Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Phân tích bài thơ Viếng lăng bác của Viễn Phương.



Nhà thơ Viễn Phương (1928 – 2005) là một trong rất nhiều tác giả đã có những đóng góp rất quan trọng cho văn học nước nhà và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Bài thơ “Viếng lăng Bác” là một tác phẩm đặc sắc của ông và có sức lan tỏa rộng rãi. Bài thơ được viết để thể hiện tình cảm biết ơn, cảm phục của đồng bào Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng đối với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Trong bài thơ, tác giả đã bộc lộ những cảm xúc rất đỗi chân thực của mình trong chuyến hành trình viếng lăng Bác Hồ. Đó là sự thương nhớ khôn nguôi về Người cha già vĩ đại, cảm xúc khi thấy Bác trong lăng hay những tâm tư khi sắp phải từ biệt Người.
Bài thơ “Viếng lăng Bác” được nhà thơ sáng tác vào năm 1976. Tác phẩm đã ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt bởi vì đó là khoảng thời gian đất nước ta đã hân hoan trong niềm vui sum họp Bắc – Nam một nhà. Ấy thế nhưng, vị lãnh tụ vĩ đại đã đồng hành cùng với biết bao chặng đường gian truân, vất vả của cách mạng Việt Nam lại không thể tận mắt chứng kiến hình ảnh đất nước hòa bình, thống nhất. Chính vì vậy, khi có cơ hội được ra Bắc để viếng lăng Bác vào chính thời điểm công trình lăng Chủ tịch được hoàn thành sau sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, Viễn Phương cũng như biết bao người con của miền đất phương Nam không giấu được niềm xúc động. Với cảm xúc ấy, tác phẩm đã được nhà thơ cho ra đời để ghi lại chuyến hành trình vượt ngàn cây số xa xôi để ra viếng lăng Bác với những nỗi niềm đáng trân trọng.
Những cảm xúc chân thành đã được tác giả thể hiện khi lăng Bác hiện hữu trước mắt:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa đứng thẳng hàng.

Ngay từ dòng thơ đầu tiên, tác giả đã nghẹn ngào thốt lên:
Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác
Câu thơ giản dị như một lời thông báo nhưng lại ẩn chứa bao niềm xúc cảm sâu lắng của người con miền Nam, sau bao năm tháng đợi chờ mòn mỏi nay đã được thoả nguyện ra thăm lăng Bác. Bác Hồ từng nói: “miền Nam trong trái tim tôi”. Bác luôn dành một tình cảm hết sức đặc biệt cho miền Nam. Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của Hồ Chí Minh, có lẽ một trong những mong muốn lớn nhất của Người là được đặt chân đến mảnh đất này nhưng mong muốn ấy đã không thể trở thành hiện thực vì khi miền Nam giành được thắng lợi thì Bác lại khuất xa mãi mãi. Miền Nam cũng dành cho Bác những tình cảm chân thành và kính trọng và vô cùng đau xót khi không có cơ hội được đón Bác đến thăm. Thế nên, trong dịp đến thăm Bác lần này sau cuộc hành trình dài ngàn cây số, những người đại diện cho đồng bào phương Nam đã không thể kìm nén được nỗi xúc động khôn nguôi khi gửi lời chào đến Bác. Tiếng “con” đầu câu thơ vang lên ấm áp, thân thương biết mấy! Bác gần gũi lắm, thân thiết lắm với những con dân đất Việt, như một vị cha già của dân tộc. “Con ở miền Nam” mấy tiếng ấy bao hàm cả nỗi đau và niềm tự hào sâu sắc. Miền Nam của nỗi đau chia cắt, miền Nam đi trước về sau, miền Nam gian khổ và anh hùng, miền Nam thành đồng Tổ quốc vừa chiến thắng kẻ thù hung bạo để về sum họp một nhà với cả nước thân yêu! Mong một lần được nhìn thấy Bác cho thoả nỗi nhớ mong, nhưng thật đau xót, Bác không còn. Vì vậy từ “thăm” tác giả sử dụng thay cho từ “viếng” không chỉ là cách nói giảm nói tránh để vơi bớt cảm giác đau thương, xót xa mà còn là sự khẳng định sức sống bất diệt của Bác Hồ – Người sống mãi trong lòng miền Nam, trái tim Việt Nam.
