Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Phân tích khổ 1 Viếng lăng Bác - Liện hệ truyền thống kiên cường, bất khuất trong mỗi con người Việt Nam

 


Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị.

Màu quê hương bền bỉ đậm đà.

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta… (Tố Hữu)

Đã gần nửa thế kỉ trôi qua, Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại cống hiến và hy sinh cả cuộc đời mình cho quốc gia, dân tộc – vẫn chiếm trọn tình cảm của mỗi người con Việt Nam. Thời gian có thể phủ bụi dường như tất cả nhưng có những chân giá trị, những con người càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp. Ta không khỏi bồi hồi trước những dòng thơ viết về Bác trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ chính là tấm lòng thương yêu và kính trọng nhất không chỉ của tác giả, mà còn của toàn thể đồng bào Việt đối với vị cha già của dân tộc. Vượt qua không gian chiều dài của đất nước để đến viếng thăm Bác, nhà thơ đã thể hiện sự thành kính, thương yêu dành cho sự nghiệp vĩ đại của Người. Trong phút giây đầu nhìn thấy sự hiện diện của những hình ảnh ở lăng chủ tịch, trong lòng nhà thơ đã dâng trào một niềm xúc động khôn xiết. Nỗi niềm ấy sẽ được nhà thơ chuyển tải thành những dòng thơ thật đẹp:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong hoàn cảnh công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi vào năm 1976.Trong không khí xúc động của nhân dân cả nước, Viễn Phương là một trong số những đồng bào, chiến sĩ từ miền Nam được ra viếng Bác sau giải phóng. Có lẽ, trong tâm trạng của một người con đất Việt được đến gần hơn, nhìn rõ hơn vị chủ tịch kính yêu của dân tộc, Viễn Phương đã viết nên tác phẩm “Viếng lăng Bác” đầy ấn tượng với những tình cảm dạt dào.

Ngay từ dòng thơ đầu, tác giả đã gợi ra biết bao xúc động khi thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Câu thơ có hình thức tuy đơn sơ, chỉ ngắn gọn như một lời thông báo nhưng lại gợi ra muôn vàn cảm xúc. Tác giả khéo léo để nhân vật trữ tình xuất hiện với cách xưng hô ngôi thứ nhất nghe sao thật thương: “con”. Đây là cách xưng hô đặc trưng của người Nam Bộ đối với người lớn tuổi đầy kính trọng và thân mật. Riêng với câu thơ, ta không chỉ cảm nhận được sự kính trọng, thân mật của một người con phương Nam đến thăm Bác, mà ẩn chứa trong đó là cả một sự xót xa, nghẹn ngào. Cụm từ “miền Nam” gợi bao niềm xúc động. Miền Nam là nơi xa xôi, mảnh đất xưa cha ông đi mở cõi. Miền Nam, nơi đi trước về sau. Miền Nam, mảnh đất sinh thời Bác hằng khát khao mong nhớ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà – Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Người luôn dành một tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Tình cảm ấy, Bác luôn đau đáu cho đến tận ngày ra đi. Với lòng tin tất thắng của Người, nhân dân miền Nam đã nỗ lực để làm tròn sứ mệnh thống nhất đất nước. Giờ đây, khi hòa bình lập lại cũng là lúc những người con miền Nam đến bên Người, gặp Người để chia sẻ niềm vui, dù nó chưa hẳn vẹn tròn khi vắng Bác. “Con” ở đây không chỉ đơn thuần chỉ mỗi mình nhân vật trữ tình nữa, mà đó là tiếng xưng đại diện cho tất cả đoàn người trong hành trình thăm Bác, cũng là lời gửi gắm thăm hỏi dành cho Bác của tất cả những người đồng bào phương Nam chưa có dịp đến thăm Người.  Chữ “thăm” được tác giả sử dụng thật tinh tế và gợi cảm. Nó vừa giảm nhẹ nỗi đau đớn xót xa, vừa như khẳng định trong lòng mình: Bác Hồ, vị cha già kính yêu vẫn còn đó, Người chỉ đang nằm nghỉ đó thôi. Và tác giả như người con đi xa lâu ngày, nay chỉ chờ gặp lại bóng dáng người cha thân yêu. Có lẽ vì vậy mà dòng thơ tuy ngắn gọn, giản đơn nhưng gợi ra biết bao tâm trạng, nỗi niềm.

