Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Phân tích khổ 4_5 Mùa xuân nho nhỏ - Liên hệ bài học cuộc sống; Khổ 4 Viếng lăng Bác

 


Nếu phải chọn ra ý nghĩa nhân văn nhất của thơ ca trong đời sống thì đó là việc thơ ca đã cống hiến cho cuộc đời này những tiếng lòng đẹp đẽ, những mảng sáng cao thượng trong tâm hồn của các thi nhân. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải xứng đáng mang ý nghĩa cao đẹp ấy. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời. Ước nguyện dâng hiến cao đẹp ấy được nhà thơ Thanh Hải thể hiện chân thành qua các câu thơ đầy xúc động:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù la khi tóc bạc.

Thanh Hải là nhà thơ xứ Huế. Vùng đất hữu tình với con sông Hương thơ mộng và núi Ngự Bình trang nghiêm vun đắp cho hồn thơ Thanh Hải bay cao. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được nhà thơ sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu. “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng thơ đầy cảm hứng đón nhận thanh sắc, đất trời mùa xuân, cảm nhận đầy tự hào về bước đi lên thanh xuân của đất nước. Tác giả đã cảm nhận được một mùa xuân trỗi dậy từ tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của cống hiến và hoà nhập.

 Đọc hai khổ thơ lòng ta bồi hồi, xao xuyến về ước nguyện cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Với thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca nhẹ nhàng tha thiết, giàu hình ảnh, cấu trúc thơ chặt chẽ mang một nét đặc sắc riêng. Vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân được Thanh Hải thể hiện một cách chân thành, tha thiết, bằng giọng văn nhỏ nhẹ như lời tâm sự, lời gửi gắm của mình với cuộc đời:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

        Tác giả không mơ một giấc mơ vĩ đại, không ước vọng lớn lao, chỉ là những mong muốn đơn sơ bình dị. Thanh Hải suy nghĩ về mình, về trách nhiệm đóng góp của mình trong mùa xuân của đời. Nếu ở khổ thơ đầu mùa xuân thiên nhiên được báo hiệu bằng hình ảnh một bông hoa đang nở rộ, bằng âm thanh thanh thót của tiếng chim chiền chiện thì giờ đây nhà thơ cũng muốn làm con chim hót, một cành hoa để góp phần làm nên một mùa xuân đẹp cho đời. Trong cái lớn lao của đất trời vào xuân, nhà thơ Thanh Hải chỉ muốn góp phần làm một tiếng chim trong giọng hót của muôn loài chim để âm thanh thêm rộn rã, tưng bừng, mang niềm vui đến cho mọi người. Làm một cành hoa trong hương sắc của muôn hoa để góp thêm vẻ đẹp tươi thắm rực rỡ cho đời. Đặc biệt hơn nữa là tác giả còn muốn làm một nốt trầm trong bản hoà tấu muôn lời muôn điệu của cuộc sống. Tác giả chỉ muốn làm một nốt trầm không vút cao, chỉ là một nốt trầm phụ bè của giàn hợp xướng làm nền cho bè vút lên nhưng là một nốt trầm xao xuyến lòng người, làm cho đời sinh động đáng yêu. Số từ “một” đặt trước “cành hoa”, “nốt trầm” thể hiện sự khiêm tốn của nhà thơ. Không làm được một vườn hoa thì hãy làm một bông hoa bé nhỏ. Không làm một giàn hợp xướng thì hãy làm một nốt trầm xao xuyến. Đọc từng câu thơ, ta thấy nhịp thơ hối hả, gấp rút như nhịp sống quê hương, như ước mong cháy bỏng mà khiêm tốn của nhà thơ được dâng hiến cho đời.

