Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta cẩn thận về vấn nạn tin giả

Đại dịch Covid-19 nhắc nhở chúng ta cẩn thận về vấn nạn tin giả

-    Giải thích:

+ Tin giả (fake news) là thông tin không dựa trên sự thật - thông tin giả mạo, do nguồn phát thông tin cố tình ngụy tạo, được thể hiện dưới hình thức tin tức thật.

+ Tin giả dựa trên nội dung ngụy tạo (phóng to, thổi phồng và nhấn mạnh chi tiết không đúng bản chất, cắt chi tiết có thật, thay đổi cấu trúc nội dung làm méo mó nội dung thông tin...) và nội dung bịa đặt (dựng lên những nội dung không có thật, chẳng hạn các tin bịa đặt về việc phun thuốc khử khuẩn trên bầu trời Việt Nam để ngừa Covid-19, tin phong tỏa thành phố...).

- Thực trạng

+ Lực lượng công an các tỉnh, thành đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về virus Corona. Cùng với đó rất nhiều thông tin về số người nhiễm, số người chết vì dịch virus Corona tạo nên luồng thông tin hỗn loạn trên mạng xã hội và tác động ngược tới đời sống thật.

+ Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, 88% lượng thông tin liên quan tới dịch Covid-19 trên mạng xã hội là tin sai lệch.

- Nguyên nhân:

+ Thực tế cho thấy, mục đích của những người tung tin thất thiệt thường là để thỏa mãn tính háo danh. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã đưa tin giả, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó.

+  Một bộ phận không nhỏ người tham gia sử dụng mạng xã hội do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết hoặc vô tình cung cấp thông tin sai lệch, xuyên tạc khi chưa xác minh hay kiểm chứng nguồn tin.

+ Công nghệ số và các nền tảng công nghệ cho truyền thông xã hội phát triển quá nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất và phát tán tin giả, tin nguy hại sử dụng công nghệ và các nền tảng này.

+ Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh.

- Tác hại:

+ Những thông tin sai sự thật mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.

+ Khi xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng là lúc chúng ta dễ thành nạn nhân của tin giả. Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp.

+ Sự sợ hãi và bất an còn trở thành mảnh đất màu mỡ giúp những tư tưởng và định kiến kì thị, phân biệt chủng tộc có cơ hội lan xa. Ví như một du khách Trung Quốc trở về từ bệnh viện đã bị khách sạn đuổi ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt, một ứng xử thiếu tình người nhưng lại được không ít cư dân mạng ủng hộ với lý do “để bảo vệ nhân viên và khách khác không bị nhiễm bệnh”!

+ Tiếp nhận và lan truyền thông tin trên mạng xã hội như một trào lưu mà không  có ý thức và có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự...

- Giải pháp:

+ Cần phải ý thực rõ về quyền - trách nhiệm, hiểu rõ chuẩn mực văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, từ đó điều chỉnh hành vi trên môi trường truyền thông xã hội, trong không gian số.

+ Xây dựng và thực thi chuẩn mực văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức nói riêng và cộng đồng nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn tin giả, tin xấu độc.

+ Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc

* Bài học của bản thân

+ Kiểm tra xuất xứ thông tin, kiểm tra tựa bài có khớp với nội dung, kiểm tra thời gian thông tin, xem xét nguồn tin trong bài, xem xét độ phủ sóng và xem xét chủ quan bản thân.

+ Tìm đọc chỉ dẫn của các chuyên gia nghiên cứu về tin giả có uy tín để tự mình nhận diện tin thật - tin giả,

+ Tỉnh táo trong tiếp cận thông tin để tránh tránh việc vì thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà bị lợi dụng, vô tình tiếp tay lan truyền tin giả.