Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng.
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…
Đất nước bốn ngàn năm,
Vất vả và gian lao.
Đất nước như vì sao,
Cứ đi lên phía trước.
Mở đầu bài thơ như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Ở
khổ thơ thứ nhất, nhà thơ vẽ ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên về
mùa xuân quê hương đất nước rộn rã âm thanh, nên thơ, rực rỡ sắc màu với những
đường nét hài hòa, tràn đầy sức sống. Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân
tươi đẹp, đầy sức sống và quyến rũ lạ thường. Từ mùa xuân của thiên nhiên đất
trời, đến khổ thơ thứ hai và ba, Thanh Hải dẫn người đọc đắm chìm vào khung cảnh
mùa xuân của cuộc sống, của nhân dân và đất nước rộn ràng trong trẻo cùng những
hình ảnh đậm chất sử thi. Hai khổ thơ đồng thời cũng là minh chứng cho tài năng
nghệ thuật độc đáo cũng như tình yêu, niềm tự hào sâu sắc mà Thanh Hải dành cho
đất nước.
Khi xưa, trong đêm đen của kiếp sống
nô lệ, nhà thơ Tố Hữu – một người con xứ Huế đã từng viết:
Tôi nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Như nước dòng Hương mải cuốn đi.
Đó là Huế trong quá khứ nô lệ đen tối,
lầm than.Thời nay,trong hiện tại, Huế đã đổi khác, đang hối hả nhịp chiến đấu,
xây dựng cùng đất nước:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng.
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…
Thanh Hải đã vẽ lên một bức tranh mùa
xuân đất nước tuyệt đẹp với sức xuân phơi phới, từ đó làm nổi bật lên sức sống
mãnh liệt của đất nước. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận và tái hiện khung cảnh
mùa xuân của đất nước qua hai hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng là "người
cầm súng" và "người ra đồng". Sức xuân nảy nở nơi những
con người chiến đấu và lao động – hai mẫu người gắn liền với chiều dài lịch sử
phát triển của đất nước. Họ là những con người cụ thể, những con người làm nên
lịch sử với hai nhiệm vụ cơ bản của đất nước ta trong suốt quá trình phát triển
lâu dài: chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Điệp ngữ “mùa
xuân” không chỉ gợi tả khung cảnh thiên nhiên đất trời lúc vào xuân mà còn
thể hiện được sức sống, sức trẻ tràn đầy của đất nước sau chiến tranh. Mùa xuân
đến mang đến tiếng gọi của những cố gắng mới và hi vọng mới, mang đến tiếng gọi
của đất nước, của quê hương đang trên đà đổi thay, phát triển. Những tiếng gọi
lặng lẽ tới từ mùa xuân làm thức dậy con người, làm trái tim con người như bừng
lên rạng rỡ trong không khí sôi nổi của đất nước, của muôn cây cỏ đã đi theo
người lính vào chiến trường, sát kề vai, đã cùng người lao động hăng say ngoài
đồng ruộng. Mùa xuân không những chắp thêm đôi cánh sức mạnh cho con người mà
còn chuẩn bị cho con người những “lộc” non tươi mới, căng tràn nhựa sống.
“Lộc” là nhành non chồi biếc của cỏ cây trong mùa xuân. “Lộc”
không chỉ là hình ảnh tả thực mà con mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. Đối với
người chiến sĩ, “lộc” là cành lá ngụy trang che mắt quân thù trong cuộc
chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đầy cam go và ác liệt. Đối với người nông dân “một nắng
hai sương”, “lộc” là những mầm xuân tươi non trải dài trên ruộng đồng
bát ngát, báo hiệu một mùa bội thu. Nhưng đặc biệt hơn cả, “lộc” là sức
sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài
bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người –
tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của
người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành
quả hôm nay và niềm tin, hi vọng ngày mai. Phải chăng mùa xuân của đất trời đọng
lại trong lộc non đã theo người cầm súng và người ra đồng, hay chính họ đã đem
mùa xuân đến cho mọi miền của Tổ quốc thân yêu?