Những người con của miền Nam ruột thịt đến với Bác với những tình cảm chân thành, tha thiết và Trước mắt họ phía không xa là hàng tre xanh mát trước lăng:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa đứng thẳng hàng.
Thán từ “Ôi” cất lên như dòng cảm xúc ngỡ ngàng trào dâng trong lòng nhà thơ. Những tính từ “bát ngát”, “xanh xanh” gợi sự trải dài ngút ngàn, mướt mát của hàng tre bên lăng Người. Tre xanh vốn là loài cây tượng trưng cho hồn cốt, khí phách và phẩm chất của con người đất Việt. Tre là biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của dân tộc mà và cũng là người bạn gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam. Tre là biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường, cho tấm lòng thẳng ngay kiên trung. Nó đã đi sâu vào tâm thức dân tộc, toả bóng mát rượi bao trùm bao thế hệ người Việt Nam. Đó là bóng tre đằng ngà trong bàn tay Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân bảo vệ bờ cõi đất nước, là lũy tre làng thân quen bao bọc sự bình yên của thôn xóm, là cây tầm vông, là hầm chông giết giặc. Cây tre ấy mang những phẩm chất của con người, Tổ quốc ta: dẻo dai, đoàn kết, bất khuất, kiên cường. Và Bác chính là sự hội tụ tất cả những gì cao đẹp nhất của phẩm cách Việt Nam: là sự sống bát ngát luôn xanh màu, là tâm thế kiên cường “đứng thẳng hàng” chống chọi lại với “bão táp mưa sa”. Quả thật là một sự liên tưởng kì thú! Hàng tre – trong phép ẩn dụ – bỗng trở nên sinh động, gần gũi hơn, tựa như trái tim của biết bao người dân Việt Nam sẽ mãi mãi canh giấc ngủ cho Người trong lòng thành kính vô hạn. Chỉ qua ba dòng thơ mà Viễn Phương đã đem đến cho ta biết bao cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng, như đang cùng trái tim, cùng nhịp đập để đứng trước thềm lăng trong tình cảm sâu sắc, lắng đọng.
Và rồi nỗi niềm thành kính, biết ơn, tự hào càng chân thành, da diết khi nhà thơ nhìn mọi cảnh vật trước lăng trong trái tim nhiệt thành hướng về Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Câu thơ đã mở ra hai hình ảnh trọng thể sóng đôi đầy sáng tạo, khéo léo. Nhà thơ đã lấy hình ảnh mặt trời để nói về Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Câu thơ tạo hiệu ứng thẩm mĩ đặc biệt trước hết bởi sự kết hợp tài tình giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau. Từ hình ảnh thực mặt trời của thiên nhiên, vũ trụ soi sáng và mang lại sự sống cho muôn loài “ngày ngày đi qua trên lăng”, Viễn Phương liên tưởng tới một mặt trời ẩn dụ trong lăng. Bác Hồ là mặt trời. Bác đã mang ánh sáng cách mạng đến cho dân tộc. Bác đã dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Ánh sáng của Người xua tan đêm đen bao phủ dân tộc hàng nghìn năm. Tình yêu bao la từ trái tim ấm áp của Người có sức nóng, lan toả như tia nắng mặt trời.