Cảnh vật đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy ở bên lăng Bác là hàng tre bát ngát. Người con xa lần đầu tiên về với quê cha đã xúc động trước hàng tre xanh quanh nơi ở của Người.

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

“Hàng tre bát ngát” thấp thoáng trong sương- một hình ảnh quá đỗi thân thuộc, thân thương đối với mỗi người con đất Việt. Phải chăng vì bên Bác mà bóng tre cũng trở nên “bát ngát”, cao lớn lạ thường? Đi thăm một người thân lâu ngày không gặp, lại nhìn thấy hình ảnh gần gũi từ thuở còn thơ, cảm giác thật giống như được trở về lại chốn quê hương, thôn làng xưa cũ chứ nào phải một nơi xa lạ chưa từng đặt chân. Ta như tìm về lại chốn bình yên xưa cũ, nơi có người sẵn sàng yêu thương ta, đón đợi ta vào lòng dù và dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, tình cảm thân tình ấy vẫn không hề phai nhạt, đổi dời.

 Hàng tre có thực bên lăng Bác được nhìn với con mắt liên tưởng nhân hoá và tưởng tượng. Tác giả sử dụng một câu cảm thán để bộc lộ cảm giác ngỡ ngàng về hình ảnh hàng tre:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Hàng tre bát ngát, thành màu xanh dân tộc (xanh xanh Việt Nam) thành những chiến sĩ trung kiên bất chấp bão táp, mưa sa (Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng. Đó là hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp cho người dân Việt Nam. Từ trong cảm xúc chân thành dành cho Người, Viễn Phương đã gợi đến hình ảnh con người qua hình ảnh hàng tre. Trải qua tất cả những biến động thăng trầm của lịch sử, tre vẫn là người đồng hành trung thành cùng với nhân dân Việt Nam thực hiện lí tưởng cách mạng của Bác Hồ vĩ đại.Tre là biểu tượng cho dân tộc Việt Nam trải qua “bão táp mưa sa”- thành ngữ chỉ muôn vàn khó khăn gian khổ để rồi thi nhân như khẳng định chắc nịch rằng: mỗi cây tre như một con người Việt Nam bền bỉ, kiên trung, vững vàng nay trở về kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Bác. Ba hình ảnh đã tạo nên một trường liên tưởng độc đáo, thú vị: Lăng Bác thật gần gũi, thân thuộc như một làng quê sau luỹ tre xanh. Nhưng ở đây cũng có nét tượng trưng: Tre biểu tượng cho một dân tộc cần cù, hiên ngang, mạnh mẽ, xếp thành hàng cùng với các chiến sĩ vệ binh canh giấc ngủ cho Người.

Viết “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương đã thể hiện tấm lòng thành kính của ông cũng như của những người con Nam Bộ dành cho Bác Hồ khi đã một đời hi sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cảm xúc ấy được thể hiện thành công ngay từ khâu chọn thể thơ phù hợp với cảm xúc, cách ngắt nhịp chậm rãi tạo nên giọng điệu thành kính, thiết tha.Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh đẹp, gợi cảm mang ý nghĩa tượng trưng cùng với ngôn ngữ bình dị, cô đúc cũng là điểm tạo nên sự thành công trong việc diễn tả cảm xúc. Những câu thơ ở khổ thơ này không chỉ dừng lại ở việc tả khung cảnh quanh lăng với hàng tre có thật mà còn gợi ra những ý nghĩa sâu xa. Đến với Bác, chúng ta gặp được dân tộc và nơi Bác yên nghỉ đời đời cũng xanh mát bóng tre của làng quê Việt Nam.

