Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NƯỚC MẮT

 

ĐỀ LUYỆN TẬP TUYỂN SINH 10_2023-2024_ Chủ đề NƯỚC MẮT

Câu 1. Đọc 2 văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Văn bản 1

(…) Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước.(…)

Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong các mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Tập 2 -Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TPHCM, 2012, trg.2)

Văn bản 2

LỆ

nước mắt của ong là mật

nước mắt của hoa là hương

nước mắt của chim là những

tiếng ca thoáng tưởng du dương

 

nước mắt của sông là những

gợn sóng dường như bình yên

nước mắt của mây là những

giọt mưa ngỡ vợi ưu phiền

 

nước mắt thiên nhiên là những

dịu êm khiến ta mỉm cười

liệu nước mắt ta rớt xuống

có làm một đóa hoa tươi?

(Trích Hở, Nguyễn Thế Hoàng Linh, NXB Hội nhà văn, 2011)

 

a. Tác giả văn bản 2 đã đã đề cập đến nước mắt của những đối tượng nào?

b. Tìm 01 thành phần biệt lập trong đoạn văn cuối văn bản 1.

c. Xác định 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

d. Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi em nghĩ đến điều gì? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.

Câu 2. Từ việc hiểu nội dung Ngữ liệu trên và từ trải nghiệm cuộc sống, hãy viết bài văn khoảng 500  chữ trả lời câu hỏi: Phải chăng nước mắt giúp con người trở nên mạnh mẽ?

Câu 3.  Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1.

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

( Trích Ánh tră ng, Nguyễn Duy, SGK Ngữ Văn 9, Tập 1, NXBGDVN, 2023, Trg 156)

Hãy phân tích đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được giá trị của giọt nước mắt. Trình bày những tác động của đoạn thơ đối với bản thân em.

 

 Đề 2.

Tình huống: Có bao giờ em không cho phép mình khóc? Có bao giờ em không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả?

Nhiệm vụ: Hãy chọn giới thiệu một tác phẩm văn học để giúp mình nhận ra được cảm xúc và vơi đi những giọt nước mắt và viết bài văn nghị luận lý giải cho sự lựa chọn của em.

GỢI Ý

Câu 1.

a. Tác giả văn bản 2 đã đã đề cập đến nước mắt của của ong, hoa, chim, sông, mây và con người.

b. Thành phần biệt lập trong đoạn văn cuối văn bản 1:

Thành phần phụ chú: nhất là thất bại đầu đời; nhất là thất bại trong các mối quan hệ;

c. 01 điểm chung và 01 điểm riêng về nội dung của hai văn bản trên.

Điểm chung: Cả hai văn bản đều đề cập đến hình ảnh nước mắt.

Điểm riêng:

- Văn bản 1: Tập trung vào ý nghĩa của việc đối mặt với thất bại và tầm quan trọng của niềm tin (Nhìn nhận nước mắt như biểu tượng của sự thất bại, tổn thương và cả sự mạnh mẽ để vượt qua)

- Văn bản 2:  Miêu tả vẻ đẹp tinh tế và những ẩn dụ của nước mắt trong thiên nhiên.( Nhìn nhận nước mắt như một phần tự nhiên của vạn vật, mang vẻ đẹp riêng và có khả năng tạo ra những điều tốt đẹp.)

d. Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi em nghĩ đến những cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Nước mắt có thể là biểu hiện của sự đau buồn, thất vọng, sự mất mát nhưng cũng có thể là biểu hiện của niềm vui, hạnh phúc, sự đồng cảm và lòng nhân ái. Nước mắt là một phần thiết yếu trong cuộc sống, giúp ta giải tỏa cảm xúc và trưởng thành hơn.

Văn bản 1 đề cập đến nước mắt khi đối mặt với thất bại. Nước mắt ở đây thể hiện sự đau buồn, tổn thương, nhưng cũng là minh chứng cho sự mạnh mẽ và kiên cường của con người.

Văn bản 2 miêu tả vẻ đẹp của nước mắt trong thiên nhiên. Nước mắt của ong là mật, nước mắt của hoa là hương,... cho thấy nước mắt có thể mang đến những điều tốt đẹp.

