Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Cảm nhận về nhân vật bé THU

 


Cha là bóng cả ngã che con

Là suối tình thương không bao giờ vơi cạn. (Ca dao)

Quả thật, nếu tình mẫu tử ngọt ngào, bao la như biển khơi, ôm ấp và vỗ về thì tình phụ tử càng thiêng liêng và cao cả gấp bội. Đề tài về tình cảm gia đình, cụ thể là về tình phụ tử luôn chiếm một vị trí quan trọng và ý nghĩa đối với bản thân người sáng tác lẫn độc giả. Trong văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thành công tình phụ tử cao cả, đặt nó trong thời khắc bùng nổ của chiến tranh và từ đó biết bao cảm xúc được cất lên thành lời, làm lay động biết bao bạn đọc. Tác phẩm ấy đi theo cùng tháng năm có tên: Chiếc Lược Ngà. Có thể nói, “Chiếc lược ngà” là một lát cắt nho nhỏ của đời sống, nó viết về tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu sau chiến tranh. Đây là một truyện ngắn giản dị nhưng chứa đầy sức bất ngờ như ta thường thấy ở văn của Nguyễn Quang Sáng. Và nhân vật bé Thu trong truyện ngắn này sẽ giúp người đọc cảm nhận rõ nét về tình phụ nữ thiêng liêng cao cả biết bao…

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn, là chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Có lẽ vì sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các tác phẩm của ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hoà bình. Đặc biệt, một truyện ngắn xúc động và giản dị về tình cảm gia đình được in vào sách giáo khoa và đã trải qua bao lần kiến giải, tiếp nhận từ các bạn đọc trẻ tuổi đó chính là truyện ngắn “Chiếc lược ngà”.

Đoạn trích trong sách giáo khoa đã cho thấy một khoảnh khắc nhỏ mà trong đó có sự cao cả thiêng liêng về tình phụ tử. Ông đã thể hiện trọn vẹn vẻ đẹp của tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Kể về mối quan hệ cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Tác giả đã làm nổi bật lên hình ảnh bé Thu – một cô bé đầy cá tính, có tình yêu thương cha thật thắm thiết, mãnh liệt. Nhân vật bé Thu đã gieo vào lòng mỗi người về nỗi đau, sự mất mát và khát vọng yêu thương của tuổi thơ.

Nhân vật bé Thu được khắc họa trong một tình huống truyện thật độc đáo, sau tám năm dài xa cách, ngày hội ngộ bé Thu đã không chịu nhận ông Sáu là ba. Bé Thu còn có những phản ứng quyết liệt, xa lánh ông Sáu, thậm chí là biểu hiện vô lễ với ông. Nhưng bất ngờ đến lúc chia tay, bé Thu lại cất tiếng gọi ba cùng với những cử chỉ quyến luyến, không muốn xa ba. Những biểu hiện của bé Thu đã làm cho mọi người xung quanh phải xót xa, thương cảm cho một đứa bé sống trong chiến tranh thiếu vắng tình cha con. Có lẽ ai trong chúng ta khi đọc tác phẩm cũng đều không thể quên được hình ảnh của bé Thu vừa ương bướng, hồn nhiên, đáng yêu, vừa có tình yêu thương cha thắm thiết.

Đọc tác phẩm, điều mà người đọc cảm nhận được ở bé Thu chính là một người con yêu thương cha sâu sắc và mãnh liệt được thể hiện trong giây phút em gặp cha. Tình yêu thương vô bờ bến ấy được cô bé cất giữ trong trái tim bé nhỏ của mình. Từ nhỏ, bé Thu đã phải sống trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Chưa đầy một tuổi thì em phải xa cách người cha suốt tám năm dài, chưa hề được gặp cha một lần. Nỗi nhớ cha chỉ được lưu giữ lại qua tấm ảnh trắng đen nhỏ bé mà em có được.Bé Thu khao khát tình cảm của người cha biết bao nhiêu. Đến khi gặp lại, em hụt hẫng vì cái vết sẹo dài trên mặt, em như lại phải xa ba thêm một lần nữa. Niềm hạnh phúc cứ xa mãi trong tầm tay của em vì chiến tranh, ba lại phải lên đường theo tiếng gọi của non sông trong kháng chiến chống Mỹ. Nỗi khao khát được gần ba theo ngày tháng vẫn cứ nồng nàn, cháy bỏng, mãnh liệt. Mọi lời lẽ, cử chỉ của bé Thu đều gợi lên trong người đọc nỗi nhức nhối xen lẫn sự yêu thương, sự đồng cảm.

