Mỗi con người
sinh ra đều có gia đình, quê hương, nguồn cội. Nơi ấy đã nuôi dưỡng ta lớn, dạy
ta bài học đường đời đầu tiên, cho ta từng ấy thời gian yêu thương, san sẻ. Hai
tiếng quê hương luôn là đề tài truyền cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Y
Phương – một nhà thơ của núi rừng Tây Bắc, nhà thơ của hoa ban, hoa gạo và những
dòng suối rì rào – đã truyền tình yêu gia đình, yêu quê hương, niềm tự hào dân
tộc vào Nói với con thông qua lời của một người cha nhắc nhở con trước lúc con
lên đường. Cả bài thơ là từng lời chân thành, mộc mạc trong đó khổ đầu với những
ý thơ đẹp, Y Phương đã gửi vào lòng người tình cảm gắn bó với gia đình, quê
hương, đó là tình cảm thiêng liêng đáng giữ gìn:
Chân phải
bước tới cha
Chân trái
bước tới mẹ
Một bước chạm
tiếng nói
Hai bước tới
tiếng cười
Người đồng
mình yêu lắm con ơi
Đan lờ caì
nan hoa
Vách nhà
ken câu hát
Rừng cho
hoa
Con đường
cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi
nhớ về ngày cưới
Ngày đầu
tiên đẹp nhất trên đời.
Gia đình! Tiếng
gọi thân thương bắt đầu cho mọi tình cảm tốt đẹp của con người. Gia đình là cái
nôi ấm là điểm tựa vững chắc của mỗi người làm bến đỗ bình yên sau những gian
truân vất vả của cuộc đời. Nơi ấy là nơi mẹ về sau buổi chợ trưa với vành nón
lá “quê hương là cầu tre nhỏ/ mẹ về nón lá nghiêng che” (Quê hương – Đỗ
Trung Quân). Là nơi có cha tẩn mẩn gọt từng nan tre là cho con cánh diều be bé.
Gia đình là nơi con bước những bước đầu tiên chập chững, là nơi lưu giữ tiếng
nói,tiếng cười con trẻ. Xuyên suốt toàn bộ mạch cảm xúc của khổ thơ đong đầy sự
đầm ấm và yên vui của tình cảm gia đình tình yêu quê hương đất nước.
Trong bốn
dòng thơ đầu bài thơ là hình ảnh của người con lớn lên trong tình cảm gia đình
êm ái yêu thương. Ở đó còn toát lên tình yêu thương dạt dào sâu nặng và
người cha dành cho đứa con thân yêu của mình:
Chân phải
bước tới cha
Chân trái
bước tới mẹ
Một bước chạm
tiếng nói
Hai bước tới
tiếng cười.
Hiện lên qua từng
con chữ vần thơ là một mái nhà đầm ấm yên vui có cả cha có mẹ và có cả con. Ở
đó, cha mẹ đã dìu dắt và nâng đỡ con từng bước đi tiếng nói nụ cười đầu tiên
trong cuộc đời. Bằng những từ ngữ giàu hình ảnh cùng với phép liệt kê “chân
phải, chân trái, tiếng nói, tiếng cười”, Y Phương đã vẽ ra trước mắt người
đọc không khí ấm cúng, hạnh phúc của một gia đình. Ở đó, có một đứa trẻ đang vừa
lên một đang cố bước những bước chân non nớt về phía cha mẹ mình. Không có gì
đáng yêu hơn là đôi bàn chân hồng hồng đi trên sàn nhà và đôi tay bé xíu vẫy vẫy
cha mẹ. Trong sự đáng yêu ấy là cả niềm mong đợi, vui sướng của mẹ cha khi lần
đầu được nghe con bập bẹ “mẹ ơi, cha ơi”, lần đầu nhìn thấy con vững chãi bước
đi trên chính đôi chân của mình. Câu thơ mộc mạc cứ như một lời kể nhưng bên
trong lại là những tình cảm thân thương, trìu mến của cha mẹ dành cho đứa con
bé bỏng. Nụ cười của con, tiếng nói của con làm sống lại những kỉ niệm tưởng chừng
đã mất khi cha mẹ còn là một đứa trẻ:
Bàn chân từng
đạp bằng sắt đá
Trở về làng
bập bẹ tiếng đầu tiên. (Tên làng- Y Phương).