Viếng lăng Bác là một trong số những bài thơ nổi bật nhất của nhà thơ Viễn Phương. Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi mà những xúc cảm của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác được diễn đạt thật sâu sắc biết bao. Đó cũng chính là những tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho vị cha già vĩ đại của dân tộc. Và khi cảm nhận khổ thơ đã giúp mỗi chúng ta có được những tình cảm sâu lắng dành cho Người…

Liện hệ truyền thống kiên cường, bất khuất trong mỗi con người Việt Nam

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước của dân tộc đã tạo nên nhân cách con người Việt Nam với các giá trị truyền thống vô cùng phong phú, đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh và động lực to lớn. Trong dòng chảy của lịch sử, dân tộc ta đã phải đương đầu với biết bao thăng trầm biến cố, những thiên tai, địch họa và cả dịch bệnh thường xuyên đe dọa đến đời sống và sinh mệnh của dân tộc. Với truyền thống kiên cường, bất khuất, lạc quan, yêu đời trong mỗi con người Việt Nam đã tạo nên sức mạnh vượt qua tất cả.

Lịch sử thế giới đã phải ghi nhận: Khi các quốc gia, dân tộc khắp châu Á, châu Âu, từ các quốc gia nhỏ bé đến các quốc gia đất rộng, người đông… đều phải quỳ gối thần phục quân Nguyên, Mông, thì chính dân tộc Việt Nam, tuy là nước nhỏ, dân ít đã dũng cảm đứng lên ba lần đánh bại quân Nguyên Mông.

Trên thế giới này có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1.000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm? Nếu chỉ tính từ khi có sử liệu ghi chép rõ ràng thì từ cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược đến nay, 22 thế kỷ, dân tộc ta đã phải trực tiếp kháng chiến suốt 13 thế kỷ, trong đó có khoảng 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và hơn 10 cuộc kháng chiến để giữ nước. Trong thời Cổ và Trung đại, tất cả các triều đại phong kiến thống trị ở phương Bắc: Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh - các đế chế hùng mạnh lúc bấy giờ - ít nhất là một lần, nhiều là ba lần, xâm lược thống trị nước ta. Khi không trực tiếp gây chiến tranh xâm lược thì họ cũng thường xuyên nhòm ngó, khiêu khích, lấn chiếm, gây mất ổn định đối với nước ta. Đến thời cận hiện đại sau này, dân tộc ta phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược mạnh bậc nhất thế giới: Pháp, Nhật, Mỹ…

Chúng ta tự hào vì là con dân của một dân tộc anh hùng, kiên cường không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Một dân tộc mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, một dân tộc mà đến cụ già, thiếu niên cũng là anh hùng! Không ai khác, chính Nhân dân là người đã viết lên những trang sử hào hùng, vẻ vang ấy! Khi chiến tranh kết thúc, những người lính lại trở về với đồng ruộng, là những người nông dân với áo vải sờn vai, chân lấm tay bùn hồn hậu như củ khoai, củ sắn, “ súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa!” Đó là Đất nước của những con người cần cù và sáng tạo trong lao động luôn lạc quan rằng “ Bàn tay ta làm lên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”!

Quá khứ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, thế nhưng chúng ta không thể sống mãi với vinh quang của quá khứ được. Thế giới thay đổi từng ngày, muốn không lạc hậu ta phải theo kịp thời gian học lấy những bài học từ quá khứ và đối mặt với thực tại, hướng tới tương lai với nỗ lực hết mình. Thế hệ trẻ hôm nay cần ý thức được trách nhiệm của mình, tiếp bước cha ông xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, trở thành nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “ bước tới đài vinh quang, sánh vai được với cường quốc năm châu”.