Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà"

 


Tình phụ tử là thứ tình cảm thiêng liêng và máu thịt, là động lực để mỗi người neo đậu tâm hồn mình.Cha luôn làm tất cả vì con, luôn hi sinh thầm lặng để đánh đổi hạnh phúc cho con. Viết về tình phụ tử - đó là đề tài quen thuộc của biết bao nhà văn, nhà thơ. Cùng góp vào đề tài ấy, Nguyễn Quang Sáng thành công với tác phẩm "Chiếc lược ngà". Đến với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sự hi sinh của người cha.Trong truyện, tác giả xây dựng thành công hình tượng ông Sáu: Người cha lúc nào cũng hi sinh vì gia đình, yêu thương con đặc biệt trong thời chiến.

Nguyễn Quang Sáng là cây bút tiêu biểu của mảnh đất Nam Bộ. Với vốn sống, sự gắn bó am hiểu sâu sắc về mảnh đất quê hương nên hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về cuộc sống con người Nam Bộ trong chiến tranh cũng như sau hòa bình. "Chiếc lược ngà" là tác phẩm tiêu biểu của ông.

Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Mặc dù viết về người lính trong chiến tranh nhưng "Chiếc lược ngà" lại không viết về người lính trên mặt trận mà viết về góc thẳm riêng tư của họ - tình cảm gia đình, tình cha con. Ông Sáu là nhân vật chính trong tác phẩm. Trong đoạn trích, nhân vật ông Sáu được đặt vào tình huống bất ngờ, gặp lại con sau tám năm xa cách nhưng con không nhận ông là ba. Đến lúc con nhận ra ba thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Trở lại căn cứ, ông dồn hết tình cảm nhớ thương làm cho con chiếc lược ngà nhưng khi cây lược hoàn thành thì ông lại hi sinh. Đặt nhân vật vào tình huống kịch tính bất ngờ như vậy, tác giả đã làm nổi bật tình yêu thương con thiết tha, sâu nặng của ông Sáu - người chiến sĩ cách mạng.

Vẻ đẹp của nhân vật ông Sáu mà người đọc cảm nhận trước hết là vẻ đẹp của người lính Cách mạng. Kháng chiến bùng nổ, ông Sáu từ giã những gì thân thương nhất: con thơ, vợ trẻ lên đường làm Cách mạng. Khi ông ra đi, bé Thu, con gái đầu lòng, cũng là đứa con gái duy nhất của ông chưa đầy một tuổi. Vậy mà, đằng đẵng suốt những năm kháng chiến, ông không một lần về thăm con, bởi với những người lính “đâu có giặc là ta phải đi”. Họ đã gác tình riêng, vì nghĩa lớn để rồi ngày kháng chiến thắng lợi, ông được nghỉ phép về thăm nhà, thăm con. Trong lợi to lớn của dân tộc, có phần xương máu mà ông Sáu đóng góp.

Cảm động nhất, để lại ấn tượng nhiều nhất cho người đọc trong hình ảnh người cha chiến sĩ ấy chính là tình phụ tử thiêng liêng, sâu đậm –tình yêu thương mà ông Sáu dành cho đứa con gái.

Trong khói lửa chiến tranh, tình yêu của ông Sáu con vẫn rực sáng hơn bao giờ hết. Trong thời kỳ máu lửa căng thẳng của lịch sử, bất kỳ người thanh niên nào cũng không thể ngồi yên nhìn đất nước bị quân giặc giày xéo. Ông Sáu cũng vậy. Tuy lấy vợ chưa được bao lâu nhưng ông đã phải giã từ gia đình lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc. Ông đi lính khi đứa con đầu lòng- bé Thu chưa đầy một tuổi. Ông chiến đấu không chỉ vì đất nước mà còn vì để bảo vệ cuộc sống của những người thân mà ông yêu quý. Những ngày ở chiến khu cứ thế trôi qua trong nỗi nhớ nhà dai dẳng, đau đáu khôn nguôi. Nỗi mong nhớ con da diết mà chưa một lần tận mắt nhìn ngắm, vỗ về con khiến ông nôn nao buồn. Ông chỉ nhìn con qua tấm ảnh vợ mình mang tới, nỗi niềm gặp con, mong được nghe con gọi một tiếng “ ba” luôn thường trực trong lòng ông.Đối với ông, ba ngày nghỉ phép xuất hiện như một phép màu, một cơ hội quý giá để ông được về với gia đình, đặc biệt là về với đứa con mà ông chưa từng được ôm hôn nó lần nào. Về thăm quê, đó là cơ hội hiếm có để ông xoa dịu nỗi niềm nhung nhớ.Giờ đây ông có thể nhìn thấy đứa con mà ông chỉ mới nhìn mặt nó qua mấy tấm ảnh trắng đen. Nghĩ đến giây phút đó thôi bao cảm xúc đã trào dâng. Tác giả là người đồng chí- bác Ba thân thiết của ông nên những dòng cảm xúc, tâm trạng được tái hiện một cách chân thực qua việc quan sát tỉ mỉ.

