Phân
tích số phận bi kịch của Vũ Nương – Chuyện người con gái Nam Xương
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.” (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Xuyên suốt chiều dài của triền đê mang tên “Văn học”, ta bắt gặp hình ảnh
người phụ nữ dẫu có “quốc sắc thiên hương” đến đâu, có phẩm hạnh hoàn mỹ và tài
năng hơn người đi chăng nữa thì số kiếp và hạnh phúc của họ vẫn bị vùi dập tả
tơi bởi những định kiến của một xã hội hoen ố và mục ruỗng, những tục lệ “trọng
nam khinh nữ”. Bằng
ngòi bút mang cái “hồn” của riêng mình, Nguyễn Dữ đã khiến trái tim người đọc
muôn đời không khỏi tiếc thương khi nhớ về số phận bi ai của Vũ Nương.
Từ thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam đã bắt đầu có những biểu hiện suy thoái, Nguyễn Dữ bất mãn và bất lực trước thời cuộc, chán ghét cảnh quan trường điên đảo nên lui về ở ẩn. Theo Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Ông là cha đẻ của loại hình truyền kì Việt Nam”, là người “phóng thành công con tàu văn xuôi tự sự vào quỹ đạo văn chương nghệ thuật”. “Chuyện người con gái Nam Xương” là câu chuyện thứ 16 của “Truyền kì mạn lục”. Từ một sự tình có thật trong dân gian, Nguyễn Dữ đã thể hiện thật tài tình, trọn vẹn vẻ đẹp của Vũ Nương. Nàng thật sự là một người phụ nữ hoàn mỹ, đẹp người đẹp nết, làm tròn bổn người vợ, người mẹ và nàng dâu thảo. Vũ Nương là khuôn vàng, thước ngọc của người phụ nữ, nàng xứng đáng sống trong hạnh phúc và vui vẻ. Thế nhưng “Hạnh phúc trong cuộc đời Vũ Thị Thiết là một thứ hạnh phúc vô cùng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh như sương như khói, ngắn ngủi như kiếp sống của đoá phù dung sớm nở, tối tàn.”. (Đồng Thị Sáo).
Vũ
Nương phải gánh chịu nỗi dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước cảnh đất nước
binh đao loạn lạc, phu quân phải đi đến nơi biên ải xa xôi, cả giang sơn nhà chồng
đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của người thiếu phụ. Ta có thể cảm
nhận được nỗi vất vả của nàng qua những vần điệu ca dao cổ:
Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Nàng thầm lặng mà sinh con ra, rồi lại một mình tần tảo nuôi nấng, dạy dỗ
con thơ. Biết mẹ chồng đau ốm vì nhớ thương con, nàng tận tâm tận tụy chăm sóc,
“hết sức thuốc thang, lễ bái và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”.
Khi mẹ chồng vĩnh biệt thế gian nàng cũng hết lòng xót thương, lo liệu ma chay
tế lễ như đối với cha mẹ ruột. Một mình Vũ Nương đảm đương tất cả, nàng vừa là
mẹ, là dâu con. Nàng lo toan mọi việc lớn nhỏ như “một đấng nam nhi” duy nhất
trong gia đình. Những ngày sống trong cảnh “chăn đơn gối chiếc”, sự cô đơn, lẽ
loi cùng nỗi nhớ kéo dài theo năm tháng cứ cứa từng vết khiến trái tim nàng rỉ
máu. Nàng khắc khoải nhớ nhung Trương Sinh “thổn thức tâm tình thương người
đất thú”. Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức. Hình ảnh “bướm
lượn đầy vườn” vốn gợi cho ta một khung cảnh đẹp, cũng rất mơ hồ hay “mây
che kín núi” thơ mộng nhưng cũng man mác. Giống như tâm trạng của nàng bấy
giờ, lệ sầu phủ kín tâm can, nỗi buồn “không thể nào ngăn được”. Quả là lấy cảnh
mà lột tả đươc cái tình của con người. Nỗi nhớ triền miên của người thiếu phụ
cũng được nhắc đến trong thi phẩm “Chinh Phụ Ngâm” – Đoàn Thị Điểm:
“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”
Vì thương con, lo cho con thiếu thốn hình bóng người cha và cũng để nàng
gửi gắm nỗi nhớ thương, mong mỏi chồng, Vũ Nương đã nghĩ ra trò cái bóng.Đêm
đêm, nàng thường trỏ bóng mình trên vách và nói với con đó là cha của bé.