Hình ảnh nước mắt trong 2 văn bản gợi lên sự đồng cảm và thấu hiểu cho những cảm xúc của con người. Nước mắt là một phần tự nhiên của cuộc sống, giúp ta kết nối với nhau và thêm trân trọng những gì mình đang có.

Câu 2. Phải chăng nước mắt giúp con người trở nên mạnh mẽ?

A. Mở bài

- Nước mắt có thể là biểu hiện của yếu đuối, ngược lại cũng có những giọt nước mắt kim cương của sự mạnh mẽ.

B. Thânbài

* Giải thích:

+ Nước mắt là một phản ứng tự nhiên của con người trước những cảm xúc mạnh mẽ như buồn bã, thất vọng, hay thậm chí là niềm vui sướng tột độ.

+ Mạnh mẽ là khi con người biết đối mặt với những khó khăn, thử thách một cách trực diện, dũng cảm và có trách nhiệm.

+ Câu nói muốn khẳng định Nước mắt không chỉ là biểu hiện của sự yếu đuối mà còn là dấu hiệu của một tâm hồn mạnh mẽ. Con người dám sống thật với cảm xúc của mình

=> Biết cách đối mặt với cảm xúc, biết khóc khi cần thiết và biết đứng dậy sau những giọt nước mắt chính là biểu hiện của một con người mạnh mẽ và bản lĩnh.

* Biểu hiện:

+ Mẹ cha không kìm lại được nước mắt khi ôm lần đầu con mới chào đời, khi nhìn thấy đứa con nhỏ bé với đôi mắt sáng lấp lánh; khi thấy con đạt được thành tựu sau bao nỗ lực và khó khăn…

+ Ta khóc khi làm sai, khi  thấy đau đớn, sợ hãi và cảm thấy áy náy…

+ Chí Phèo đã khóc trong sự thức tỉnh và đổi mới, biểu hiện sự khao khát hoàn lương.

* Phân tích:

- Nước mắt không chỉ đơn thuần là sự thể hiện cảm xúc tiêu cực mà còn là cách để giải tỏa cảm xúc, để bản thân được chữa lành và mạnh mẽ hơn.

+ Nước mắt như một cách để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng, tổn thương một cách an toàn và lành mạnh. Khi tâm lý được giải tỏa, con người cảm thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh hơn, sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt với những khó khăn và thử thách phía trước, có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, sáng suốt và tìm ra giải pháp phù hợp.

+ Việc kìm nén nước mắt có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Thay vì cố gắng che giấu nước mắt, hãy cho phép bản thân được khóc khi cần thiết.

- Nước mắt thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ và lòng trắc ẩn, giúp con người kết nối với nhau.

+ Khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, những mất mát đau thương, con người thường sẽ rơi nước mắt, nước mắt của sự thấu hiểu, đồng cảm, khơi dậy lòng trắc ẩn và thôi thúc con người hành động để giúp đỡ người khác.

+ Nước mắt giúp con người kết nối với nhau bằng những cảm xúc chân thành, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để cùng nhau vượt qua khó khăn

- Nước mắt là lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống, giúp con người trân trọng những gì đang có và sống mạnh mẽ hơn.

+ Nước mắt khiến chúng ta nhận ra rằng bản thân cũng có những lúc yếu đuối, cần được giúp đỡ, nên sống tích cực và mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thử thách phía trước.

- Nước mắt không phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Việc khóc quá nhiều hoặc không kiểm soát được cảm xúc có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

+ Nước mắt có thể khiến con người thêm yếu đuối và chùn bước nhất là khi con người rơi nước mắt vì những lý do tiêu cực như sợ hãi, hối hận, tự ti,... buông xuôi hy vọng và không còn niềm tin vào bản thân.

+ Điều quan trọng là con người cần biết cách kiểm soát cảm xúc và gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, tự nhủ bản thân cần đứng dậy và tiếp tục bước đi, biến những giọt nước mắt thành động lực để ta trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn.

