Dạng 1 : Phân tích một tác phẩm truyện :
A.Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả ( phong cách, sự đóng góp, một chi tiết trong cuộc đời có liên quan đến sáng tác …) và đôi nét về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, vị trí của tác phầm trong toàn bộ sáng tác…)
- Giới thiệu khái quát nội dung của tác phẩm
- Dẫn nội dung nghị luận theo định hướng của đề
B.Thân bài:
1. Tóm tắt tác phẩm, đoạn trích: Ngắn gọn hướng theo yêu cầu của đề.
2. Lần lượt phân tích những giá trị nội dung tác phẩm, đoạn trích để làm rõ vấn đề cần nghị luận hoặc một số khía cạnh đặc sắc nhất của đoạn trích. (Có thể phân tích theo tình huống truyện, theo nhân vật ….)
Ta có thể sắp xếp theo trình tự sau :
a. Nêu ý khái quát (luận điểm): ……
+ Diển giải, nhận xét, chứng minh bằng các tình tiết, chi tiết, câu nói… lấy từ tác phẩm đoạn trích.
=> Tiểu kết và chuyển ý
b. Nêu ý khái quát (luận điểm tiếp theo) : ………
+ Diển giải, nhận xét, chứng minh bằng các tình tiết, chi tiết, câu nói… lấy từ tác phẩm đoạn trích.
=> Tiểu kết và chuyển ý
* Lưu ý : + Ta cứ tiến hành lần lượt như vậy cho đến hết giá trị nội dung tác phẩm mà đề bài yêu cầu.
+Trong quá trình nghị luận, cần tránh kể lại câu chuyện , mà phải chú ý chọn lọc và bám sát cốt chuyện, diễn biến ( từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, các biện pháp tu từ...để phân tích, bình giảng ...)
3. Đánh giá về thành công nghệ thuật của tác phẩm: cái hay, độc đáo về giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng.
- Những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm: ngôi kể, hệ thống chi tiết, tình huống, cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu, sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ…
- Cảm nhận về giá trị hiện thực hay giá trị nhân đạo tác phẩm ( có thể coi như phát biểu cảm nghĩ )
C.Kết bài
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm, đoạn trích
- Tài năng, vị trí của nhà văn.
Tham khảo
Đề : Cảm nhận đoạn trích "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.
I. Mở bài:
Có một nhà văn đã nói rằng : "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra". Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp - Mĩ thần thánh của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện đã thể hiện thật cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đoạn trích"Chiếc lược ngà" trong sách giáo khoa 9 là ở phần giữa câu chuyện, tập trung thể hiện sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu qua những tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững, mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng.
II. Thân bài:
1. Khái quát (Dẫn dắt vào bài – Tóm tắt đoạn trích):
- Tình cha con – đó không chỉ là tình cảm muôn thưở có tinh nhân văn vững bền. Nó được thể hiện trong tình cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh, trong cuộc sống gian khổ, hi sinh của người cán bộ Cách mạng. Đọc câu chuyện “Chiếc lược ngà” được kể lại qua sự chứng kiến của bác Ba – người bạn chiến đấu của ông Sáu, ta mới thấm thía hết được những nỗi đau của con người trong chiến tranh và sức mạnh của tình cha con thiêng liêng, bất hủ.
Ông Sáu – người chiến sĩ xa nhà sau 8 năm mới có dịp về quê thăm con. Bé Thu không nhận ra cha nó vì vết sẹo trên mặt làm ông không giống với bức hình chụp với má mà nó đã từng biết đến, vì thế nó đối xử với ông như một người xa lạ và hết sức lạnh lùng. Đến khi nó nhận ra ông Sáu là ba, khi tình cảm cha con như bỗng nổi dậy trong người nó thì đó cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở căn cứ, nhớ đến lời hứa với con, ông Sáu đã dồn hết tình yêu thương, và sự mong nhớ con vào chiếc lược ngà mà ông đã tỉ mỉ làm miệt mài từng cái răng để tặng cho con gái bé bỏng của mình. Nhưng không may, trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, ông Sáu đã hy sinh. Trước khi nhắm mắt, ông chỉ còn kịp trao chiếc lược ngà cho người bạn thân – bác Ba – nhân vật kể chuyện.