Chiếc bóng chính là hiện thân của sự cô đơn của Vũ
Nương. Cùng với chiếc bóng của mình trên vách, Vũ Nương vừa làm mẹ, vừa làm
cha. Và mối oan của Vũ Nương được buộc
bởi chính hành động của nàng mỗi ngày, bởi lời của đứa con đứt ruột đẻ ra và bởi
sự tàn nhẫn của người chồng đầu gối tay ấp. Nàng rơi vào bi kịch bởi chính cái
bóng của mình, hạnh phúc bao lâu nay luôn cố gắng vun đắp, “giữ gìn khuôn phép”
đã tan vỡ không thể cứu vãn. Hạnh phúc với người phụ nữ thật mong manh, ngắn ngủi,
luôn có những những bất trắc, rủi ro, nghịch lý vận vào cuộc đời họ, đẩy họ tới
bước đường cùng.
Vũ
Nương phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo khắc khe, ngặt nghèo, chấp nhận cuộc
hôn nhân với Trương Sinh.
Nàng đã có quyền lựa chọn đâu khi xã hội phong kiến vẫn có đó tư tưởng “cha mẹ
đặt đâu con ngồi đó”. Trương Sinh lấy Vũ Nương không phải vì tình yêu mà chỉ vì
cảm mến dung hạnh, để rồi không có sự chan hòa, bình đẳng trong cuộc hôn nhân
đó. Chàng xin mẹ trăm lạng vàng để cưới nàng bởi thế đồng tiền đã phát huy uy lực
của nó khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “con kẻ khó, được nương tựa nhà
giàu”. Nàng là người con gái hiền lành, chất phác, cưới chàng Trương, nàng
không hề mong danh lợi hay vinh hoa, phú quý mà chỉ vì một mong ước rất bình
thường mà người phụ nữ nào cũng muốn "thú vui nghi gia, nghi thất". Mặc
dù sống với người chồng lạnh lùng, lại đa nghi quá mức nhưng vì khát khao hạnh phúc gia đình, mong
muốn êm ấm thuận hòa nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép, ăn nói chừng mực vì thế
mà vợ chồng chẳng khi nào bất hòa. Vũ Nương sống trong một cuộc hôn nhân không
chứa chan ái tình và cũng chẳng có âm hưởng của sự rung động cất lên từ hai
trái tim chân thành. Chính bức tường vô hình mang tên “giàu – nghèo” đã đàn áp
quyền lợi của người phụ nữ và là cái thế để Trương Sinh mặc nhiên đối xử vũ
phu, tàn bạo với nàng.
Trở về sau ba năm cách biệt, ngỡ đâu vị thần hạnh phúc sẽ gõ cửa gia đình
nàng. Thế nhưng, chính
vì thói đa nghi và ghen tuông che mờ lí trí, Trương Sinh mù quáng tin vào những
lời nói ngây thơ của bé Đản mà đinh ninh phán cho Vũ Nương cái danh “vợ hư”. Trương Sinh bỏ ngoài tai những lời khuyên can của mọi
người và cũng chẳng thèm đếm xỉa tới lời biện bạch của nàng. Rồi từ chỗ “la um
lên cho hả giận”, chàng đã nhẫn tâm mắng nhiếc và đánh đuổi vợ đi. Phải chăng
xã hội phong kiến với chế độ nam quyền độc đoán, bất công và tàn bạo, với thói
“trọng nam khinh nữ” bám chặt vào huyết quản đã dung túng cho phép người người
đàn ông được quyền coi thường, rẻ rúng, mặc nhiên định đoạn thậm chí giẫm đạp
lên quyền sinh, quyền tử và phẩm giá cao quý của người vợ. Vũ Nương đức hạnh,
ngoan hiền vậy mà lại phải mang bản án ô nhục, nhuốc nhơ “hư thân mất nết”. Thuở
xưa, nàng Thị Kính còn biết ngọn nguồn nỗi oan khuất của mình. Còn Vũ Nương, đến
khi gieo mình xuống đáy sông nàng vẫn chẳng hiểu vì sao lại bị người từng đầu ấp
tay gối với mình mắng nhiếc và đánh đuổi đi. Nỗi oan của nàng thấu tận trời
xanh vậy mà nàng cũng chẳng được quyền phản kháng, bảo vệ chính mình.