Những bước đi
của con là bước đi của thời gian, bước đi nối tiếp nhau của các thế hệ. Ngày
xưa, ông bà đã từng nắm lấy đôi bàn tay cha mẹ dìu đi thì bây giờ đôi tay cha mẹ
đủ trưởng thành để dìu dắt con, làm chỗ dựa cho con để con yên tâm khôn lớn. Điểm
tựa vững chắc là gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn con lớn lên từng ngày.
Con con chỉ
lớn lên trong vòng tay của cha mẹ trong tình yêu thương của gia đình mà là còn
trong sự đùm bọc của quê hương trong vẻ đẹp của người đồng mình:
Người đồng
mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà
ken câu hát
Rừng cho
hoa
Con đường
cho những tấm lòng.
Từ tình cảm
gia đình sâu nặng, người cha hướng con đến tình cảm dành cho quê hương, cho dân
tộc mình. Tác giả đã khéo léo dùng cụm từ “người đồng mình” để nhắc đến
những con người giản dị, mộc mạc nơi rừng núi. Người đồng mình cũng là người
quê mình nhưng trong “đồng” ta thấy được cả sự đoàn kết, gắn bó: cùng
chung quê hương – đồng hương, cùng chung tấm lòng: đồng lòng, cùng chung chí hướng
– đồng chí vì tất cả chúng ta là đồng bào!
Cha đang kể
cho con nghe về người đồng mình trong cuộc sống sinh hoạt.
Con lớn lên
không chỉ nhờ vào tình yêu của cha mẹ, tình cảm gia đình mà còn nhờ vào công sức
lao động của người đồng mình. Họ là những con người có đôi bàn tay tài hoa khéo
léo:
Đan lờ cài
nan hoa
Vách nhà
ken câu hát.
Hai động từ “cài”
và “ken” đã cho thấy rõ sự tài hoa trong cách dùng từ của nhà thơ Y
Phương. Tác giả đang hướng bạn đọc đến với sự kết nối giữa giá trị lao động và
giá trị nghệ thuật. Và có thể thấy bức vách ở đây không chỉ là bức vách cụ thể
bằng đất bằng đá nữa mà nó đã trở thành một chủ thể văn hóa. Y Phương đã miêu tả
đôi bàn tay với những chi tiết nhỏ nữa là phi lý nhưng lại tái hiện lên được
nét đặc trưng của người dân tộc Tày, đó chính là sự tài hoa tâm hồn đầy lãng mạn.
Cụm từ “vách nhà ken câu hát” đã làm bừng dậy một không gian văn hóa của
người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng. Vách nhà được làm bằng nhiều tấm gỗ hoặc tre
xếp xít nhau,ken chặt vào nhau tạo thành bức tường vững chắc, phần nào nói lên
được cuộc sống lao động vất vả, thiếu thốn của người dân nơi đây. Tuy vậy ta
không thấy tiếng thở than cho sự vất vả ấy mà trái lại Y Phương đã nói lên được
tinh thần lạc quan, hăng say lao động của con người. Trong khó khăn, họ vẫn hát
ca bên đống lửa, điệu khèn, tiếng sáo, điệu múa uyển chuyển của cô thôn nữ làm
cuộc sống của người dân giàu hơn mọi thứ, một đời sống tinh thần phong phú. Các
động từ “đan, cài, ken” đều có chung một nét nghĩa đó là gắn kết các vật
lại với nhau một cách bền chặt nhất. Phải chăng tác giả đã khéo léo dụng từ để
nói được tinh thần đoàn kết, gắn bó,san sẻ của người đồng mình trong mọi hoàn cảnh,
đó cũng là đức tính là bản sắc văn hóa vùng miền.
Bên cạnh đó, sự
hùng vĩ của núi rừng và sự thơ mộng của thiên nhiên miền núi cũng góp phần bồi
đắp cho đời sống tình cảm của người con ngày một lớn hơn:
Rừng cho
hoa
Con đường
cho những tấm lòng.