2. Phân tích những giá trị nội dung tác phẩm ( Phân tích tình cha con theo nhân vật)
2.1. Luận điểm 1:Thái độ, tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu:
Bé Thu – hình tượng nhân vật trọng tâm trong câu chuyện, được tác giả khắc họa một cách cực nhạy bén và tinh tế. Thu là một cô bé rất cá tính, bướng bỉnh và gan góc, nhưng lại giàu tình cảm. Thái độ của nó trái ngược hoàn toàn với những ngày đầu khi ông Sáu trở về thăm nhà và lúc ông Sáu sắp ra đi, song trái ngược mà vẫn nhất quán. Có lẽ chỉ vì quá yêu ba, quá khát khao được có ba nên khi nhận định đó không phải là ba của mình thì nó nhất định không chịu nhận ông Sáu, nhất định không chịu gọi ông Sáu một tiếng “ba” dù chỉ một lần. Nó cứng đầu thế đấy, bởi lẽ trong tâm trí của nó chỉ có duy nhất hình ảnh người cha trong tấm ảnh mà nó vẫn thường thấy mỗi ngày, chứ không phải bộ dạng của ông Sáu bây giờ. Người cha không được đứa con nhìn nhận bởi vết sẹo trên má làm mặt ông bị biến dạng và khác trước quá nhiều… Chính vết sẹo ấy là dấu tích không mong muốn của chiến tranh tàn khốc mà Thu thì còn quá nhỏ để có thể cảm nhận và hiểu được điều đó – hiểu được sự khốc liệt của bom lửa đạn, hiểu được cái cay xé của mùi thuốc súng, hiểu được sự gian nan, vất vả trong cảnh chiến tranh khắc nghiệt mà người lính phải trải qua. Chính chiến tranh là nơi khởi nguồn của sự xa cách. Một đứa trẻ mới chừng tám tuổi mang trong mình một phản ứng kì lạ, mạnh mẽ. Chính cái thái độ phản ứng quyết liệt lại là một mấu chốt của một tình thương yêu sâu sắc dành cho người cha của nó. Bây giờ thì ta đã hiểu, đã có trong mình một câu trả lời duy nhất cái hành động kia đơn thuần chỉ là sự bảo vệ hình ảnh người cha đã khắc sâu trong tìềm thức của nó mà thôi. Qủa thật, ông Sáu yêu thương bế Thu bao nhiêu thì bé cũng dành cho ba bé một tình yêu cũng thật sâu sắc, tha thiết và chân thành bấy nhiêu .
Và rồi đến lúc nó nhận ra ông Sáu là cha, nhận ra được cái lỗi của chính mình … thì thật khó để người khác có thể phủ nhận rằng nó là một cô bé giàu tình cảm. Có ai ngờ được một đứa trẻ phải xa cha mình từ lúc chưa đầy một tuổi, rồi 8 năm ròng rã trôi qua vô tình … thế mà nó vẫn luôn vun đắp, ấp ủ một tình yêu mãnh liệt đến bất tận dành cho người cha thân yêu của nó. Tình yêu đó đã đánh bại được thời gian, đánh bại luôn cả khoảng cách giữa cha và con mà khoảng thời gian ấy đã tạo nên. Tình yêu thương dành cho cha của một đứa bé chỉ mới 8 tuổi mà lại dạt dào và sắc nét đến thế ! Dẫu rằng người cha thân thương mà nó vẫn hằn mong chưa hề mang đến cho nó sự nâng niu, săn sóc, hay một bàn tay rộng ấm áp tình thương đến bên ân cần và che chở cho nó… Chỉ những điều đơn giản thế thôi mà ông Sáu vẫn chưa hề làm được, thì mơ gì đến việc ông làm cho nó một món đồ chơi, kể cho nó nghe một câu chuyện, hay tâm sự và sẻ chia với nó những niềm vui, nỗi buồn từ khi nó đến với thế giới này … tất cả đều quá xa vời với nó. Nó dường như không có một kỷ niệm hay một chút ấn tượng gì về cha của nó, nhưng chắc hẳn, đã không ít lần nó tự tưởng tượng ra hình ảnh người cha của nó là một người tài giỏi như thế nào, cao lớn và có một vòng tay rộng, ấm áp để ôm nó vào lòng ra sao … Tình yêu mãnh liệt của nó đã ngăn không cho nó nhận người đàn ông lạ trên mặt có vết sẹo như thế kia. Mãi đến ngày ông Sáu phải lên đường, thì đứa bé bướng bỉnh và cứng cỏi của ngày hôm qua “như bị bỏ rơi”, “lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa của và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó” – dường như đó là lúc nó thèm muốn cái tình cảm ấm áp của gia đình, nó muốn ông Sáu nhận ra sự hiện diện của nó trong lúc ấy, nó muốn chạy lại hôn ba nó lắm, nhưng chẳng hiểu sao lại có một cái gì đó ngăn nó lại và làm cho nó cứ mãi đứng yên. Đến phút chia tay, ông Sáu mới nhìn sang và chào nó với một giọng khe khẽ “Thôi ! Ba đi nghe con !” – thật lạ … sao chỉ là một lời chào vẻn vẹn trong bốn từ thế kia ? Sao ông không dặn dò hay nhắn nhủ đến nói một điều gì ? Có lẽ nào sự phũ phàng mà nó dành cho ông Sáu, đã làm cho ông thất vọng và tổn thương lắm nên mới như vậy ? Rồi đến khi tiếng kêu của nó thét lên “Ba… a… a… ba!”, “tiếng kêu của nó như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”…Đến lúc ấy, mọi người mới nhận ra rằng, nó thèm muốn được gọi tiếng “ba” đến nhường nào. Tiếng “ba” mà nó đã cất lên trong nghẹn ngào, tiếng “ba” mà nó đã đè nén sau bao nhiêu năm cách biệt… nghe mới thật thiêng liêng làm sao ! – Đó là tiếng kêu như vỡ tung ra từ đáy lòng của nó, “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt cổ ba nó”, “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hon vai, và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”… Tất cả những điều đó đã thể hiện được một tình yêu mãnh liệt lên đến điểm cao trào nhất của đứa con dành cho ba nó, khiến mọi người xung quanh ai cũng không cầm được nước mắt trước cảnh tượng đầy xót xa ấy… Điều đó càng chứng tỏ được tình cảm của Thu dành cho ba thật sâu sắc.- Nó chỉ bộc lộ tình yêu sâu sắc của mình với ba khi biết chắc đó là ba. Yêu thương sẽ hoàn yêu thương.