Từ những suy nghĩ rất thực về đất nước,
nhà thơ khái quát:
Tất cả như hồi hả
Tất cả như xôn xao…
Lối điệp cấu trúc song hành với các
điệp ngữ “Tất cả”, “như” kết hợp với từ láy tượng hình “hối hả”, “xôn
xao” nhấn mạnh khí thế tưng bừng của đất nước vào xuân thể hiện không khí
khẩn trương, niềm vui náo nức bâng khuâng của tâm hồn con người trước mùa xuân
lớn lao của dân tộc. Nhà thơ đã khái quát được cả một thời đại của dân tộc. Nhịp
điệu khẩn trương, tất bật của nhữngcon người Việt Nam trong giai đoạn mới, thời
đại mới, trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa như tụ trong từ “hối hả”.
Còn “xôn xao” lại bộc lộ tâm trạng náo nức rộn ràng. Ý thơ khẳng định một
điều: không chỉ cá nhân nào vội vã mà cả đất nước đang hối hả, khẩn trương sản
xuất và chiến đấu. Tất cả đều náo nức, rộn ràng trong mùa xuân tươi đẹp của
thiên nhiên, của đất nước. Nhịp thơ sôi nổi như nhịp hành khúc cho thấy niềm
tin tươi sáng, cái nhìn lạc quan của Thanh Hải về tiền đồ của dân tộc cho dù
trong hoàn cảnh khó khăn lúc đương thời.
Những dòng thơ của Thanh Hải thổi vào
lòng người một ngọn lửa sống nhắc nhở, thôi thúc con người nhìn đời lạc quan
hơn, sống có trách nhiệm, gắn bó với quê hương, đất nước. Khổ thơ đã để lại một
cảm nhận về sức sống mãnh liệt của mùa xuân và đất nước, đồng thời diễn tả sự
sinh sôi phát triển và sự trỗi dậy bất tận đang bừng lên khắp nơi ở cả thiên
nhiên, đất trời và con người khi xuân về.
Xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên
đất nước khi bước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có cái nhìn sâu sắc và tự
hào về lịch sử hơn bốn nghìn năm dân tộc:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao.
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Giọng thơ có sự thay đổi từ sôi nổi,
hào hùng, mạnh mẽ sang trầm lắng, tha thiết. Thông qua hệ thống các tính từ
"vất vả", "gian lao", nhà thơ suy ngẫm về truyền thống
hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đó là một truyền thống hào
hùng đầy vinh quang nhưng cũng không ít gian nan, vất vả. Với nghệ thuật nhân
hóa, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo,vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường
tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm
bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng
lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất
phục được dân tộc Việt Nam:
Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. (Huy Cận)
Chính những năm tháng khó khăn ấy,
dân tộc mình đã khẳng được ý chí, sức mạnh và bản lĩnh. Đặc biệt, phép tu từ so
sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc:
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên
hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong
vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả khẳng định chiều dài lịch sử của dân tộc và
đất nước trong quá khứ và hiện tại luôn có những biến cố thăng trầm nhưng chúng
ta vẫn luôn cố gắng nỗ lực vươn lên. Từ đây, nhà thơ có những suy tư chiêm nghiệm
về lịch sử dân tộc: Sức xuân của ngày hôm nay là sự kết tụ và phát huy sức xuân
của dân tộc, dẫu phải trải qua muôn vàn khó khăn đất nước và con người Việt Nam
vẫn tỏa sáng bất diệt. Điệp ngữ “đất
nước” được nhắc lại hai lần thể hiện sâu sắc ý thơ: trải qua những gian
truân, vất vả, đất nước vẫn toả sáng đi lên không gì có thể ngăn cản được. Qua
đó, nhà thơ bộc lộ niềm tự hào sâu sắc, mãnh liệt về lịch sử hơn 4000 năm cũng
như tiền đồ của dân tộc. Câu thơ năm chữ “Cứ đi lên phía trước” sử dụng
nhiều thanh trắc tạo nên một âm hưởng khỏe khoắn gân guốc chắc nịch phù hợp với
hình ảnh thơ đậm chất anh hùng. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc
sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần. Câu thơ như một lời khẳng định,
một sự thể hiện ý chí và lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và của cả
dân tộc về tương lai tươi sáng, tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Bài thơ được sáng tác trong lúc đất
nước đang gặp muôn vàn gian lao thử thách nhưng giọng thơ vẫn vút cao chan chứa
niềm tự hào, tin yêu vào sức sống, sức trỗi dậy của đất nước. Phải là một con
người yêu quê hương đất nước tha thiết và giàu lòng lạc quan yêu đời thì Thanh
Hải mới sáng tạo nên những dòng thơ sâu sắc như vậy. Điều này thật đáng quý vì
nó gieo vào lòng người đọc lời nhắc nhở không bao giờ được chùn bước mà hãy cứ
vươn lên.