* Phê phán: Thực tế có nhiều bạn trẻ

+  Khóc lóc vì những lý do cỏn con, thiếu kiểm soát bản thân, chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực, tự làm tổn thương bản thân và trở nên yếu đuối hơn.

+ Một số người lại lợi dụng nước mắt để đạt được mục đích cá nhân, gây tổn thương cho người khác. Hoặc tạo sự thương cảm giả tạo, lợi dụng lòng tốt và sự đồng cảm của người khác để đạt được mục đích cá nhân, đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của bản thân, thay vì tự chịu trách nhiệm

* Bài học:

+ Hãy nhớ rằng, nước mắt không phải là điều gì đáng xấu hổ. Hãy trân trọng những giọt nước mắt của bạn, bởi đó là minh chứng cho sự sống, cho những cảm xúc chân thành nhất.

+ Dám sống thật với cảm xúc của mình, trân trọng và bồi đắp những xúc cảm chân thành trong cuộc sống để tâm hồn mỗi người không trở thành một cỗ máy khô cằn, chai sạn trong guồng quay của cuộc sống hiện đại.

+ Cũng không nên gặp chuyện gì cũng thể hiện cảm xúc thái quá, cần phải tìm cách giải quyết sau khi đối mặt với thực tế. Phải can đảm “hành động” để vượt qua những mất mát, khổ đau và những thử thách trong cuộc sống.

+ Để tránh sự lạm dụng và bị lợi dụng của người khác, nước mắt cần phải đi kèm với sự sáng suốt. Nên cẩn thận với những người thường xuyên khóc lóc trong mọi tình huống.

C. Kết bài

- Hãy nhớ rằng, chúng ta không chỉ biết cách khóc, mà còn phải can đảm "hành động" để vượt qua mất mát, khổ đau và thách thức trong cuộc sống.

Câu 3. 

Đề 1.

A. Mở bài

- Nguyễn Duy là một trong những những tác giả viết hay về trăng. Ông là một nhà thơ tiểu biểu của thế hệ trẻ sau năm 1975. Những sáng tác của ông sâu sắc, đa nghĩa, thể hiện sự đa diện của cuộc sống.

- Bài thơ Ánh trăng nói tới hình ảnh quen thuộc trong thi ca, nhưng với một hơi thở hiện đại, mang nhiều suy tư, ý nghĩa ánh trăng trở nên khác biệt.

- Bài thơ là lời ân hận trong tâm sự sâu thẳm của nhà thơ về sự vô tình trước những kỉ niệm thời quá khứ.

- Đặc biệt là hai khổ thơ cuối mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lý và để lại nhiều suy tư về sự thức tỉnh của con người và đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Ngửa mặt lên nhìn mặt

đủ cho ta giật mình

B. Thân bài

1. Khái quát

- Bài thơ mượn đề tài thiên nhiên để nói tới suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ và con người, cuộc đời. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng" đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Ánh trăng đối với Nguyễn Duy không chỉ là ánh trăng tuyệt đẹp của thiên nhiên mà đó còn là ánh trăng của tình nghĩa, ánh trăng của sự thức tỉnh. “Ánh trăng” là lời ca ngợi vầng trăng tri kỉ của tuổi thơ, của người lính một thời trận mạc, đồng thời cũng gợi nhắc mọi người cần biết sống ân nghĩa thủy chung cũng như giữ trọn những đạo lí tốt đẹp.

2. Phân tích

* Khổ 5: Chủ thể trữ tình lặng lẽ đối diện với vầng trăng trong tư thế im lặng cũng chính là quá khứ đối diện với hiện tại, sự thủy chung tình nghĩa đối diện với sự bạc bẽo vô tình

Ngửa mặt lên nhìn mặt

như là sông là rừng

- Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế trực tiếp đối mặt. Hai từ “mặt” trong cùng một dòng thơ: mặt trăng và mặt người đang cùng nhau trò chuyện. Cuộc gặp gỡ không lời giúp con người tự soi chiếu vào chính mình.