Nhưng dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, mà cần phải nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: “rất đỏ”. Mặt trời “Ngày ngày đi qua trên lăng” của vũ trụ bao la đâu phải lúc nào cũng giữ được sắc đỏ và nguồn nóng mà sẽ có lúc bị đêm đen bao phủ. Nhưng mặt trời Bác Hồ thì vĩnh cửu, trường tồn, mãi là nguồn sống, là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam, mãi mãi đỏ thắm trong trái tim, tâm hồn mỗi người con đất Việt. Người trở thành bất tử trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Qua biện pháp tu từ đầy tinh tế và điệp từ “ngày ngày” đứng đầu câu Viễn Phương đã bày tỏ lòng thành kính xen lẫn tự hào của mình với vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ý thơ vừa ngậm ngùi lại vừa chan chứa xúc cảm tự hào biết ơn, tôn kính và ngợi ca. Thật đúng là:
Ta bên Người, Người toả sáng bên ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.  (Tố Hữu – Sáng tháng năm)
Với tình cảm to lớn mà Bác dành cho dân tộc, “ngày ngày” mọi người muôn nẻo đã về đây tỏ lòng biết ơn với Người:  
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…
Viễn Phương đã có những suy nghĩ mới mẻ khi ngắm nhìn dòng người vào lăng viếng Bác. Điệp ngữ “ngày ngày” khẳng định thời gian vĩnh cửu, chảy trôi. Nhịp thơ đều đều, chầm chậm, như bước chân đoàn người vào lăng viếng Bác. Dòng người ấy không chỉ đến với lăng bằng thương nhớ thiêng liêng, cao cả, bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Viễn Phương với con mắt quan sát tinh tế của mình, đã ví từng đoàn người nối theo nhau vào lăng viếng Bác tựa như một tràng hoa thơm dâng lên Người. đây là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo của Viễn Phương: cuộc đời của con người đã nở hoa dưới ánh sáng mặt trời của Bác. “Tràng hoa” hay cũng chính là những thành quả của cách mạng được ta dâng lên Bác. Đó là tràng hoa đẹp nhất, với hương thơm ngát kính dâng lên Người dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân”. Hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” mang ý nghĩa tượng trưng được tác giả sử dụng thật độc đáo. Con người vĩ đại ấy đã sống trọn vẹn một cuộc đời đẹp như những mùa xuân thắm tươi và làm nên những mùa xuân bát ngát cho đất nước, cho con người Việt Nam. Bác đã sống một cuộc đời thật đẹp, mỗi năm Người sống là mỗi mùa xuân dâng lên đất nước và dân tộc. Cuộc đời của Bác đẹp như mùa xuân, một cuộc đời đã hi sinh tất cả để đem đến mùa xuân tươi đẹp cho đất nước, cho cách mạng? Và trong trái tim dân tộc Việt Nam, Bác mãi là một mùa xuân đẹp nhất, vĩnh hằng nhất. Điệp từ “ngày ngày” xuất hiện hai lần cho thấy niềm biết ơn vô bờ đối với một tấm lòng vĩ đại như Hồ Chí Minh. Đoạn thơ là tấm lòng thành kính của tác giả đã hóa thành những dòng chữ, dòng thơ lưu giữ lại cho muôn đời, để củng cố, gợi nhắc họ về những công lao to lớn của Bác và khiến ta nảy sinh những tình cảm, cảm xúc thật đẹp!
Và cái giờ phút thiêng liêng mà người con miền Nam sau bao trăn trở, khát khao nay đã đến. Trong nỗi niềm xúc động dâng trào được nhìn thấy Bác, nhà thơ thấy hình ảnh Bác thật thiêng liêng, gần gũi:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