2.2.Luận điểm 2: Tình cảm của ông Sáu dành cho con:
Trong truyện, tác giả không chỉ chú ý tới tình cảm của nhân vật bé Thu mà tình cảm yêu thương con sâu nặng của ông Sáu đã nhắc đến rất nhiều. Ngày ông đi bộ đội, Thu còn rất bé, nhưng tình cha con trong ông luôn tồn tại mãnh liệt. Lần nào vợ ông đến thăm, ông cũng hỏi thăm con. Đây chính là sự yêu thương của người cha làm cách mạng xa nhà, không được gặp con. Khi về thăm nhà, những tưởng mong đợi được gặp con, được nghe con gọi ba từng phút đã được thực hiện nhưng không, bom đạn đã làm thay đổi hình hài ông, vết thẹo dài trên má - vết thương chiến tranh đã làm cho đứa con gái thương yêu bé bỏng không nhận ra người cha nữa. Khi không được đón nhận tình cảm, ông Sáu trở nên suy sụp, đau đớn và đáng thương. Với ông, nỗi đau thương tật để lại trên mặt không đau bằng nỗi đau tinh thần. Nhưng ông vẫn không hề thất vọng khi trao tình thương cho con mà bị con từ chối. Trước sự ứng xử lạnh nhạt của bé Thu, ông vẫn luôn dành mọi hành động thương yêu cho con, trong ánh mắt của ông luôn tràn đầy tình phụ tử không bờ bến. Suốt ba ngày phép, ông luôn ở gần con để vỗ về con, mong được nghe tiếng ba. Nhưng đáp lại sự quan tâm của ông chỉ là sự phản kháng, lạnh lùng và những lời nói trổng của con gái. Điều đó đã khiến anh vô cùng đau khổ. Chính lòng thương con đã khiến anh nhẫn nhục, kiên trì. Ông đã tìm mọi cách để sát lại gần con hơn, ông gắp trứng cá cho con nhưng khi cao trào của câu chuyện là Thu hất cái trứng cá đi thì ông đã không kiềm chế nổi, ông đã đánh con. Đánh con để giải tỏa những bức xúc tinh thần, điều đó càng chứng tỏ ông rất yêu con. Với ông cái khao khát được gặp lại vợ con cũng không được trọn vẹn. Đó là kịch của thời chiến tranh.
Lúc chia tay vợ con lên đường, ông mới chỉ nhận được một khoảnh khắc hạnh phúc là khi bé Thu nhận ra ba mình và gọi một tiếng ba. Hạnh phúc dâng trào và những dòng nước mắt trong giây phút chia tay khi ông đuợc con gọi bằng tiếng ba thân thương. Nỗi mong chờ của người cha đã được bù đắp. Ông ôm con, rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên mái tóc con. Nhưng hạnh phúc đến với anh sao mà ngắn ngủi quá vì đã đến lúc anh phải chia tay với con. Ông đã ra đi với nỗi thương nhớ vợ con không thể nào kể xiết, với lời hứa mang về cho con chiếc lược và nỗi ân hận ray rứt vì sao mình lại đánh con cứ giày vò ông mãi. Dù ở gần con hay ở xa con nhưng tình thuơng của anh Sáu không phai nhạt.Lời dặn dò của đứa con gái bé bỏng “Ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba” ông luôn cất kín trong lòng.