+ Phép nhân hóa, từ “mặt” thứ hai chỉ vầng trăng tròn. Đối diện với vầng trăng tình nghĩa, con người dường như thức tình được sự thiện lương: nhìn sâu vào bản thân để thấy lỗi lầm, sự thay đổi của mình

- “Rưng rưng" là khi con tim quặn thắt, cảm xúc dâng cao trực trào nước mắt vì xót xa, vì ân hận. Giọt nước mắt ân hận làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại, cái tốt lành hé lộ.

- Cấu trúc câu thơ song hành, với phép so sánh, liệt kê, điệp ngữ, lặp cấu tứ “như là đồng là bể - như là sông là rừng” diễn tả dòng hoài niệm ùa về và con người thấy trăng là thấy người bạn tri kỉ ngày nào. Cảm xúc chừng như nén lại nhưng cứ trào ra thổn thức.

+ Một cuộc hồi sinh từ kỷ niệm quá khứ êm đềm thơ mộng xen lẫn một nỗi dày vò, ray rứt của lương tâm trong thời khắc hiện tại

Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, ở tính hình tượng và hàm súc, từ ngôn ngữ hình ảnh đi vào lòng người, khắc sâu điều nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.

* Khổ 6: Bài thơ khép lại ở hình ảnh sâu lắng mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lí.

Trăng cứ tròn vành vạnh

đủ cho ta giật mình

- Trăng tròn đầy vành vạnh có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực về sự tròn đầy lung linh của trăng, thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng, gợi quá khứ bạn bè tươi đẹp chẳng thể phai mờ.

+ “Cứ tròn” nghĩa là đã tròn, vẫn tròn và đang tròn. “Tròn vành vạnh” thể hiện trạng thái tươi đẹp nhất của vầng trăng.

+ Việc lặp lại hình ảnh “vầng trăng tròn” nhằm mục đích nhấn mạnh vào vẻ nguyên vẹn nghĩa tình vượt qua tất cả sự nhớ quên của con người. Quá khứ mãi mãi vẫn ở đó vẫn vẹn nguyên tươi đẹp.

- Trăng còn được nhân hóa “kể chi người vô tình - ánh trăng im phăng phắc” gợi thái độ bao dung, nhân hậu nhưng cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc nhất.

+ Sự đối lập giữa hình ảnh một vầng trăng thủy chung và sự thay đổi bội bạc của con người trong hiện tại, im lặng có lẽ là lựa chọn tốt nhất để con người tự vấn lương tâm của mình.

- Kết hợp biện pháp nhân hóa, ẩn dụ cùng các từ láy “phăng phắc”, “vành vạnh”, tác giả gợi ra sự tĩnh lặng của không gian, xoáy sâu vào tâm can người đọc về một sự day dứt.

- Cái giật mình là một phản xạ tự nhiên, thể hiện sự thức tỉnh của nhân vật, cái giật mình của sự ăn năn, hối lỗi về một lối sống bội bạc, lãng quên quá khứ. Không có bất kỳ tòa án nào xét xử sự bội bạc của con người chỉ có duy nhất toà án của lương tâm.

Khổ thơ cuối mang ý nghĩa nhân văn, cái giật mình thức tỉnh của con người từng bội bạc trở nên đáng trân trọng bởi nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm.

3. Đánh giá

"Ánh trăng" là một bài thơ hay. Câu từ trong Ánh trăng của Nguyễn Duy giản dị như một lời bộc bạch tâm sự nhưng lại chất chứa hàm súc những ý nghĩa lớn, ám ảnh và giàu sức gợi.Giọng thơ trầm tĩnh, lối thơ bất ngờ, mới lạ. Cả bài thơ không viết hoa đầu câu và chỉ có duy nhất một dấu chấm cuối bài như là một mạch nguồn cảm xúc dạt dào của nhà thơ đồng thời thể hiện những triết lý suy ngẫm về lối sống.

