Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

 


Viết về Bác Hồ, đã có không ít những nhà thơ thể hiện những nỗi mong nhớ, lòng kính yêu và sự tự hào về người con ưu tú ấy của dân tộc. Tuy nhiên viết về hành trình ra thủ đô viếng thăm Bác của những người con phương Nam sau ngày miền Nam giải phóng thì bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã thật sự để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ chính là tình cảm, là những giây phút nghẹn ngào trong xúc cảm của tác giả Viễn Phương khi lần đầu thấy Bác. Đặc biệt, nói về cảm xúc khi được nhìn thấy Bác, tác giả đã có những dòng thơ dạt dào đầy da diết:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác với niềm cảm hứng xuất phát từ lòng biết ơn, niềm tự hào và sự xúc động đến nghẹn ngào của tác giả trong chuyến đi từ Nam ra Bắc để thăm lăng Bác sau khi công trình được hoàn thành. Trong bối cảnh cả nước hân hoan với niềm vui giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì cũng là lúc tấm lòng tri ân và niềm thương nỗi nhớ của nhân dân phương Nam nói riêng đã thôi thúc bước chân của họ tìm đến thủ đô để gặp lại Người. Viễn Phương đã không giấu được niềm xúc động thiêng liêng và tấm lòng tha thiết của ông dành cho vị lãnh tụ kính yêu.

Tác giả đến với lăng Bác trong tâm trạng bùi ngùi, vừa cảm thương, tiếc nuối vì người đã ra đi mãi mãi vừa cảm thấy tự hào, thỏa nguyện vì đã được trở về với tinh thần vĩ đại của dân tộc, trở về với nguồn sức mạnh thiêng liêng. Bước vào trong lăng, khung cảnh và không khí như ngưng kết cả thời gian, không gian. Hình ảnh thơ đã diễn tả thật chính xác, tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm cùng ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

Chỉ với hai dòng thơ đơn giản ấy nhưng nhà thơ đã làm hiện hữu trước mắt người đọc một khung cảnh và không khí trang nghiêm và yên tĩnh. Bên trong lăng, Bác xuất hiện trong hình ảnh đã yên giấc. Canh giấc cho Bác là “vầng trăng sáng dịu hiền”. “Vầng trăng sáng dịu hiền” là ánh sáng của tình thương mến, nâng niu, vầng trăng ấy như ru Bác ngủ. Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ trong tình thương yêu.Ngắm giấc ngủ bình yên ấy, đột nhiên ta cũng cảm thấy thư thái đến lạ thường. Cả cuộc đời Người đều dành hết cho dân cho nước, luôn hi sinh bản thân mình, ngay cả lúc ngủ là khoảng thời gian mỗi người có thể dành riêng cho bản thân để lấy lại sức lực sau mỗi ngày làm việc nhưng với Bác, phút giây riêng tư ấy Người cũng không màng đến mà dành cho sự nghiệp cứu quốc và thực chất thì “Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu”. Sau bao nhiêu năm đau đáu, khắc khoải vì nỗi đau của dân tộc, sau bao nhiêu năm “trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành” vì dân tộc đang rên xiết trước gót giày xâm lược tàn bạo của bọn thực dân, đế quốc, đến cuối cùng, Bác có thể chợp mắt. Giấc ngủ bao năm chẳng vẹn tròn của Bác càng trở nên đẹp đẽ, thiêng liêng hơn khi bên Bác là ánh trăng ngời sáng hiền hậu trên cao.

Dường như đồng hành cùng Bác trên những chặng đường đời luôn có người bạn tri kỉ ấy, người bạn dù trầm ngâm nhưng vẫn một mực thủy chung, trước sau như một. Thuở xưa, trăng khiến Bác không ít lần rung động với vẻ đẹp viên mãn, tròn đầy: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” (Dịch nghĩa: “Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất” – Bài “Nguyên tiêu”). Trăng vượt qua rào cản của song sắt nhà tù để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một thi gia bị cầm tù nhưng hồn thơ và tinh thần vẫn phơi phới, tự tại: “Nguyệt tòng song khích khán thi gia” (Dịch nghĩa:“Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ” – Bài “Vọng nguyệt”). Đến bài thơ này, ta thấy trăng lại hóa thân thành người lính canh gác để Bác có thể yên tâm ngủ ngon và Bác không cảm thấy đơn độc. Hiện tại, những tháng năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã qua, giấc ngủ cả đời chưa một ngày nào yên bình, giờ đây, tác giả và mọi người đều mong Bác ngủ thật bình yên vì đã có chúng cháu canh giấc ngủ cho Bác: “Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”. Không chỉ có các cháu, cả thiên nhiên mà Bác từng hết mực ngợi ca, cả vầng trăng Bác đã từng bầu bạn đều tự nguyện chứ chẳng ai bảo ai, cùng nhau bên cạnh Bác, làm nhiệm vụ canh giấc cho Bác, chỉ mong sao suốt một đời Bác vất vả rồi thì những tháng năm còn lại khi đau thương đã qua đi, tất cả đều có thể gắng hết sức làm mọi thứ tốt nhất dành cho Bác.Khi viết rằng “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”, với cụm từ “giấc ngủ bình yên”, nhà thơ đã mong muốn có thể nhắc đến một cách nhẹ nhàng nhất có thể sự ra đi của Bác.

Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật, Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng trong tâm tưởng của tác giả và mọi người con của dân tộc Việt Nam, Bác vẫn còn mãi:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Trời xanh” cũng như “mặt trời”, “vầng trăng” là những hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, là ẩn dụ sâu xa gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt, trường tồn ở Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, như trời xanh còn mãi (Bác sống như trời đất của ta Tố Hữu). Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Sự nghiệp của Người là bất tử. Tình cảm của Bác dành cho non sông, đất nước thật rộng lớn, bao la. Tình cảm ấy khiến cho mỗi người con đều không hề cảm thấy bị lẻ loi, cô độc mà thật sự biết ơn và xúc động vô cùng. Đối với mỗi người Việt Nam, Bác Hồ không còn là người lãnh đạo, người chỉ huy xa cách mà Bác đã trở thành một người cha, một người thân ruột thịt rất đỗi gần gũi mà thân thương. Sự xúc động về tình cảm thân thuộc mà Bác mang lại đã có lần khiến nhà thơ Tố Hữu thốt lên thành lời: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế – Ôm cả non sông mọi kiếp người”. “Mọi kiếp người” từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già, từ anh phụ tá đến người làm bếp, từ chú bộ đội đến người công nhân… Bác đều dành tình yêu cho tất cả. Bác đi nhưng những kỉ niệm cũng như hình ảnh về Bác sẽ không hề phai mờ, nhạt nhòa trong tâm trí của mỗi người. Cùng với thời gian, những điều đó sẽ tồn tại mãi mãi như “trời xanh” và như những gì đã, đang và sẽ còn mãi trên đời. Bác Hồ cùng với sự nghiệp, tên tuổi, công lao và tình thương của Bác sẽ luôn ở lại trong trái tim yêu thương, trong nỗi lòng tưởng nhớ của muôn người, muôn loài. Viễn Phương đã rất khéo léo tìm cách xoa dịu đi những tổn thất to lớn trong lòng mỗi người trước sự ra đi của Bác khi nhắc đến sự bất diệt của Người cùng với sông núi, cỏ cây.

Dù vẫn tin như vậy, nhưng tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát thực tế, trái tim vẫn đau nhói khi nghĩ rằng Bác không còn nữa. Nỗi đau xót được biểu hiện cụ thể, trực tiếp:

Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Câu thơ bật lên như tiếng nấc nghẹn ngào thể hiện nỗi đau cố kìm nén nhưng trở nên bất lực. Đó là nỗi đau vô hạn, là lòng thương xót rất thật, không lí do nào khuây khỏa được. Đó là tình cảm của đứa con về muộn bên di hài người cha. Tác giả cố gắng không nhắc đến đau đớn, xót xa như thế nào thì giờ đây những đau đớn, xót xa ấy lại cứ tuôn trào, chảy trôi. Cảm giác “nhói trong tim” vừa gợi ý rất thực tế, nhưng lại cũng vừa biểu lộ nỗi xót xa, thương tiếc đầy thành kính. Chỉ với một từ “nhói” mà bao nhiêu cảm xúc dồn nén, kìm giữ như vỡ ra. Bác đã cống hiến như thế nào để mang lại nền độc lập, tự do cho dân tộc chắc ai cũng thấy và hiểu rõ, ngày Bác ra đi, miền Nam còn chưa được giải phóng thì trong phút ra đi, nỗi lo thống nhất, Bắc – Nam một nhà vẫn không một giây nào thôi hiện hữu trong tâm tưởng. Thế mà giờ đây khi miền Nam đã thống nhất, giấc mơ Nam Bắc sum họp đã thành hiện thực thì có một điều mong mỏi “Rước Bác vào Nam thấy Bác cười” chỉ còn lại trong những giấc chiêm bao, khó lòng thành hiện thực.

Viết “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương đã sử dụng đã chọn chuyển tải nội dung, tình cảm, cảm xúc của mình một giọng điệu rất phù hợp. Đó là giọng thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc khi vào viếng thăm lăng Bác: vừa trang nghiêm, sâu lắng nhưng cũng lại vừa tha thiết, đau xót và có cả trong đó là niềm tự hào, lòng ngưỡng mộ. Tạo nên sự thành công trong việc thể hiện giọng điệu nói trên là sự hợp thành của nhiều yếu tố: thể thơ, nhịp điệu câu thơ cùng các từ ngữ, hình ảnh trong thơ. Tất cả những cố gắng về mặt nghệ thuật nói trên đã giúp Viễn Phương thể hiện được niềm xúc động thiêng liêng và tấm lòng tha thiết, thành kính, vừa tự hào vừa đau xót của tác giả trong hành trình từ miền Nam mới được giải phóng để ra viếng lăng Bác.

Với giọng điệu tha thiết, nghẹn ngào, Viễn Phương đã cho thấy nỗi lòng đau xót, thương tiếc khôn cùng trước sự ra đi của vị lãnh tụ kính yêu. Viễn Phương nói hộ tấm lòng tiếc thương của biết bao người. Những vần thơ như nghẹn lại, rưng rưng mà cảm động nhưng vẫn không kém phần trang trọng, chỉnh chu. Bác vẫn sống trong lòng mỗi chúng ta, bởi “trời xanh là mãi mãi”.