Với Vũ Nương, “cái thú vui nghi gia nghi thất” chính là lí tưởng, mục
đích sống và tồn tại của nàng. Để rồi khi điểm tựa ấy bị vùi dập tả tơi bởi nỗi
oan thất tiết “Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao,
liễu tàn trước gió, khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước
thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.”. Với hàng loạt
những hình ảnh ước lệ ngụ ý chỉ sự lụi tàn, thê lương của mối nhân duyên đổ vỡ
đã lột tả thành công nỗi thất vọng, ê chề, đau đáu xâm chiếm cõi lòng của nàng.
Vũ Nương quyết định trầm mình xuống sông Hoàng Giang để rửa sạch nỗi oan khuất,
giải bày tấm lòng ngay thẳng, tấm thân trinh bạch của mình. Cái chết của Vũ
Nương thực chất là do bị chồng bức tử vậy mà Trương Sinh cũng chẳng một chút động
lòng hay ân hận, day dứt. Hãn hữu lắm trong cái xã hội ấy, một hành lang đạo lí
hay một ai đó đứng ra bảo vệ, chở che cho thân phận bèo dạt mây trôi của Vũ
Nương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Rõ
ràng chính xã hội cũ đã sinh ra bao Trương Sinh với thói độc đoán là nguyên
nhân của những khổ đau mà người phụ nữ phải gánh chịu.
Nỗi
oan khuất tột cùng của Vũ Nương đã vượt ra ngoài phạm vi gia đình, là một trong
muôn vàn oan khốc trong xã hội phong kiến vùi dập con người, nhất là người phụ
nữ. Có lẽ bi kịch của Vũ Nương
không phải là trường hợp cá biệt mà khủng khiếp thay là số phận của bao chị em
phụ nữ, là kết quả của bao nhiêu nguyên nhân mà chế độ phong kiến đã sản sinh
ra làm số phận của họ thật bi đát. Từ những kiếp đời bac mệnh ấy Nguyễn Dữ đã
góp phần khái quát nên thành lời kiếp đau khổ của người phụ nữ. Thân phận của
người phụ nữ bị vùi dập, bị sỉ nhục, bị đày đến bước đường cùng của cuộc đời, họ
chỉ biết tìm đến cái chết để bày tỏ tấm lòng trong sạch. Điều này chứng tỏ xã hội
phong kiến suy tàn đã sinh ra những Trương Sinh đầu óc nam quyền, độc đoán, sống
thiếu tình thương đối với người vợ hiền thục của mình, để rồi gây ra cái chết
bi thương đầy oan trái cho Vũ Nương.Đớn đau thay số phận của nàngTấm bi kich về
cái đẹp bị chà nát phũ phàng. Và người đời sẽ lưu truyền thêm một tấm bi kịch về
số phận người phụ nữ. Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng đều
giống như Vũ Nương. Số phận của họ như đã được định đoạt từ trước. Sinh ra mang
kiếp đàn bà thì dù giàu nghèo sang hèn không trừ một ai, lời “bạc mệnh” cũng đã
trở thành “lời chung” – như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Đau đớn thay phậh đàn bà,
Lời rằng bậc mệnh cũng là lời chung.
