Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà.


Tình cảm cha con luôn là một trong những tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất. Nhắc đến gia đình, thường người ta sẽ nghĩ đến sự vất vả cực nhọc của người mẹ nhưng đến với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sự hi sinh của người cha. Người cha lúc nào cũng hi sinh vì gia đình, yêu thương con nhưng đặc biệt trong thời chiến thì tình cảm ấy càng quý giá hơn bao giờ hết. Và tất cả vẻ đẹp của tình cảm ấy đã được thể hiện qua nhân vật ông Sáu.
Tác phẩm “chiếc lược ngà” được Nguyễn Quang Sáng viết vào năm 1966. Khi ấy, tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, đó là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Nói về hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn này, Nguyễn Quang Sáng đã tâm sự: “Năm 1966, tôi ở miền Bắc trở về miền Nam. Vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng. Tôi đi ghe vào sâu rừng và sống trong một nhà sàn treo trên ngọn cây. Lúc ấy, đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Tôi đã rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Sau khi nghe cô gái kể chuyện, tôi ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này”.
Trong thời kỳ máu lửa căng thẳng của lịch sử, bất kỳ người thanh niên nào cũng không thể ngồi yên nhìn đất nước bị quân giặc giày xéo. Ông Sáu cũng vậy. Tuy lấy vợ chưa được bao lâu nhưng ông đã phải giã từ gia đình lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc. Ông Sáu chiến đấu không chỉ vì đất nước mà còn vì để bảo vệ cuộc sống của những người thân mà ông yêu quý. Những ngày ở chiến khu cứ thế trôi qua trong nỗi nhớ nhà dai dẳng, đau đáu khôn nguôi. Và rồi vợ ông đã sinh con, một bé gái kháu khỉnh. Đó vừa là tin vui nhưng cũng vừa là tin buồn, vui bởi ông cuối cùng cũng trở thành cha. Còn buồn là bởi lẽ ông không thể ở bên vợ chứng kiến khoảnh khắc con chào đời hay cùng có mặt trong quá trình trưởng thành của con. Nên ông luôn hướng về gia đình.
Đối với ông, ba ngày nghỉ phép xuất hiện như một phép màu, một cơ hội quý giá để ông được về với gia đình, đặc biệt là về với đứa con mà ông chưa từng được ôm hôn nó lần nào. Giờ đây ông có thể nhìn thấy đứa con mà ông chỉ mới nhìn mặt nó qua mấy tấm ảnh trắng đen. Nghĩ đến giây phút đó thôi bao cảm xúc đã trào dâng.
Ông Sáu càng háo hức hồi hộp bao nhiêu thì khi trở về nhà, gặp bé Thu ông càng đau đớn bấy nhiêu. Khi xuồng chưa cập bến, ông đã vội nhảy xuống bờ, dang hai tay chạy về phía con cất tiếng gọi. Lúc ấy mọi cảm xúc vỡ òa nghẹn ngào sung sướng. Biết bao tình yêu ông đổ dồn trong hai tiếng gọi “Thu! Con” thân thương ấy. Nhưng đáp lại tấm lòng của ông chỉ là sự lạnh lùng xa lạ của Thu.  Con bé không nhận ra ông, không nhận ra ông là ba của nó. Nó sợ hãi và vùng chạy đi. Điều đó như một nhát dao cứa vào trái tim ông. Làm sao mà không đau khi đứa con gái ruột của mình lại không nhận ra mình. Làm sao mà không đau khi đứa con mình ngóng trông bấy nay lại hờ hững lạnh nhạt. Bao viễn cảnh tươi đẹp ông vẽ ra đều tan biến đọng lại đó là một cảm giác đau nhói. Tuy có thể hiểu được phần nào tâm trạng của bé Thu nhưng ông không thể không thấy cay đắng. Một nụ cười chua chát hiện ra trên gương mặt ông.
Ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi, ông Sáu không làm gì cả ông chỉ quẩn quanh ở nhà bên cạnh bé Thu. Bởi ông hy vọng, con bé rồi sẽ hiểu ra chấp nhận ông và gọi ông một tiếng ba. Một điều dường như là hiển nhiên đối với những gia đình bình thường khác thì đối với ông Sáu lại là một điều vô cùng khó khăn. Ông Sáu dành hết thời gian, tâm tư vào việc đối xử với con để phần nào bù đắp khoảng thời thời gian khi mình không ở cạnh con. Nhưng bé Thu lại cương quyết không chấp nhận sự quan tâm của ông, không hề lay chuyển tình cảm và càng không đồng ý gọi ông Sáu là ba. Dù mẹ nó hay những người xung quanh có nói gì thì con bé cũng nhất quyết không gọi ba. Không biết gọi ông Sáu là gì nên thành ra nó cứ nói trổng như khi kêu ông vào ăn cơm hay khi nhờ ông chắt nước nồi cơm. Trước thái độ của con bé ông chỉ cười trừ. Ông Sáu hiện ra không chỉ thương yêu mà còn bao dung. Bởi lẽ ông hiểu con bé còn nhỏ, và chính ông cũng có lỗi khi không kề bên con trong ngần ấy năm cuộc đời của con nên ông hiểu vì sao con bé lại hành động lại đối xử với ông như người xa lạ. Đỉnh cao của mối quan hệ này là trong bữa cơm, khi ông Sáu gắp cho bé Thu cái trứng cá vào bát nó, Thu đã hất mạnh cái trứng đi khiến cơm văng tung tóe khắp nơi. Không nén được cơn giận, ông đã vung tay đánh bé Thu. Ông đánh bé Thu không phải là vì ông không thương con nữa mà ẩn sâu cái đánh ấy một sự bất lực của trái tim. Dường như ông càng cố gắng gần con hơn thì ông lại càng xa con hơn. Và thời gian cũng không còn cho phép ông có thể ở lại chờ nhận đực tiếng gọi ba. Lúc trước đã không, bây giờ thì cơ hội lại càng mong manh hơn. Ông đánh con nhưng ông lại chính là người đau đớn hơn cả.
Cuối cùng thì ông Sáu cũng đã được toại nguyện. Tiếng gọi ba mà ông hằng tha thiết khao khát được vang lên trong giây phút cuối cùng của cuộc hội ngộ. Ông Sáu lại phải chia tay gia đình trở về kháng chiến. Có lẽ nếu tiếng gọi ấy không vang lên sẽ trở thành nuối tiếc lớn nhất cuộc đời của ông sáu và cả bé Thu nữa. Bởi lẽ “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, mấy người đi biết có trở về, biết đâu đây là lần gặp cuối. Ông Sáu sẽ mãi hối tiếc vì không được nghe tiếng gọi thân thương thiêng liêng. Còn bé Thu nếu không cô sẽ mãi tiếc nuối vì chẳng kịp nhận cha. Nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười với hai con người này. Cuối cùng mọi chuyện đã vỡ lẽ ra. Thu không nhận ông Sáu vì người cha mà con bé xem hình không có vết sẹo dài trên mặt. Nó không hận không oán trách cha nó khi ông không ở bên cạnh nó trong những ngày tháng thơ bé, nó luôn yêu thương trân quý bức hình của cha nó. Chính vì yêu thương nên nó không thể chấp nhận một người có ngoại hình khác với bức ảnh làm cha.Nhưng khi hiểu ra vết sẹo ấy là do chiến tranh gây ra, đó chính là người cha mà nó hằng mong đợi bấy lâu thì mọi cảm xúc vỡ òa. Bức tường thành kiên cố trong lòng nó cũng sụp đỏ, chỉ còn tình yêu thương. Nó cất tiếng gọi ba. Còn ông Sáu cũng hạnh phúc đến rơi nước mắt. Đó không phải là giọt nước mắt tủi hờn mà là giọt nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc vì cuối cùng ông cũng được nghe con gọi cha, hạnh phúc vì cuối cùng ông cũng cảm nhận được tình yêu thương.
