Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Cảm nhận khổ cuối bài Nói với con của Y Phương

 

Tham khảo và chỉnh sửa từ dinhnghia.com.vn

Cha là bóng cả ngã che con

Là suối tình thương không bao giờ vơi cạn. (Ca dao)

Quả thật, nếu tình mẫu tử ngọt ngào và bao la như biển khơi, ôm ấp và vỗ về ta thì tình phụ tử lại càng thiêng liêng và cao cả gấp bội. Đối với người con, hình bóng của cha chính là “bóng cả”, là “suối tình thương” và là tấm gương sáng cho con noi theo. Chính vì lẽ đó mà tình phụ tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao thi nhân xưa và nay. Trong đó có Y Phương – một nhà thơ dân tộc Tày với những tác phẩm mang âm hưởng của miền núi non đại ngàn. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Lời tâm tình của người cha đối với đứa con mộc mạc mà sâu sắc:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được nghe con

Nghe con.

Bài thơ “Nói với con”, được sáng tác năm 1980. Như lời tác giả chia sẻ, năm 1979, vợ chồng ông đón chào đứa con đầu lòng và bài thơ này được ông sáng tác để tặng riêng con gái khi cô được một tuổi. Bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình, những phẩm chất cao đẹp của người đồng mình và tình yêu quê hương, đất nước trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, gian khổ sau cuộc chiến vừa đi qua. Bài thơ có 28 câu, thường chia theo bố cục ba phần, trải dài qua đó là lời nói ân tình của người cha đối với con về đạo làm người, về lẽ sống vượt lên mọi nghịch cảnh bằng niềm tin về văn hóa truyền thống của dân tộc. Tình cảm và lời nhắn gửi dành cho con trong khổ cuối bài thơ đã thể hiện khái quát tình yêu thương bao la mà người cha đã ấp ủ.

Phần đầu bài thơ, tác giả đã mang đến lời thủ thỉ về nguồn cội sinh dưỡng của mỗi người. Đó chính là những khoảnh khắc hạnh phúc, yêu thương trong vòng tay của gia đình, xóm làng. Đến khổ thứ hai, người cha ân cần nhắc nhở con về những phẩm chất cao đẹp của dân tộc mình qua tiếng gọi “người đồng mình”:

 

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn.

Câu thơ “Người đồng mình thương lắm con ơi” được lặp lại một lần nữa. Có lẽ tác giả muốn khắc sâu vào tâm trí con những điều tốt đẹp và phẩm chất của người đồng mình. Điệp ngữ “Người đồng mình” được lặp lại nhưng không còn là “yêu” mà là “thương”. Nếu trên kia “yêu lắm con ơi” là yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây niềm ước vọng càng thêm tha thiết: “thương lắm con ơi”."Thương" là một trạng thái tình cảm không chỉ xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành nữa mà còn gói gém cả sự sẻ chia, đồng cảm ở trong lòng. Tình cảm được nâng lên nhiều lần bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương. Chính vì thế, "người đồng mình" – những con người cùng miền đất, quê hương, dân tộc cùng chí hướng đã đoàn kết, gắn bó, sẻ chia và đồng cảm với nhau mà dựng xây quê hương mình trở nên ngày một giàu đẹp hơn. Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua. Người cha thương buôn làng còn nghèo đói, còn vất vả, khó khăn nhưng cũng chính từ đó con hãy tự hào với sức sống của dân tộc mình.

Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tương hỗ lấy “cao” so với “nỗi buồn”, lấy “xa” so với “chí lớn” thể hiện hình ảnh gần gũi, đậm chất tư duy của người miền núi. Y Phương đã diễn tả những trạng thái khác nhau của "người đồng mình". "Nỗi buồn – chí lớn" là khái niệm vô hình nhưng đã được tác giả hình dung cụ thể như có hình, có khối. "Người đồng minh" buồn, lo lắng, khắc khoải ở trong lòng vì trước mắt họ là biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan thử thách; khi mà cả quê hương họ còn chưa vươn tới được tầm cao văn minh, vẫn còn quanh quẩn với cái đói, cái nghèo. Nhưng "Người đồng mình" không bao giờ nhụt chí, mà luôn mạnh mẽ, vững vàng đối diện với những khó khăn, thách thức ấy, đưa quê hương tiến lên phía trước, trở nên giàu mạnh, phát triển, văn minh. Câu thơ giản dị, mộc mạc, chân chất những đã diễn tả được tinh thần, ý chí quật cường, mạnh mẽ của người dân vùng cao. Con cũng đừng mặc cảm,tự ti mà trái lại hãy nghĩ tích cực, tự tin và sống mạnh mẽ. Hai câu thơ “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn” không chỉ là bài học người cha muốn gửi riêng đến con mà Y Phương của muốn gửi đến bao người.

Tình cảm và ước muốn của người cha ngày càng mạnh mẽ và kiên quyết hơn:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Cha nói với con, dạy bảo con về đạo lí làm người. Trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào "cha vẫn muốn", cha vẫn mong con biết ngẩng cao đầu và sống đẹp.

Nếu như hội họa, người họa sĩ dùng đường nét để sáng tạo, âm nhạc, người nghệ sĩ dùng âm thanh để tạo nên tác phẩm hay trong điêu khắc dùng hình khối để sáng tác thì văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu. Nhà thơ đã chọn lọc, sử dụng điệp từ “sống” cùng phép liệt kê “đá, thung” đã khắc họa một bức tranh làng bản núi đồi thật đẹp. Cuộc sống của người miền núi được nhà thơ đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh để nói tới như: "đá gập ghềnh", "thung nghèo đói", "lên thác xuống ghềnh" có ý nghĩa diễn tả những khó khăn, vất vả, nghèo đói và nhọc nhằn mà họ đã và đang phải đương đầu. Điệp ngữ "sống ... không chê" (2 lần), kết hợp với nhịp thơ nhanh, dồn dập và biện pháp so sánh "như sông như suối" có tác dụng diễn tả sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt, bền bỉ của những người con miền núi cao trước cuộc sống khó khăn, vất vả khi mà chiến tranh lùi xa. nhà thơ thể hiện niềm tự hào về "người đồng mình" với sức mạnh, ý chí thật phóng khoáng, đoàn kết, gắn bó thiết tha của họ đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cụm từ phủ định nhưng mang ý khẳng định “không chê” được tác giả nhấn mạnh một điều tiên quyết, con không bao giờ được phép quên đi những khó khăn, vất vả của quê hương mình, con hãy nhớ và không ngừng vươn lên. Dùng thành ngữ “lên thác xuống ghềnh”, Y Phương gợi ý một cách sống cho con mình đó chính là hãy sống như tự nhiên, hãy biết mềm dẻo, linh hoạt như con suối của bản làng để vượt qua những khó khăn trên đường đời. Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” được tác giả sử dụng ở đây khá đặc sắc, nó tạo âm hưởng thơ thêm trúc trắc, giàu sức gợi. Nhịp thơ tuôn chảy mạnh mẽ gợi lên sức sống bền bỉ, mãnh liệt của con người trước vất vả, cực nhọc của cuộc đời. Nhà thơ biết rằng, con cũng như tất cả mọi người đều có những ước mơ, hoài bão như sông suối vì tất cả đều hướng ra nơi mênh mông của biển khơi để thấy cuộc đời rộng lớn và có nhiều điều cần phải học hỏi hơn. Người cha muốn nhắc nhở con về thái độ sống phóng khoáng, mạnh mẽ. “Không lo cực nhọc” vì khó khăn, thử thách mà con người phải đối mặt trên cuộc đời sẽ giúp con học được cách tự chủ bản thân, vững vàng trước sóng gió,