Chỉ xin làm một bông hoa, một tiếng chim, một nốt trầm để tô điểm làm đẹp, làm vui cuộc sống. Ước nguyện của nhà thơ sao mà đáng yêu, gần gũi lạ kì. Ước nguyện hoá thân của nhà thơ không cao xa, vĩ đại mà gần gũi thân thương. Những ước muốn tưởng như giản dị ấy lại có một ý nghĩa lớn lao đó là phải đóng góp những gì tươi đẹp nhất cho cuộc đời, cho đất nước, dù đó là sự cống hiến khiêm nhường, giản dị. Điều đó không chỉ ước muốn của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, tất cả chúng ta. Thông qua việc chuyển đổi đại từ “tôi” sang “ta”, nguyện ước riêng đã trở thành nguyện ước chung.

Không những vậy, khát vọng cống hiến ấy rất khiêm tốn, thầm lặng không ngừng nghỉ. Khiêm tốn ở chỗ tất cả ước nguyện của nhà thơ đọng lại ở hai câu thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Hình ảnh thơ ở đây lặp lại nhan đề “mùa xuân nho nhỏ” là điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ. Mùa xuân là một khái niệm về thời gian. Vậy mà nhà thơ đã cụ thể hoá thành hình khối nho nhỏ để thể hiện tấm lòng mình. Không phải là một mùa xuân xanh, một mùa xuân hồng mà là một mùa xuân nho nhỏ. Chính với khát vọng làm một tiếng chim hót, làm một cành hoa xinh, làm nốt nhạc trầm là Thanh Hải đã tạo ra một mùa xuân nho nhỏ để hoà mình vào mùa xuân lớn lao của đất nước. Từ láy “nho nhỏ” và điệp ngữ “lặng lẽ” kết hợc động từ “dâng” đã nói lên thái độ tự nguyện, chân thành cống hiến cho đất nước suốt cuộc đời mình. Dâng hạnh phúc, sự sống cho đời. Nhưng trong cái xuân đời riêng vào mùa xuân bao la bất tận của cuộc đời là khát vọng khiêm tốn đáng yêu của một người thiết tha muốn cống hiến cho tổ quốc và ý thức rất rõ giới hạn của cá nhân mỗi người trước cái vô hạn rộng lớn của cuộc đời.

Điều đáng quý là nhà thơ không muốn cống hiến một cách phô trương mà cống hiến một cách âm thầm lặng lẽ. Điểm đáng nổi bật ở đây là tác giả Thanh Hải dẫu chỉ mong được đóng góp cho đời một mùa xuân nho nhỏ một cách thầm lặng nhưng lại miệt mài không dứt, không ngừng nghỉ dù trẻ hay tuổi già .

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Mùa xuân nho nhỏ chính là tấm lòng đáng quý của nhà thơ Thanh Hải đối với cuộc đời.  Lời thơ rắn rỏi, điệp ngữ "dù là" khẳng định thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người, mang ý nhấn mạnh giúp tác giả thể hiện thành công Ước nguyện dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình cho mùa xuân lớn của đất nước. Tuổi trẻ cống hiến hi sinh, bất chấp thách thức thời gian, tuổi già bệnh tật khẳng định quyết tâm cống hiến không giới hạn. Khát vọng ấy đã trở thành tâm nguyện bất diệt, khẳng định tình yêu tha thiết đối với cuộc sống và quê hương, đất nước của nhà thơ. Biết rằng tác giả đang nằm trên giường bệnh khi sáng tác bài thơ này. Thấy được thái độ lạc quan, những khát vọng của ông, ta cảm thấy ông thật đáng quý, đáng khâm phục biết bao. Ý thức về trách nhiệm đối với quê hương đất nước, khát vọng được sống được cống hiến trở thành lẽ sống trong cuộc đời tác giả. Lời thơ không chỉ là ước nguyện của riêng một nhà thơ mà còn là lời kêu gọi mọi người hãy chung vai gắng sức xây dựng một cuộc đời tươi đẹp trong tương lai. Tâm nguyện này, ta bắt gặp đâu đó trong những vần thơ của Tố Hữu :

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

 Sự hi sinh âm thầm, lặng lẽ hiến dâng tài năng, sức lực, tuổi trẻ cho cuộc đời nào phải chỉ có trong thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” cũng đã khắc họa nên bức chân dung nhân vật anh thanh niên cùng nhiều nhân vật khác. Họ chính là minh chứng sinh động nhất của hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” mà Thanh Hải gửi gắm đến chúng ta qua bài thơ cuối đời của ông.

