Bác
đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa
thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền
Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước
Bác vào thăm, thấy Bác cười! (Bác ơi – Tố Hữu)
Khi
Bác mất, có không ít nhà thơ đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của mình đối với
vị cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Viễn Phương cũng không ngoại lệ, ông
đã góp vào kho tàng thơ văn Việt Nam một bài thơ khiến người đọc cứ lưu luyến
mãi: là bài “Viếng lăng Bác”. Lòng thương nhớ, nỗi niềm đau đớn của đồng bào và
chiến sĩ miền Nam dồn nén bao nhiêu năm đã được nhà thơ Viễn Phương thể hiện
trong bài Viếng lăng Bác. Bài thơ không những chỉ thể hiện dòng cảm xúc trào
dâng của nhà thơ mà còn thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng những hình
ảnh vừa quen thuộc, vừa giàu sức khái quát, vừa lung linh gợi cảm. Bằng cảm xúc
chân thực và ngôn ngữ thơ gợi cảm, Viễn Phương đã nói hộ chúng ta một chân lý:
Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân ta:
Ngày
ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy
một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày
ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết
tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Bài
thơ ra đời năm 1976, khi lần đầu tiên sau giải phóng miền Nam, Viễn phương ra
thăm Lăng Bác. Bài thơ rất ngắn gọn, súc tích nhưng có sức gợi tạo nên sự xúc động
cho người đọc. Ngôn ngữ thơ tuôn trào theo theo dòng cảm xúc chân thành, tha
thiết.
Khổ
thơ tiếp nối mạch cảm xúc ở khổ thơ trước,
thể hiện niềm xúc động dạt dào, mãnh liệt, thành kính và thiêng liêng của nhà
thơ khi đứng trước lăng. Chầm chậm theo dòng người vào trong lăng, nơi Bác đang
yên nghỉ, tâm hồn nhà thơ chứa chan lòng thành kính, biết ơn và ngưỡng mộ sâu sắc
đối với Bác Hồ:
Ngày
ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy
một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Nhà
thơ sử dụng hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ để nói lên sự vĩ đại của Bác, lòng
tôn kính của nhà thơ đối với Bác. Mặt trời “ngày ngày đi qua trên lăng”
là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ, nguồn sáng lớn nhất, rực rỡ và vĩnh hằng của
thế gian. Nhưng mặt trời ấy còn thấy và nhận ra một mặt trời khác, “một mặt
trời trong lăng rất đỏ”. Mặt trời trên cao được nhân hoá, nhìn “mặt trời
trong lăng” bằng đôi mắt của lòng ngưỡng mộ và nhan từ. Một hình ảnh chứa
bao sự tôn kính đối với Bác Hồ vĩ đại! Bằng hình ảnh ẩn dụ nhà thơ đã ví Bác là
mặt trời. Người là mặt trời đỏ rực rỡ màu cách mạng sẽ mãi chiếu sáng đường
chúng ta đi bằng sự nghiệp của Người. Người là nguồn sưởi ấm bất tận, là nguồn
sáng vĩnh hằng chiếu rọi con đường chúng ta đi. người là hội tụ tinh anh của trời
đất và tỏa sáng đến tương lai. Nhiều nhà thơ đã sử dụng hình ảnh mặt trời để thể
hiện ánh sáng của lý tưởng cách mạng, nhưng đối sánh hai hình ảnh mặt trời của
Viễn Phương quả là rất độc đáo. Đây là một sáng tạo nghệ thuật có tác dụng bộc
lộ nội dung rất hiệu quả. Không nhiều lời, chỉ một hình ảnh mặt trời rất đỏ, nhà
thơ đã khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhà thơ đã nói hộ chúng rằng: Bác
Hồ là mặt trời cách mạng đẹp nhất, rực rỡ nhất, chói lọi nhất luôn luôn toả
sáng trong tâm hồn người Việt Nam. Hình ảnh ẩn dụ: “Mặt trời trong lăng rất
đỏ” vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ, vừa ca ngợi công lao to lớn của Bác,
vừa thể hiện sự tôn kính của nhân dân, của tác giả với Bác.
Độc đáo hơn, nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh
khác để ca ngợi Bác.
Ngày
ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết
tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Cùng
với mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là dòng người đi trong thương nhớ. Nhịp
thơ chầm chậm như bước chân của dòng người lặng lẽ đi trong suy tưởng, bao trùm
một một không khí thương nhớ Bác không nguôi. Cụm từ “ngày ngày” đã khẳng
định quy luật bất biến của con người cũng như tự nhiên: nơi lăng Bác dòng người
nối dài vô tận không ngừng nghỉ, lặng lẽ, kính cẩn, trang nghiêm để được vào
lăng viếng Bác. Dòng người ấy là từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc tụ họp lại
đây. Cuộc đời của họ đã nở hoa dưới ánh sáng của Bác, đó là hoa của chiến công,
hoa của thành tích, hoa của lòng người. Họ kết thành hình ảnh một “tràng hoa”-
hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất
của thiên nhiên, của con người Việt Nam thành kính dâng lên Bác, dâng lên “bảy
mươi chín mùa xuân”. “Người ta là hoa của đất”, nhà thơ thật sâu sắc và
tinh tế. Phép hoán dụ, cũng là cách nói trang trọng nhằm diễn đạt ý tứ sâu xa:
bảy mươi chín tuổi đời của Bác là bảy mươi chín mùa xuân tươi đẹp, một cuộc đời
đẹp và tràn đầy ý nghĩa. Bác đã đem lại cho ta một mùa xuân vĩnh hằng, mùa xuân
của độc lập tự do và hạnh phúc. Hình ảnh hoán dụ này vừa đẹp vừa mới lạ, thể hiện
tình cảm thương nhớ, kính yêu và sự gắn bó của nhân dân với Bác. Mỗi người dân
là một bông hoa và dòng người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng lên
Bác. Ngày ngày… ngày ngày …, thời gian không ngừng trôi và lòng người Việt Nam
không bao giờ nguôi tình cảm nhớ thương, yêu quí, kính trọng đối với Bác.
Nhịp
thơ chậm rãi, trải dài 8, 9 tiếng một dòng thơ, lặp lại từ ngữ, cấu trúc câu vừa
diễn tả không khí thiêng liêng, thành kính trong lăng, vừa gợi bước đi chầm chậm
của dòng người vào viếng Bác và lòng thành kính, thiết tha của nhân dân với
Bác. Tác
giả đã cho người đọc thấy rõ hơn về hình ảnh của Người. Người cha già vĩ đại đã
dành cả cuộc đời cho dân tộc.
Không
một lời ngợi ca nhưng người đọc cảm nhận được lòng kính yêu vô hạn và sự tôn
vinh tột đỉnh của nhà thơ dành cho lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, vị cha già kính
yêu của dân tộc. Ẩn bên sau những hình ảnh lớn lao và chói lọi là niềm tiếc
thương, nỗi nhớ mong và niềm đau của muôn triệu con người trước sự ra đi của
Bác. Người cha già ấy đã mãi mãi nằm xuống nhưng tình cảm của Người, tình thần
của Người mãi mãi soi rọi non sông, làm ấm lòng dân tộc.