Bé Thu là một đứa bé ương bướng nhưng hồn nhiên, đáng yêu. Chính vì thế, đang lúc chơi đùa gần nhà, nhìn thấy một người đàn ông tự nhiên chạy đến gần nó, bé Thu trong giây phút gặp “người lạ” thì em hoảng sợ, “bỏ chạy và kêu thét lên”. Hành động đó cho thấy tài năng miêu tả diễn biến tâm lí con người của nhà văn Nguyễn Quang Sáng thật tinh tế. Hành động của bé Thu ta không trách được bởi lẽ đó là phản xạ tự nhiên của một đứa bé khi gặp một người xa lạ, bé Thu không hề biết người đàn ông đang đứng gần bên nó chính là người cha trong tấm ảnh, người cha mà nó mong nhớ bao ngày. Lúc này đây, người cha hiện thời khác hẳn với người cha mà nó hình dung qua ảnh bởi vết sẹo dài trên khuôn mặt. Vết sẹo ấy vô tình làm khuôn mặt ông Sáu trông rất đáng sợ và dữ tợn. Hẳn là người đọc cũng sẽ đồng cảm với bé Thu bởi em chỉ là một đứa trẻ chỉ bảy, tám tuổi. Đối với một đứa bé như thế, em chưa hiểu sự khốc liệt của đời sống chiến tranh thời ấy. Trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ, nó chỉ ghi khắc hình ảnh của người ở trong tấm ảnh chụp chung với má nó. Bé Thu nghĩ về cha nó đẹp, phải lành lặn, khỏe mạnh như trong bức ảnh. Vết sẹo dài ửng đỏ trên khuôn mặt của người đàn ông kia trong cái nhìn của một đứa trẻ như nó thì hình ảnh đó thật đáng sợ. Ba nó có khuôn mặt đẹp không có vết sẹo. Ngay phút đầu tiên, bé Thu đã không công nhận ông Sáu là cha. Bởi trong tâm hồn của em chỉ là nỗi ám ảnh về quá khứ, cảm giác sợ hãi dường như vây quanh em mà ngay cả chính em cũng không hề mong muốn. Chính cái nghĩ hồn nhiên ấy càng làm rõ hơn tình yêu cha thắm thiết của cô bé

Tình yêu thương cha da diết và mãnh liệt được bộc lộ khi bé Thu kiên quyết bảo vệ tình thương mà nó dành cho cha “trong bức ảnh” dù chỉ ba ngày ngắn ngủi ở gần ông Sáu. Nó ương bướng không chịu gọi tiếng ba và luôn tìm cách xa lánh ông Sáu trong ba ngày phép của ông ở nhà. Cô bé là một thái độ kiên quyết không gọi ông Sáu là “ba”, con bé chỉ muốn dành tiếng “ba” cho người cha trong bức ảnh kia. Nó nói trổng, nó hất tung cái trứng cá khi ông Sáu muốn thể hiện sự yêu thương, chăm sóc đối với con gái. Ông Sáu càng muốn gần gũi nó thì nó càng lùi xa, ông càng tỏ ý chiều thương thì nó lại càng lảng tránh. Nó không chấp nhận sự chăm sóc của người đàn ông mà nó cho là xa lạ, nhất định không phải là cha.