Làm cây lược trở thành bổn phận của người cha, thành tiếng gọi cầu khẩn của tình yêu thương con.Tất cả tình thương yêu của ông đã được dồn cả vào cây lược ngà tự làm cho con. Có khúc ngà, ông Sáu hớn hở như bắt được quà. Chính qua chi tiết giàu sức gợi cảm này mà ta thấy được phút giây sung sướng đã khiến người cha như một đứa trẻ. Ông làm cho con chiếc lược ngà rất tỉ mỉ và thận trọng. Ông ngồi cưa từng chiếc răng, khổ công như một người thợ bạc. Làm xong lược, ông lại cẩn thận khắc dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Tất cả những chi tiết trên đều làm ta vô cùng cảm động nhưng cảm động nhất có lẽ phải là chi tiết anh lấy cây lược ngà mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Mỗi lần anh chải tóc, ta lại liên tưởng đến một lần anh gửi gắm yêu thương vào chiếc lược nhỏ xinh. Yêu con, ông Sáu yêu từng sợi tóc của con. Người đọc cảm động trước tấm lòng của người cha ấy. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân – nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trên đời – chiếc lược ngà. Cho nên,cây lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử mộc mạc, sâu xa mà đơn sơ, giản dị.
Nhưng không may là ông Sáu đã hi sinh, nhưng tình phụ tử thì không thể chết. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”, tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho người bạn chiến đấu. Tuy không một lời nói nhưng cái nhìn của ông Sáu quả thật đã chứa bao nỗi niềm ở bên trong, những nỗi niềm chưa được nói.Đó là điều trăn trối không lời nhưng nó thiêng liêng hơn cả những lời di chúc. Nó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng, ước nguyện của tình phụ tử. Phải chăng tình yêu thuơng con là sức mạnh để ông vượt qua cái chết. Tình thương con của ông đã trở nên bất tử.
Hình ảnh ông Sáu, hình ảnh người cha trong truyện yêu thương con hết mực sẽ mãi còn. Chiếc lược ngà với dòng chữ sẽ mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, bi kịch của thời chiến tranh. Nó buộc người đọc chúng ta phải suy nghĩ về những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã đem đến cho con người đang sống trên mảnh đất này.
Người đọc đã không thể cầm được nước mắt khi nghe tiếng khóc thét của đứa con gọi cha buổi chia tay hồi nào, giờ bỗng không thể cầm lòng khi chứng kiến cái cử chỉ cầm cây lược và ánh mắt nhìn của người cha vào giây phút lâm trung. Từng có bao nhiêu áng văn nói về tình mẹ cực kì xúc động nhưng có lẽ đây là một trang văn rất hiếm hoi mô tả đến tận cùng sâu thẳm trái tim yêu thương của người cha dành cho con. Cũng từ hình ảnh này, nhà văn đã khẳng định: Bom đạn và chiến tranh có thể hủy diệt được sự sống, nhưng tình cha con – tình phụ tử thiêng liêng không gì có thể giết chết được.
3. Đánh giá, bình luận:
Nguyễn Quang Sáng đã thực sự thành công trong việc xây dựng cốt truyện chặt chẽ, lựa chọn tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế và sâu sắc, nhất là đối với nhân vật bé Thu. Có thể nói rằng, với một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng chan chứa yêu thương, nhất là đối với trẻ em, Nguyễn Quang Sáng dường như đã cảm nhận đến tận cùng những biểu hiện tình cảm của nhân vật để miêu tả một cách sinh động và tinh tế. Ngoài ra, tác giả cũng rất thành công trong việc lựa chọn ngôi kể và ngôn ngữ lời thoại mang đậm chất địa phương Nam Bộ,... đem đến cho người đọc nhiều xúc động. Tất cả đã góp phần tạo nên sức thuyết phục, hấp dẫn cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
III. Kết bài:
Cám ơn Nguyễn Quang Sáng đã cho người đọc hiểu thế nào là chiến tranh cùng nỗi đau chia cắt. Thế nhưng dù chiến tranh có vô tình hay cố ý làm cho nỗi đau chia cắt của con người nhân lên gấp bội. Thì con người cũng đủ tinh thần và nghị lực để hàn gắn lại nỗi đau ấy bằng rất nhiều tình cảm tốt đẹp mà con người dành cho nhau. Câu chuyện kết thúc có hậu với việc cô con gái nhận được kỉ vật của cha. Chiếc lược ngà với dòng chữ mãi mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch của chiến tranh. Câu chuyện đã kết thúc nhưng dư âm của nó về tình cha con bất tử vẫn còn thổn thức bao trái tim người đọc. Qua câu chuyện chúng ta có thể khẳng định: vượt qua bi kịch, phụ tử bao giờ cũng tình thâm.