Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Cảm nhận vẻ đẹp trẻ trung yêu đời của nhân vật Phương Định trong đoạn trích sau:

 

Cảm nhận vẻ đẹp trẻ trung yêu đời của nhân vật Phương Định trong đoạn trích sau:

Bây giờ là buổi trưa. Im ẳng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bỏ ra mà cười một mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo:"Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".

Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói năng.

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hằng ngày. Tôi không săn sóc, vốn và. Khi bọn con gái xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi, Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.

( Trích Những ngôi xa xôi, Lê Minh Khuê, SGK Ngữ Văn 9 tập 2, NXBGDVN, 2023, trg.114,115)

 

BÀI LÀM

Lê Minh Khuê được đánh giá là cây bút độc đáo với những tác phẩm truyện ngắn về cuộc sống chiến đấu trong bom đạn của tuổi trẻ trong thời kỳ bấy giờ, đặc biệt là những người anh hùng thầm lặng trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm điển hình của nhà văn về đề tài này. Với sự sắc sảo trong ngòi bút, Lê Minh Khuê đã khắc hoạ chân thực cuộc đời của những cô gái tuổi còn đôi mươi nhưng cháy trong tim khát vọng tuổi trẻ mãnh liệt và nồng nàn tình yêu nước. Qua những lời tâm sự của nhân vật Phương Định những cô gái thanh niên xung phong hiện lên trẻ trung, vui tươi và tràn đầy sức sống,yêu đời, khao khát hạnh phúc cùng nét thanh xuân chưa bao giờ bị khuất lấp bởi khói đạn. Ta có thể cảm nhận được rõ nét vẻ đẹp trẻ trung hồn nhiên đầy lạc quan của nhân vật Phương Định trong đoạn cô tự nói về mình “ Bây giờ là buổi trưa…. có ngôi sao trên mũ”.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” viết về đề tài chiến tranh không khô khan ngược lại còn lắng đọng nhiều cảm xúc bồi hồi, da diết. Xuyên suốt Những ngôi xa xôi là cuộc đời của những cô gái tuổi xuân thì đang làm nhiệm vụ phá bom, mở đường cho xe qua trên dãy Trường Sơn. Truyện xoay quanh ba nữ thanh niên xung phong gồm Nho, Thao và Phương Định đang làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường tại Trường Sơn. Công việc của các cô gái ấy đầy rẫy những hiểm nguy khôn lường. Những cô gái phải chạy lên cao điểm giữa ban ngày, rồi phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để ước tính và đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ, và cần thì phá bom. Nhiệm vụ ấy vô cùng thiêng liêng và quan trọng, nhưng cũng đầy hy sinh và gian khổ. Phương Định sẵn sàng rời bỏ cuộc sống nhàn hạ phồn hoa để lên đường chiến đấu với cuộc sống nơi chiến trường đầy gian khổ ác liệt. Mặc dù công việc nhiều hiểm nguy bủa vây, khi sống chết chỉ còn trong gang tấc nhưng Phương Định vẫn luôn giữ được vẻ hồn nhiên trong sáng của tuổi trẻ, lòng lạc quan đầy mộng mơ và lý tưởng.

Phương Định, bên cạnh lý tưởng cùng tinh thần chiến đấu quả cảm, là nét tính cách mơ mộng và hồn nhiên – một vẻ đẹp tâm hồn trong sáng. Chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt tiếng bom. Nhưng chiến tranh trong văn Lê Minh  Khuê còn có cả tiếng hát, tiếng hát của Phương Định: “Bây giờ là buổi trưa. Im ẳng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bỏ ra mà cười một mình.” Kết thúc những giây phút căng thẳng nơi cao điểm, xong việc là cô gái thở phào và sà ngay vào một thế giới khác – thế giới của những cô gái nữ tính đầy mơ mộng. Phương Định thích hát, nghêu ngao suốt cả  ngày với những bản nhạc không đầu không cuối với đủ các chủ đề. Giữa chiến trường im ắng, Phương Định vẫn khe khẽ hát. Tiếng hát của tâm hồn yêu đời, lạc quan. Vào chiến trường đã ba năm, làm quen với những thử thách hiểm nguy, giáp mặt  hàng ngày với cái chết nhưng ở  Phương Định không mất đi sự hồn nhiên trong sáng. Cô thường cất tiếng hát để động viên bản thân và đồng đội và tiếng hát du dương ấy đã phần nào xoa dịu tháng ngày khốc liệt nơi tiền tuyến. Thích hát để rồi Phương Định còn bịa ra cả lời bài hát. Lời  bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến chính tác giả của chúng cũng ngạc nhiên, đôi khi bỏ ra mà cười một mình. Cô cười một mình khi nhận ra sự ngớ ngẩn trong lời hát. Phải chăng chính tâm hồn yêu đời đã mang đến cái  bình thản cho cô gái trẻ giữa chiến trường đầy ác liệt. Điều này cũng hé lộ vẻ đẹp phong phú nơi tâm hồn. Phương Định vô tư, hồn nhiên và tinh nghịch. Tác giả đã đặt cái lãng mạn, cái  hồn nhiên bên trong cái tàn khốc, chết chóc. Tiếng hát át tiếng bom. Tiếng hát của Phương Định mang lý tưởng sống, khát khao về quê hương về tình yêu tuổi trẻ, khát vọng sự thanh bình…  Sự sống nảy sinh từ  cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ” (Nguyễn Khải). Đó phải chăng  là thông điệp ý nghĩa mà nhà văn mang đến cho độc giả?

