lịch ấy có thể được diễn ra chỉ với một cuốn sách mang tên “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

Là một người luôn yêu và trân trọng những cuốn sách, đối với em, “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” thực sự là một món ăn tinh thần bổ ích. Cuốn sách không chỉ mang đến cho em thêm nhiều hiểu biết mà hơn tất cả, từ cuốn sách, tình yêu đối với Hà Nội của tác giả Nguyễn Vinh Phúc đã được truyền tới mỗi người đọc để chúng ta hiểu và càng thêm gắn bó với mảnh đất này.

Cuối bài viết này em xin được mượn lời của nhà sử học Lê Quý Đôn:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng

  Chẳng bằng kinh sử một vài pho.”

Sách là một món quà mà thế hệ trước để lại cho đời sau, là kho tàng tri thức quý giá của nhân loại và cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai. Hãy đọc sách, trân trọng những cuốn sách và yêu mến chúng  như yêu mến những người bạn. Và sách sẽ đặt vào tay bạn một chiếc chìa khóa, chiếc chìa khóa của thành công và hạnh phúc.

3. Tác động:

Gìn giữ bản sắc dân tộc là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của bản thân và có những hành động cụ thể để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bản sắc dân tộc là cội nguồn, là tinh hoa của dân tộc, là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Thế hệ trẻ cần nhận thức được tầm quan trọng của bản sắc dân tộc và tìm hiểu và học hỏi về lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc: Đọc sách, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, tìm hiểu về các phong tục tập quán, lễ nghi, di sản văn hóa,... Tham gia các hoạt động giáo dục về văn hóa truyền thống do nhà trường và xã hội tổ chức. Hãy thể hiện bản sắc dân tộc trong đời sống: Trau dồi vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt để sử dụng tiếng Việt một cách lưu loát và chính xác,thưởng thức âm nhạc và nghệ thuật truyền thống như am nhạc dân gian, tuồng chèo, cải lương,... Mua sắm và sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm truyền thống để góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Chia sẻ kiến thức về văn hóa truyền thống cho bạn bè, người thân, lên các trang mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của mọi người. Có ý thức bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Không xả rác, bôi vẽ, phá hoại di tích lịch sử, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi tại các di tích lịch sử.