Với thể thơ 5 chữ, cách gieo vần đầy biến hóa, câu thơ giàu nhạc điệu đặc biệt hình ảnh bất ngờ lí thú "Một mùa xuân nho nhỏđã thể hiện khát vọng sống cao đẹp, muốn làm "Một mùa xuân nho nhỏ" dâng hiến cho cuộc đời. Từ đó mở ra một suy nghĩ về ý nghĩa giá trị sống của mỗi cá nhân là sống có ích, cống hiến cho cuộc đời chung. Đó là lẽ sống đẹp sống cống hiến cho cuộc đời một cách khiêm nhường, tha thiết.

Liên hệ bài học cuộc sống

Từ ước nguyện của nhà thơ, mỗi chúng ta hôm nay - những người con của dân tộc Việt Nam hôm nay, những người sống trong mùa xuân đất nước có suy nghĩ gì? Xác định cho mình lí tưởng sống ra sao? Vâng! Không thể khác chính là học tập rèn luyện và tu dưỡng thật tốt, tránh xa những trò chơi vô bổ, tránh xa những đam mê chết người. Tránh xa những cám dỗ tầm thường, những toan tính nhỏ nhen ích kỷ. Nếu không được như Thanh Hải chỉ dâng hiến thì cũng hãy như Tố Hữu: Cho và nhận, vay và trả và phải là con chim biết hót chiếc lá phải xanh. Hãy sống và học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Hãy sống có lí tưởng có hoài bão có niềm tin. Phải có kiến thức có nghị lực và khát vọng đi lên. Thiết thực hơn chúng ta hãy vì nụ cười, vì niềm vui trong mỗi gia đình, vì nước Việt Nam thân yêu. Hãy gắn bó yêu thương đoàn kết và chia sẻ. Từ mỗi lời tuyên truyền với gia đình cộng đồng; Từ việc chăm sóc mẹ cha đến dạy dỗ con trẻ; Từ giữ gìn nếp sống văn hóa nơi cơ quan trường học. Hãy trách nhiệm hơn với thế giới xung quanh. Không thờ ơ khi thấy một người đi đường bị bắt nạt, không như ai kia nhìn thấy kẻ gian móc ví lấy tiền không giám can ngăn. Từ biết xấu hổ là khi... hay hân hoan là lúc...; Từ chăm chỉ lao động xây dựng quê hương mỗi ngày một tươi đẹp hơn; Từ việc làm vì người khác nhiều hơn. Đừng để phải ngậm ngùi nuối tiếc về sau. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta và hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?".  

Hai khổ thơ đã làm lay động tâm hồn người đọc, không chỉ bởi chất nhạc vấn vương, không chỉ bởi giai điệu vừa thiết tha vừa hào hùng thôi thúc mà còn bởi nguyện ước chân thành và khiêm tốn của nhà thơ. Nguyện ước ấy đâu còn của riêng Thanh Hải.  Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp đáng quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc đoạn thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh Hải đã sống.

Liên hệ khổ 4 Viếng lăng Bác

  Và ta cũng bắt gặp ước nguyện tha thiết chân thành được hoá thân, hoà nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác, ước nguyện sống đẹp, trung thành với lí tưởng của Bác, của dân tộc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.  Viễn Phương bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng đã diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ. Từ tình cảm thành kính, ngưỡng mộ mà toàn dân tộc Việt Nam dành cho Bác nhà thơ đã truyền cảm xúc của mình đến với người đọc khi nguyện làm tiếng chim hót, làm bông hoa đẹp , làm cây tre trung hiếu và sẵn sàng làm muôn ngàn công việc tốt để kính dâng Người :

