“Chuyện người con gái Nam Xương” là
câu chuyện về số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh
dưới chế độ phong kiến, chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà bị nghi ngờ
và bị đẩy đến bước đường cùng, phải kết liễu cuộc đời mình để chứng minh tấm
lòng trong sạch. Đó là số phận, hình ảnh của Vũ Nương – một nhân vật chịu nhiều
oan nghiệt.
Nhà văn Nguyễn Dữ qua việc xây dựng
truyện hết sức độc đáo, với sự kết hợp của các yếu tố tự sự, trữ tình và kì ảo.
Qua đó, vẻ đẹp của nàng Vũ Nương cũng toát lên rõ nét. Nàng là hiện thân tiêu
biểu cho số phận những người phụ nữ xưa… Một người phụ nữ thủy chung son sắt,
thùy mị dịu hiền, hết lòng vì gia đình nhà chồng – đó có lẽ là những đức tính
đáng trân trọng của Vũ Nương. Nhưng Vũ Nương càng đẹp chúng ta càng xót thương
cho nàng cũng như thân phận những người phụ nữ xưa…
Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi xây dựng
hình ảnh người phụ nữ mà cụ thể ở đây là Vũ Nương. Ông đã đặt nhân vật vào tình
huống khác nhau để thể hiện rõ được phẩm chất của người phụ nữ thương chồng,
yêu con, hiếu thảo với cha mẹ chồng đồng thời cũng hết mực thủy chung son sắc.
Trong cuộc sống vợ chồng bình thường, nàng đã giữ gìn khuôn phép, không khi nào
để vợ chồng phải đến thất hòa mặc dù Trương Sinh là người chồng có tính hay ghen
tuông.
Khi Vũ Nương tiễn chồng đi lính thật
là một cảnh làm cho mọi người phải xúc động. Thông thường thì khi chồng đi lính
nhiều người mong chồng có được công danh vẻ vang mang về để vinh hiển với mọi
người. Nhưng còn đối với Vũ Nương thì lại không như vậy. Nàng chẳng mong Trương
Sinh vinh hiển với tước trọng quyền cao mà chỉ cầu chồng được binh yên trở về.
Nàng còn cảm thông với những vất vả, gian lao mà chồng mình sẽ phải chịu đựng.
Nàng nói đến nỗi nhớ nhung khắc khoải của mình, bằng những lời rất ân cần, đằm
thắm tình cảm.
Khi xa chồng. Vũ Nương lại là một người
vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ cứ dài theo năm tháng, lúc thì
tựa “bướm lượn đầy vườn”, có khi lại như “mây che kín núi”. Tác giả đã dùng
hình ảnh ước lệ tượng trưng, mượn cảnh vật thiên nhiên để diễn tả sự trôi chảy
của thời gian. Nàng vừa là người con dâu hiếu thảo lại vừa là người mẹ hiền.
Nàng một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận tụy chăm sóc mẹ chồng lúc đau ốm. Nàng
lo thuốc thang, cầu khấn phật trời…. Không chỉ vậy, Vũ Nương lúc nào cũng ân cần,
dịu dàng, lấy lời ngon ý ngọt khéo léo khuyên mẹ gắng dưỡng sức để chờ Trương
Sinh quay trở về. Vì thế cho nên trước khi mẹ chồng nhắm mắt, bà đã nói với Vũ
Nương rằng Vũ Nương là người con dâu tốt và khi Trương Sinh trở về ắt sẽ không
phụ lòng tốt của nàng. Rồi nàng cũng hết sức thương xót mẹ và lo ma chay tế lễ
như lo cho cha mẹ ruột của mình. Tình cảnh ấy dường như không phải chỉ riêng của
Vũ Nương mà còn là số phận chung của biết bao nhiêu người chinh phụ xa chồng.
Trong “Chinh phụ ngâm”, khi người chồng ra đi, người
vợ ở nhà cũng lo toan mọi chuyện “Dạy con đèn sách, thiếp làm hiếu nam”. Từ đó,
ta càng thấy cảm thông, thấu hiểu và yêu thương hơn những người phụ nữ phải chịu
số phận làm chinh phụ, ngày ngày đều chỉ biết ngóng trông và mong cầu bình yên
cho người chồng của mình.