4. Tác động

Với lời thơ sâu lắng và trầm tĩnh, đoạn thơ trên đã gợi lên nhiều cảm xúc trong người đọc. Nó như một lời thú nhận, một lời nhắc nhở chân thành. chứa đựng nhiều bài học quý giá về cuộc sống, về con người giúp em nhận ra cách sống trân trọng quá khứ, sống tốt đẹp ở hiện tại và hướng đến tương lai tươi sáng.  Quá khứ dù có buồn hay vui, thành công hay thất bại đều là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người. Quá khứ đã hun đúc nên con người em ngày hôm nay, cho em những bài học quý giá và những kỷ niệm đẹp đẽ. Quá khứ là hành trang quý giá để em bước vào tương lai. Trong cuộc sống hối hả, xô bồ, ta dễ dàng bị cuốn theo những cám dỗ, những thú vui nhất thời mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống. Em sẽ trân trọng hiện tại, sống hết mình cho từng khoảnh khắc và đừng để nuối tiếc quá khứ đã qua.

Bài thơ cũng giúp em bài học về việc cần biết đối mặt với bản thân mình, nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm của bản thân để sửa chữa, biết nhìn nhận bản thân, nhìn nhận những gì đã qua để có những thay đổi tích cực trong cuộc sống. Sống một cuộc sống tốt đẹp, có ích cho xã hội, sống một cách chân thành, lương thiện, không nên thờ ơ, vô tình trước những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Em sẽ sống  có ý nghĩa, trọn vẹn,  không để những tháng ngày trôi qua một cách vô nghĩa.

C. Kết bài

Nhà thơ đứng giữa hôm nay và suy ngẫm về một thời đã qua. Tiếng thơ của ông cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với chúng ta. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng day dứt “Đôi khi sống trong ánh nắng chan hòa, người ta dễ quên đi cơn mộng dữ đêm qua”. Bài thơ Ánh trăng là lời nhắc mỗi con người về lẽ sống thủy chung ân tình. Đó cũng là một nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc góp phần hình thành truyền thống tốt đẹp của mỗi con người Việt Nam.

 

Đề 2.

1. Nêu vấn đề:

- Có bao giờ em không cho phép mình khóc? Có bao giờ em không để cho người khác nhìn thấy mình khóc chỉ vì cho rằng khóc là chứng tỏ mình yếu đuối bất lực, và khóc thì chẳng làm được gì hay thay đổi được gì cả?

- Dẫn vào nội dung lựa chọn:

- Đó là lần đầu tiên tôi thấy trân quý những bước đi trong cuộc đời mình như vậy. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, có những cuốn sách được viết trên những trang giấy thấm đẫm nước mắt đớn đau, bằng sự run rẩy của một đôi tay đang ngày càng kiệt sức? "Một lít nước mắt" của Kito Aya là một cuốn sách như vậy. Từng câu, từng chữ, từng nét bút, tất cả đều được viết nên bởi sự cố gắng của một ý chí kiên cường.

2. Giới thiệu tác phẩm và nêu ý nghĩa: (Theo https://spiderum.com/bai-dang/Review-sach-Mot-lit-nuoc-mat-Zu93YlU8gh1Q)

- “Một lít nước mắt” là cuốn nhật ký của Kito Aya, một cô gái trong trẻo, thuần khiết, và luôn chất chứa trong lòng rất nhiều những mơ ước đẹp đẽ. Cuốn nhật ký này, thật đáng tiếc, đã phải dừng lại vào những ngày của tuổi 25. Bởi vì thiên thần bé nhỏ ấy đã rời khỏi thế gian này, sau gần 10 năm kiên trì chiến đấu với căn bệnh quái ác đã luôn đeo bám và hành hạ cô.

Như cái tên của cuốn sách, đây là một câu chuyện buồn, và có thể sẽ khiến bạn rơi nước mắt. Nhưng mình cho rằng bạn nên đọc cuốn nhật ký này, bởi vì đọc rồi, bạn mới thấy được cái dáng vẻ mạnh mẽ và kiên cường của một cô bé dù chỉ mới mười mấy tuổi thôi nhưng đã phải đối mặt với những đớn đau khủng khiếp như vậy. Bạn sẽ thấy bên trong cô gái nhỏ ấy là một sức sống mãnh liệt, là niềm tin yêu cuộc sống, là những sắc màu tràn ngập trong cái thế giới tưởng chừng như chỉ có một màu xám của đau buồn và bất lực.