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng

Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén, ẩn giấu trong lòng mà được bộc lộ thể hiện ra ngoài. Tác giả không thể nào ngăn được nữa những dòng nước mắt trào dâng và tha thiết: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Được gần Bác dù chỉ trong giây phút nhưng không bao giờ ta muốn xa Bác bởi Người ấm áp quá, rộng lớn quá. Câu thơ thật bình dị nhưng chứa chan tình thương ấp ủ sâu lắng tận đáy lòng làm cho mỗi chúng ta khi đọc lên cảm thấy vô cùng xúc động. Cũng xuất phát từ tình cảm đó cho nên nhà thơ có ước nguyện thành kính và đây có thể là ước vọng chung của tất cả mọi người đã một lần hoặc chưa một lần gặp Bác.

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Điệp ngữ “Muốn làm” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn thơ thể hiện ước nguyện muốn tự nguyện tự giác của Viễn Phương. nhà thơ muốn làm con chim hót dâng tiếng hót vui. Muốn làm bông hoa dâng hương thơm và sắc đẹp, muốn làm cây tre trung hiếu canh giữ cho lăng Bác ngày đêm. Hình ảnh cây tre lại xuất hiện ở đoạn cuối bài thơ làm nhiệm vụ khép lại bài thơ một cách khéo léo , tạo cho người đọc một ấn tượng mạnh mẽ khó phai mờ. Hình tượng tre được chuyển hóa: “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”, nghĩa là muốn hóa thân thành một cây tre trong hàng tre kia để luôn được ở bên Bác. “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn với Bác, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã đưa đường chỉ lối. Đó là lời hứa thủy chung của riêng nhà thơ và cũng là ý nguyện của đồng miền Nam, của mỗi chúng ta nói chung với Bác. Nhân dân Việt Nam sẽ luôn đứng cùng với nhau, đoàn kết, kiên cường trước mọi biến chuyển. Đó cũng chính là mong mỏi của Bác lúc sinh thời. Những nguyện ước nhỏ bé ấy của tác giả Viễn Phương vừa chân thành lại vừa sâu sắc. Khổ thơ khép lại là cảm giác chia tay, xa cách về không gian địa lý, thời gian nhưng nó lại gần gữi trong ý chí và tình cảm, lòng trung hiếu.

Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất. Lời nguyện ước khi phải rời xa người mình kính yêu nhất luôn là những lời nguyện ước đáng tin nhất... Đều xuất phát từ những cảm xúc chân thành nhất của các tác giả và tình yêu của họ đối với cuộc sống, đất nước với vị lãnh tụ kính yêu nên ước nguyện sống đẹp, sống cống hiến của các tác giả thật đáng tin theo. Bằng việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ mới mẻ, sáng tạo độc đáo, làm nâng những hình ảnh mộc mạc, giản dị trong thiên nhiên lên thành những khát vọng cống hiến cao đẹp trở nên thật lôi cuốn, gây nhiều cảm xúc cho ngưòi đọc. Thanh Hải và Viễn Phương đã giải bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó hai ông đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau, để thơ mãi trường tồn.  Khiến mỗi người đọc suy nghĩ về bản thân từ đó nuôi dưỡng trong lòng mình những đức tính tốt, trui rèn đạo đức, kiến thức để có thể xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, vững mạnh.

Có tình yêu nào rộng lớn hơn tình yêu quê hương đất nước? Thấm nhuần tâm tư, ước nguyện của hai nhà thơ, chúng ta càng thêm tin yêu vào mùa xuân của đất nước và “mùa xuân nho nhỏ” trong lòng mình. Chúng ta muốn cùng con chim chiền chiện hót lên khúc ca ngọt ngào gọi xuân về, học thành tài để trở thành cây tre trung hiếu của đất nước, góp phần công sức nhỏ bé để tô điểm cho mùa xuân cuộc đời thêm đẹp.