Không dừng lại ở đó, "người đồng mình" còn hiện lên là những con người bản lĩnh, mạnh mẽ, giàu nghị lực sống và luôn mang trong mình lòng tự tôn dân tộc với khát vọng dựng xây đất nước:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Hình ảnh ẩn dụ “thô sơ da thịt” đối lập “chẳng…nhỏ bé” càng làm toát thêm vẻ đẹp mạnh mẽ không chỉ ở bên ngoài mà còn tiềm ẩn bên sâu trong tinh thần của con người miền núi. Hình ảnh "thô sơ da thịt" diễn tả vẻ đẹp mộc mạc, bình dị, chân chất, khẳng khái của "người đồng mình". Người đồng mình do cuộc sống vất vả, bước đầu còn gian nan nên vẻ ngoài của họ có phần đen đúa, thô kệch. Nhưng họ không hề "nhỏ bé" về tâm hồn mà ngược lại rất giàu lòng tự trọng, giàu chí khí, niềm tin cao đẹp với khát vọng dựng xây, phát triển quê hương.

Hiểu rõ  hoàn cảnh của quê hương của dân tộc mình, người cha còn nhắn nhủ con hãy sống có ích và đừng quên đi nguồn cội của mình. Muốn vậy, "người đồng mình" phải lao động:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

Câu thơ có hai lớp nghĩa tả thực và ẩn dụ. Và tác giả đã miêu tả cuộc sống lao động của họ qua cụm từ "tự đục đá" thường thấy của người dân miền núi cao. Công việc của họ rất vất vả, nặng nhọc nhưng họ sẵn sàng tự nguyện làm vì sự phát triển của quê hương mình. Cụm từ “tự đục đá kê cao quê hương” thể hiện ý chí mạnh mẽ, tinh thần tự lực tự cường của người đồng mình. Từ những công việc vất vả, từ bàn tay lao động của họ sẽ đưa quê hương, đưa đất nước lên tầm cao mới, phát triển vững mạnh. Nhà thơ không dùng mĩ từ để ca ngợi tinh thần ấy mà ông chọn từ “đục đá, kê cao” một cách gần gũi và bình dị, đậm chất sử dụng ngôn ngữ của người dân tộc Tày. Nhưng hình ảnh "kê cao quê hương" còn là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng cho lòng tự hào, tự tôn dân tộc của "người đồng mình". Chính những con người cần cù, nhẫn nại, bằng đôi tay lao động của mình đã làm nên quê hương, làm nên phong tục tập quán lâu đời tốt đẹp của dân tộc mình. Cách diễn đạt đó thật khác lạ song cũng độc đáo không kém. Một bàn tay gầy dựng nên quê hương rồi từ chính mảnh đất ấy làm nên những phong tục giàu giá trị. đó là truyền thống, là nét văn hóa cần phải giữ gìn. Đó là cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, là cách nhìn, cách nghĩ nâng niu và trân quý bao giá trị văn hóa ngàn đời. Hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa mang ý nghĩa thực, vừa có sức khái quát, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu xa. Đọc câu thơ người đọc thấy người cha như đang nhắn gửi với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình. Tiếng gọi ấy còn được lặp lại trong khổ thơ như một điệu hát ru thân thương, trìu mến. Người cha tự hào, ca ngợi về phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình: sống rộng mở, bao la, biết kiên trì và trân trọng những nét đẹp truyền thống của quê hương, nguồn cội. Quê hương và những truyền thống tốt đẹp chính là nền tảng, là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp con người vươn lên.

Để kết lại trọn vẹn cảm xúc trào dâng ở hai khổ trước, khổ cuối cùng với bốn câu thơ đã hoàn chỉnh ý thơ thêm trọn vẹn:

 