Người đọc không thể rời mắt khỏi trang giấy bởi các tình tiết truyện đan xen với nhau, ta hồi hộp theo dõi sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của bé Thu khi nó trông nồi cơm giúp mẹ. Người đọc tưởng rằng, khó khăn hay một việc nào quá sức, bé Thu sẽ kêu một tiếng “ba” để nhờ ông Sáu “chắt nước” khi nấu cơm nhưng đằng này, trái lại con bé chọn cách nói trổng. Lời nói cộc lốc, lạnh lùng làm sao: “Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái”. Lời nói này khiến ta nghĩ đây là một cô bé thiếu lễ phép khi nói chuyện với người lớn, nhưng cách cư xử ấy có lí do khiến chúng ta thông cảm. Đó là bé Thu bướng bỉnh, muốn dành  riêng tiếng “ba” thiêng liêng cho một người cha duy nhất mà thôi. Nếu với người khác, trong tình huống khác, tiếng “ba” thật bình thường nhưng đối với một cô bé thiếu thốn tình cảm quan tâm, chăm sóc của người cha thì tiếng “ba” đó thật thiêng liêng và cao quý hơn cả. Tiếng gọi đó, tình cảm đó, nó đã ấp ủ suốt tám năm trời mà chưa có dịp gọi “ba”.

Kế đến, hành động của bé Thu lấy vá múc từng vá nước đổ ra ngoài, khi mà ông Sáu phớt lờ đi lời nói trổng đã cho thấy tính cách mạnh mẽ, bướng bỉnh của cô bé này. Bé Thu cũng nhanh tay, thông minh khi sử dụng cách khác, đúng như lời nhận xét của nhân vật Ba: “Con bé đáo để thật”. Sự bướng bỉnh và ương ngạnh của bé Thu ngày càng tiếp tục khi nó hất văng cái trứng cá ra khỏi chén cơm. Hành động đó như muốn từ chối, phủ nhận hết sự quan tâm, chăm sóc của ông Sáu trong những ngày qua. Quả là:

“Tấm lòng cha một đời con đâu hiểu

Bởi tình cha luôn lắng dịu ngọt ngào.” (Ca dao)

Rồi khi bị ông Sáu đánh, nó bỏ sang nhà ngoại mét với ngoại, nó như trút tất cả sự giận dỗi vào hành động khua sợi dây lò tói, xô mạnh chiếc xuồng ra… Những hành động ương bướng của Thu có thể làm cho người đọc nghĩ rằng nó ngỗ nghịch, nhiễu sách. Thế nhưng, nếu hiểu sâu xa hơn thì tất cả mọi biểu hiện ấy đều xuất phát từ tình yêu thương cha quá đỗi thắm thiết. Điều đó càng khiến cho người đọc vừa giận, vừa thương bé Thu. Giận vì bé Thu cứng đầu, cố chấp và bướng bỉnh đến mức ương ngạnh và có hành vi thiếu lễ phép với ông Sáu. Song,  người đọc cũng vừa thương vì bé Thu thiếu thốn tình cảm của cha từ nhỏ nhưng vẫn giữ trọn một tình thương sâu sắc nhất dành cho người cha duy nhất trong tấm ảnh. Tiếng ba đối với nó rất quan trọng, nên nó rất phân vân và nó rất chắc lòng, chắc dạ khi quyết định không gọi tiếng ba. Em đã kiên quyết đến mức cố chấp để bảo vệ tình yêu trong sáng mà bấy lâu nay Thu vẫn tin tưởng và trân trọng. Có lẽ, đó cũng là một nét đẹp đáng quý trong tâm hồn của em.

