Nguyễn Quang Sáng quê ở huyện Chợ Mới
tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội hoạt động ở chiến
trường Nam Bộ. Từ sau 1954 tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết
văn. Những năm chống Mĩ, ông trở về miền Nam tham gia kháng chiến và tiếp tục
sáng tác văn học. Tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng có nhiều thể loại như tiểu
thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người
Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Truyện ngắn Chiếc lược
ngà được viết năm 1966, được in trong tập truyện cùng tên. Bằng việc tạo tình
huống bất ngờ mà tự nhiên hợp lí, đoạn trích trong truyện Chiếc lược ngà thể hiện
thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến
tranh.
Đề tài về tình cảm gia đình luôn là mạch
nguồn cảm xúc của văn chương. Ca dao Việt Nam ngập tràn bóng dáng người mẹ, người
cha và tạo thành dòng chảy đi vào thơ văn hiện đại với Lời ru của mẹ (Xuân Quỳnh),
Mẹ ốm (Trần Đăng Khoa), Bầm ơi! (Tố Hữu), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông),…
Cũng từ đó, tình cảm gia đình thiêng liêng được bồi đắp trong trái tim mỗi người,
là sức mạnh, là niềm tin trong cuộc sống. Đồng thời, tình cảm gia đình là cái
nôi sinh ra những tình cảm cao đẹp khác. Và tình cảm thiêng liêng ấy được đặt trong
bối cảnh chiến tranh lại càng nổi bật, đậm đà. Chiếc lược ngà là một trong số
đó.
Truyện kể về ông Sáu, một nông dân
Nam Bộ, yêu nước, xa nhà đi kháng chiến khi Thu - đứa con gái bé bỏng chưa đầy
một tuổi. Mãi khi Thu tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu
không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt ông làm ông không còn giống với người
trong bức ảnh mà em biết. Em cư xử với ba như người xa lạ. Đến lúc nhận ra cha,
tình cha con thức dậy mãnh liệt thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ,
Ông Sáu dồn hết tình cảm yêu quí, thương nhớ con vào việc làm cây lược bằng ngà
voi để tặng đứa con gái bé bỏng. Thế nhưng, trong một trận đánh, ông đã hi
sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông chỉ kịp trao cây lược cho người bạn để gửi về cho
đứa con ông yêu quý.
Truyện viết trong hoàn cảnh chiến
tranh ác liệt nhưng lại tập trung nói về tình người, ở đây chính là tình cha
con sâu sắc, được thể hiện trong hai tình huống: tình huống thứ nhất là cuộc gặp
gỡ của hai cha con sau tám năm xa cách, nhưng trớ trêu thay con lại không nhận
ra cha. Đây là tình huống cơ bản của truyện. Tình huống thứ hai là sự việc ông
Sáu dồn tất cả tình yêu để làm tặng con gái chiếc lược ngà nhưng ông lại ra đi
khi chưa kịp trao tận tay con gái món quà đó. Đó là toàn bộ mạch truyện mà mỗi
mạch truyện biểu lộ tình cảm mãnh liệt của mỗi nhân vật. Tình cảm ấy đã vẽ nên
một bức tranh buồn nhưng đẹp và thiêng liêng về tình cảm gia đình nói chung,
tình cha con nói riêng trong tình cảnh éo le vì chiến tranh.
Nhân vật bé Thu – một em gái tám tuổi
là nhân vật thứ nhất của truyện, có một tình yêu cha thật đằm thắm, mãnh liệt.