    Giờ đây, đến với Bác, nhà thơ đã cảm nhận được giấc ngủ bình yên, nhẹ nhàng của Người. Nỗ lực của “bảy mươi chín mùa xuân” trong cuộc đời Người đã được đáp đền xứng đáng khi giờ đây núi sông đã liền một dải, Nam Bắc thống nhất, đất nước chan hoà trong tự do, hạnh phúc. Sự bình yên của Bác là sự bình yên của một lãnh tụ suốt đời lo lắng cho dân tộc, đã có thể an lòng trước sự vững vàng của đất nước. Vị Cha già dân tộc nằm đó mà sao tường như đâu đây, cầi tình cảm trìu mến, dịu dàng, thân thuộc vẫn còn khiến trái tim người con miền Nam phải rung động. Từ sự am hiểu về Bác, nhà thơ đã liên tưởng rất thú vị ánh đèn mờ ảo trong lăng chính là ánh sáng dịu hiền của vầng trăng. Bác đã từng rất yêu trăng, coi trăng là một người bạn tri kỉ. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong nhà lao, trên chiến trận, tâm hồn thi sĩ của Bác vẫn mãi hướng về trăng. Nhưng chưa bao giờ Người được thảnh thơi ngắm trăng. Chỉ giờ đây, khi đã “nằm trong giấc ngủ bình yên”, Người mới đến với trăng trọn vẹn tấm tình. Trăng dịu hiền soi sáng hình ảnh Bác. Sự liên tưởng không chỉ dừng lại ở đó, tác giả đã miêu tả đó là “vầng trăng dịu hiền” trong lành chính là Bác. Trăng cũng nằm trong hệ thống hình ảnh vũ trụ được Viễn Phương sử dụng để ví với Bác. Người vừa như mặt trời rực rỡ ấm áp, vĩ đại vừa như vầng trăng dịu hiền, trong sáng, thanh cao. Hình ảnh của Bác có thể sánh với tất cả, những gì vĩnh hằng của thiên nhiên, của vũ trụ. Đến bên Bác, ta có cảm giác như được cái luồng ánh sáng ấy bao bọc, để rồi dần cảm nhận ra tình yêu thương mà Bác đã dành cho dân tộc, rất đỗi nhẹ nhàng, trìu mến mà bao la, tha thiết. Và vầng trăng ấy còn là tình cảm thiết tha sâu nặng của con dân Việt Nam dệt nên để nhẹ nhàng canh giấc ngủ ngàn thu cho Người. Ta nhận ra trong sự so sánh ấy niềm kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác.
    Nhưng tình yêu càng lớn thì niềm đau cũng càng trào dâng mãnh liệt khi phải đối diện với sự thật đau đớn: Bác đã không còn.
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
Nhìn thấy Bác bình yên trong giấc ngủ, tác giả lại không giấu được cảm giác nghẹn ngào. Cái nghẹn ngào có khi trở nên quặn thắt để nhà thơ có thể nghe được cái “nhói ở trong tim”. Câu thơ có sự đối lập giữa lí trí và trái tim, giữa cái vĩnh cửu và cái hữu hạn. Trời xanh kia sẽ mãi trường tồn, và Bác sẽ sống mãi trong trái tim, tâm hồn người dân Việt Nam như màu xanh mãi ngự trị trên bầu trời Tổ quốc. Bác về với tiên tổ, hoá thân thành một phần của thiên nhiên đất nước, vĩnh cửu bất diệt cùng núi sông, biển trời quê hương. Nhà thơ Tố Hữu đã từng khẳng định:Bác sống như trời đất của ta.  Lý trí đã xác định như thế nhưng trái tim thì nhức nhối, nhói đau. Không phải “đau nhói” mà là “nghe nhói”, ta tưởng như nỗi đau chùng xuống, cả không gian trở nên một màu buồn thương, xót xa vô tận. Một từ “nhói” đặt chính giữa câu thơ, như một vết khứa đậm sâu trong trái tim nhà thơ, thể hiện niềm đau quặn thắt – nỗi đau vượt lên trên mọi lí lẽ hằng thường của lí trí. Nơi đây chỉ còn sự ngự trị của trái tim – trái tim thổn thức rung lên những cung bậc yêu kính, tiếc thương chân thành. Tác giả như trách rằng bầu trời trên cao vẫn xanh màu xanh trường tồn thế nhưng người Cha kính yêu lại phải ra đi và lời trách cứ ấy cũng chính là biểu hiện của tình yêu sâu sắc dành cho Người. Câu thơ ngân dài khiến người đọc chúng ta cũng cảm thấy như hoà cùng tâm trạng của tác giả để đau đớn trước sự thật Bác đã đi xa.