Độc giả có thể nhìn thấy rõ tài năng tự sự kết hợp với miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn. Có hiểu được hoàn cảnh gia đình thời chiến, hiểu được khát vọng yêu thương của trẻ thơ thì mới cảm nhận được tình yêu cha của bé Thu nồng nàn đến dường nào. Ông dường như năm rõ và thấu hiểu từng giây phút chuyển biến trong tâm lí trẻ thơ thể hiện qua những hành động và thái độ của bé Thu. Bé Thu có sự so sánh giữa người trong ảnh với người ở ngoài đời khác nhau ở vết sẹo, đó là nguyên nhân nó không nhận ông Sáu là ba. Tâm hồn, trái tim nó ấp ủ một hình ảnh duy nhất và không muốn ai thay thế. Nó chối từ cái dang tay của ông Sáu trong lần hội ngộ đầu tiên khiến ông Sáu bàng hoàng. Nó không gọi tiếng ba bởi vì tiếng ba ấy rất thiêng liêng, chỉ dành cho người ba đích thực. Đối với nó, ông Sáu là ba “giả”, những đau buồn, khổ tâm của ông Sáu không làm nó bận tâm. Không ai có thể tháo gỡ được những vướng mắc thầm kín trong lòng của cô bé. Tại sao phải gọi người đàn ông xa lạ kia là ba? Nó là đứa bé có lập trường, chính tình cảm yêu thương cha mãnh liệt đã khiến cho cô bé rất kiên định, quyết liệt. Và đây cũng chính là cái mầm sâu kín để làm nên tính cách cứng cỏi, ngoan cường của một cô giao liên mưu trí, dũng cảm sau này.

Tưởng chừng như tình cảm cha con không thể nối kết được. Trước lúc ông Sáu đi xa, tình cảm thiêng liêng giữa con với cha bỗng cháy bùng lên.

Khi Thu được nghe bà ngoại giải thích nguyên nhân vết sẹo trên má ông Sáu thì bé Thu hoàn toàn thay đổi thái độ, từ xa lánh nó lại khao khát được gần gũi, từ hờn giận nó chuyển sang yêu kính, tự hào. Cả đêm, bé Thu nằm trằn trọc, thao thức, trở mình qua lại. Rõ ràng, bé Thu không phải thuộc kiểu một người thiếu suy nghĩ, vô tư, hồn nhiên mà trái lại chín chắn như người lớn. Có vẻ như, cô bé đang hối hận về việc đối xử tệ với cha mình trong những ngày qua. Giờ đây, ngoài việc hối hận, có lẽ bé Thu còn cảm thấy tiếc nuối khi nó không gặp cha, không còn được cha quan tâm, chăm sóc. Vết sẹo trên mặt ba nó là vết tích chiến tranh bị Tây bắn, vết thương chắc làm ba nó đau đớn lắm, thái độ lạnh lùng, xa cách của nó trong mấy ngày nay chắc làm ba nó đau lòng lắm. Nó đã gây ra vết sẹo trong trái tim của người cha.Thời gian quá ngắn ngủi, bao yêu thương và sự quan tâm của ông Sáu dành cho Thu từng ngày ấy em không nhận lấy để rồi khi đến thời khắc gần chia tay, cô bé ấy mới thấy quý giá và tiếc nuối vô cùng. Chắc hẳn, sau lời vỗ về và giải thích từ phía ngoại, bé Thu hiểu ra và mong trời mau sáng, để em chạy về nhà mình thật nhanh, để có thể ôm lấy cha lần cuối, để rồi em được gọi tiếng “ba” sau ngần ấy năm qua.

Mạch truyện vẫn cứ chảy trôi, không hề bị gián đoạn mà cứ lần lượt đẩy tâm thế người đọc từ phía hồi hộp này đến hồi hộp khác. Đỉnh điểm của cảm xúc con người vỡ tung khi nhà văn mô tả giây phút bịn rịn, chia tay của ông Sáu với hàng xóm, cảnh chia tay của ông với đứa con gái yêu duy nhất của mình.