Nhắc đến núi rừng,
chúng ta lại nghĩ đến những con suối dữ dội,những trận mưa lũ mịt mù “mưa
nguồn suối lũ nhưng mây cùng mù” hay những rừng cây cao vút chạy tít tấp đến
chân trời. Đối với người đồng bào mình, núi rừng là cội nguồn của sự sống, là
người mẹ chở che, núi rừng cho con người mọi thứ cần thiết cho đời sống hằng
ngày. Để nói đến điều tuyệt vời mà núi rừng mang lại cho con người, Y Phương chỉ
dùng một từ “hoa”. Hoa ở đây không đơn thuần là đặc trưng của đại ngàn
hoa cỏ mà còn mang ý nghĩa chỉ vẻ đẹp, sự tinh túy, sự hòa quyện giữa nét đẹp
hoang dã và tình yêu của con người dành cho thiên nhiên. Hình ảnh hoa như
một tín hiệu thẩm mĩ góp phần diễn đạt
điều tác giả đang muốn khái quát: chính những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun
đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người ở đó. Cả “rừng” và “con đường”
đều được nhân hóa để nơi ấy không chỉ là nơi đứa con khôn lớn mà còn là chỗ dựa
tinh thần cho những bước đi của con vào đời. Mỗi con đường con ra suối, lên
núi, băng rừng hay trở về nhà đều mang “những tấm lòng”. Điệp từ “cho”
mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn cũng
như lối sống của con người. Đó là tấm lòng của quê hương dành cho mỗi con người
cũng là tấm lòng của người đồng mình dành cho nhau: thủy chung, hiền lành, rộng
mở. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm.
Từ tình cảm của
quê hương, xứ sở, người cha đã không kìm được nỗi hạnh phúc, tự hào để nhắc cho
con mình ngày đầu tiên nhớ mãi:
Cha mẹ mãi
nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
Kết quả của
“ngày cưới” mà tác giả vẫn luôn nhớ chính là đứa con, là sinh linh bé bỏng cha
mẹ luôn bảo vệ và nâng niu. Qua đây Y Phương muốn nhắn nhủ với con rằng yêu
thương chính là cội nguồn của tất cả, như việc sống và tồn tại hiện nay của mỗi
người. Con bây giờ đã đủ trưởng thành, sắp lên đường lập chí, lập thân, nhưng
cha vẫn không quên nhắc nhở con sự thiêng liêng của hôn nhân khởi đầu là ngày
cưới. Mọi niềm vui, mọi trách nhiệm của con người cũng được nuôi dưỡng từ đây.
Ba hình ảnh: con
người - mảnh đất quê hương - ngày cưới của cha mẹ gợi thức dậy ở đứa trẻ
tình yêu thương, lòng gắn bó với cội nguồn sinh dưỡng. Rằng, con được sinh ra
và được nâng niu trong một thế giới đầy sắc màu cổ tích. Đó là thế giới của những
con người tài hoa, những tâm hồn lãng mạn, là thế giới của những con đường
xuyên những cánh rừng đầy hoa và gần gũi hơn nữa, con được sinh ra từ tình yêu
tha thiết giữa cha và mẹ (bằng chứng là nỗi nhớ “ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời”).
Một thế giới như thế sẽ đủ sức bao bọc con trong những êm đềm, những yêu
thương; đủ sức nuôi lớn tâm hồn con và xứng đáng để con không phụ lòng.
Đẹp làm sao
các hình ảnh thơ vừa cụ thể, mộc mạc, cô đọng mà vừa phong phú, sinh động, giàu
chất thơ. Với thể thơ tự do với nhịp điệu, giọng thơ tha thiết, nhiều hình ảnh
mộc mạc nhưng giàu sức gợi cảm kết hợp một số biện pháp nghệ thuật như nhân
hóa, ẩn dụ, đoạn thơ đã làm nổi bật sự gắn bó sâu nặng của con người đối với
gia đình, quê hương, đồng bào mình. Đó là tình cảm đáng trân trọng, đáng giữ
gìn và nó trở thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam. Những đặc sắc về
nghệ thuật cộng hưởng hài hoà với những cung bậc tình cảm khác nhau của cha đã
tạo nên dư âm sâu lắng cho bài thơ.
Mọi tình cảm tốt
đẹp của con người đều được nuôi dưỡng từ những điều bình dị nhất. Trong đó có
tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước. Y Phương đã mượn lời người cha
nhắc nhở con trước lúc con lên đường cũng là muốn nhắc nhở chúng ta sống ân
nghĩa, thủy chung, hướng về nguồn cội. Đoạn thơ đã bồi đắp cho ta thêm về tình
yêu gia đình và tình yêu quê hương đất nước. Từ đó tự nhắn nhủ với bản thân mỗi
người phải cố gắng rèn luyện hơn chăm chỉ học tập để xây dựng nước nhà một giàu
đẹp và phát triển.