- Đây là câu chuyện của Aya Kito, cô gái đã dùng sự đa cảm để biến cuộc đời ngắn ngủi của mình thành những nốt nhạc trầm bổng và đầy yêu thương.

15 tuổi, Aya phát hiện ra chân mình không còn có thể đi đứng một cách bình thường, không thể chống tay khi ngã, cũng không thể phản ứng một cách nhanh nhẹn. Cô được chẩn đoán là đã mắc bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não – một loại bệnh khiến cho người ta dần mất đi khả năng vận động cơ bản như ăn, uống, cầm, nắm, đi lại, nói chuyện,...

Những năm tháng sau đó, cô đã phải vật lộn với cái cơ thể ngày càng yếu ớt của mình. Mặc cho bao nhiêu cố gắng, mặc cho bao nhiêu hi vọng, cô vẫn phải đau đớn chấp nhận cái sự thật rằng cô sẽ chẳng thể nào có lại một cơ thể bình thường như trước. Điều duy nhất mà cô có thể làm là kiên trì nỗ lực để làm chậm tốc độ của căn bệnh.

Aya, cô chỉ mới mười mấy tuổi, cái độ tuổi mà đáng lí ra cô phải được tự do chạy nhảy và nói cười. Cái độ tuổi mà đáng lí ra cô vẫn còn đang được ngồi thả hồn trong lớp học, mơ mộng về một tương lai đẹp đẽ. Cái độ tuổi mà đáng lí ra cô sẽ diện những chiếc váy thật xinh xắn, tạo những kiểu tóc thật đáng yêu, rồi tung tăng vui đùa cùng bạn bè. Cái độ tuổi mà đáng lí ra...

Nói ra chỉ thêm đau lòng, nhưng nếu chúng ta đã cảm thấy xót xa như thế, Aya đã phải trải qua những cảm xúc như thế nào cơ chứ. Ấy thế nhưng, cô vẫn chiến đấu. Với cái dáng vẻ nhỏ bé ấy, với cái khuôn mặt hồn nhiên ấy, cô chưa từng có suy nghĩ sẽ từ bỏ cuộc đời. Như một đóa hoa hướng dương hiên ngang dưới ánh mặt trời, người ta cảm nhận được ở cô một ý chí và tâm hồn rạng rỡ, chan hòa ấm áp.

Thời gian dần trôi, đôi chân cô đã không còn đi được nữa, phải ngồi xe lăn. Đôi tay cũng trở nên run rẩy, không còn có thể tự xúc cơm ăn một cách bình thường. Bút cũng không thể cầm, chữ viết cũng không còn có thể đọc được, giọng nói cũng không còn tròn vành. Suốt cả hành trình chống chọi lại căn bệnh quái ác này, cô đã khóc rất nhiều lần, nhưng cái khát khao được sống vẫn luôn rực cháy trong cô. Giữa cái số mệnh đớn đau, cô bé ấy vẫn tìm được ánh sáng cho riêng mình, giữ lấy cái vẻ lạc quan và niềm tin mãnh liệt vào cuộc đời và vào chính bản thân mình.

Aya ấy nhé, dù mang trong mình căn bệnh kinh khủng như thế nhưng vẫn luôn là mặt trời bé nhỏ, truyền hơi ấm đến những bệnh nhân khác. Cô đem cho họ mong muốn được sống, cô ôm lấy họ và cầu chúc cho họ mau khỏe mạnh, cô kể cho họ câu chuyện mình đã đau khổ ra sao, và đã vực dậy như thế nào, và cô mỉm cười với họ. Những suy nghĩ thuần khiết và trong trẻo của cô như một thứ ánh sáng dịu ngọt, lan tỏa khắp cái bệnh viện ám đầy những thứ mùi của thuốc và chất sát trùng.

“Thử đặt tay lên lồng ngực,

Cảm nhận tiếng đập thình thịch

Tim mình đang hoạt động

Hạnh phúc làm sao, mình còn sống.”