Trong buổi chia tay, nó đứng lặng lẽ ở góc nhà hướng về người cha với “đôi mắt không còn ngơ ngác lạ lùng…ánh mắt xa xăm, mông lung” như đang chờ đợi, đang muốn bộc lộ tình cảm dữ dội, mãnh liệt. Gương mặt ngây thơ “sầm lại buồn rầu trông rất dễ thương”, ấy chắc là có biết bao xúc động, ý nghĩ, tình cảm. Khi ông Sáu khoát ba lô lên đường, nói lời từ biệt, tiếng kêu ba của bé Thu vang lên chất chứa sự hối lỗi “Ba… a… a… ba!”, tiếng kêu xé lòng, “xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa” cùng cử chỉ nhảy thót lên, ôm chặt lấy cổ ba, “hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết sẹo dài trên má của ba nó nữa”. Dường như ngay lúc đó, nó muốn cho ba hiểu là nó yêu thương ba biết nhường nào. Bé Thu muốn cho ông Sáu hiểu nó rất thương cha và đó cũng chính là lời xin lỗi muộn màng, sự cảm thông chia sẻ nỗi đau, nỗi tổn thương mà cha nó phải gánh chịu suốt tám năm và cả ba ngày ngắn ngủi vừa qua. Giờ đây, bé Thu yêu luôn cả những gì đáng sợ trên khuôn mặt cha của nó. Đó là biểu hiện tình yêu ruột thịt nồng nàn của đứa con đối với cha, bé Thu muốn chuộc lại lỗi lầm và muốn thỏa tình cảm nhớ thương sau tám năm xa cách.

Và khi nghe ông Sáu hứa hẹn “Ba đi rồi ba về với con” thì cô bé lại hét lên “Không!”, hai tay nó xiết chặt lấy cổ ba nó, rồi nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Những dòng chữ trong câu chuyện đến đây chắn đã làm xốn xang trái tim bao bạn đọc. Mọi người lặng đi, con tim thổn thức, dường như nước mắt không thể doảng ra được mà chỉ có thể chảy ngược vào tim. Thương cho bé Thu trong cảnh ngộ éo le, tình yêu thương cha của bé Thu dường như đã xóa đi vết sẹo trong trái tim của người cha, để lại niềm vui trong hành trang người chiến sĩ khi ông Sáu lên đường. Tình cảm cha con thật thiêng liêng, vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh.

Rời khỏi vòng tay cha với lời nhắn nhủ trong nước mắt về một cây lược làm quà tặng mà nó mong nhận được, nhưng thực chất, con bé chỉ hi vọng một ngày không xa, đất nước được thống nhất, ba nó trở về và gia đình lại được sum họp. Cứ tưởng cái viễn cảnh gia đình hạnh phúc sẽ không còn xa nữa nhưng cả bé Thu lẫn ông Sáu đều không biết rằng đó là lần gặp mặt cuối cùng của cha và con bởi trong chiến tranh không thể nói trước được điều gì.

Tìm hiểu về tác phẩm, ta càng cảm phục và trân trọng trước tình cảm của cha con ông Sáu, càng thấm thía hơn tình phụ tử thiêng liêng, bất diệt trong chiến tranh.Truyện có giá trị mạnh mẽ trong việc tố cáo tội ác của chiến tranh. Nó đã gieo rắc bao đau thương khiến gia đình li tán, con xa cha, chồng xa vợ. Chiến tranh và tội ác chính là kẻ thù của nhân loại. Tình huống truyện được nhà văn xây dựng độc đáo, kịch tính giữa không nhận và nhận ba là cả một quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng thông qua đó, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, vô tư và cả sự ương ngạnh, đáng yêu nhất là tình cha con thắm thiết. Kết hợp với phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm… Tác giả đã khắc họa nhân vật bé Thu là một đứa trẻ điển hình cho biết bao đứa trẻ trong chiến tranh phải trải qua những đau thương, mất mát, phải sống trong những năm dài xa cách người thân. Qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, ta có thể thấy Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý trẻ thơ.

Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một nhân vật thú vị, gần gũi và có những nét tính cách riêng: vừa ngây thơ, vừa giàu tình cảm nhưng cũng kiên quyết mạnh mẽ. Bên cạnh hình ảnh ông Sáu thì hình ảnh bé Thu được tác giả miêu tả sâu sắc và chân thật. Hai nhân vật này song hành cùng nhau làm cho câu chuyện về tình phụ tử thêm đẹp và ý nghĩa. Nhân vật bé Thu đã để lại một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn của bạn đọc. Càng yêu thương bé Thu bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy căm ghét chiến tranh bấy nhiêu. Chúng ta cần biết yêu hơn và trân quý hơn những giây phút bên gia đình, bởi lẽ thời gian lướt trôi vội vã nhưng đời người thì hữu hạn biết bao…