Cha đi chiến đấu biền biệt xa nhà, đến khi Thu lên tám tuổi, hai cha con mới được
gặp nhau. Cô bé tóc cắt ngang vai, hồn nhiên xinh đẹp, mới nhìn ông Sáu đã nhận
ra ngay con gái của mình, vậy mà nhìn thấy cha bé Thu đã tròn mắt nhìn, ngơ
ngác lạ lùng, tái mặt đi, vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Rồi suốt trong
ba ngày cha ở nhà Thu đã không nhận ra cha. Tâm lí và thái độ của Thu được biểu
hiện qua hàng loạt các chi tiết mà người kể chuyện quan sát và thuật lại rất
sinh động như: nhất định không chịu gọi ông Sáu là cha; nhất định không nhờ ông
Sáu chắt giùm nước nồi cơm đang sôi to; hất cái trứng cá mà ông gắp cho; cuối
cùng khi bị ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà ngoại, khi xuống xuồng
còn cố ý khua dây cột xuồng kêu rổn rảng thật to… Cách cư xử nói năng cộc lốc,
vùng vằng, ương ngạnh, ngờ vực; cái thái độ lạnh nhạt, lảng tránh xa cách, thậm
chí còn có những hạnh động vô lễ với ông Sáu ấy khiến cho tình cảm cha con tưởng
chừng không hình thành được.
Tuy nhiên sự ương ngạnh của bé Thu
lúc mới gặp cha là hoàn toàn không đáng trách. Bởi vì trong hoàn cảnh xa cách
và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế
khắc nghiệt, éo le của đời sống. Mặt khác, người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị
cho nó đón nhận những khả năng bất thường nên nó không tin ông Sáu là ba. Chỉ
vì trên mặt ông có thêm vết thẹo khác với hình ba mà nó đã khắc sâu vào tâm
trí. Phản ứng tâm lí của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên. Nó chứng tỏ em có cá
tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc chân thật. Thu chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng
là ba. Trong cái cứng đầu của Thu có ẩn chứa cá sự kiêu hãnh trẻ thơ về một
tình yêu dành cho người cha khác.
Song, đến buổi cuối cùng, trước khi
ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi
hoàn toàn. Tình phụ tử thiêng liêng đã cháy bùng lên. Khi nhìn thẳng đối diện với
người cha “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đằng sau đôi mắt mênh
mông, xôn xao đó là biết bao ý nghĩ, tình cảm đang xáo động trong lòng. Có được
sự xôn xao đó trong đôi mắt là kết quả của cả một đêm “lăn lộn, thở dài như người
lớn ở nhà ngoại”. Nó lăn lộn, nó thở dài có lẽ vì nó ân hận, quá giận mình, rất
thương ba và mong cho trời chóng sáng để có thể chạy về nhà.
Lần đầu tiên, khi không ai ngờ tới,
Thu cất tiếng gọi ba. Đó là tiếng kêu như tiếng xé, xé không khí và xé cả ruột
gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba Thu đã kìm nén bao năm nay. Tiếng
ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. Và đau đớn thay, đây là tiếng gọi ba đầu tiên
cũng là tiếng gọi cuối cùng trong cuộc đời cô bé. Sau tiếng gọi ba là một loạt
những hành động “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy
thót lên, giang hay tay ôm chặt lấy cổ ba nó rồi nó hôn ba nó cùng khắp, hôn cả
vết thẹo dài trên má của ba”. Tất cả những hành động đó đều biểu hiện một tình
cảm ruột thịt nồng nàn là nỗi mong nhớ bùng lên thật mãnh liệt, hối hả, cuống
quýt có xen lẫn sự hối hận. Và khi nghe ông Sáu nói: “Thôi, ba đi nghe con”, nó
đã thét lên “Không!” rồi “hai tay xiết chặt cổ ba nó, giang cả hai chân câu chặt
lấy ba, đôi vai nhỏ bé rung rung”, bé Thu khóc. Đó là tiếng khóc của sự xót xa
ân hận vì lỗi lầm của mình, vì thương ba đau khổ. Khi hiểu ra mọi lẽ, khi nhận
ra cha thì đã quá muộn. Do đó tất cả mọi hành động của Thu đối với cha như muốn
đền bù những hụt hẫng đã qua. Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy, trong cảnh
ngộ cha con ông Sáu phải chia tay, có người không cầm được nước mắt. Riêng bác
Ba – người kể chuyện cảm thấy như có bàn tay cứ nắm lấy trái tim mình. Nhà văn
viết không nhiều, chỉ bằng một nét chấm phá đó thôi nhưng đủ cho ta xúc động
trước nỗi niềm và tâm trạng của nhân vật.