Tình yêu thương là một sợi dây mong manh vô hình có thể mong manh dễ bị tác động nhưng nó vô cùng bền chặt. Điển hình chính là tình yêu thương của bé Thu và ông Sáu. Càng kiên định bao nhiêu trong việc không nhận ông Sáu làm cha thì lại càng yêu thương bấy nhiêu khi nhận ra cha. Con bé không nỡ rời xa người cha mà nó vừa nhận ra. Ông Sáu cũng vậy, ông cũng muốn ở lại bên cạnh con tận hưởng thêm chút tình yêu thương gia đình mà ông vừa nhận được. Ba ngày nghỉ phép tuy ngắn ngủi nhưng với tình hình kháng chiến của đất nước hiện tại thì đó là một khoảng thời gian đặc biệt quý giá. Tuy rất yêu thương con nhưng ông cũng phải gác lại tình yêu thương ấy để lên đường hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh với đất nước. Tình cảm gia đình đáng trân quý thì tình cảm nghĩa vụ với đất nước càng quý gia hơn. Ông đã biết gác tình riêng để hoàn thành sứ mệnh, để bảo vệ đất nước cũng như để bảo vệ cuộc sống bình yên của biết bao gia đình. Khoảnh khắc bé Thu gọi cha tuy ngắn ngủi nhưng đã là một động lực to lớn để ông có thể tiếp tục chiến đấu hết mình đất nước.
Rời xa con, rời xa gia đình đi chiến đấu nhưng ông luôn hướng về quê nhà về gia đình. Gia đình trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên ông ngày ngày chiến đấu chống ngoại xâm. Những ngày tháng ở chiến khu cũng là lúc tình yêu thương của ông Sáu dành cho con bộc lộ rõ nét nhất. Ông Sáu luôn ân hận day dứt về chuyện lỡ tay đánh con. Trước khi đi, bé Thu có nói muốn ông tặng cho một chiếc lược ngà. Lời nói vô tư của trẻ con ấy lại khiến ông khắc cốt ghi tâm. Ao ước của con dần dần cũng trở thành ước nguyện của ông. Ông tẩn mẩn ngồi làm cho con chiếc lược. Thận trọng, cất công như người thợ bạc. Hình ảnh ông ngồi khắc chữ lên chiếc lược có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của câu chuyện. Chiếc lược ấy được khắc dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”, tuy dòng chữ cô đọng nhưng đã thể hiện sâu sắc tình cảm của ông dành cho bé Thu. Chiếc lược xét về vật chất không đáng giá nhưng xét về tình cảm tinh thần thì nó vô cùng quý giá không gì có thể thay thế được bởi nó được làm từ tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành cho con.
Nhưng chiến tranh ác nghiệt đã cướp mất mạng sống của ông Sáu, cướp đi cơ hội được gặp lại con lần nữa. Di nguyện trước khi chết của ông Sáu chính là có thể trao chiếc lược ấy đến tay Thu. Đến phút cuối của cuộc đời ông vẫn luôn nhớ vẫn luôn yêu thương bé Thu.
Tác phẩm đã khắc họa thành công tình cảm thiêng liêng cao quý của ông Sáu và bé Thu. Việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn trần thuật phù hợp đã tạo nên hiệu ứng cho câu chuyện. Câu chuyện qua lời kể của Bác Ba trở nên xúc động hơn, chân thật hơn. Ngôn ngữ có sự chắt lọc giản dị nhưng thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Đặc biệt là chi tiết chiếc lược ngà có thể nói là chi tiết đắt nhất của câu chuyện đã chuyển tải thành công vẻ đẹp của tình cha con thiêng liêng cao cả.
Dù ông Sáu có hi sinh nhưng tình yêu ông dành cho bé Thu vẫn vẹn nguyên tuyệt đẹp. Tình cảm ấy cũng chính là động lực cho bé Thu cố gắng hơn và tiếp nối sự nghiệp cách mạng của ông. Tác phẩm không chỉ đề cao tình cảm cha con mà còn lên tiếng phê phán tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã làm cho biết bao gia đình tan vỡ, chia lìa.


Nguồn: Sưu tầm