Thơ
Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng,
day dứt, không gút mắc, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống
anh cũng tìm thấy chất thơ. Bài
thơ Viếng lăng Bác thể hiệ rõ phong cách thơ Viễn Phương, mang đậm chất
trữ tình đã ghi lại tình cảm sâu lắng, thành kính của nhà thơ khi oà vào dòng
người viếng lăng Bác. Vượt qua không gian chiều dài của đất nước để đến viếng
thăm Bác, nhà thơ đã thể hiện sự thành kính, thương yêu dành cho sự vĩ đại
của Người.
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
Tình cảm yêu
thương, kính phục cùng nỗi tiếc thương vô hạn vị lãnh tụ anh minh – Người Cha
già vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trở thành nguồn thi hứng dạt dào, thôi thúc
Viễn Phương viết nên bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất
về Bác Hồ.Cảm hứng bao trùm bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính,
lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác. Cảm
hứng ấy chi phối giọng điệu và âm hưởng chung của toàn bài. Nhà thơ đã đem hết
tâm huyết của mình để quan sát, chọn lọc và sáng tạo ra những hình ảnh có tính
chất tượng trưng sâu sắc để thể hiện phẩm chất cao quý tuyệt vời của Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Từ miền Nam, nhà
thơ ra thăm miền Bắc với niềm sung sướng vô biên của người con xa quê đã lâu
ngày.Nhà thơ vừa ngỡ ngàng vừa xúc động trước cảnh vật bên ngoài lăng:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi, hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngay từ dòng thơ đầu,
tác giả đã gợi ra biết bao xúc động khi thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ
tình:
Con
ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Câu thơ có hình thức
tuy đơn sơ, chỉ ngắn gọn như một lời thông báo nhưng lại gợi ra muôn vàn cảm
xúc. Chữ "con" cất lên
sao mà ngọt ngào, ấm áp nhưng cũng không vơi bớt lòng thành kính, trân trọng đến
thế. Một tiếng con thôi nhưng cũng đủ để thể hiện lòng kính yêu tới nhường nào
đối với một vị cha già dân tộc. Tiếng con ấy thật đẹp. “Con” ở đây cũng là cả
miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị
cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao. Trong tâm khảm của
mọi người, Bác là một người cha vĩ đại:
Người
là Cha, là Bác, là Anh
Quả
tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. (Tố Hữu)
Nhà thơ sử dụng từ
“thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế. Nhà thơ đã sử dụng
phép nói giảm, nói tránh đến viếng lăng ông dùng “thăm”để cố kìm nén nỗi
đau trong lòng. Chữ “thăm” được tác giả sử dụng thật tinh tế và gợi cảm.
Nó vừa giảm nhẹ nỗi đau đớn xót xa, vừa như khẳng định trong lòng mình: Bác Hồ,
vị cha già kính yêu vẫn còn đó, Người chỉ đang nằm nghỉ đó thôi. Đọc lên câu
thơ, ta không không khỏi nghẹn ngào. Câu thơ không có một dụng công nghệ thuật
nào nhưng lại vô cùng gợi cảm, dồn nén biết bao cảm xúc. Câu thơ giản dị đã bộc
lộ được cảm xúc mãnh liệt của người con miền Nam xa sau bao nhiêu năm mong mỏi
mà bây giờ mới được ra thăm lăng Bác. Tác giả ra viếng lăng Bác mà như trở về
quê nhà thăm người cha kính yêu sau bao năm xa cách của mình vậy.
Đến với lăng Bác, bắt
gặp hình ảnh hàng tre xanh xanh thắm tươi, nhà thơ dâng trào những cảm xúc yêu
thương, tự hào về nhân dân, về Tổ quốc thân yêu của mình.
Đã
thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi!
Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão
táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Bằng bút pháp tả
thực, tác giả đã giúp ta hình dung một hiện thực trong màu sương trắng mờ ảo, cảnh
quan quanh lăng Bác hiện ra thật lung linh mà cũng vô cùng thú vị. Màn sương trắng
là dấu hiệu của cảnh trời hãy còn sớm tinh mơ. Ấy thế mà tác giả đã có mặt tự
bao giờ! Điều đó chứng tỏ Viễn Phương đã rất mong mỏi và cũng rất háo hức khi
được đến thăm lăng Bác dù chỉ qua việc viếng lăng. Trong màn sương trắng, hình ảnh
gây ấn tượng nhất đối với Viễn Phương là hàng tre. “Hàng tre bát ngát”
thấp thoáng trong sương- một hình ảnh quá đỗi thân thuộc, thân thương đối với mỗi
người con đất Việt. Ta như tìm về lại chốn bình yên xưa cũ, nơi có người sẵn
sàng yêu thương ta, đón đợi ta vào lòng dù và dù có trải qua bao nhiêu năm tháng,
tình cảm thân tình ấy vẫn không hề phai nhạt, đổi dời. Từ
“hàng tre” được điệp lại hai lần trong khổ thơ. Nhờ phép dùng điệp ngữ ấy,
hàng tre hiện lên vẻ đẹp đẽ vô cùng. Nó đẹp trong sắc “xanh xanh” thật
tươi thắm. Kết hợp phép nhân hóa vận dụng trong dòng thơ: “Bão táp mưa sa đứng
thẳng hàng” giúp hình ảnh hàng tre hiện lên càng thêm đẹp đẽ vô cùng. Hàng
tre bát ngát, thành màu xanh dân tộc (xanh xanh Việt Nam) thành những
chiến sĩ trung kiên bất chấp bão táp, mưa sa (Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng).
Đó là hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp cho người dân Việt Nam. Từ láy "xanh
xanh" gợi đến một vẻ đẹp của đất nước, của con người Việt Nam tràn đầy
sức sống, vững bền, Cảm xúc trào dâng, khiến ông bật lên tiếng cảm thán đầy cảm
xúc “ôi” chất chứa lòng tự hào. Dân tộc Việt Nam kiên trung bất khuất. Dân
tộc ta trải qua “bão táp mưa sa” – chiến tranh liên miên, cuộc sống còn
nhiều khó khăn nhưng vẫn kiên cường, bất khuất. Kết hợp thành ngữ "bão
táp mưa sa" với nghệ thuật nhân hóa "đứng thẳng hàng"
làm nổi bật cho vẻ đẹp thanh cao, ý chí bất khuất kiên cường của mỗi công dân
nước Việt. Dù trải qua bao thăng trầm chống giặc ngoại xâm nhưng nhân dân ta vẫn
chung một ý chí quyết tâm chiến thắng, giành lại độc lập cho dân tộc. Con người
Việt Nam sáng ngời vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, mạnh mẽ hiên ngang, bền bỉ sẵn
sàng đối mặt với phong ba bão táp trong sự đoàn kết, một lòng. Màu tre mãi mãi
xanh tươi như sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam trước những thử thách khắc
nghiệt của thiên nhiên và lịch sử. Hàng tre bên lăng ru giấc ngủ ngàn đời của
Bác như thuở ấu thơ tre làm bạn với Người.
Từ hình ảnh hàng
tre kiên trung bất khuất, nhà thơ cảm tưởng về Người với niềm kính trọng biết
ơn vô hạn. Lời thơ bỗng dạt dào cảm xúc tự hào, thành kính nhớ thương Bác:
Ngày
ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy
một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày
ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết
tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Tấm lòng thành
kính, biết ơn lãnh tụ được gói trọn trong hình ảnh ẩn dụ:
Ngày
ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy
một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Câu thơ tạo hiệu ứng
thẩm mĩ đặc biệt trước hết bởi sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh thực và hình ảnh
ẩn dụ sóng đôi với nhau. Mặt trời “ngày ngày đi qua trên lăng” là mặt trời
của thiên nhiên vũ trụ, nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ và vĩnh hằng của thế gian.
Mặt trời tự nhiên gợi ra sự kì vĩ, vĩnh hằng, nguồn gốc của sự sống và là cái
nôi đem lại ánh sáng cho con người. "Mặt trời trong lăng" là ẩn
dụ để chỉ Bác Hồ. Một hình ảnh chứa bao sự tôn kính đối với Bác Hồ vĩ đại! Người
là mặt trời đỏ rực rỡ màu cách mạng sẽ mãi chiếu sáng đường chúng ta đi bằng sự
nghiệp của Người. Bác đã mang ánh sáng cách mạng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối,
chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Mặt
trời trên cao được nhân hoá qua động từ "thấy" nhấn mạnh vầng
thái dương vũ trụ chứng kiến "mặt trời trong lăng rất đỏ" với
thái độ có phần ngưỡng mộ, trân trọng. Mặt trời Bác Hồ thì vĩnh cửu, trường tồn,
mãi là nguồn sống, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi đỏ thắm
trong trái tim, tâm hồn mỗi người con đất Việt. Cách nói ẩn dụ: “Mặt trời
trong lăng rất đỏ” vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ, vừa ca ngợi công lao
to lớn của Bác, vừa thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ, biết ơn của nhân dân, của
tác giả với Bác. Từ láy "ngày ngày" đứng ở đầu câu thơ vừa diễn
tả sự bất biến của tự nhiên vừa góp phần bất tử hóa hình ảnh Bác Hồ trong lòng
mọi người. Dù Bác đã ra đi nhưng người mãi bất tử trong niềm tin
yêu, nỗi nhớ thương của muôn vạn con người, muôn thế hệ con người Việt Nam.