Tóm lại, tình cảm của bé Thu đối với
cha thật sâu sắc, mạnh mẽ, thật dứt khoát rạch ròi. Thu là đứa trẻ có cá tính cứng
cỏi đến mức ương ngạnh nhưng hồn nhiên, ngây thơ, đáng yêu. Giờ đây, Thu không
chỉ yêu ba, em còn tự hào về ba. Chính niềm yêu thương và tự hào ấy đã trở
thành sức mạnh thôi thúc và rèn giũa để sau này Thu trở thành cô giao liên mưu
trí, dũng cảm gan dạ. Qua những diễn biến tâm trạng, tình cảm của bé Thu, ta thấy
tác giả tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ và quan trọng hơn bởi ông có tấm lòng
yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ đó.
Vì cuộc chiến đấu chung của dân tộc,
ông Sáu đã hy sinh hạnh phúc gia đình, xa vợ, xa con, rồi những thương tích
trong chiến tranh. Suốt tám năm ròng, xa gia đình đi chiến đấu, mấy ngày về
thăm nhà ít ỏi, ông phải trái qua nỗi đau về tinh thần vì đứa con gái duy nhất
mà ông hằng mong nhớ không chịu nhận ông là cha. Hẳn người đọc chúng ta không
thể quên được hành động của ông Sáu khi mới về thăm nhà: “Cái tình người cha cứ
nôn nao trong con người anh, không thể chờ xuồng cập bến, anh nhảy thót lên bờ,
chạy lại bên con, giọng lập bập run run Ba đây con !”. Thế nhưng đáp lại tình cảm
ấy của ông là nỗi sợ hãi thảng thốt kêu cứu của con. Ông như chết lặng đi trông
thật đáng thương, tội nghiệp. Suốt ba ngày ở nhà, ông không đi đâu, chỉ tìm
cách gần gũi, vỗ về con, nhưng càng an ủi vỗ về thì con càng lạnh nhạt, xa
cách. Cho đến phút cuối cùng, trước lúc chia tay, ông mới được hưởng niềm hạnh
phúc của người cha, đó là nghe con gọi mình là ba và được đón nhận những cử chỉ,
hành động yêu thương nồng nhiệt của con gái. Quá bất ngờ, xúc động, hạnh phúc,
ông lén con lau vội những giọt nước mắt vừa sung sướng vừa đau đớn, xót xa.
Vì nhiệm vụ đối với đất nước, ông
không thể ở lại với con. Trở về khu căn cứ, ông mang nỗi ân hận đã đánh con và
lời con dặn trước lúc chia tay vào việc làm một chiếc lược ngà tặng con. Chỉ kiếm
được khúc ngà voi, ông đã vô cùng sung sướng, giành hết tâm trí, công sức vào
làm chiếc lược: “Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược thận trọng, tỉ mỉ,
kì công như một người thợ bạc. Trên sống lưng lược có khắc dòng chữ Yêu nhớ tặng
Thu con của ba”. Chiếc lược ấy chưa chải được mái tóc con nhưng như gỡ được phần
nào tâm trạng của ông. Nó trở thành vật thiêng, an ủi ông, nuôi dưỡng trong ông
tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Hàng đêm, ông nhìn ngắm chiếc lược, mài nó
lên tóc cho thêm bóng thêm mượt. Tác giả không miêu tả rõ nhưng người đọc vẫn
hình dung được cái kỉ vật nhỏ bé mà thiêng liêng ấy. Đó cũng là biểu tượng trắng
trong, quý giá, bất diệt của tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Do đó, trước
lúc hi sinh, không đủ sức nói một lời trăng trối, ông vẫn nhớ tới chiếc lược và
chuyển giao nó cho người bạn như một cử chỉ chuyển giao sự sống, một ước nguyện
gìn giữ muôn đời tình cha con ruột thịt. Điều đó đúng như ông Ba đã nói: “Có lẽ
chỉ có tình cha con là không thể chết được”. Chiếc lược ngà – kỉ vật của người
cha – kỉ vật của người đã khuất mãi mười năm sau mới tìm được địa chỉ, mới được
trao lại cho đứa con gái bé bỏng để “tình cha con không chết”. Và hơn thế nữa,
nó đang sống lại trong sự sống của người bạn, người đồng chí với bé Thu. Như vậy,
câu chuyện Chiếc lược ngà không chỉ ca ngợi tình cha con đậm đà sâu nặng bất diệt,
ca ngợi tình đồng chí đồng đội mà còn gợi cho người đọc thấm thía những nỗi đau
thương mất mát, éo le mà chiến tranh gieo xuống cho bao con người, bao gia đình
trên đất nước Việt Nam.