Làm sao một cô gái bé nhỏ như Aya lại giữ được sức sống mãnh liệt như vậy, làm sao cô có thể lạc quan đến vậy? Chỉ khi đọc từng dòng nhật ký của cô, bạn mới có thể cảm nhận được điều đó.

- Thành thật mà nói, khi đọc xong cuốn sách này, lòng mình có chút buồn. Nhưng nó không phải kiểu buồn day dứt, buồn tức tưởi, buồn đến ám ảnh. Chỉ là, mình cảm thấy thương Aya, và cũng cực kì ngưỡng mộ cô. Những gì cô viết trong suốt chặng hành trình ngắn ngủi này đã khiến mình nhận ra một điều: Sự bình thường vốn là một món quà.

Trước kia, mình luôn canh cánh trong lòng một câu hỏi: “Phải làm sao nếu mình không thể trở thành ai cả, chỉ là một người bình thường, sống một cuộc đời mờ nhạt, không dấu ấn?”

Giờ thì, câu hỏi sẽ là: “Sẽ ra sao nếu mình không thể là một người bình thường? Không thể chạy nhảy, không thể nô đùa, không thể hít thở, không thể nói cười thoải mái như bao người? Không cảm nhận được buồn vui, không biết yêu thương, không biết bình yên là gì?”

Aya đã nói như thế này, “Thay vì cứ mải miết đi tìm những gì đã mất, hãy xem trọng những gì còn lại của mình.”

Đó là cách mà cô vẫn tìm được sắc vàng ấm áp giữa một cuộc đời đầy biến cố của mình.

Phải đau đớn và suy sụp đến mức nào khi biết bản thân chẳng còn có thể điều khiển được đôi chân của mình, rồi đến cả cơ thể của mình nữa. Không thể ôm những người mình yêu, cũng không thể nói những lời yêu thương với họ, chữ viết thì run rẩy đến mức không ai có thể đọc được. Aya, dù mang trong người căn bệnh như vậy nhưng vẫn không từ bỏ khao khát được sống, vẫn tìm thấy được những điều nhỏ bé đẹp đẽ của cuộc sống. Cô ấy như vậy, bản thân mình có tư cách gì mà bất mãn với cuộc đời cơ chứ.

Thế nên, chỉ cần còn thở, chỉ cần còn có thể nhìn thấy bầu trời xanh, vậy thì không có điều gì là quá tồi tệ cả. Mọi khó khăn, mọi đau buồn, mọi vấp ngã, tất cả rồi sẽ ổn mà thôi. Đừng vì thế mà căm ghét cuộc đời, nhé.

3. Tác động:

Đây không phải là một câu chuyện kết thúc có hậu như những câu chuyện cổ tích mà chúng ta hay đọc, nhưng “Một lít nước mắt” là một câu chuyện có sức thuyết phục và truyền cảm sâu sắc.  Câu chuyện của Aya chính là lời truyền cảm hứng sâu sắc nhất cho biết bao thế hệ con người đang còn sống, dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Lần giở từng trang nhật kí của một con người cách đây vài thập kỉ, để ý nghĩ bước đi trên từng con chữ không hề màu mè, hoa mỹ mà chân thực, giản đơn, trên những tâm tư, nỗi niềm sâu lắng của cô gái ấy, để hiểu hơn về cuộc đời của cô, và để rút ra cho chính bản thân mình những bài học quý giá. Hãy sống, hãy yêu cuộc sống mà mình đang có. Hãy sống cuộc sống như Kito Aya luôn ao ước – đó là hãy sống đẹp, và ý nghĩa.

Câu chuyện của Aya đã lan tỏa thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, mang đến động lực cho những ai gặp khó khăn và tưởng chừng sắp bỏ cuộc vì sự nản lòng trong phút chốc. Con người nên biết trân trọng cuộc sống, sinh mạng và những người bên cạnh ta hiện tại bởi vì họ vẫn còn nhiều cơ hội phía trước, đừng để mất đi rồi mới nhận ra mọi thứ đã quá muộn.Tác phẩm còn chứa đựng những bài học đắt giá về tình cảm con người trong xã hội, từ đó giúp độc giả biết yêu thương những người kém may mắn hơn mình.