Vũ
Nương còn là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa, “sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động
việc lửa binh”. Chiến tranh loạn lạc đã đẩy gia đình nàng vào cảnh li tán, vợ
chồng xa cách đôi người hai ngả. Ngày qua ngày, niềm tin dành cho nhau cứ thế
mà kiệt quệ, dẫn đến hiểu lầm. Có lẽ, trận chiến chính là cửa ải thử thách tình
yêu và niềm tin của Trương Sinh dành cho vợ. Và chàng đã thất bại, mù quáng
nghĩ oan và vu khống cho Vũ Nương. Rõ ràng, chiến tranh phong kiến chính là ngòi
nổ tiếp tay cho những bi kịch, giông bão trong cuộc đời người phụ nữ bất hạnh ấy.
Ở
phần sau của câu chuyện, ta thấy Vũ Nương được sống sung sướng dưới Thủy cung.
Nhưng làm sao có thể hưởng thụ hạnh phúc cho được khi quyền làm mẹ,làm vợ của
nàng vĩnh viễn không còn?
Chốn “làng mây cung nước” nàng được sống một cuộc đời bất tử và sung mãn, một
cuộc đời mà biết bao người trần mắt thịt mong ước. Thế nhưng, Vũ Nương chẳng hề
tận hưởng kiếp sống ấy và nàng cũng chẳng thể chạm tay đến thứ hạnh phúc thật sự.
Bởi nàng “bất tử” nên nỗi nhớ gia đình cứ đeo đẳng nàng mãi. Nỗi đau đáu ấy trở
thành một vết sẹo trong tim nàng mà chẳng có một hào nhoáng xa hoa nào có thể
chữa khỏi. Bên cạnh đó, sự trở về của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang rất lộng lẫy
nhưng lại ở rất xa, rất mơ hồ “lúc ẩn lúc hiện” và “chỉ trong phút chốc”.
Cảnh đoàn tụ chỉ là ảo ảnh nhanh chóng tan biến. Còn việc Vũ Nương “chẳng thể
trở về nhân gian được nữa”, nỗi khổ đau li biệt cho cả gia đình nàng, lứa
đôi chia lìa hai cõi âm – dương là sự thật, là mãi mãi. Hạnh phúc bị tan vỡ khó
lòng hàn gắn lại được. Kết thúc câu chuyện bi đát này là một khoảng vắng mênh
mông, mờ mịt…Với kết thúc không trọn vẹn, Nguyễn Dữ đã cho thấy một quan niệm rằng
hạnh phúc khó có, khó giữ mà đã đổ vỡ rồi thì sẽ chẳng thể nào hàn gắn lại được,
như bát nước đã đổ đi thì chẳng thể vớt lại cho đầy.
Khép lại những trang viết thăng trầm của “Chuyện người con gái Nam
Xương”, ta không khỏi thán phục trước những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.
Tác giả xây dựng tình huống truyện bất ngờ là lời nói ngây thơ của bé Đản, hình
ảnh “chiếc bóng” vô tri vô giác đã đẩy đưa số kiếp của Vũ Nương rơi vào vực sâu
bi kịch, gia đình chịu cảnh chia lìa tang thương.Tác phẩm không kể lại chuyện đời
một cách khô khan và cứng nhắc mà là sự chung hòa giữa tự sự và trữ tình kết hợp
với những yếu tố kì ảo hoang đường. Đây là cách thức kể chuyện độc đáo, dẫn lối
người đọc dấn thân vào các tình tiết.
“Chuyện người con gái Nam Xương” thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo
sâu sắc. Qua số phận và cuộc đời của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh kiếp sống bi
thương của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Đồng thời, tác phẩm còn là tiếng
kêu đanh thép lên án chế độ phong kiến với thói trọng nam khinh nữ, chồng chúa
vợ tôi đầy bất công. Truyện còn tố cáo chiến tranh loạn lạc, phi nghĩa gây ra
bao đau thương, tan vỡ cho những mái ấm gia đình. Truyện đã cho ta thấy cái tài
cái tâm của người nghệ sĩ, niềm cảm thương sâu sắc của tác giả trước những phận
đời “hồng nhan đa truân”, quẫn quanh trong bi kịch nối tiếp bi kịch.