Chiến tranh! Hai tiếng vang lên nghe
thật thương tâm, cũng chính vì hai tiếng đó mà bao người phải khổ đau. Chiến
tranh tàn khốc, gây ra các cuộc sinh ly tử biệt, vợ xa chồng, cha xa con, con
xa nhà. Chiến tranh không thể tha thứ khi đã cướp đi sinh mạng, xương máu của
biết bao người con Việt Nam, và cũng chính trong chiến tranh ấy, những tình cảm
thiêng liêng nhất của cuộc đời không thể nào bộc lộ ra hết được, tình yêu đôi lứa,
tình đồng chí đồng đội, tình yêu quê hương và đặc biệt nhất là tình cảm gia
đình.
Chúng ta đã từng cảm động biết bao
trước tình bà cháu ấm áp, thấm thía trong Bếp lửa của Bằng Việt (1963). Bài thơ
là lời của người cháu ở nơi xa nhớ về người bà tần tảo, chịu thương chịu khó,
giàu đức hi sinh, cùng những kỉ niệm tuổi thơ êm đềm bên bà – dù bị bóng đen
ghê rợn của nạn đói năm 1945 bao trùm nhưng bà và bếp lửa vẫn “chờn vờn” mỗi sớm,
vẫn “ấp iu nồng đượm” mỗi ngày. Hay Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
(Nguyễn Khoa Điềm) dạt dào tình yêu con của người mẹ Tà Ôi… Còn Y Phương, qua
bài thơ Nói với con đã đem đến cho ta vẻ đẹp tình cha con thắm thiết trong lời
dặn chân thành, mộc mạc mang đậm chất Tày. Bài thơ như là một khúc tâm tình của
người cha, thể hiện lòng yêu thương con của người miền núi và mong ước thế hệ
con cái phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Trong Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang
Sáng đã phát hiện ra vẻ đẹp tình cha con thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến
tranh ác liệt. Tiếng gọi ba đầu tiên cũng là tiếng gọi ba cuối cùng, cái ôm đầu
tiên của hai cha con cũng là cái ôm cuối cùng. Thế nhưng dù thời gian có ít ỏi,
dù bên nhau không nhiều nhưng sợi dây tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu vẫn
mãi vững bền, không bom đạn nào có thể chia cắt.
Trang sách khép lại mà sao hình ảnh
hai cha con ông Sáu và những tình cảm của họ vẫn còn để lại ấn tượng trong lòng
người đọc. Điều gì đã làm nên sức sống, sức hấp dẫn của các nhân vật cũng như của
truyện ? Trước hết, đó là vì tác giả đã xây dựng được một cốt truyện chặt chẽ,
hợp lí, đã tạo được những tình huống éo le, cảm động. Thứ hai là nhờ nghệ thuật
miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật tài tình, giọng kể nhẹ nhàng, đằm thắm, cách
kể quá khứ xen hiện tại. Ngoài ra, cách chọn ngôi kể cũng là một nghệ thuật đặc
sắc của truyện. Kể theo ngôi thứ nhất, bác Ba vừa là người kể chuyện vừa là
nhân vật trong câu chuyện nên càng có tác dụng làm cho câu chuyện như thật và dễ
đi vào lòng người.
Đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà
đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le
của chiến tranh. Nguyễn Quang Sáng đã khắc tạc thành công tình nghĩa cao đẹp giữa
những con người Việt Nam luôn trường tồn mãi mãi dẫu có trải qua khốc liệt của
chiến tranh.
Thạc sỹ Nguyễn Huyền Nga (Giáo viên
trường Quốc tế Á Châu)