Thăm nhà, thăm con, biết bao nhớ mong, yêu thương, "cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Niềm vui xốn xang làm ông Sáu khi ông bắt gặp đứa trẻ tầm tám tuổi đang chơi ở nhà chòi. Linh cảm người cha mách bảo, đứa nhỏ đó chính là đứa con bé bỏng. Một loạt động từ liên tiếp cho thấy niềm xúc động mạnh mẽ của ông: “ vội vàng với những bước dài, vừa bước vừa khom người, không ghìm nổi xúc động, chầm chậm bước tới...”. Rồi gọi con, giọng lặp bặp run run, khom người dang tay đón chờ con. Biết bao tình yêu ông đổ dồn trong hai tiếng gọi “Thu! Con” thân thương ấy. Nhưng niềm vui sướng, hồ hởi ấy được đáp lại bằng sự sợ hãi của con bé, nó bỏ chạy. Chi tiết đặc biệt cái thẹo xuất hiện nó “ đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ”, có lẽ điều đó làm bé Thu hoảng sợ mà ông không hay biết. Còn gì đau đớn hơn khi con không nhận ra mình, nỗi đau quặn thắt trong lòng làm ông không khỏi thất vọng: “trông anh thật đáng thương và hai cánh tay buông xuống như gãy”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với lối trần thuật tài hoa khi đẩy mâu thuẫn truyện ngay từ phút đầu hai cha con gặp nhau tạo nên ấn tượng sâu sắc.

Trong những ngày nghỉ phép, ông Sáu chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con, mong được nghe tiếng gọi ba của con bé. Một điều dường như là hiển nhiên đối với những gia đình bình thường khác thì đối với ông Sáu lại là một điều vô cùng khó khăn.Có lẽ ông mong rằng với khoảng thời gian ngắn ngủi có thể bù đắp phần nào những mất mát của nó nhưng bé Thu đâu biết trân trọng điều đó. Ông Sáu dành hết thời gian, tâm tư vào việc đối xử với con để phần nào bù đắp khoảng thời thời gian khi mình không ở cạnh con. Nhưng ông càng vô về con bé càng đẩy ra. Ông càng tìm cách gần gũi nó thì nó càng phản ứng quyết liệt và kiên quyết đẩy ông ra xa. Bé Thu cương quyết không chấp nhận sự quan tâm của ông, không hề lay chuyển tình cảm và càng không đồng ý gọi ông Sáu là ba. Ông càng mong một tiếng “ ba” của con bé thì nó chẳng bao giờ chịu gọi. Dù mẹ nó hay những người xung quanh có nói gì thì con bé cũng nhất quyết không gọi ba. Không biết gọi ông Sáu là gì nên thành ra nó cứ nói trổng như khi kêu ông vào ăn cơm hay khi nhờ ông chắt nước nồi cơm.Ông Sáu không hiểu nổi thái độ của con, nhiều khi buồn quá không khóc ra được nên anh đành cười vậy thôi. Ông không giận mà chỉ thương con. Ông Sáu hiện ra không chỉ thương yêu mà còn bao dung. Bởi lẽ ông hiểu con bé còn nhỏ, và chính ông cũng có lỗi khi không kề bên con trong ngần ấy năm cuộc đời của con nên ông hiểu vì sao con bé lại hành động lại đối xử với ông như người xa lạ.

