A.Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả (phong
cách, sự đóng góp, một chi tiết trong cuộc đời có liên quan đến sáng tác …) và
đôi nét về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, vị trí
của tác phầm trong toàn bộ sáng tác…)
- Giới thiệu khái quát nội dung của tác phẩm
- Giới thiệu khái quát nội dung của đoạn trích (trích dẫn đoạn
thơ cần phân tích)
B.Thân bài:
1. Nêu nhận định chung về tác phẩm, đoạn thơ : Kết cấu,
giọng điệu, hình ảnh, … hoặc cảm xúc chung của toàn tác phẩm.
2. Lần lượt phân tích, cảm nhận từng ý thơ (Căn cứ vào kết quả tìm ý ở từng câu, từng
khổ, liên hệ so sánh với 1 số bài thơ khác có cùng đề tài để làm rõ hơn bài
thơ đang phân tích )
Ta có thể sắp xếp theo trình tự sau :
- Nêu ý khái quát (luận điểm): ……
“Trích dẫn thơ”
- Phân tích: Nghệ thuật – Nội dung
=> Tiểu kết và chuyển ý
3. Liên hệ – Trình
bày những điểm gặp gỡ :
a. Giới thiệu – Khái quát nội dung đoạn thơ hoặc nhân vật liên hệ:
“Trích dẫn thơ” (nếu là thơ)
- Phân tích khái quát: Nghệ thuật – Nội dung
b. Trình bày những điểm gặp gỡ:
- Hình ảnh nhân vật.
-Tư tưởng tác phẩm
- Điểm khác biệt
C.Kết bài
- Khẳng định lại toàn bộ giá trị nghệ thuật và nội dung của 2 bài
thơ :….
- Liên hệ thực tế - Liên hệ bản thân.
VD.Hãy phân tích khổ 4 và 5 trong
bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Sau đó liên hệ một đoạn thơ
của tác giả khác để thấy điểm gặp gỡ trong tư tưởng của hai nhà thơ
.
A.Mở bài
Mùa xuân từ lâu đã là đề tài vô tận cho các thi sĩ. Nhưng hiếm có bài thơ
nào viết về mùa xuân lại hay và trong hoàn cảnh đặc biệt như “mùa xuân nho nhỏ”
của Thanh Hải, nhà thơ của xứ Huế mộng mơ. Bài thơ “mùa xuân nho nhỏ” được sáng
tác năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh và chỉ mấy tuần lễ sau khi
hoàn thành bài thơ thì nhà thơ đã qua đời. Đây là một bài thơ hay tiêu biểu cho
hồn thơ Thanh Hải đã thể hiện được “tâm nguyện thật thiết tha, cảm động của nhà
thơ Thanh Hải với đất nước, với cuộc đời. Thanh Hải, nhà thơ nặng lòng với xứ
Huế mộng mơ, những ngày cuối đời lại ước mong được hóa thân thành một mùa xuân,
một mùa xuân nho nhỏ để thỏa nguyện lòng yêu mến nhân gian:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một Mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc. “
B.Thân bài:
1. Nêu nhận định chung về tác phẩm, đoạn thơ :
Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải sáng tác trước khi
nhà thơ qua đời một tháng .Trong tâm lí nặng nề, sức khoẻ và bệnh tật mà hồn
thơ Thanh Hải vẫn cất cánh bay cao để rồi mang đến cho cuộc sống một tình yêu,
một nỗi niềm thiết tha với quê hương đất nước và cùng theo đó là ước nguyện
chân thành được cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ Quốc thân yêu. Đoạn thơ
bộc lộ ước nguyện được hoà nhập, dâng hiến cho cuộc đờilà những dòng thơ thật
hay, thật xúc động.
2. Phân tích, cảm nhận từng ý thơ
Vốn là một hồn thơ rộng mở, Thanh Hải luôn khao khát được hòa mình với cuộc
sống và thiên nhiên bất tận. Thanh Hải yêu thơ và say mê làm thơ như một lẽ sống
không bao giờ ngừng. Và chính ông cũng nhận được biết bao cơ hội có thể giãi
bày qua thơ văn. Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được khơi gợi từ những cảm
nhận về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của cuộc
sống lao động và chiến đấu của dân tộc.Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được
thể hiện một cách khiêm nhường nhưng rất đỗi chân thành :
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Trong không khí tưng bừng của đất nước vào xuân, nhà thơ cảm nhận được một
mùa xuân tươi trẻ, rạo rực trỗi dậy trong tâm hồn. Đó là mùa xuân của lòng người,
mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của sự cống hiến và hòa nhập. Để bày tỏ
lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho
người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp
“ta”-“hoa”-“ca”. Nhịp thơ dồn dập và điệp từ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng
cống hiến của nhà thơ, ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm”-“nhập” ở
vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ - hoá thân để sống đẹp, sống có
ích. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để
bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm. Còn gì đẹp hơn khi làm
một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ!Còn gì vui hơn khi được
làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời! Các hình ảnh bông hoa,
tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi
đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở
ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình.