Với việc sử dụng thể thơ năm chữ giàu
nhạc điệu, bút pháp lãng mạn giàu sức gợi đậm chất sử thi và kết hợp khéo léo nhiều
biện pháp tu từ và từ láy tượng hình, nhà thơ đã gợi tả hình ảnh đất nước vào
xuân tràn đầy sức sống, qua đó thể hiện cái tôi Thanh Hải, niềm tin, niềm tự
hào tha thiết về sức sống của dân tộc. Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác, người đọc
càng yêu hơn, quý hơn những tâm sự của nhà thơ Thanh Hải, một người nghệ sĩ tài
ba, một người chiến sĩ, một công dân với tâm nguyện đẹp đẽ luôn sống thủy
chung, gắn bó với đất nước.
Đoạn thơ không chỉ lay động trái tim
độc giả bởi chất họa gợi cảm, bởi chất nhạc xao xuyến mà còn bởi niềm tin, niềm
tự hào mãnh liệt vào sức sống của đất nước, khơi dậy trong ta ý chí quyết tâm
không bao giờ chùn bước trước khó khăn thử thách trong cuộc sống.
Quê
hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều
có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Tình yêu quê
hương đất nước là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những
sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhờ có tình yêu đó
mà con người không ngừng cố gắng để xây dựng và phát triển quê hương, dựng xây
đất nước. Một thứ tình cảm đầy thiêng liêng luôn thường trực trong trái tim mỗi
con người. Tình yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý
của dân tộc Việt Nam. Điều đó được thể hiện từ những buổi đầu dựng nước và giữ
nước. Lịch sử dân tộc chứng kiến hơn một nghìn năm Bắc thuộc với biết bao mất
mát, đau thương. Nhưng không thời nào là không có anh hùng đứng lên lãnh đạo
nhân dân chống lại kẻ thù. Không thời nào là nhân dân không chung lòng đấu
tranh để bảo vệ đất nước. Nhưng những năm tháng hào hùng nhất có lẽ phải kể đến
cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Dưới sự lãnh đạo
của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Người
cũng là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt
Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Biết bao nhiêu chàng trai,
cô gái - họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với
mảnh đất quê hương, để rồi không ngại hy sinh thân mình vì chính mảnh đất ấy.
Ngày hôm nay, khi Việt Nam được hưởng nền hòa bình quý giá. Tình yêu quê hương,
đất nước có lẽ xuất phát từ những điều thật bình dị. Đó có thể là lòng biết ơn,
yêu mến những người đã sinh ra, dạy dỗ chúng ta. Hay là mong muốn học tập để
mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Cũng có thể đến từ sự bảo
vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt là lòng
quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy
rình rập (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…). Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào
máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Quê hương đi vào lòng con người một
cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua
một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp. Chính vì
vậy, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong một thế giới hòa bình, cần phải ý thức
giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước. Là một người con Việt Nam, ghi nhớ lời
Bác Hồ dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ
nước” Dải đất hình chữ S thân thương đánh đổi bằng biết bao xương máu của thế hệ
cha anh. Vì vậy mỗi chúng ta phải biết trân trọng những hy sinh lớn lao ấy,
trân trọng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp
sánh vai với các cường quốc trên trường quốc tế.
Tình yêu đất nước là một tình cảm giản dị nhưng thiêng
liêng và cao quý vô cùng như nhà thơ Xuân Diệu đã từng ca ngợi: “Tình yêu Tổ quốc
là đỉnh núi bờ sông”. Với “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải đã
góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam một bài thơ xuân đẹp. Bài thơ cho thấy một hồn
thơ trong trẻo, điệu thơ ngân vang, xúc động. Tình yêu mùa xuân gắn liền với
tình yêu quê hương, đất nước được Thanh Hải diễn tả sâu sắc và cảm động. Thi phẩm
lay động trái tim độc giả bởi chất họa gợi cảm, bởi chất nhạc xao xuyến và
đã làm sáng lên trong ta niềm tin, niềm
tự hào mãnh liệt vào sức sống của đất nước, khơi dậy trong ta ý chí quyết tâm
không bao giờ chùn bước trước khó khăn thử thách trong cuộc sống.