Cũng như bao cô gái mới lớn, Phương Định có một tâm hồn nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá.. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn". Cô gái đó biết mình đẹp. Phương Định vui và tự hào về điều đó. Cô mang nét đẹp của một cô gái Hà Nội với vẻ đẹp truyền thống và một thần thái đầy tự tin và kiêu hãnh. Mái tóc với “hai bím tóc dày và mềm” đẹp tự nhiên và được chăm sóc cẩn thận biểu hiện của nữ tính và duyên dáng.  Cái cổ  Phương Định cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp hình thể mà còn thể hiện sự tự tin và niềm tự hào về bản thân.. Và cô thích ngắm mình trong gương, nhất là đôi mắt. Đôi mắt “dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói năng” nhìn  xa xăm “gợi lên  một tâm hồn phong phú. Chiến trường khốc liệt nhưng không đốt cháy nổi tâm hồn nhạỵ cảm của cô. Cô biết mình đẹp và được nhiều người để ý: “Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hằng ngày”. Điều đó làm cô thấy vui và tự hào. Biết mình được cánh lính trẻ để ý nhưng cô ‘không săn sóc, vồn vã’, không biểu lộ tình cảm của mình, nhưng chưa để lòng mình xao động vì ai : “thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt.” Đó là cái vẻ kiêu kì đáng yêu của các cô gái Hà Nội như chính cô đã thú nhận : “chẳng qua là tôi điệu đấy thôi”. Lê Minh Khuê đã rất tinh tế khi phát hiện ra cái nét tâm lí kiêu ngầm ấy ở Phương Định. Đó là cái kiêu ngầm của một cô gái trẻ có ý thức sâu sắc về vẻ đẹp cuộc sống. Chính nét tâm lí rất đời thường, rất con gái này khiến nhân vật Phương Định càng trở nên gần gũi, chân thực và đáng yêu.

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Phương Định ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn rất tươi xanh của tuổi trẻ, của nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam.  Phương Định dành tất cả tình cảm ngưỡng mộ sâu sắc đối với những người lính, những người đã hy sinh và chiến đấu vì đất nước: “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.” Phương Định coi những người lính là những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất. Cô yêu nước và cũng yêu luôn cả những anh chiến sĩ đi qua cao điểm. Đó không phải tình yêu nam nữ đơn thuần mà là tình cảm thiêng liêng giữa đồng bào với đồng bào, chứa chan niềm tự hào dân tộc. Cô sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc cá nhân để nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ chính là những đoá hồng vươn lên từ biển lửa, tô thắm thêm màu đỏ chói lọi cho dãy Trường Sơn. Bằng ngôn ngữ giản dị, giọng điệu vô cùng tự nhiên, Lê Minh Khuê đã cho độc giả thấy được sự hồn nhiên nhưng không kém phần chững chạc trong cách suy nghĩ của cô chiến sĩ trẻ nơi tiền tuyến.

Những ngôi sao xa xôi có cách kể chuyên tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất và người kể chuyện cũng là nhân vật chính, tạo ra một điểm nhìn phù hợp để miêu tả hiện thực của cuộc chiến đấu ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, làm cho câu chuyện chân thực hơn. Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện – một cô gái thanh niên xung phong trẻ trung người Hà Nội – tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và có chất nữ tính. Tất cả đã giúp nhà văn  làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh nhưng rất hổn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ánh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng nỗi đau về trận chiến năm xưa vẫn còn âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Tác phẩm không chỉ để lại trong lòng người đọc ký ức về một thời chiến đấu oanh liệt mà còn làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Văn học là hành trình từ trái tim đến trái tim, chính vì thế nên những giá trị nhân văn sâu sắc mà Lê Minh Khuê truyền tải trong tác phẩm đã thành công chinh phục nhiều thế hệ độc giả. Những ngôi sao xa xôi sẽ cho chúng ta được chiêm ngưỡng bức tranh thời chiến đầy chân thực nhưng cũng không kém phần sâu lắng về những con người đã không tiếc máu xương cho hoà bình, độc lập.