Đỉnh cao của mối quan hệ này là trong bữa cơm, khi ông Sáu gắp cho bé Thu cái trứng cá vào bát nó, Thu đã hất mạnh cái trứng đi khiến cơm văng tung tóe khắp nơi. Không nén được cơn giận, ông đã vung tay đánh bé Thu. Ông đánh bé Thu không phải là vì ông không thương con nữa mà ẩn sâu cái đánh ấy một sự bất lực của trái tim. Dường như ông càng cố gắng gần con hơn thì ông lại càng xa con hơn. Ông bế tắc trong việc thể hiện tình yêu thương con và không biết làm sao để đứa con hiểu được lòng mình. Và thời gian cũng không còn cho phép ông có thể ở lại chờ nhận đực tiếng gọi ba. Lúc trước đã không, bây giờ thì cơ hội lại càng mong manh hơn. Ông đánh con nhưng ông lại chính là người đau đớn hơn cả.

Nhưng cuối cùng người cha ấy cũng được hưởng niềm hạnh phúc khi được ôm con vào lòng, được nghe tiếng gọi ba. Tiếng gọi ba mà ông hằng tha thiết khao khát được vang lên trong giây phút cuối cùng của cuộc hội ngộ. Ông Sáu lại phải chia tay gia đình trở về kháng chiến. Có lẽ nếu tiếng gọi ấy không vang lên sẽ trở thành nuối tiếc lớn nhất cuộc đời của ông Sáu và cả bé Thu nữa. Bởi lẽ “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, mấy người đi biết có trở về, biết đâu đây là lần gặp cuối. Ông Sáu sẽ mãi hối tiếc vì không được nghe tiếng gọi thân thương thiêng liêng. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười với hai con người này. Cuối cùng mọi chuyện đã vỡ lẽ ra. Thu không nhận ông Sáu vì người cha mà con bé xem hình không có vết sẹo dài trên mặt. Nó không hận không oán trách cha nó khi ông không ở bên cạnh nó trong những ngày tháng thơ bé, nó luôn yêu thương trân quý bức hình của cha nó. Chính vì yêu thương nên nó không thể chấp nhận một người có ngoại hình khác với bức ảnh làm cha. Nhưng khi hiểu ra vết sẹo ấy là do chiến tranh gây ra, đó chính là người cha mà nó hằng mong đợi bấy lâu thì mọi cảm xúc vỡ òa. Bức tường thành kiên cố trong lòng nó cũng sụp đổ, chỉ còn tình yêu thương. Nó cất tiếng gọi ba. Còn ông Sáu cũng hạnh phúc đến rơi nước mắt. Đó không phải là giọt nước mắt tủi hờn mà là giọt nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc vì cuối cùng ông cũng được nghe con gọi cha, hạnh phúc vì cuối cùng ông cũng cảm nhận được tình yêu thương. Tình yêu thương là một sợi dây mong manh vô hình có thể mong manh dễ bị tác động nhưng nó vô cùng bền chặt. Điển hình chính là tình yêu thương của bé Thu và ông Sáu. Càng kiên định bao nhiêu trong việc không nhận ông Sáu làm cha thì lại càng yêu thương bấy nhiêu khi nhận ra cha. Con bé không nỡ rời xa người cha mà nó vừa nhận ra. Ông Sáu cũng vậy, ông cũng muốn ở lại bên cạnh con tận hưởng thêm chút tình yêu thương gia đình mà ông vừa nhận được.

Ba ngày nghỉ phép tuy ngắn ngủi nhưng với tình hình kháng chiến của đất nước hiện tại thì đó là một khoảng thời gian đặc biệt quý giá. Tuy rất yêu thương con nhưng ông cũng phải gác lại tình yêu thương ấy để lên đường hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh với đất nước. . Khoảnh khắc bé Thu gọi cha tuy ngắn ngủi nhưng đã là một động lực to lớn để ông có thể tiếp tục chiến đấu hết mình đất nước.

Tình yêu thương con da diết đến cả phút cuối cuộc đời của ông Sáu. Rời xa con, rời xa gia đình đi chiến đấu nhưng anh luôn hướng về quê nhà về gia đình. Gia đình trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên anh ngày ngày chiến đấu chống ngoại xâm. Những ngày tháng ở chiến khu cũng là lúc tình yêu thương của ông Sáu dành cho con bộc lộ rõ nét nhất.