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

Càng lúc hình ảnh và lời nói của người cha hiện lên càng lớn lao, nhanh chóng thôi thúc con trên đường đời. Cách so sánh đối lập “thô sơ da thịt” nhưng “không nhỏ bé” như khẳng định niềm tin cha tin ở con sẽ phát huy được truyền thống quê hương, sẽ nhớ đến lời cha dạy, sẽ không bao giờ nhỏ bé dù đi bất cứ nơi đâu và hơn hết là không bao giờ quên đi nguồn cội.  Một lần nữa, cha lại gửi gắm nỗi niềm của mình, mong con ghi nhớ và tự hào những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình, đừng tự ti mà hãy tự tin, hãy trưởng thành trên đường đời với những hành trang ấy. “Lên đường” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ con đường đời, con đường đi tới tương lai, khi đó, con phải thật mạnh mẽ, vững vàng, không được phép yếu mềm buông xuôi trước thách thức của cuộc đời. Cách nói “nghe con” như một lời cầu khiến thể hiện sự chân thành, vừa là một lời khuyên chí tình dành cho con, cũng như thế hệ trẻ của buôn làng. Giọng thơ nhỏ nhẹ chân tình kết hợp với các từ “con ơi”, “nghe con” sao mà ấm cúng, thân thương. Đó không còn là lời thơ trang hoàng mà trở thành một tiếng gọi vang vọng từ tâm hồn sâu thẳm từ đáy lòng của cha. Rất tự nhiên mà sâu sắc, bài thơ đã động vào dây đồng cảm của chúng ta, khiến ta phải suy nghĩ về trách nhiệm, bổn phận của mình với quê hương, đất nước.

Sau tất cả, những lời cha viết nên trên trang thơ cũng chỉ mong con hãy luôn gắn bó với truyền thống, dân tộc mình, mong con vươn lên bất chấp khó khăn, gian khổ. Khi đọc bốn câu thơ cuối, ta thấy lời của cha không hề mang ý răn đe, giáo điều mà là những lời tâm tình thủ thỉ với con như một người bạn lớn. Do vậy, những lời dạy ấy có thể sẽ khắc sâu vào trong tâm trí con dễ hơn. Lời thơ gửi con cũng chính là lời gửi đến mình. Ta bắt gặp tiếng thơ đồng điệu với nhà thơ Hoàng Trung Thông:

Lời của cha như tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng lòng của cha từ một thời sâu thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha lại gặp mình trong tiếng ước mơ con. (Những cánh buồm – Hoàng Trung Thông)

Bên cạnh giọng thơ thiết tha, trìu mến, các hình ảnh thơ được tác giả lựa chọn vừa cụ thể vừa có tính khái quát, vừa mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Đoạn thơ chứa chan ý nghĩa lại đằm thắm và sâu sắc. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt đời và có lẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ – bài học về niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên.

Bài thơ Nói với con đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc. Nó giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Bài thơ gửi đến bài học tích cực về lối sống tự hào dân tộc mình, là việc hòa nhập như không hòa tan đi chính cá tính của mình, của dân tộc mình.

 Nhà thơ  thành công trong việc sử dụng thể thơ tự do, ngôn ngữ thân thuộc, gần gũi và giàu hình ảnh đậm chất vùng núi cao. Bài thơ giản dị với những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa biểu tượng liên quan đến nếp sống của người dân tộc Tày, giàu sắc thái biểu đạt và biểu cảm. Cách nói giàu bản sắc của người miền núi tạo nên một giọng điệu riêng cho lời tâm tình mộc mạc mà sâu sắc của người cha đối với đứa con.

Qua những từ ngữ và hình ảnh giàu sức gợi cảm, lối nói miền núi mộc mạc, cách ví von sinh động cùng với giọng điệu thiết tha trìu mến, đoạn thơ đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình. Từ đó, người cha nhắn gửi những ước mong đến con hãy luôn sống ngẩng cao đầu, luôn tự hào về quê hương mà trân trọng, gìn giữ và yêu mến…Người cha đã dạy con đạo lý cao cả “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình. Bài thơ chính là một đóa hoa thơm góp vào mảng đề tài quê hương, đất nước. Cho ta thêm yêu thêm nhớ quê nhà thân thuộc của mình:

 Quê hương ơi! Xa rồi nhớ thành thơ

Tiếng mẹ đẻ, gặp nhau mừng khôn xiết

Ai cũng vậy xa lâu rồi mới biết

Những ngôn từ không đủ viết…quê hương!