Tưởng rằng khi Trương Sinh trở về thì
Vũ Nương sẽ được đền đáp, được sống ngập tràn trong niềm vui và hạnh phúc, tưởng
như nàng có thể chia sẻ bớt gánh nặng cuộc sống cho chồng. Nhưng không, ai có
thể ngờ nàng lại phải chịu một nỗi oan khuất không tài nào thanh minh nổi, mặc
dù nàng đã hết lời phân trần tấm lòng son sắt thủy chung của mình cho chồng hiểu.
Nàng nói đến thân phận mình nghèo được nương nhờ nơi giàu có, nàng trân trọng
tình nghĩa vợ chồng bao năm và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng, cầu
xin chồng đừng nghi oan. Như vậy đã chứng tỏ nàng đã tìm mọi cách nhằm hết sức
cứu vãn, mong hàn gắn cái hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ. Sau nữa
nàng nói lên nỗi đau đớn, thất vọng khi không hiểu vì sao bị đối xử bất công,
không có quyền được tự bảo vệ, ngay cả khi có họ hàng, anh em đến nói giúp. Hạnh
phúc gia đình – niềm khát khao của cả cuộc đời nàng đã tan vỡ, mong manh biết
dường nào. Tất cả những nỗi đau khổ chờ chồng trước đây không còn có thể làm lại
được nữa. Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sao mà đau thương,
đoạn trường đến thế!
Thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân
đã đến độ không thể nào cứu vãn được, Vũ Nương đành phải mượn dòng nước quê
hương để giải nỗi oan cho mình. Những lời than trước khi vĩnh viễn cuộc đời đầy
đau khổ của mình nhưng cũng đầy luyến tiếc, như một lời nguyền xin thần sông chứng
giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng. Người đọc nhận thấy tình tiết
được sắp xếp đầy kịch tính: Vũ Nương bị đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất
cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Hành động tự trầm
mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi
tuyệt vọng đắng cay, nhưng cũng có sự chỉ đạo của lí trí. Đây không phải là
hành động bột phát trong cơn nóng giận. Bởi Vũ Nương vốn là một người phụ nữ
xinh đẹp nết na thùy mị, hiền thục,lại đảm đang tháo phát, thờ kính mẹ chồng rất
mực hiếu thảo, một lòng một dạ chung thủy với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh
phúc gia đình. Một con người như thế đáng ra phải được hạnh phúc trọn vẹn, vậy
mà lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới kết quả
đáng buồn ấy?
Có phải chăng vì cuộc hôn nhân giữa
Trương Sinh và Vũ Nương không bình đẳng? Chính sự cách bức về thân phận nghèo
khó của Vũ Nương đã cộng thêm cái thế cho Trương Sinh bên cạnh cái thế của một
người chồng, người đàn ông gia trưởng trong chế độ phong kiến. Hay đó là những
lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chứa đầy những dữ kiện nghi ngờ làm cho Trương
Sinh một người chồng hay có tinh đa nghi ghen tuông, hồ đồ và độc đoán kia trở
thành kẻ thô bạo, vũ phu và bức tử vợ mình trong sự mù quáng. Hay kẻ giết người
lại hoàn toàn vô can trong vụ án?
Bi kịch của nàng chính là lời tố cáo
cái xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của đàn ông trong gia
đình. Đồng thời, qua đó Nguyễn Dữ cũng bày tỏ niềm thương cảm của mình đối với
số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ bất hạnh ở đây không những
không được bênh vực, che chở mà còn bị đối xử một cách bất công, vô lí, chỉ vì
lời nói ngây thơ của đứa trẻ miệng còn hơi sữa và vì sự hồ đồ, vũ phu của người
chồng ghen tuông mà phải kết thúc cuộc đời mình.
Phần cuối truyện đầy những chi tiết mang
đậm tính chất hoang đường. Nào là Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh
đến kêu xin tha mạng, rồi Phan Lang được biếu một con rùa mai xanh nhưng không
giết thịt mà đem thả con rùa xuống sông. Nào là Phan Lang bị chết đuối, xác giạt
vào động rùa ở hải đảo. Linh Phi vợ vua biển Nam Hải lấy khăn dấu mà lau, lấy
thuốc thần mà đổ. Phan Lang sống lại. Linh Phi mở tiệc ở gác Triêu Dương để thết
đãi Phan Lang, ân nhân cứu sống mình ngày xưa.