   Đến bên Bác để khóc, người con miền Nam đã vô cùng xúc động, xót xa, thương tiếc cứ trào dâng rơi vỡ và trong những lời nguyện ước của nhà thơ trước lúc ra về:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Trong khoảnh khắc từ biệt Người, niềm xúc động của nhà thơ như bật lên thành tiếng khóc nấc nghẹn:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Câu thơ tràn ngập tình yêu, niềm xúc cảm ngân vang và dòng nước mắt nhớ thương. Chỉ một chữ “trào” thôi cũng đủ diễn tả niềm luyến tiếc, bịn rịn mãnh liệt trào dâng trái tim nhà thơ. Nỗi niềm dồn nén bấy lâu nay, nỗi nhớ nhung khắc khoải được ra viếng Bác giờ đã được in đậm trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Bao tình thương, nỗi nhớ giờ lại càng sâu nặng hơn bởi nhà thơ sắp phải xa Bác để trở lại miền Nam yêu dấu.
Khi bật lên tiếng khóc nấc nghẹn, trong lòng nhà thơ chợt hiện lên những ước nguyện muốn bên cạnh Người:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Điệp từ “muốn làm” vang lên ba lần như muốn khẳng định ước muốn, sự chân thành của tác giả, cũng là của hàng triệu con người Việt Nam. Những ước nguyện hoá thân rất đỗi bình dị, khiêm nhường. Nhà thơ chỉ muốn trở thành chú chim bé nhỏ để ngày ngày cất cao tiếng hót trong lành, ngân nga làm rộn ràng không gian lăng Bác, thể hiện tấm lòng chân thành, biết ơn của mình đối với Bác, chỉ muốn là một đoá hoa toả hương thơm ngát ngát hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ, để được ở mãi mãi bên Người, muốn làm cây tre xanh Việt Nam toả bóng mát dịu dàng, trung hiếu giữ mãi giấc ngủ bình yên cho Người.Và một lần nữa, hình ảnh hàng tre trung hiếu lại được nhắc đến trong lời ước nguyện cuối cùng như chính là tấm lòng thành kính, thuỷ chung mà tác giả dành cho Bác, mãi sắt son, mặn nồng. Hình ảnh cây tre khép lại bài thơ thật ý nhị biết bao. Nó láy lại hình ảnh ở đầu bài thơ, tạo nên một khúc ngân… Nó chính là sự lặp lại tuần hoàn và khiến cho bài thơ trở nên chặt chẽ. Hình như thông qua sự khéo léo trong việc xây dựng kết cấu ấy, tác giả muốn khẳng định lại một lần nữa ý nghĩa biểu tượng của loài tre. Khi thể hiện niềm mong muốn hóa thân vào loài cây đó để mãi mãi xanh bên Bác, tác giả cũng cho thấy một niềm tin, sự trung thành của nhân dân Việt Nam vào lí tưởng mà Bác Hồ đã theo đuổi và xây dựng cho cho dân tộc.
Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ hay nhất về Bác. Làm nên sức sống của thi phẩm là hệ thống hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa và đặc biệt là dòng cảm xúc mãnh liệt trào dâng khắp các dòng thơ. Viễn đã cho thấy sự khéo léo của mình trong việc sử dụng thể thơ, từ ngữ, nhịp điệu. Thể thơ tám chữ và sự cân đối hài hòa của bốn khổ thơ trong bài cùng với một giọng thơ từ tốn, chậm rãi, nghiêm trang đã giúp cho nhà thơ thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình. Bài thơ là tiếng lòng không chỉ của Viễn Phương, của người dân miền Nam mà của tất cả những người yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã gợi lên trong lòng người một niềm xúc động lớn lao. Nó sẽ còn ngân vang mãi trong trái tim mỗi chúng ta, như sự vĩnh cửu, trường tồn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương, ta đã cảm nhận được nỗi nhớ thương vô cùng sâu sắc, thiết tha của người con miền Nam lần đầu vào lăng viếng Bác, đã cảm nhận rất rõ niềm thành kính, biết ơn, tự hào, niềm thương tiếc vô hạn của trái tim nhà thơ hay là trái tim của cả dân tộc ta dành cho Bác bởi:
 Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. (Tố Hữu – Sáng tháng năm)
     Chính là điều góp phần làm nên giá trị của bài thơ và khiến cho nó trở thành dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả khi tìm đọc những sáng tác về vị lãnh tụ kính yêu.