Khi trở lại căn cứ, ông Sáu mang theo tâm trạng vừa nhớ con vừa ân hận vì đã trót đánh con. Trước khi đi, bé Thu có nói muốn ông tặng cho một chiếc lược ngà. Lời nói vô tư của trẻ con ấy lại khiến ông khắc cốt ghi tâm. Ao ước của con dần dần cũng trở thành ước nguyện của ông. Ông dồn tất cả tình cảm ấy vào việc làm cho con một cây lược - hoàn thành lời hứa buổi lên đường. Khi kiếm được khúc ngà - mặt ông hớn hở như đứa trẻ được quà. Anh lấy vỏ đạn hai mươi li làm thành một cây cưa nhỏ cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, ông cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Hình ảnh ông ngồi khắc chữ lên chiếc lược có lẽ là hình ảnh đẹp nhất của câu chuyện. Không bao lâu, cây lược hoàn thành, ông tỉ mẩn khắc từng nét: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Dòng chữ cô đọng nhưng đã thể hiện sâu sắc tình cảm của ông dành cho bé Thu. Chiếc lược xét về vật chất không đáng giá nhưng xét về tình cảm tinh thần thì nó vô cùng quý giá không gì có thể thay thế được bởi nó được làm từ tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành cho con.

 Nhưng chiến tranh ác nghiệt đã cướp mất mạng sống của ông Sáu, cướp đi cơ hội được gặp lại con lần nữa. Ông Sáu lại hi sinh. Trước lúc hi sinh, "hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được", anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho bác Ba và nhìn một hồi lâu. Chỉ đến khi bác Ba hứa sẽ mang về trao tận tay cho con gái thì ông mới nhắm mắt đi xuôi. Di nguyện trước khi chết của ông Sáu chính là có thể trao chiếc lược ấy đến tay Thu. Đến phút cuối của cuộc đời ông vẫn luôn nhớ vẫn luôn yêu thương bé Thu. Bom đạn giết chết thân xác ông chỉ có tình yêu thương chân thành, cao cả của ông Sáu là bất tử.

Dù ông Sáu có hi sinh nhưng tình yêu ông dành cho bé Thu vẫn vẹn nguyên tuyệt đẹp. Tình cảm ấy cũng chính là động lực cho bé Thu cố gắng hơn và tiếp nối sự nghiệp cách mạng của ông. Tác phẩm không chỉ đề cao tình cảm cha con mà còn lên tiếng phê phán tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã làm cho biết bao gia đình tan vỡ, chia lìa.

Tác phẩm đã khắc họa thành công tình cảm thiêng liêng cao quý của ông Sáu và bé Thu. Việc lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn trần thuật phù hợp với tình huống truyện tự nhiên, kịch tính bất ngờ có tính chất đảo ngược tình thế đã tạo nên hiệu ứng hấp dẫn cho câu chuyện. Câu chuyện qua lời kể của Bác Ba trở nên xúc động hơn, chân thật hơn. Ngôn ngữ kể chuyện mang đậm màu sắc Nam Bộ có sự chắt lọc giản dị nhưng thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Đặc biệt là chi tiết chiếc lược ngà có thể nói là chi tiết đắt nhất của câu chuyện đã chuyển tải thành công vẻ đẹp của tình cha con thiêng liêng cao cả.

Ông Sáu là đại diện tiêu biểu về một người chiến sĩ anh dũng đồng thời còn là một người cha có tình yêu thương con vô bờ bến. "Chiếc lược ngà" là câu chuyện cổ tích thời hiện đại: tác phẩm vừa giúp ta thêm trân trọng tình cảm gia đình vừa khiến ta hiểu sâu sắc hơn về những người lính cách mạng, họ không chỉ dũng cảm, kiên cường mà họ còn giàu tình cảm yêu thương. Ta nhận ra tình cha con thiêng liêng sâu sắc biết nhường nào. Tình phụ tử cũng như những tình cảm gia đình khác đều trở thành mạch nguồn của tình yêu quê hương đất nước. Đó là nơi dựa, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người…