Độc đáo hơn, nhà
thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác để ca ngợi Bác:
Ngày
ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết
tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Nhịp thơ chầm chậm
như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm một một không
khí thương nhớ Bác không nguôi. Tác giả sử dụng từ " dòng người"
chứ không phải là "đoàn người", "hàng người", điều đó có
tác dụng gợi lên sự tiếp nối trải dài tới vô tận của những dòng người vào lăng.
Cụm từ "đi trong thương nhớ"
gợi tả tình yêu thương và nỗi nhớ mong của nhân dân dành cho Bác, bao trùm lên
cả không gian và thời gian vô tận "ngày ngày". Điệp từ "ngày ngày" diễn tả
vòng thời gian tuần hoàn liên tục, ngày nào cũng thế từng dòng người cứ lần lượt
vào thăm viếng Bác. Bằng sự quan sát trong thực tế, tác giả đã
tạo ra một hình ảnh ẩn dụ đẹp và sáng tạo: “tràng hoa”. Dòng người được
tác giả ví như “tràng hoa” là một ẩn dụ độc đáo. Nó còn có nghĩa tượng
trưng: cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác, đó là hoa của chiến
công, hoa của thành tích, hoa của lòng người. Những dòng người bất
tận đang ngày ngày vào lăng viếng Bác nối kết nhau thành những tràng hoa bất tận.
Những bông hoa – tràng hoa rực rỡ đó dưới ánh mặt trời của Bác đã trở thành những
bông hoa – tràng hoa đẹp nhất dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”.Hình ảnh
hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân" để chỉ số tuổi của Bác, đồng
thời cũng là hình ảnh ẩn dụ ngợi ca cuộc đời sống đẹp và trọn vẹn, cống hiến những
gì tinh túy nhất cho dân tộc của Bác. Bác đã đem lại cho ta một mùa xuân vĩnh hằng,
mùa xuân của độc lập tự do và hạnh phúc. Hình ảnh hoán dụ này vừa đẹp vừa mới lạ,
thể hiện tình cảm thương nhớ, kính yêu và sự gắn bó của nhân dân với Bác. Nhịp
thơ chậm, hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, từ ngữ giàu tính tạo hình và biểu cảm,
tác giả đã miêu tả nhưng dòng người vào lăng viếng Bác bằng tất cả lòng thành
kính, biết ơn sâu sắc. Không một lời ngợi ca nhưng người đọc cảm nhận được lòng
kính yêu vô hạn và sự tôn vinh tột đỉnh của nhà thơ dành cho lãnh tụ vĩ đại Hồ
Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Với thể thơ tự do,
bố cục tự nhiên, đơn giản theo diễn biến cảm xúc và suy nghĩ; giọng thơ trang
nghiêm sâu lắng pha lẫn niềm xót xa tự hào; những hình ảnh thơ độc đáo, kết hợp
hình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, bài thơ Viếng lắng Bác của Viễn
Phương đã thể hiện những xúc động tràn đầy và lớn lao khi viếng lăng Bác, những
suy ngẫm sâu sắc về Bác cũng như những tình cảm thành kính dành cho Bác. Ẩn bên
sau những hình ảnh lớn lao và chói lọi là niềm tiếc thương, nỗi nhớ mong và niềm
đau của muôn triệu con người trước sự ra đi của Bác. Người cha già ấy đã mãi
mãi nằm xuống nhưng tình cảm của Người, tình thần của Người mãi mãi soi rọi non
sông, làm ấm lòng dân tộc.
Viếng lăng Bác của
Viễn Phương là một đóng góp quý báu vào kho tàng thi ca viết về Chủ tịch Hồ Chí
Minh, lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc. Bài thơ là tấm lòng thành kính, yêu
thương, tự hào của Viễn Phương, của nhân dân cả nước dành cho Bác Hồ kính yêu. Đó
cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn, là lối sống thủy chung, ân tình, ân
nghĩa rất đáng trân trọng và gìn giữ. Và người đọc cũng nhận thức ra một điều cần
phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự phát triển của non sông, đất nước, làm
cho đất nước Việt Nam có thể "sáng vai với các cường quốc năm châu".