Tình tiết Phan Lang gặp Vũ Nương tại bữa tiệc của Linh Phi. Vũ Nương
khóc khi nghe Phan Lang nhắc lại nhà cửa, phần mộ của tiền nhân. Tình tiết Vũ
Nương gửi Phan Lang chiếc hoa tai vàng và dặn chồng lập đàn tràng ở bến Hoàng
Giang. Hình ảnh Vũ Nương ngồi kiệu hoa, phía sau có năm mươi chiếc xe cờ tán
võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện… là những chi tiết hoang đường,
nhưng đã tô đậm nỗi đau của người phụ nữ bạc mệnh và có giá trị tố cáo lễ giáo
phong kiến vô nhân đạo đương thời.
Khi gặp lại Phan Lang dưới thủy cung,
Vũ Nương vẫn rất tự trọng và mong muốn được giải oan mà nhờ Phan Lang gửi lời đến
Trương Sinh. Để rồi đến khi hiện về bên dòng Hoàng Giang, nửa câu trách móc
Trương Sinh, nàng cũng không hề thốt ra mà lại còn cảm tạ vì đã giúp nàng lập
đàn giải oan. Câu nói của hồn Vũ Nương giữa dòng sông vọng vào: “Đa tạ tình
chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” nghe sao đầy xót xa, thương cảm
mà cũng thật vị tha, bao dung. Và rồi, hình bóng nàng dần dần biến mất. Nhưng
Vũ Nương vẫn mãi là người phụ nữ yêu chồng, thương con, người phụ nữ hiếu thảo,
thủy chung và cũng là người phụ nữ phải chịu số phận bất hạnh, oan khiên. Chính
chi tiết này đã làm cho giá trị nhân đạo của truyện thêm phần bi thiết. Nỗi ân
tình của Vũ Nương đã được minh oan và giải tỏa nhưng âm dương đã đôi đường cách
trở, nàng chẳng thể trở lại dương gian, chẳng bao giờ còn được làm vợ, làm mẹ nữa…
Bé Đản mãi mãi là đứa con mồ côi mẹ!
Đến đây, người đọc như nghe thấy vọng
lại những lời thơ của Nguyễn Du về thân phận của kiếp hồng nhan bạc mệnh:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Ta cũng có thể thấy bi kịch của Vũ
Nương không phải là hiện tượng cá biệt mà là bi kịch chung của người phụ nữ thời
phong kiến. Vì người phụ nữ luôn phải chịu số phận lận đận, long đong:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.” (“Bánh trôi nước” – Hồ Xuân Hương)
Vì những cuộc chiến tranh phi nghĩa cứ
diễn ra liên miên, mặc nhân dân thống khổ, lầm than, mặc bao bi kịch vẫn cứ tiếp
diễn và đè nặng lên thân phận người phụ nữ:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh
…
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.” (
“Chinh phụ ngâm”)
Và có lẽ đau đớn nhất là tiếng khóc
nhân đạo cho số kiếp bạc mệnh của những phận hồng nhan được Nguyễn Du thống thiết
cất lên:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Nguyễn Dữ đã rất thành công trong việc
xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương để khắc họa vẻ đẹp và cuộc đời của người
phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tác giả đã tô điểm rất nhiều vẻ đẹp từ ngoại
hình đến nhân cách cho nhân vật. Lời văn có sự kết hợp giữa văn phong cổ điển
và tình cảm nhân đạo chân thành của Nguyễn Dữ. Không chỉ vậy, tác giả còn khéo
léo đan xen những chi tiết hiện thực và kỳ ảo nhằm làm tăng giá trị nhân đạo
cho tác phẩm. Nhờ đó mà cuộc đời Vũ Nương trở thành minh chứng cho bao kiếp tài
hoa bạc mệnh trong xã hội cũ và rồi trở thành hình ảnh tổng quát cho người phụ
nữ Việt Nam đương thời. Chẳng vì vậy mà nhà nghiên cứu Vũ Khâm Lân đã đánh giá
“Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là một áng “thiên cổ kỳ bút”.
Tóm lại, Vũ Nương là một người con
gái công dung ngôn hạnh mà bạc mệnh. Nguyễn Dữ đã kể lại cuộc đời oan khổ của
nàng với bao tình xót thương sâu sắc. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhưng áng
văn “Chuyện người con gái Nam Xương” vẫn giàu giá trị nhân đạo. Nhân vật Vũ
Nương là một điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội
phong kiến. Người đọc càng thêm xúc động khi nhớ lại vần thơ của vua Lê Thánh
Tông trong bài “Lại bài viếng Vũ Thị”:
“Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng.”
Nguồn: Sưu tầm