Cái “tôi”của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hoá thành cái “ta”. Có
cả cái riêng và chung trong cái “ta” ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ
đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung. Hình ảnh
“nốt trầm”và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân
thành của mình.“Nốt trầm” là nốt nhạc tạo nên sự lắng đọng sâu xa trong một bản
nhạc. Trong cái không khí tưng bừng của ngày hội mùa xuân, nhà thơ muốn làm một
nốt nhạc trầm để góp vào khúc ca xuân của dân tộc một chút vấn vương, xao xuyến.
Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là“một nốt
trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ
bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. Đọc đoạn
thơ, ta xúc động trước ước nguyện của nhà thơ xứ Huế và cũng là ước nguyện của
nhiều người.
Từ khát vọng hòa nhập, nhà thơ thể hiện rõ hơn khát vọng cống hiến của
mình ở những câu thơ sâu lắng tiếp theo:
Một Mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc. “
Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác,tinh tế và gợi cảm.
Làm cành hoa,làm con chim,làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ
dâng hiến cho cuộc đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một
cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp.Mỗi người hãy làm một mùa xuân,
hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào
làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một
thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp,
sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến.Ý thơ thể hiện
một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế
trước khi về với thế giới “người hiền” cũng đã ước nguyện: “Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc”.Lời ước
nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Sử dụng điệp ngữ “dù là” nhắc lại hai lần như
tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai
mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già,bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời,
sống làm đẹp cho đất nước. Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển
tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết
tha. Chỉ “lặng lẽ”mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất
của cuộc đời mình cho đất nước. Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh
niên vào đời mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến
tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều
đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ. Vì vậy, mà sức lan tỏa của
nó thật lớn.
Bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tha thiết phù hợp với tâm trạng
cảm xúc, cùng với hình ảnh ẩn dụ… Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông
điệp đáng quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần
nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc đoạn
thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta
càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh Hải đã sống.
3. Liên hệ – Trình
bày những điểm gặp gỡ :
Biết lặng lẽ dâng đời,biết sống vì mọi người cũng là cách sống mà nhà thơ
Tố Hữu đã viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc là phải
xanh,
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng
mình”.
Nhà thơ mượn hình ảnh con chim, chiếc lá để thể hiện quy luật của thiên
nhiên: con chim dâng tặng cho đời tiếng hót, chiếc lá dâng tặng cho đời màu
xanh. Đó là những gì tinh tuý nhất để làm cho cuộc sống thêm hương sắc và thêm
sức sống.Từ quy luật của tự nhiên tác giả liên tưởng đến quy luật của
cuộc sống con người: Đó là quy luật vay-trả, nhận và cho. Suy rộng ra con người
sống không phải là để hưởng thụ vật chất hay tinh thần của thiên nhiên, của cuộc
sống mà phải biết cống hiến, biết làm đẹp cho xã hội ngày càng phát triển. Đó
là cách sống có ý nghĩa.Cách lập luận “phải…phải”, “lẽ nào…” là lời khẳng định
mang tính quy luật. Gợi nhắc cho những thế hệ trẻ một cách sống đẹp: góp một
phần sức nhỏ bé của mình để đất nước ta sẽ mãi tươi đẹp như trong tiết
xuân.Thế mới biết, cuộc đời của con người thì có hạn những những giá trị tinh
thần mà con người để lại cho đời sau thì có giá trị vĩnh hằng.
Hai nhà thơ đã gặp nhau ở quan niệm về lẽ sống: Không sống hưởng thụ,
ích kỉ, phải biết cống hiến, vị tha. Đây là quan điểm sống đẹp, cao thượng và
đáng trân trọng.Họ đều lựa chọn những hình ảnh, những sự vật bình dị nhưng có
ích để thể hiện khát vọng của mình. Họ đều là những con người sống có lí tưởng,
có niềm tin vào tương lai đất nước. Lời thơ của cả hai tác giả đề thiết tha, cảm
xúc chân thành. Đọc những cảm xúc sâu lắng khó phai mờ của hai nhà thơ,bản
thân chúng ta phải chuẩn bị cho mình những phẩm chất, trí tuệ để xây dựng và
phát triển đất nước.
C.Kết bài
Hai đoạn thơ như gắn kết hai tâm hồn của những con người luôn yêu đời,
yêu người. Cả hai nhà thơ đã đi vào cõi vô định xa xôi nhưng những vần thơ của
họ vẫn mãi ở lại để tô điểm cho cuộc đời. Có thể nói, những vần thơ trong trẻo,
khơi đậm triết lí trong các khổ thơ trên là lời tâm sự, giãi bày của thi nhân
bộc lộ đầy đủ tình yêu cuộc đời, yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Đọc hai
đoạn thơ, ta hiểu được, thêm yêu và trận trọng hơn lẽ sống mà các tác giả để lại,
và tự nhủ hãy sống đẹp như các nhà thơ đã sống.